(Phunutoday) - Bắt đầu từ những mâu thuẫn gia đình, người vợ giận dỗi bỏ về nhà mẹ đẻ. Cuộc tranh cãi nảy lửa giữa đôi vợ chồng trẻ cuối cùng lại dẫn đến cuộc xô xát, cãi vã nghiêm trọng giữa cả hai gia đình bên nội và bên ngoại. Đơn ly hôn được thảo ra dưới sự cổ vũ quyết liệt của cả hai bên thông gia. Nếu không may mắn được các cán bộ trong ban hòa giải của xã kịp thời giúp đỡ, thì không biết mức độ nghiêm trọng của vụ việc còn đi xa đến đâu.
Qua lời kể của chị Nguyễn Thị Thu Trà- cán bộ văn hóa xã Tiền Phong- Mê Linh- Hà Nội, hành trình hóa giải những mâu thuẫn gia đình,trả lại hạnh phúc cho cặp vợ chồng trẻ hiện lên đầy trắc trở.
Là một cán bộ văn hóa mới vào nghề, hoạt động tại địa phương chưa lâu, nhưng số vụ hòa giải hôn nhân gia đình mà chị Nguyễn Thị Thu Trà- cán bộ hòa giải thôn Tiền Phong- Mê Linh- Hà Nội tham gia đếm không xuể.
Tuy nhiên, những vụ hòa giải bi hài cười ra nước mắt thì quả thực chị chỉ nhớ được vài vụ. Trong đó, vụ gần đây nhất, và cũng là vụ khiến chị cùng các đồng nghiệp hao công tổn sức nhất vẫn là vụ hòa giải cặp vợ chồng trẻ cãi vã dẫn tới xô xát cả hai bên- bên nội và bên ngoại. Từ mối quan hệ thông gia tốt đẹp, họ gần như đã trở thành kẻ thù, mà chỉ thiếu chút nữa, một vụ ly dị đã được thống nhất là giải pháp cuối cùng.
“Cặp vợ chồng trong câu chuyện trên còn khá trẻ, mỗi người tuổi đời mới gần ba mươi tuổi. Hai vợ chồng đều làm công nhân, có một ít ruộng vườn để làm ăn và chăn nuôi thêm thu nhập. Họ quen và yêu nhau trong thời gian cùng đi làm thuê tại một khu công nghiệp. Do cùng cảnh ngộ, cùng làng nên đám cưới của họ diễn ra khá chóng vánh sau đó.”.- chị Trà bắt đầu lời kể của mình.
Một đám cưới vội vàng, một quãng thời gian yêu thương, tìm hiểu chưa đủ “chín” nên sau hôn nhân, hai vợ chồng gặp không ít vấn đề trục trặc. Kinh tế chưa ổn định, họ lại vội vã sinh hạ hai con trai. Những vất vả, khó nhọc trong cuộc sống cứ vì thế mà tăng lên gấp bội.
Giữa những khó khăn ban đầu mà bất cứ cặp vợ chồng trẻ nào cũng phải đối mặt sau khi cưới ấy, thật tiếc là cả hai vợ chồng đều không biết bảo ban, chia sẻ và nhường nhịn nhau. Vậy là, những bữa cơm không lành, canh chẳng ngọt cứ nhiều dần lên. Người vợ thì “ruột để ngoài da”, ăn nói không suy nghĩ chín chắn thường xuyên nặng lời chì chiết, đổ lỗi cho chồng. Người chồng nóng tính, tuy yêu vợ, thương con nhưng cũng rất vũ phu. Hễ có mâu thuẫn là đập phá đồ đạc, hay cao điểm thì đánh vợ.
Hàng xóm láng giềng thường xuyên phàn nàn về chuyện cãi vã của đôi vợ chồng. Con nhỏ, vợ chồng lại không hòa thuận nên không khí gia đình càng căng thẳng. Hai vợ chồng ở riêng nhưng thỉnh thoảng có chuyện, bố mẹ vẫn là người phải đứng ra can thiệp.
“Những chuyện gia đình trẻ cãi nhau như thế chỉ là cơm bữa. Tuy nhiên, điều phiền phức xảy ra khi cô vợ sau một lần khẩu chiến với chồng, tức giận bế con, xách đồ bỏ về nhà mẹ đẻ.”- chị Trà tiếp lời.
Theo như chị nói, sau khi trở về nhà mẹ đẻ, cô vợ nhất quyết không chịu gặp chồng, bỏ mặc anh tìm đến, nói hết nước hết cái, xin lỗi, hối hận.
Ảnh minh họa |
Năn nỉ vợ không được, anh quay sang xin lỗi, “cầu viện” bố mẹ vợ. Tiếc rằng bên nhà vợ không được tâm lý, chẳng những giúp hòa giải, bảo ban hai con về với nhau, lại buông lời mắng mỏ con rể.
“Sau cùng, không hiểu anh chồng cố ý hay vô tình lỡ lời, đã buông ra một câu chửi thề ngay trước mặt mẹ vợ. Chỉ có thế, gia đình bên vợ tức giận, quay sang chửi mắng, nhiếc móc con rể thậm tệ. Vụ cãi vã nhanh chóng to tiếng. Và điều chẳng ai mong đợi xảy ra chính là khi hai bên không giữ được bình tĩnh, ngay cả anh em, bố mẹ bên chồng cũng hùng hổ kéo sang nhà thông gia để “nói chuyện ra ngô ra khoai”- chị Trà thuật lại.
Vụ việc thành ra to chuyện khi hai gia đình mâu thuẫn gay gắt, đã động tới nắm đấm và gậy gộc, lại không tiếc lời “đổ lỗi, vạch tội” nhau. Cuối cùng, tuy không ai sứt đầu mẻ tai, nhưng mối “thâm giao” trước đó bỗng thành ra thâm thù.
“Cả làng, cả thôn ai cũng biết chuyện, ai cũng bàn ra tán vào. Tệ hại nhất là hai ông bà thông gia, sau lần cãi nhau to ấy thành ra thù ghét lẫn nhau, thù ghét con dâu, con rể. Câu chuyện vợ chồng trẻ cuối cùng lại thành vụ “hỗn chiến” giữa hai nhà, ai cũng thấy ngán ngẩm. Khỏi phải nói, hai gia đình đều phải đối mặt với những lời đàm tiếu, những nối xấu hổ với bà con lối xóm như thế nào”- chị Trà chia sẻ.
Vụ việc thoạt nghe vừa bi, vừa hài, nhưng càng ngẫm càng thấy thương đôi vợ chồng trẻ. Nếu họ biết kiềm chế một chút, sẻ chia một chút và đừng vì “nóng giận” mất khôn thì mọi chuyện có lẽ đã được kiểm soát chứ không nên nỗi đó.
Về phần đôi vợ chồng, sau vụ cãi nhau to ấy, hi vọng hàn gắn giữa hai người dường như đã hoàn toàn tan nát bởi cả bố mẹ chồng và bố mẹ vợ đều khăng khăng bắt hai con phải li hôn.
“Họ còn lớn tiếng khẳng định, cấm cửa loại con dâu, con rể như vậy… Không dâu, không rể thì chớ, cái tự ái của người quê vốn đã cao như thế. Bên gia đình nào cũng muốn con mình mạnh tay xin ly hôn và đòi quyền nuôi các cháu.
Gian nan hòa giải hai đại gia đình
“Ở quê, bố mẹ mà đã can thiệp vào chuyện vợ chồng trẻ là rất to chuyện. Nhất là khi sự việc đã đi tới mức xúc xiểm, chửi bới và dùng đến tay chân như vậy. Sau vụ đó ít lâu, chúng tôi nhận được đơn ly hôn do người chồng đưa lên. Lúc này, ban hòa giải của xã buộc phải vào cuộc, nhằm hòa giải hạnh phúc cho gia đình họ”- chị Trà kể.
Là cán bộ trẻ, chị được phân công tiếp xúc với cả vợ và chồng. Nhận đơn ly hôn, nắm được một số yếu tố chính của vụ việc, chị tìm cách trò chuyện thân tình với cả hai người.
Qua người chồng, chị hiểu rằng anh phải chịu áp lực rất lớn từ gia đình.
“Anh chồng tính tình thật thà, nhưng cũng cảm thấy mình bị vợ và gia đình vợ xúc phạm nặng nề. Chuyện làm đơn ly hôn cũng một phần là do anh cương quyết. Lúc tôi hỏi chuyện, anh buồn lắm, bảo, vợ chồng đầu ấp tay gối một ngày cũng nên nghĩa, không phải nói bỏ là bỏ ngay được. Nhất là còn các con… Thế nhưng đặt vào hoàn cảnh của anh, bị gia đình vợ coi thường như thế, còn mặt mũi nào để nhìn nhau, còn mặt mũi nào để chung sống? Hơn nữa, anh thật lòng khó tha thứ cho người vợ thiếu suy nghĩ, không chịu sẻ chia và thông cảm cho chồng.”
Trong câu chuyện với người chồng, chị Trà lấy vị trí của một người bạn để động viên, an ủi anh. Để anh bớt phần mặc cảm và tổn thương, chị giải thích, một phần cũng là do lời nói hỗn của anh đã khiến nhà vợ bị kích động. Hơn nữa, người vợ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên chưa biết ứng xử cho phải lối.
“Để làm anh tin cậy, tôi cũng phải tốn khá nhiều thời gian lắng nghe anh chia sẻ về những vất vả, khó khăn trogn cuộc sống. Thực tế, gánh nặng tiền bạc, con cái và hạn chế trong suy nghĩ của anh đã khiến anh càng chán nản, mất niềm tin vào hôn nhân và cuộc sống. Thế nhưng càng nói chuyện tôi càng hiểu rằng, chuyện ly dị lúc này anh làm “mạnh tay” một phần cũng do bố mẹ ruột thúc em, anh em trong gia đình dồn dập yêu cầu.”- chị Trà kể.
Sau chuyện cãi vã, không còn một thành viên nào trong họ, trong gia đình anh chịu thông cảm, tha thứ cho con dâu. Thậm chí, người mẹ chồng còn quyết liệt nói, sẽ “từ” mặt con nếu không dạy cho đứa con dâu “lăng loan” kia một bài học.
Về phần người vợ, cô không thể ngờ rằng mâu thuẫn vợ chồng mình lại bị đẩy đi xa đến thế. Lúc tận mắt chứng kiến hai bên gia đình chửi bới, đánh nhau, cô sợ hãi đến cứng người, không dám ở đấy lâu mà phải bỏ đến nhà một người bạn gái tránh mặt. Sau đó cô còn bị bố mẹ cũng mắng mỏ không tiếc lời. Nhìn thấy diễn biến sự việc, cô đã ngay lập tức thấy hối hận, nhận ra cái sai của mình. Tiếp xúc với cán bộ hòa giải, cô nước mắt lưng tròng, tỏ ra vô cùng ân hận, chỉ mong được giúp đỡ để gia đình không phải tan đàn xẻ nghé.
Chị Trà tiếp tục câu chuyện: “Là phụ nữ, tôi rất hiểu, ban đầu người vợ giận dỗi cũng chỉ muốn “dọa” cho anh chồng sợ. Nếu như ngày hôm đó cô ấy không làm cao, hai bố mẹ cô không to tiếng, anh không quá lời thì mọi chuyện đã không bi đát như vậy. Người ta có câu, đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu là thế. Dù có giận chồng như thế nào, thì nỗi lòng người vợ, người làm mẹ cũng đâu dễ dàng muốn đường ai nấy đi. Huống gì, họ còn trẻ, còn hai đứa con thơ dại. Khổ nỗi, bố mẹ cô cũng khăng khăng bắt con gái phải ly dị. Họ lấy lý do, không thể bị rể đến tận nhà chửi bới, bôi tro trát trấu vào mặt như thế.”
Sau những câu chuyện dài, chị Trà hiểu rằng, tuy tình huống hòa giải này có phức tạp thật, nhưng chìa khóa lại nằm ở mối quan hệ đang căng thẳng giữa các bên…bố mẹ. Vì dựa vào cách họ nói chuyện, chia sẻ, có thể thấy, hai vợ chồng vẫn còn dành nhiều tình cảm cho nhau lắm.
Bằng khả năng thuyết phục, chị đã ra sức khuyên nhủ người vợ hãy là người “xuống nước” trước, khi ra mặt xin lỗi, trình bày với bố mẹ đẻ mình, rồi với chồng và bố mẹ chồng. Chỉ có nhờ sự tha thứ của các bên bố mẹ thì may ra hạnh phúc của họ mới được vun đắp trở lại.
Sau nhiều lần khổ công đến nhà từng người, chị cũng đã giúp cho tình hình dịu lại. Những buổi nói chuyện với bên bố mẹ người vợ xuôi dần, dịu dần, bên chồng cũng chịu lắng nghe và không còn “lên gân” nữa. Điều may mắn nhất là nhờ có hai đứa trẻ ngoan ngoãn, xinh xắn, người vợ đã “chinh phục lại” được những bậc phụ huynh của mình.
Cuối cùng, theo trình tự hòa giải của xã, chúng tôi mời hai bên gia đình lên trụ sở xã để được hòa giải. Nhờ sự chuẩn bị từ trước nên buổi nói chuyện diễn ra khá dễ chịu.
Bậc làm cha, làm mẹ sau khi nhận lời xin lỗi của các con, cũng hiểu rằng, các con của họ không thực lòng muốn chia rời nhau. Các cháu của họ cần có cả cha và mẹ để được nuôi dạy tốt nhất.
Sau lời xin lỗi chân thành của cô vợ trẻ, các bậc phụ huynh cũng gạt được nỗi bối rối ban đầu để nói lời xí xóa. Vụ hòa giải thành công hơn cả mong đợi, vì sau đó, đôi vợ chồng trẻ dường như đã biết thương yêu nhau hơn, biết bảo ban nhau và chí thú làm ăn, cạch hẳn những vụ cãi vã, xô xát.
“Vấn đề nào cũng có cách giải quyết, chỉ cần chúng ta thực tâm muốn tìm giải pháp mà thôi. Nhưng câu chuyện khó quên về vụ hòa giải hi hữu đó luôn là câu chuyện khiến tôi ghi nhớ, về cách ứng xử trong gia đình giữa những cặp vợ chồng trẻ. Hạnh phúc có thể vì sự nóng giận của chúng ta mà bị hủy hoại bất cứ lúc nào!”- chị Trà kết luận.
Quỳnh Anh