Bi kịch “chồng già phát điên vì vợ trẻ”

06:37, Thứ tư 07/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Nghe đâu, cũng vì không chịu được áp lực của một người lấy được vợ trẻ, ông rước bệnh vào người vì suy nghĩ quá nhiều. Nghĩ nhiều tới mức mái đầu bạc trắng, nếp nhăn chồng chéo lên mặt, cơ thể suy nhược trầm trọng và kết thúc là trạng thái nửa điên, nửa tỉnh của một người mắc chứng tâm thần.

(Phunutoday) - Mắc cạn trong cuộc sống hiện tại đẩy Quân vào trạng thái điên rồ. Càng điên rồ hơn khi vợ ông – người phụ nữ có tâm hồn nghệ sĩ đã hăm hở bước vào cuộc sống khác tràn trề cảm xúc khi hai người không có bất cứ ràng buộc nào về mặt luật pháp.

Thói quen gặm móng tay ăn sâu vào máu đến mức mười đầu ngón mòn vẹt, cụt lủn, nham nhở những vết răng lợm cợm, người đàn ông có mái tóc bạc trắng ngồi thu lu một góc “say mê” với công việc “cắn móng tay” quen thuộc của mình. Đôi mắt hoang dại, nửa sợ hãi, rụt rè, nửa vô hồn, lấp liếm sau cặp lông mi lốm đốm. 

Ảnh minh họa

Nụ cười ngu ngơ không chủ đích để lộ hàm răng đen xỉn, ngai ngái mùi thuốc lá. Ông tên Quân, vừa bước vào tuổi 60, nhà ở tận Nam Định, mới sáp nhập vào “xóm điên” này chưa được bao lâu. Mái tóc bạc trắng khiến người ta lầm tưởng ông già hơn so với tuổi 60 của mình và hình như nó “lạc điệu” so với cuộc sống hiện đại với ti tỉ loại thuốc nhuộm tóc có khả năng “cải lão hoàn đồng” ở mức độ tương đối, hoặc chí ít cũng che giấu đi phần nào tuổi tác. Ông phô ra tất cả sự già nua, run sợ, lẩm cẩm. 

Những ngày đầu ông mới vào Trung tâm, mỗi bận chủ nhật vợ ông lại ghé qua thăm, lỉnh kỉnh xách theo đủ thứ quà cáp. Nào vỉ sữa “Cô gái Hà Lan”, nào gói bánh cốm ông hằng yêu thích, rồi đủ loại bánh trái, tư trang, vật dụng cần thiết ông thường sử dụng. Thói quen ấy đều đặn bất chấp cả những ngày mưa gió bão bùng hay nắng như đổ lửa. Và lần nào rời khỏi Trung tâm cũng thấy bà mắt đỏ hoe, len lén lau những giọt nước mắt. Gọi là “bà” cho đúng vai vế với ông thôi, chứ thực ra “bà” còn trẻ lắm, mới 40 tuổi.

Nghe đâu, cũng vì không chịu được áp lực của một người lấy được vợ trẻ, ông rước bệnh vào người vì suy nghĩ quá nhiều. Nghĩ nhiều tới mức mái đầu bạc trắng, nếp nhăn chồng chéo lên mặt, cơ thể suy nhược trầm trọng và kết thúc là trạng thái nửa điên, nửa tỉnh của một người mắc chứng tâm thần. 

Ảnh minh họa

Vợ ông kém ông tròn trặn 20 tuổi. Bà mới 40 – cái tuổi mặn mà nhất, đàn bà nhất, hừng hực nhất, thì ông cũng vừa đáp bến 60 – nơi tuổi già bắt đầu gõ cửa. Bản thân ông là một giáo viên dạy lịch sử về hưu, ngày xưa từng nức tiếng một thời đào hoa, lắm cô gái si mê xin chết bởi sự dịu dàng, hiền lành và tốt tính. Chẳng hiểu duyên số xô đẩy thế nào, cuối cùng ông chọn một người phụ nữ kém mình đúng 20 tuổi, xinh đẹp, làm trong lĩnh vực hội họa, cá tính mạnh. 

Ai cũng bảo vì tính tình hai người quá khác nhau, nên bù trừ cho nhau là vừa xinh. Bạn bè trêu chọc ông hoài, bảo ông tốt số, kiếm được người vợ trẻ trung phơi phới. Quả đúng chẳng sai, “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Sánh bước bên vợ đẹp, ông cũng cảm thấy hãnh diện, thơm lây.

Nhưng có một điều ông phải đau đớn thừa nhận, “mỗi tuổi mỗi đuổi xuân đi”. Nàng ngày càng tròn đầy, xuân sắc, mặn mà thì ông càng “tịnh tiến” tới chữ “già” thêm nữa. Có một điều ông không dám nói với ai, vì nó động chạm tới lòng tự trọng to đùng của ông, động chạm tới sĩ diện của thằng đàn ông ngự trị trong ông. Hai mươi năm sống cuộc sống chồng vợ với Kiều Phương – vợ ông, ông tự mình đày đọa mình trong bộn bề suy nghĩ và hoài nghi. Bởi vợ ông quá đẹp, quá thu hút.

Ông từng chứng kiến ánh nhìn thèm khát của những gã đàn ông trong buổi triển lãm tranh mà ông và nàng cùng tới. Đôi mắt xoáy sâu, chòng chọc tưởng như ăn tươi nuốt sống bộ ngực căng đầy của nàng lấp ló sau chiếc váy xẻ ngực sâu hun hút. Nàng trao cho họ nụ cười dịu dàng, e ấp chúm chím như bông hoa ngào ngạt tỏa hương, nào để ý người chồng nàng đang khoác tay mặt sa mày sẩm tức tối và …ghen lồng ghen lộn.

Ông tự nhủ, nàng đã thuộc quyền sở hữu của mình, là một phần của cuộc đời mình, còn những kẻ ngoài kia mãi mãi chỉ có thể thèm khát nàng. Tự ru bản thân nhưng ông không thể xóa bỏ ý nghĩ ghen tuông, ngờ vực. Vì nàng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, mà tâm hồn nghệ sĩ thì ôi thôi là bay bổng. Tâm hồn nàng luôn phiêu du ở một miền nào đó có đôi khi ông không hiểu được. Thứ hạnh phúc trong tay quá ư tinh tế, đến độ ông nắn nót, khẽ khàng cầm nắm nó trong một nỗi sợ hãi mơ hồ về một ngày hạnh phúc tuột khỏi tầm tay.

Ông bắt đầu cấm đoán Kiều Phương tới những cuộc triển lãm hội họa do bạn cô tổ chức. Và có chăng nhận được cái gật đầu chấp thuận của ông thì phải thêm cửa ải “duyệt trang phục” trước khi bước chân ra khỏi cửa. Ông không cho vợ phô những nét đẹp căng tròn phụ nữ, ông bắt Phương mặc những bộ già nua so với tuổi, kín đáo tới mức lập dị. Là người phụ nữ cá tính, Phương không chấp nhận điều đó.

Cô không chấp nhận sự kiềm tỏa của chồng, không đồng ý ông can thiệp quá thô bạo vào đời sống nghệ thuật tự do của cô. Cô vẫn khoác trên mình những bộ váy xúng xính cô yêu mến, đeo những chiếc vòng lấp lánh cô hằng yêu quý. Và đối với ông, đó là một sự sỉ nhục ghê gớm. Ông chất vấn vợ, rằng chỉ có đi hẹn hò người tình mới cần chỉn chu trang phục đến thế.

Dù cô có giải thích đủ đường cho chồng hiểu, nhưng ông không muốn hiểu. Suốt thời gian dự tiệc, cô nhận được những cuộc điện thoại quát tháo sực mùi ghen tuông của chồng. Ông viện đủ lý do bắt vợ về nhà sớm, nhưng chung quy lại cũng chỉ vì sợ ánh nhìn soi mói của những gã đàn ông đa tình có thể hạ gục vợ mình.

Trở về nhà sau buổi triển lãm, Kiều Phương bàng hoàng thấy toàn bộ số váy áo của mình bị chồng thiêu rụi. Ông vẫn thản nhiên ngồi đọc báo, thủng thẳng bảo: “Mai anh dẫn em đi mua sắm bộ đồ khác”. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là lần ông bắt gặp một người bạn đồng nghiệp chở vợ về nhà vào lúc đêm hôm. Mặc vợ giải thích người bạn ấy cho cô “quá giang” một đoạn vì tiện đường về nhà anh ta, ông cứ một mực khẳng định bị vợ “cắm sừng”.

Ông lồng lộn tới tìm người bạn của vợ, quại anh ta một trận nhừ tử trong sự bất ngờ của anh bạn bất hạnh và bàng hoàng của bà xã. Cãi vã nổ ra, Phương trách cách cư xử thiếu suy nghĩ của chồng, ông Quân vằn mắt mắng vợ “bênh tình nhân”. Cuộc sống đày đọa nhau bắt đầu, đánh dấu cho sự rạn nứt không có cơ hội hàn gắn của cặp vợ chồng chênh lệch tuổi tác.

Sau những cãi vã nhưng bất lực vẫn hoàn bất lực, Quân tìm tới những cuộc nhậu say xỉn, những canh bài thâu đêm. Sự mất thăng bằng trong tâm hồn và sự hành hạ thể xác của những cuộc nhậu bất tận đã biến ông trở thành một người mắc chứng hoang tưởng nặng. Ông đã phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai một thời gian khá dài với bệnh án xơ gan, vỏ não bị tổn thương và 2/3 dạ dày bị loét nặng.

Trong suốt khoảng thời gian ông nằm viện, vợ ông vẫn tận tình chăm sóc và hết sức giúp ông trở lại cuộc sống của một người bình thường. Nhưng cuộc sống chẳng được yên ổn bao lâu, nỗi ngờ vực, hoài nghi trong ông lại tái phát. Trong thâm tâm của một kẻ đa nghi, ông “mặc định” cho vợ cái án ngoại tình, thậm chí “chúng âm mưu giết tôi để về chung sống với nhau”. Ít ai ngờ, người quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân ngột ngạt, mệt mỏi đầy hoài nghi này là Quân.

Ông đã viết đơn ly hôn và đề nghị Phương kí vào trong trạng thái của một người mất hết bình tĩnh, rồ dại và cay đắng. Mắc cạn trong cuộc sống hiện tại đẩy Quân vào trạng thái điên loạn, càng điên loạn hơn khi vợ ông – người đàn bà nghệ sĩ đã hăm hở bước vào cuộc sống khác tràn trề cảm xúc dù hai người không có bất cứ ràng buộc nào về mặt luật pháp.

Ông nhập “xóm người điên”, còn “bà” có một cuộc đời khác. “Bà” vẫn thường cùng chồng ghé tới thăm ông. Lần nào chồng mới của “bà” cũng chỉ đứng ngoài cổng, tránh giáp mặt với “chồng cũ” của vợ, tránh cho ông Quân sự kích động không đáng có. Còn “bà”, dáng liêu xiêu trở về với đôi mắt hoe đỏ và nỗi buồn rười rượi.

  • Lý Tố
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc