Bi kịch đau đớn của người cha bị con cái bỏ rơi

08:15, Thứ năm 21/04/2011

( PHUNUTODAY ) - Người cha già hơn 60 tuổi ấy, bị con cháu bỏ lại trên chiếc cáng gỗ ngay trước cổng Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh B.N.


Người cha bất hạnh

Giờ đây, những người già trong trung tâm bảo trợ xã hội vẫn chưa thể quên được câu chuyện đẫm nước mắt ấy của ông Nguyễn Văn Dinh (quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc). “Có hỏi gì về ông Dinh thì phải tìm đến bà Thư, vì bà ấy là người đã giúp đỡ ông ấy nhiều nhất khi còn sống và cũng hiểu chuyện của ông Dinh hơn ai hết”. Hơn 40 năm gắn bó với nơi đây, cũng từng được chứng kiến nhiều cảnh đời éo le, đáng buồn của những người bạn già đồng cảnh ngộ. Nhưng câu chuyện của ông Dinh luôn luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với bà Thư.

“Mấy chục người vào trung tâm này cũng chẳng ai lại bị con cháu đưa lên rồi bỏ lại ở ngay ngoài cổng trại như ông ấy cả. Cái khổ cứ đeo bám cả đời ông ấy. Nhắm mắt rồi mà nào có được xuôi…” – Bà Thư chậm rãi bắt đầu kể về lắm nỗi tréo ngoe cùng biết bao đau đớn trong lòng, đã dày vò ông Dinh trong suốt 10 năm ở trại phong.

Bà còn nhớ như in cái ngày đầu tiên ông Dinh lên tới trung tâm, một buổi chiều đầy nước mắt: “Hôm ấy, tôi cùng với mấy người nữa đang ngồi trong phòng của ông bà Sâm, nhà gần cổng trại nhất, thấy có hai người khiêng một ông cụ trên một tấm ván mỏng. Thấy khiêng đến cổng trại thôi, rồi đặt ở đó chạy hớt hải ra về. Ông ấy nằm ở cáng thì cứ với với tay ra, nhưng hai người kia cứ đi thẳng chẳng ai thèm quay lại cả. Chúng tôi liền đi ra xem thế nào, thì thấy một ông lão đang ngồi trên cáng đó, cứ nhìn vào đôi chân đã gần như cứng đờ ra rồi khóc. Ông ngước nhìn chúng tôi và hỏi không biết trong đây còn chỗ nào cho thân già này không”.

Trung tâm tuy còn nhiều khó khăn, nhưng không nỡ bỏ rơi bất cứ người bệnh nào cả, các bác sĩ, y tá đều đồng ý để ông ấy ở lại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo như lời bà Thư, lúc ông Dinh mới lên đây, đôi chân của ông cũng bị cả bệnh đa khớp, nó tê liệt luôn, không đi lại được, nên hai người kia phải dùng cáng để khiêng ông lên cổng trung tâm này. Bệnh phong của ông Hinh khi ấy, cũng chưa thể “ăn mòn” được nhiều thân thể. “Những ngày đầu mới lên, ông ấy cũng chẳng trò truyện, nói gì với ai. Thấy chân ông ấy đau, không đi lại được thì tôi với mấy bà ở đây thay phiên sang cơm nước giúp ông ấy. Có hôm cả ngày chẳng nói  một lời nào, cứ lẳng lặng thế”. Bà Thư cứ chậc lưỡi hoài khi kể về ông Dinh, vì bà hiểu rằng trong thâm tâm, ông Dinh mặc cảm với những người bạn hàng xóm này vì ngày đầu tiên ông lên trại phong đã bị con cái vô tâm bỏ lại.

“Vợ ông ấy đã mất ngay sau đám cưới của cậu con trai út. Có những bốn đứa con trai, vậy mà chẳng đứa nào nhận nuôi bố lúc ốm đau bệnh tật, cũng không đứa nào khấm khá được. Đứa thì chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng ở nhà, đứa thì đi làm thuê, ăn đong từng bữa. Đã thế lại dính vào cờ bạc, rượu chè. Nên nghèo vẫn hoàn nghèo vậy thôi” – Bà Thư buông từng tiếng thở dài theo lời kể về gia cảnh của ông Dinh. “Rồi cứ rượu vào thì chúng lại không coi ông ấy ra gì, cứ mắng chửi xơi xơi suốt ngày”. Bà Thư thêm vào: “Cũng bởi ông ấy bị tê hoàn toàn cả 2 chân, không đi lại làm được gì, nên chúng thấy thế lại càng chướng mắt. Ông ấy từng nói với tôi, chúng nó bảo không sống được trong sự đàm tiếu, dèm pha của thiên hạ nói nhà có người bị hủi”.

Ông Hinh không may bị bệnh phong khi đã gần đến cái tuổi 60. “Nhà đã khó khăn, giờ lại phải nuôi thêm cả một ông cụ bị phong nữa, thì người ta cũng sợ phát khiếp. Đến lúc cần tiền thì biết vay ai được. Rồi chúng nó bàn tính đưa ông ấy lên trại phong là hết trách nhiệm” – Bà Thư nói về những điều mà trước đây khi ông Dinh còn sống đã tâm sự với bà.

Từng câu nói như cào xé vào tận tâm can nỗi lòng những người làm cha, làm mẹ. Bà Thư cũng bảo: “Chẳng dễ mà để ông ấy nói ra được những điều ấy đâu. Tôi thấy ông ấy cứ lủi thủi một mình, lại thêm cái chân phải đi lại bằng  nạng rất khó khăn, nên cũng hay sang giúp và ngồi nói chuyện cho ông ấy nguôi ngoai đi một chút. Gặng hỏi bao nhiêu lần ông ấy mới nói, chẳng biết có nhẹ lòng hơn không, nhưng ít ra hàng xóm thì cũng hiểu chuyện nhau mà còn biết nói gì vào lúc nào để an ủi. Sống ở nơi này mà không có cái tình đó thì chẳng ở được mấy năm cũng đến lúc cùng quẫn thôi”.

Ra đi trong khổ đau

So với những bệnh nhân đã gắn bó từ 30 đến 40 năm, thậm chí là lâu hơn thế, thì quãng thời gian 10 năm của ông Dinh tuy chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ để bà Thư có thể hiểu được nhiều nỗi khổ tâm, day dứt trong sâu thẳm cõi lòng ông, mà người khác không dễ dàng nhận ra được.

Bà Thư nhắc đến điều mà mọi người vẫn thường nói về  ông Dinh: “Ông ấy ít nói lắm, cũng chẳng mấy khi thấy cười. Dù sao cũng bị cái bệnh này rồi, có chuyện gì thì cũng cứ vui vẻ lên mà sống những ngày cuối đời cho thanh thản”. Nhưng bà Thư lại khẳng định rằng: “Ông ấy vốn không như mọi người nghĩ, mà có nỗi khổ tâm riêng, không muốn để cho ai biết. Bao năm ở đây như thế rồi mà ông ấy vẫn không quên được sự mặc cảm với người khác về hoàn cảnh của mình, bị con cháu bỏ rơi lúc bệnh tật, đau ốm. Là người cha, là máu ruột đấy mà chúng cũng không thèm nán lại để ít ra cũng có được cái lời với người quản lý để ông ấy có thể yên tâm mà sống”.

Nỗi ám ảnh về những đứa con là những nỗi đau quá lớn đối với ông Dinh. Ông luôn coi đó là sự hổ thẹn lớn nhất của lòng mình, vì thế, chẳng dám hay chuyện hoặc thân thiết với những người bạn già cùng cảnh ngộ trong trại phong này.

Bà Thư cũng kể thêm: “Lúc lên đây, bệnh tình của ông ấy cũng chưa nặng lắm, tay chân vẫn khá lành lặn, chưa bị “ăn mòn” đi nhiều như những người khác. Dạo mấy năm gần đây thì ngón tay và ngón chân mới bắt đầu cứ bị cụt dần đi. Đáng lí ra vẫn có thể sống lâu hơn, nhưng tâm hồn ông ấy hay cả nghĩ, tâm sống không yên thì cũng chẳng vui vẻ gì”.

Dù không nói ra, nhưng bà Thư cũng hiểu rằng trong 10 năm đằng đẵng ấy, ông Dinh lúc nào cũng mong mỏi có ngày các con ông sẽ hiểu ra và trở lại nơi này thăm nom, xem ông ăn ở và sống ra sao. “Thỉnh thoảng ông ấy vẫn hay nhắc chuyện nhà, rồi nhắc những đứa con. Tôi chỉ biết ngồi nghe. Khi hiểu ra, mình đã nói những điều không nên nói thì ông ấy lại ngập ngừng quay đi lau nước mắt, cố ý không để tôi nhìn thấy” – bà Thư cũng chẳng thấy vui vẻ gì khi thấy người bạn già ấy cứ ngày ngày phải sống trong sự dằn vặt và những hồi ức về quá khứ như vậy.

Bà Thư nhớ lại những câu nói đến đắng ruột của ông Hinh từng nói với bà: “Ngày giỗ bà nhà tôi, ngày Tết nhất cũng chẳng mong gì hơn là được về thắp nén nhang, rồi nhìn thấy các con, các cháu đều khỏe mạnh, mà nghe chừng khó quá. Chắc tôi sẽ không bao giờ còn trở lại quê hương, nơi mình đã sinh ra và lớn lên như vậy được nữa. Sinh ra mấy thằng con không ra gì, phải chấp nhận thôi, chúng nó có coi mình ra gì đâu mà mong được quan tâm hay chăm sóc”.

Đó vẫn là nỗi oan nghiệt mà ông Dinh luôn cất giấu trong lòng, cuộc sống bình lặng và yên tĩnh ở nơi đây chưa một lần mang lại cho ông cái cảm giác thư thái trong lòng. Nói rồi, bà Thư tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về sự ra đi đầy tủi cực mà ông Dinh đã tự tìm cho mình: “Trước ngày ông ấy mất, tôi cũng đã thấy có gì đó không ổn. Bình thường ông ấy có mấy khi sang các nhà bên cạnh để uống nước, nói chuyện đâu. Mà hôm ấy lại đi sang hết mọi nhà cùng dãy. Chúng tôi cứ mừng thầm, biết đâu, ông ấy đã nghĩ thông rồi thay đổi tính nết, nghĩ sẽ cố sống những ngày an phận, vui vẻ tuổi già ở đây. Ai ngờ, sáng hôm sau, thấy ông ấy dậy muộn hơn mọi lần. Tôi thấy lạ, gọi cửa mãi mà không mở, sau phải đi nhờ mấy anh ở bệnh xá sang phá cửa giúp.

Và chúng tôi đã sang muộn, ông ấy nằm bất động trên giường, tay còn giữ nguyên mảnh vải dài ở trên cổ. Tất cả mọi người đều xót xa lắm, dù có chuyện gì cũng phải quý cái mạng sống của mình. Con cháu vô đức là thế, nhưng ông ấy vẫn còn chúng tôi ở đây, có thể tâm sự và hiểu được nỗi khổ của ông ấy. Sao lại phải tự làm khổ mình như vậy chứ”.  Vừa nói, bà Thư vừa lấy vạt áo lau nước mắt. Chuyện đã xảy ra cách đây hai năm rồi, nhưng trong bà vẫn chưa thể nguôi ngoai về người bạn già ấy của mình, cả đời phải sống trong sự giằng xé và đau đáu không yên trong lòng.

“Sau khi ông ấy mất, các cán bộ cũng gửi tin báo về nhà để các con ông ấy lên mang tiểu của bố về mà tìm cho ông ấy được chỗ an nghỉ. Mà phải gọi đến lần thứ năm, mới có người lên lấy về. Cũng chỉ vừa lên đầu năm vừa rồi, gần hai năm sau khi ông ấy mất” – bà Thư đau đáu, nhìn về xa xăm, vẫn không hết sự tiếc nuối, đau lòng thay cho ông Dinh vì vô phúc đã sinh ra những đứa con vô tâm ấy.

Mỗi sự ra đi đều để lại một khoảng trống thật khó lấp đầy trong lòng những người còn sống. Nhưng đáng buồn thay, điều đó lại không có được ở nơi những người con của ông Dinh. Không có sự thờ ơ, lạnh lùng nào đau đớn, và có sức hủy hoại ghê gớm cả thể xác và tinh thần con người bằng sự hắt hủi của chính người thân trong gia đình, hơn hết đó lại là những người con mà bao người cha, người mẹ đã vất vả sinh thành và nuôi dưỡng.

Vân Anh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc