Phần tin vào tình yêu từ thủa thiếu thời, phần để bù đắp tình cảm cho những đứa trẻ, trong đó có người con riêng của mình mang theo về nhà chồng, chị Lê Minh Thy (43 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) đã chấp nhận cho anh giữ lại 4 đứa con riêng và 2 người vợ cũ cùng chung sống hòa bình trên mảnh đất hương hỏa nhà chồng. Chị cứ ngỡ sự cao thượng của mình sẽ được đền đáp thỏa đáng, mà không thể ngờ lòng tốt và sự bao dung ấy chỉ được đáp trả bằng những “viên đá” ném sau lưng…
Tức nước vỡ bờ
Cánh cửa Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang – Gia Lâm – Hà Nội hé mở, một phụ nữ có khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn bước vào. Chưa kịp chào hỏi, người phụ nữ ấy đã òa khóc nức nở như một đứa trẻ. Đó là chị Lê Minh Thy (43 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội), người vừa từ cõi chết trở về sau ngày kỵ nhật bố chồng.
Đôi mắt buồn rười rượi, chị Thy kể rằng mình đã đăng ký kết hôn với người chồng hiện tại được 10 năm. Nhưng trong suốt thời gian này, chị thường xuyên phải sống trong nỗi nhọc tâm vì bị 2 người vợ trước của chồng tìm cách “chọc gậy bánh xe” trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu và tình cảm vợ chồng chị cũng vì thế mà rạn nứt.
Đó là lý do chị thường xuyên bị chồng dựng dậy vào lúc nửa đêm để “nói chuyện” bằng nắm đấm và những lời lẽ thóa mạ, nhằm mục đích “giáo dục, ngăn ngừa” những “thói hư tật xấu” do 2 người phụ nữ kia tự nghĩ ra và gán ghép cho chị.
Biết tất cả nhưng chị vẫn bỏ qua, chấp nhận sống “nghịch lý” như vậy cũng một phần do tình yêu thắm thiết chị đã dành cho anh từ thủa thiếu thời. Phần khác là do chị muốn báo đáp tấm lòng cao thượng khi anh chẳng những không so đo tính toán mà còn vui vẻ chấp nhận cho chị mang theo đứa con riêng của mình.
Và quan trọng nhất là chị ân hận: “Giá chi em đừng nghe lời mẹ, nhất định lấy người mình yêu cả hai đã không phải khổ…”
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết, Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang – Gia Lâm – Hà Nội. |
Tuy nhiên, sự cao thượng của chị lại chỉ đổi được sự ghen ghét, nhỏ nhen, ích kỷ của 2 người đàn bà khi họ tin rằng “vì em mà hạnh phúc gia đình của họ sớm nở tối tàn. Những đứa con của họ không được chăm lo như những gia đình khác…”
Biết vậy, nhưng chị cam chịu vì cho rằng mình chính là người có lỗi trong những cuộc hôn nhân đổ vỡ của đôi bên, miễn rằng: “Tôi không cấm anh yêu thương con mình nhưng tuyệt đối cấm anh còn bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào với 2 người phụ nữ bên đó…”.
Nhưng chị biết nói là vậy, chuyện vợ chồng từng đầu ấp má kề, lại có với nhau tới hai mặt con chẳng thể không có tơ vương. Hơn nữa, họ là những người phụ nữ rất khéo, còn chị lại thẳng tính, dễ làm mất lòng người.
Chính vì thế, dù chị một lòng chắt chiu, phụng dưỡng mẹ già, chăm lo cho bà từng miếng ăn, ngụm nước nhưng chẳng bao giờ mẹ chồng chị thèm ngó ngàng tới đồ con dâu mua biếu.
Sống chung nhiều năm như vậy nhưng dường như bà luôn có nỗi lo sợ ám ảnh bị con dâu đầu độc, tới mức kể cả sữa chống loãng xương chị mua về biếu, bà cũng xếp đầy tủ mà không hề động tới. Phát hiện một tủ sữa đầy, nhiều hộp đã hết hạn, nước mắt chị ứa lên đầy uất ức.
Chị không biết mình đã làm gì để mẹ chồng ghét tới nỗi có lần chị nấu được bát canh ngon, mang biếu mẹ chồng trên căn nhà chính. Không thấy mẹ đâu, nồi cơm lại lạnh ngắt, giờ ăn sắp tới. Chị vội đi đặt giúp mẹ chồng lưng cơm, mang thêm đồ ăn mình nấu đặt sẵn trên mâm.
Vừa thấy mẹ chồng xuất hiện chị vồn vã mời: “Hôm nay có thức ăn ngon, con mang biếu thấy mẹ chưa thổi cơm nên con đã đặt cơm sẵn, vừa chín rồi, con mời mẹ ăn cơm…”.
Cứ ngỡ việc làm của mình là đúng, sẽ làm hài lòng mẹ chồng. Nào ngờ bà gắt: “Ai khiến cô động vào đồ của tôi, ai ăn mà thổi?” Nói rồi bà bỏ vào nhà đem nồi cơm chị thổi bỏ đi, nấu nồi khác ngay trước mắt chị. Vừa buồn vừa tủi, chị chỉ biết khóc thương cho số phận hẩm hiu của mình.
Và rồi sự cam chịu của chị cũng có giới hạn, đó là vào chính ngày giỗ bố chồng sau hơn 10 năm làm dâu. Chị bị 2 người phụ nữ trước của chồng cho chị biết địa vị hèn kém của mình. Thở dài chua xót chị tâm sự:
“Ở với mẹ nhưng chồng em là con thứ. Hơn 10 năm về làm dâu chưa bao giờ gia đình tổ chức lễ mặn bởi đó là việc nhà anh trưởng. Nhưng năm nay không hiểu xích mích thế nào, chồng em lại ép làm cỗ đúng ngày giỗ, em không đồng ý, vậy là anh ta cho gọi 2 người vợ cũ sang thế chỗ em…”
Để bớt sứt mẻ tình thân, chị đã mua một túi hoa quả sang trước thắp hương cha, sau thưa chuyện mong bác cả thông cảm với cách cư xử bột phát ấy của chồng. Nào ngờ, túi hoa quả mang sang nhà bác trưởng chị đã bị hai “chị cả” soi mói rồi “thưa thớt” lại với mẹ chồng khiến bà giận chị ra mặt.
Chồng chị cũng không hài lòng, bỏ mặc mẹ con chị cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Biết vậy chị vẫn nhẫn nhục cho tới khi mẹ chồng chị thẳng tay ném đĩa hoa quả chị mua về thắp hương bố chồng trước mặt con gái riêng của chị với lý do “không có lòng thì không phải lễ…”.
Chị sẽ lặng lẽ tìm đường rút, tiếp tục chấp nhận nín nhịn, cam chịu nếu như không bị cô con gái riêng phát hiện, uất ức gào lên trong hai dòng nước mắt: “Sống nhục như thế mà cũng chịu được à?” rồi bỏ chạy ra khỏi nhà. Cũng may An, con gái chị, là đứa biết nghĩ nên đã chạy tới nhà bác họ ở nhờ, rồi báo lại để mẹ yên tâm.
Nhà có khách lại xảy ra chuyện ồn ã nên chị biết đêm đó sẽ bị đánh vì tội “không biết dạy con”. Chị đã chuẩn bị trước con dao ở góc bếp để tự kết liễu đời mình, giải thoát khỏi bể khổ. May mắn chồng chị nhanh tay giật lại được.
Uất quá, chị Thy quyết chạy khỏi nhà, lao vào ô tô tự tử. Nhưng chạy mãi tới ngã quỵ trong cơn mưa lớn mà cũng không tìm được chiếc ô tô nào cho tới khi anh chồng đuổi kịp… Đêm đó là lần đầu tiên chị được chồng ôm ấp, vỗ về xin lỗi.
Lỗi tại… tình yêu
Đôi mắt lưng tròng nước, chị cho biết: “Nhẽ ra mẹ con em đã có một gia đình ấm áp hạnh phúc nếu không nặng tình với người yêu từ thời thanh mai trúc mã…” Đó cũng là lý do khiến mẹ con chị cùng rơi vào cảnh đời đau buồn, tủi nhục như hiện nay để rồi mất mới hối tiếc, mới thấy mình dại dột tìm đủ mọi cách để đánh đổi hạnh phúc lấy mớ bòng bong...
Chị Thy nhớ lại cái ngày vừa tròn 17 tuổi, cái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”, chỉ biết ăn chơi mà chưa biết nghĩ. Mặc dù khi ấy chị và anh Quang đã yêu nhau thắm thiết, nhưng khi nghe mẹ mở lời ước muốn làm mai cho chị với một thanh niên người Nghệ An (quê nội của bà).
Mẹ chị khi đó mong muốn lúc nào cũng được nghe giọng “người cùng quê” trong chính ngôi nhà của mình cho ấm áp. Chiều lòng mẹ, chị đã vội vã làm đám cưới. Và anh Quang sau khi người yêu đi lấy chồng cũng vì buồn bã mà cũng đi cưới vợ. Nhưng rồi cả hai đều gặp thất bại trong tình yêu – hôn nhân của mình.
Đặc biệt anh Quang 3 năm cưới tới 2 người vợ vẫn không có được hạnh phúc riêng. Biết chuyện người yêu cũ, chị buồn lắm. Nỗi buồn ấy dường như càng nhân lên gấp bội khi thiếu vắng hình bóng của chồng do anh thường xuyên phải đi công tác xa, không được ở nhà.
Và rồi cái gì đến cũng đến, cho rằng chồng gia trưởng, không quan tâm tới vợ nên chị quyết tâm dắt theo đứa con nhỏ khi ấy chưa tròn 1 năm tuổi lên Hà Nội sinh sống.
Rồi khi gặp lại anh Quang, tình yêu từ hồi “thanh mai trúc mã” lại có cơ hội bùng cháy dữ dội. Và rồi điều gì tới cũng tới, chị nhanh chóng quyết định chia tay với người chồng quân nhân của mình không một chút hối tiếc, để rồi bất chấp điều tiếng dư luận, cũng như sự khinh ghét của “mẹ chồng” và những người phụ nữ trước đó của anh để về chung sống trên cùng một khoảnh đất.
Chị cứ ngỡ mình sẽ vượt qua tất cả, chỉ cần chăm chỉ, biết cảm thông… Nhưng tất cả tan vỡ vì chính niềm tin mông muội đó. Giờ chị đã phải trả giá bằng cuộc hôn nhân trong bóng tối mà không thể nào tự giải thoát chính mình, bởi không muốn thiên hạ chê cười rằng “đứng núi này trông núi nọ”, bỏ người chồng tốt để lấy kẻ vũ phu…
- Kim Hoa
[links()]