(Phunutoday) - Tại thị trấn Giá Rai nằm ven quốc lộ 1A phía trước là những dãy nhà tường cao, phố chợ sầm uất nhưng bên kia sông là những xóm làng khá đìu hiu với những căn nhà lá đơn sơ dột nát trong cơn mưa trái mùa. Nhờ sự trợ giúp của chính quyền địa phương, chúng tôi cũng tìm được gia đình ông Mai - người có cô con gái thứ ba “đi làm ăn” ở Thái Lan. Chỉ vào căn nhà lá rách nát, chật chội ở khu dân cư nghèo, anh trưởng công an ấp nói: “Nhà ông nghèo, bệnh tật dữ lắm”.
[links()]
Gọi là căn nhà nhưng đó là túp lều lá của vợ chồng và 6 người con. Ông Mai đang ho sù sụ ngồi thu lu ở góc giường. Vợ ông đi giặt đồ thuê ngoài chợ Giá Rai vừa về cho hay, ông bị bệnh gần chục năm, sức khỏe yếu như người sắp gần đất xa trời.
Được hỏi về cô con gái đi Thái Lan, bà kể: “Nhà nghèo quá nên cháu chỉ học đến lớp 3 nhưng lại là đứa học cao nhất nhà chớ vợ chồng tôi một chữ cắn đôi cũng không biết. Nhờ có học mà nó được đi làm tận bên Thái Lan, mấy đứa em của nó không biết chữ nên ở nhà, làm mướn quanh xóm thôi”.
Bệnh viện Phụ sản thực hiện các thủ thuật y khoa cho các sản phụ đẻ thuê. |
Rồi bà than vãn: “Nó làm việc bên Thái Lan tôi mừng lắm nhưng không hiểu sao 5 tháng rồi không thấy điện thoại về nhà. Tôi đi hỏi mấy người bạn của nó đều không biết, không lẽ tụi nó giấu mình cái gì”. Cảm thấy không tiện khi nói ra sự thật đau lòng, chúng tôi cũng chỉ hỏi vài câu cho qua chuyện rồi cáo từ ra về vì không muốn chạm đến nỗi đau của gia đình tội nghiệp này.
Cha mẹ nghèo, con chịu thiệt
“Ầu ơ… con ơi đừng lấy chồng xa. Chim kêu vượn hú… biết nhà má đâu”, trong căn chòi rách nát tại con hẻm nhỏ ở thị trấn Giá Rai, người đàn bà cất tiếng ru đứa cháu ngoại. Trời nắng chang chang. Gió thổi xốc vào nhà.
Thằng bé mặc cho bà đưa mắt tròn xoe nhìn khách. Anh cán bộ công an dẫn đường giải thích: “Đây là căn nhà của em Mai Thị Hạnh, thuộc diện xóa đói giảm nghèo của xã”. Gọi là “nhà” nhưng chỉ căn chòi rách nát che nắng che mưa cho tám người, nằm trơ trọi giữa xóm nghèo ở thị trấn. Thấy khách lạ đến thăm, bà Danh Thị Hen miễn cưỡng tiếp.
Ông Mai Tân, chồng bà Hen, năm nay 53 tuổi nhưng gầy quắt queo như đứa trẻ 10 tuổi. Thấy tôi, ông Tân cười khì: “Cán bộ đến nhà hỏi thăm…” rồi lặng lẽ đi ra phía hiên nhà. Gần cả chục năm, gia đình bà Hen sống trong tận cùng cái khổ.
Nhà nghèo lại nuôi sáu miệng ăn nên bữa đói bữa no. Mấy năm trước, ông Tân sống bằng nghề đi thụt con lịch. Mờ sáng, ông mang cái bao đến bờ biển, bờ vuông lấy chĩa đâm vào mang lịch bán kiếm tiền mua gạo. Đã nghèo lại thêm tật nghiện rượu, trên đường về nhà, ông Tân té xuống đường mương may mà được người dân cứu sống.
Kể từ đó, ông Tân như người mất hồn, nói năng lung tung. Bà Hen lại chồng chất thêm gánh nặng. Sáu đứa con, cơm không đủ no rời mái nhà trường theo cha sống bằng nghề săn bắt, hái lượm ở bờ vuông, bờ biển để phụ tiền mua gạo.
Nghe tôi hỏi đứa con tên Mai Thị Hạnh, bà Hen khoe: “Con nhỏ này học giỏi nhất nhà à nghen. Nó lớn lên cả xóm này, ai cũng thương. Thấy cha mẹ nghèo quá, nó lên Sài Gòn giúp việc nhà rồi”.
“Học giỏi nhất nhà”, theo lời bà Hen, Hạnh chỉ học hết lớp ba. Bà đâu biết rằng, Hạnh là nạn nhân trong đường dây buôn người bị Cảnh sát Thái Lan triệt phá. Bà Hen cho biết thêm, năm 2008, Hạnh là công nhân Công ty xuất nhập khẩu tại địa phương. Vài tháng sau, Hạnh thủ thỉ với mẹ ý định lên TP HCM phụ giúp việc nhà cùng với mấy người bạn. Thương con, bà Hen đành gạt nước mắt đồng ý.
Thời gian đầu, cứ mỗi tháng, Hạnh gửi về nhà 600 đến 800 ngàn đồng. Bà Hen cho biết: “Cách đây năm, sáu tháng, nó có điện về đi làm ăn xa nên không điện thoại thường xuyên được. Tội nghiệp con nhỏ, nó dặn, nhà kẹt quá đi vay, đi mượn.
Một năm sau, nó đem tiền về trả… Cái lần nó về nhà lấy hộ khẩu nói đi làm thủ tục gì đó rồi đi biệt”, Nói đến đây, bà Hen không cầm được nước mắt. Tôi đành giấu thông tin Hạnh đang “đẻ thuê” ở Thái Lan và không dám nghĩ đến, ngày Hạnh trở về cái bào thai trong bụng, cuộc sống sẽ ra sao?
Hầu hết, gia đình của các cô gái đẻ thuê đều chung cảnh nghèo đói. Các em lớn lên không được cấp sách đến trường đã lọt vào bẫy đường dây buôn người do một số người Đài Loan tổ chức. Một gia đình có hai con đang ở Thái Lan nhưng họ vẫn tin con gái đang phụ việc.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang ngồi bật dậy nghe tôi thăm hai đứa con Nguyễn Thị Thanh (23 tuổi) cùng cô em Nguyễn Hồng Thu (21 tuổi). Ông Tuấn nói:
“Chị em nó đang lên TP HCM giúp việc nhà. Mấy tháng nay, nó bận việc không gọi về. Chú là ai, hỏi nó làm gì? Bộ có chuyện gì hả?”.
Tôi viện lý do: “Tụi cháu ở TP HCM thực hiện đề tài đời sống phụ nữ đi làm thuê”. Ông Tuấn trầm ngâm: “Mấy chú thấy đó, ở đây ai cũng nghèo. Gái lớn lên không đi làm thuê, làm mướn thì lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Phận làm cha, làm mẹ, tụi tui cũng không cản được. Tụi nó đi tìm việc giúp đỡ gia đình, cha mẹ nghèo sao giữ chân được con”.
Tôi giả vờ hỏi địa chỉ, số điện thoại của Thanh và Trúc, ông Tuấn thú thật, ông không biết chỗ hai cô con gái ông làm cũng như số điện thoại.
Đẻ thuê: Chuyện mới mà cũ
Ngôi nhà của gia đình cha mẹ của cô Nguyễn Kim Hồng ở sâu trong vùng quê lúa tỉnh Hậu Giang. Chị gái của Hồng đang làm thủ tục theo chồng Đài Loan. Nhà của Hồng lợp bằng cây lá xập xệ, mái lợp tôn, lá vừa đủ che mưa gió. Nhà nghèo nhưng gia đình của Hồng có đến 10 anh chị em. Năm 18 tuổi, Hồng lấy chồng rồi về tỉnh Kiên Giang sống bằng nghề gặt lúa mướn.
Vài năm sau, Hồng sinh được hai đứa con thì gia đình xảy ra mâu thuẫn. Vợ chồng Hồng ly dị. Hai đứa con gởi bên nội, Hồng về tá túc ở nhà cha mẹ ruột, làm mướn kiếm sống.
Nhà nông không đất, con đông nên anh chị em của Hồng học đến lớp một, lớp hai, viết đọc biết viết rồi nghỉ, lo làm ăn.
Chị của Hồng kể: “Ba em mất cách nay trên chục năm, má đã 72 tuổi mà phải chạy chợ kiếm sống. Tui nghe Hà kể có hùn mướn đất trồng lúa, thất bát, đổ nợ cả trăm triệu đồng, muốn đi làm có tiền trả nợ mới dám về”.
Bây giờ, gia đình Hồng trống vắng, anh em lớn đi làm ăn xa. Bản thân chị ruột của Hồng cũng có một đời chồng, thôi nhau, ôm con về ở với cha mẹ ruột. Cũng nhờ mai mối, chị của Hồng vừa đi bước nữa với người chồng Đài Loan, đang chờ thủ tục, học tiếng để theo chồng xa.
Trong 15 cô gái đẻ thuê được giải cứu tại Thái Lan, tám cô quê ở Bạc Liêu đã có năm cô ngụ tại huyện Giá Rai. Mấy năm gần đây, nhiều cô gái chuyển sang nghề đẻ thuê đất Thái. Trường hợp gia đình của ông Dương Văn Hoa cùng vợ là Trần Thị Tươi là hộ nghèo ở thị trấn. Ông Hoa chạy xe ôm kiếm sống; bà Tươi bán chuối nướng ven quốc lộ 1A. Gia đình đến tối quây quần trong khu nhà trọ cũ nát.
Một năm trước, ông Hoa cho cô con gái sang Thái Lan đẻ thuê. Kể từ đó, người ta không còn thấy ông Hoa chạy xe ôm, bà Tươi bỏ nghề buôn bán chuối nướng.
Cán bộ công an thị trấn dẫn tôi đến thăm gia đình cô Dương Thị Kiều Trang, ở sâu trong con hẻm nhỏ, khu dân cư phía sau thị trấn. Đây là căn nhà trọ cho thuê tháng. Bà Trần Thị Kiều Tiên - mẹ của Kiều Trang kể: “Con Trang là con gái đầu, có chồng lúc 17 tuổi, rồi bị chồng bỏ, ôm con về tui nuôi. Ở nhà chẳng có việc gì làm ra tiền, Kiều Trang ở mướn trên TP HCM, rồi theo bạn bè sang Thái Lan được một năm, rồi lại về lột tôm cho xí nghiệp”.
Cha mẹ của Kiều Trang mượn đất mé sông, dưới dốc cầu để ở. Khi công trình xây dựng nâng cấp các cầu trên tuyến quốc lộ 1A Cần Thơ - Cà Mau phải di rời nơi khác. Năm nay, Dương Thị Kiều Trang, 22 tuổi, đang làm công nhân một xí nghiệp chế biến thủy sản gần nhà.
Bà Kiều Tiên nói về con mình: “Kiều Trang cực từ nhỏ, theo tui lột tôm từ lúc 12 tuổi. Khi chuyện gia đình đổ vỡ, Kiều Trang theo bạn bè làm thuê ở TP HCM, rồi có người quen rủ đi Thái Lan làm mướn chớ gia đình chẳng ai biết đường đi nước bước gì.
Làm thuê ở Thái Lan cũng có chút đỉnh tiền, xoay xở cũng hết”. Trong ngôi nhà trọ rộng chừng vài chục mét vuông nhưng có đến bảy người trong gia đình của bà Kiều Tiên nương tựa. Hàng đêm, vợ chồng bà Kiều Tiên được ngủ trên giường, các con ông phải trải chiếu xuống nền gạch ngủ.
Kiều Trang học chưa hết lớp hai, chỉ biết đọc bập bõm rồi đi làm thuê. Còn các em chưa đứa nào học hết tiểu học. Bà Kiều Tiên vò đầu người con trai út, 11 tuổi: “Thằng này học lớp 1, ra trường 3 năm rồi đó, chẳng biết chữ nghĩa gì.”
Được sự giới thiệu của công an ấp, tôi đến nhà của cô gái mà người dân xung quanh cho rằng đã đi Thái Lan đẻ thuê mấy năm trước, nay đổi khác nhiều. Trước đây, gia đình của cô ở nhờ mỏm đất ven sông, sạt lở quanh năm, phải cậm cây chống kè. Trước Tết, Nguyễn Thị Cúc đi Thái Lan về, cho có tiền cha mẹ mua đất, xây dựng nhà mới kiên cố.
Trông ngôi nhà mới nổi bật so với khu dân cư này. Căn nhà mới xây còn thơm mùi sơn mới, nhiều tài sản có giá trị mới, khó ai tin được một gia đình lao động nghèo có thể tạo dựng được. Ông Nguyễn Văn Đen - cha của Cúc, đang đi làm công khoan giếng nước ngầm. Mẹ của cô là Phạm Thúy Hạnh Dung vẫn còn làm thuê việc nhà, quét dọn quán ăn ở chợ thị trấn.
Những ngày tìm đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gặp gia đình có con là nạn nhân đẻ thuê, chúng tôi không giấu băn khoăn. Họ đang đối mặt tận cùng cái khổ. Cuộc sống sẽ ra sao khi họ mang thai nhi về Việt Nam sinh nở, đứa bé không cùng huyết thống lại được gọi bằng con? Nhưng trên hết, họ sẽ sống ra sao khi mà cuộc sống ở quê nhà luôn thiếu trước hụt sau?
Bi kịch những phận đời đẻ thuê )
- Bảo Bảo