(Phunutoday) - Những ngày cuối năm 2011, tất cả 11 cháu bé (8 trai, 3 gái) trong đường dây đẻ thuê đã được đoàn tụ cùng gia đình nhận nuôi các bé tại Đài Loan. Trong số này, bé lớn nhất 9 tháng tuổi, nhỏ nhất 4 tháng. Các cháu bé này là con của các cô gái ở miền Tây Nam Bộ được cảnh sát Thái Lan giải cứu từ một “lò đẻ thuê” ở ngoại ô Bangkok. Câu chuyện đẻ thuê đẫm nước mắt của những cô gái nghèo đã dấy lên làn sóng căm phẫn trong dư luận khi có những kẻ vì tiền mà đưa các cô gái vào tròng bất chấp luân thường đạo lý…
[links()]
Kiếp nghèo mang phận đẻ thuê
Các cô gái tại Trung tâm Kredrakarm |
Những ngày cuối tháng 2/2011, thông tin 15 cô gái đẻ thuê người Việt được nhà chức trách Thái Lan giải cứu gây chấn động dư luận. Những cô gái được giải cứu đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Bạc Liêu có đến 8 phụ nữ được phát hiện trong đường dây này.
Gia cảnh của những cô gái đẻ mướn hầu hết rất nghèo, nếu không muốn nói là túng quẫn. Gia đình khó khăn, các cô gái rời quê tìm đến các khu công nghiệp ở những thành phố lớn kiếm việc làm. Tại đây, các cô bị đối tượng xấu lừa đảo, dụ dỗ, nói rằng ra nước ngoài để tìm việc làm khác phù hợp với sức khỏe, lại lương cao. Cho đến nay, không ai có thể nói chính xác có bao nhiêu cô gái bị đưa sang nước ngoài đẻ thuê, chỉ biết rằng 15 cô gái cơ quan chức năng Thái Lan giải thoát khỏi đường dây đẻ thuê do người Đài Loan tổ chức.
Bi kịch đè mái tranh nghèo
Trước khi làm các thủ tục cần thiết và chờ chuyến bay sang Thái, chúng tôi quyết định về Bạc Liêu - vùng đất nổi danh với vị công tử ăn chơi khét tiếng Trần Trinh Huy nhưng lại không hiếm những mảnh đời nghèo khổ khi có đến 8 nạn nhân của bọn buôn người. Điều ghi nhận đầu tiên từ gia đình các cô gái từ tỉnh Bạc Liêu sang xứ người đẻ thuê là hầu như tất cả đều rất nghèo khó, cuộc sống chật vật. Họ sống trong những căn nhà tận vùng sâu heo hút hay tạm bợ ven đê biển, kiếm miếng ăn qua ngày bằng nhiều nghề như mò cua, bắt ốc, làm thuê, vác mướn, ai kêu gì làm nấy chỉ để kiếm tiền đong gạo hàng ngày.
Chúng tôi ghé thăm gia đình Thạch Thị Mỹ P - cô gái trẻ nhất trong nhóm, là người dân tộc Khmer, vừa tròn 19 tuổi. Nhà P nép dưới chân con đê biển trong một xóm nghèo chưa đến 20 nóc nhà nghèo xác nghèo xơ. Bủa quanh xóm nghèo là những vạt rừng hun hút ở ấp Biển Đông B của xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu). Nhà P thuộc diện nghèo nhất nhì trong xóm.
Cách đây 3 năm, cả nhà P sống trong túp lều nát, còn thua cả chòi vịt. Mỗi lần trời mưa, cả nhà phải thức để hứng nước và lấy bao ni lông che chắn những chỗ dột nhưng mỗi khi mưa lớn vẫn ướt như chuột lột. Năm 2009, chính quyền địa phương vận động Mạnh Thường Quân cất giúp gia đình P cái nhà tình thương để có chỗ chui ra chui vào.
Địa phương nghèo, “Mạnh Thường Quân” cũng chỉ là những người đủ ăn chứ chẳng ai dư dật gì cho cam nên cái nhà “quà tặng” cũng chỉ là vách lá đơn sơ, cột kèo đều là cây tạp mọc ven đê, quý giá nhất là mái tôn che mưa, che nắng trị giá khoảng 2 triệu đồng. Không có cục đất chọi chim, cái nền nhà của gia đình P được một người dân cho không. Cái chuồng vịt của nhà P cũng nằm lọt hẳn vào trong nhà để có chỗ chăn nuôi. Gọi là “chăn nuôi” cho oai, chứ cái chuồng cũng chỉ có hơn chục con vịt, cha P hằng ngày bắt con cua, con còng cho vịt ăn chứ không có tiền mua thức ăn.
Từ ngày nuôi vịt tới nay, cả nhà cũng hiếm khi dám làm vịt để ăn thịt mà chỉ để dành để bán kiếm tiền mua gạo… Bên kia đê là mé biển, loại bờ biển thừa bùn thiếu hải sản, chạy dài hơn 4 cây số ra biển Đông, muốn kiếm con cua con cá cũng phải đỏ con mắt. Đi dọc tuyến đê, thỉnh thoảng lại có 1 cụm nhà nhỏ giống như xóm của P vậy. Cuộc sống ai nấy cũng thiếu thốn tứ bề.
Ở đây trẻ em lớn lên hầu hết phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền tự nuôi thân, vì đi học thì gia đình không nuôi nổi. Như những đứa trẻ khác, P nghỉ học từ rất sớm rồi ở nhà đi mò cua mò ốc phụ giúp gia đình. Cô gái không được học hành tử tế, không có quần áo đẹp nhưng vẫn lớn phổng phao, khá xinh và ngoan hiền, ai cũng khen. Khi 17 tuổi, P theo anh trai lên TP HCM tìm việc làm.
Thấy có khách, chị Trần Thị H (48 tuổi, mẹ của P), tay bế cháu ngoại, đang đứng cùng đứa em gái út của P vừa đi mò cua về tới thoáng vẻ ngại ngần vì trong nhà chẳng có bàn ghế gì để mời “khách” ngồi, đành đứng nói chuyện ngoài sân. Mới 48 tuổi nhưng nhìn chị H đã lụm cụm như bà già tuổi ngoài 60. Nghe phóng viên và anh công an ấp đi cùng thông báo “tin dữ”, chị ngỡ ngàng:
“Nó đang cùng anh trai làm thuê cho chủ ở Sài Gòn mà?”. Chị H - kể: “Hai vợ chồng tôi có tới 5 con, 2 trai và 3 gái. P là đứa cận út. Đứa con gái lớn đi làm mướn từ lúc 17 tuổi, rồi có chồng, có 1 con gái 3 tuổi nhưng vì quá nghèo cũng đành gửi con cho mẹ để đi làm thuê tận Cà Mau. Thằng con trai lớn 26 tuổi cũng có thâm niên 5 năm làm thuê ở Sài Gòn, lương cũng chỉ đủ miệng ăn cho vợ con. Còn thằng con trai kế đó 23 tuổi cũng đi nhiều tỉnh làm thuê, Tết 2011 nó không về nhà vì không có tiền xe, hai vợ chồng tôi nghe con nói mà buồn thúi ruột”.
Chị H chỉ đứa con gái út mới 9 tuổi; nói: “Còn nhỏ này, hàng ngày phải theo tui đi mò cua, bắt ốc, lựa con ruốc mướn”. Còn anh Thạch R (50 tuổi, cha của P) khuôn mặt rất hiền lành, chân chất, suốt ngày cứ ở ngoài biển câu cá ngát, hy vọng kiếm vài chục ngàn về đưa vợ mua gạo đắp đổi qua ngày... Nhưng anh R bệnh tật rề rề, khi trái gió trở trời thì coi như đói. Bởi vậy, cứ đứa nào lớn một chút là tách khỏi gia đình đi làm mướn ngay.
Cách đây gần 2 năm, P theo anh trai lên Sài Gòn ở mướn. Hàng ngày, anh thì chở đồ đi giao cho chủ, còn P thì phụ việc gia đình. Ba tháng trước Tết Tân Mão, P về Bạc Liêu thăm gia đình. Nhưng suốt tuần lễ ở nhà, P loay hoay chuyện lo hộ chiếu đi du lịch. Sau đó, cô đi chụp tấm ảnh để lại cùng 1 triệu đồng để cha, mẹ mua gạo ăn trong những ngày giáp Tết. Chị H buồn bã:
“Đêm chuẩn bị đi xa, nó thức trắng. Tới gần sáng, nó bảo kỳ này con đi xa, lâu lắm con mới về. Mẹ gắng lo cho em và cha. Con để cái áo ấm cũ trên đầu giường, mẹ kêu cha mặc đi biển cho đỡ lạnh, con làm có tiền mua cái khác. Chuyến này con kiếm tiền về cho mẹ cất lại nhà, có ít vốn mua cái cào mới cho cha đi cào...”.
Những mảnh đời buồn
Nghe hết câu chuyện, chị H chỉ biết kêu trời! Tội cho P, đứa con gái mà cái xóm nghèo này ai cũng yêu, cũng mến. Chị Bảy Nhơn - bán rau cải ở đầu lộ đê biển nói mà mắt rơm rớm nước: “Con P nó ngoan từ nhỏ, đi mò cua khi còn đứng ngang lưng quần mẹ. Chừng lớn cao hơn mẹ thì nó đi ở mướn. Coi nghèo vậy chứ nó biết nhường nhịn mấy đứa nhỏ hơn, lại biết giúp đỡ người già yếu”. Bà Sáu Tình - người trong xóm, cũng khá hiểu gia đình P, tâm sự:
“Bầy con của con H có học hành gì đâu. Con P “học cao” nhất nhà, cũng chỉ lớp 2. Khi nó theo mẹ làm mướn ở Thốt Nốt (Cần Thơ) thì học lớp 1; lớp 2 thì học lớp tình thương. Mà mới học được mấy tháng thì nghỉ rồi. Nó đọc chữ còn chưa “chạy”, may mà có sức khỏe đi làm mướn”. Đi thêm vài căn nhà của các nạn nhân khác, chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi mà gia cảnh của các cô gái này cũng chẳng khác gì cô P. Hầu như, họ cùng có một điểm chung là nghèo khó, học vấn thấp nhưng lại nặng gánh gia đình, muốn báo hiếu cho cha mẹ…
Đối với những gia đình nghèo, 5.000 USD cho một ca đẻ thuê thành công tương đương với khoảng 100 triệu đồng là số tiền quá lớn. Có 3 người cùng ngụ tại thị trấn Giá Rai của huyện Giá Rai, 3 người ở xã Long Điền, huyện Đông Hải và một người ở thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai vì nghe những lời đường mật, vì muốn cha mẹ và các em đỡ khổ đã liều mình làm phận đẻ thuê.
Khi đường dây đẻ thuê bị phá, dư luận sôi sục thì những gia đình có con là nạn nhân lại không hề biết thông tin vì báo chí, các phương tiện truyền thông là thứ qua xa xỉ với họ. Chỉ khi địa phương thông báo, các bậc cha mẹ mới mất ăn, mất ngủ chờ con gái của họ trở về từ đường dây đẻ thuê bên đất Thái. Nhiều gia đình không hề hay biết con của họ đi nước ngoài cho thuê tử cung bởi vài tháng trước đây, khi về thăm cha mẹ, họ đều nói rằng làm công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…
Thúy H, 22 tuổi có nước da ngâm bánh mật được xem là người đẹp nhất trong ba cô gái quê xã Long Điền (Đông Hải, Bạc Liêu) sang Thái Lan đẻ thuê. Cặm cụi trên đồng muối rộng chừng 2.000 m2 của gia đình, mỗi năm chỉ cho ra khoảng 12 tấn muối đen, ông Năm - cha H bấm tay nhẩm tính, nếu muối bán được giá cao thì một năm gia đình ông có được khoảng 8 triệu đồng, trừ chi phí lời chừng 5 triệu đồng. Nếu giá muối đen thấp như vụ vừa rồi (khoảng 300 đồng/kg) cả năm ông chỉ có khoảng 4 triệu đồng nuôi 5 miệng ăn là không thể nào đủ.
Chính vì ít đất sản xuất, giá muối lại bấp bênh nên cô con gái lớn nhất của ông Năm đi ở đợ cho hàng xóm từ khi 12 tuổi. Gần chục năm đi giúp việc nhà, lương của H từ 300.000 đồng tăng lên được một triệu đồng mỗi tháng nên cô gái trẻ rời quê nghèo lên TP HCM tìm việc mong có mức lương cao hơn. “Nửa năm trước khi về nhà thăm vợ chồng tui nó dúi vào túi mỗi người được một triệu đồng. Nó nói chỗ làm công nhân lương khá cao, được công ty cho đi Thái Lan du lịch nhưng ai có dè đâu lại đi đẻ mướn. Tôi chỉ nghe bạn nó báo vậy chứ từ hôm tới giờ nó không liên lạc về nhà”, ông Năm than.
Nhớ tới bàn tay chai sạn của đứa con vì phải thức khuya dậy sớm hầu hạ nhà chủ, giờ lại bán cả tử cung, bán cả thiên chức thiêng liêng nhất của đời người để cha mẹ đỡ khổ, gương mặt nhăn nheo của ông Năm trở nên dúm dó, lồng ngực kẹp lép của ông giật giật mấy cái và nước mắt chảy dài theo những tiếng nấc.
(Kỳ 2: Bi kịch những phận đời đẻ thuê )
- Bảo Bảo