(Phunutoday) - Cận kề Tết Nguyên đán, nhiều cô gái yêu cầu bọn chúng đưa tham quan Bangkok với lý do giải tỏa căng thẳng tốt cho sức khỏe thai nhi. Nghĩ cá đã cắn câu, chúng chấp nhận. Chờ bọn chúng sơ hở, H liền dùng điện thoại cố định tại nơi giam giữ gọi đến Văn phòng Đại sứ quán yêu cầu giúp đỡ. Cứ như thế, từ nửa đêm tới rạng sáng ngày hôm sau, H thực hiện 5 cuộc đến Văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
[links()]
Cuộc giải cứu thành công, hành vi bọn chúng bị lật tẩy. Qua điều tra ban đầu của Cảnh sát Thái Lan, đây là tổ chức buôn người chuyên nghiệp. Bọn chúng bất chấp thủ đoạn thu lợi hàng chục tỉ đồng. Ngày 11/3/2011, ông Pakorn Pantu - Giám đốc Sở An sinh và Phát triển xã hội Thái Lan nói:
Các nhân viên Cục điều tra đặc biệt đang khám xét “xưởng đẻ thuê” |
“Cuộc giải cứu 15 cô gái thành công đã phát hiện 7 cô mang thai từ 12 đến 20 tuần, hai cô đã sinh em bé, 6 cô còn lại chưa mang thai. Một số cô đề nghị phá thai để sớm trở về nước. Thời gian đầu, tinh thần của các nạn nhân hoảng loạn. Chúng tôi phải điều trị tâm lý. Đến nay, các cô đã bình thường, tiếp xúc với mọi người vui vẻ, thỏa mái hơn và ít bị xúc động.
Liên tục trong thời gian qua, Thái Lan, Việt Nam và Đài Loan làm việc giải quyết hậu quả đáng tiếc này. Chúng tôi đã đi đến thống nhất, các cô gái đang mang thai sẽ được sinh con tại Thái lan. Phía Đài Loan cũng liên lạc tích cực với Cảnh sát để truy tìm cha, mẹ thực sự của các thai nhi nhằm đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân”.
Ông Pol.Maj.Gen.M.L. Pansak Kasemsant - Phó Cục trưởng Cục nhập cư Thái Lan thuộc Cảnh sát Hoàng Gia nói: “Đây là bài học cho các cô gái nhẹ dạ, cả tin”. Ông Kasemsant khẳng định, Thái Lan không chấp nhận hành vi đẻ thuê, đây là việc làm vô đạo đức.
Hiện Cảnh sát Thái Lan đang tiếp tục điều tra làm rõ để nhanh chóng xử lý các đối tượng có liên quan. Vụ việc bị phát hiện là lời cảnh báo cho các cô gái trong khu vực. Hiện nay, các cô gái vẫn chưa về nước vì phải chuẩn bị thẩm vấn với tòa để xác định tội danh của các đối tượng liên quan. Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam sẽ phối hợp tốt xử lý đúng người đúng tội, đảm bảo quyền lợi cho bị hại.
Cùng ngày, Cục điều tra đặc biệt của Thái Lan thừa nhận, các cô gái chưa mang thai sẽ sớm được gặp gỡ luật sư để thẩm vấn trước tòa. Sau đó, họ sẽ trở về nước đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi hỏi, thời gian cụ thể, đại diện Cục điều tra đặc biệt cho rằng vẫn chưa xác định được.
Lập web đẻ thuê
Trong những năm gần đây, có rất nhiều phụ nữ trên thế giới đã chọn công việc mang thai hộ để kiếm kế sinh nhai dù cho luật pháp một số nước không cho phép công việc này. Có nhiều trang web được lập ra để phục vụ nhu cầu hỗ trợ sinh sản trên khắp thế giới.
Nhóm buôn người bị phát hiện ở Thái Lan có trang web là www.baby-101.com, hiện nay đã đóng cửa và không còn trang nào lưu lại thông tin của trang này. Ở thời điểm vụ việc bị phát hiện, trang web này vẫn “hot” là là một địa chỉ “tin cậy” của những cặp vợ chồng hiếm muộn tại Đài Loan.
Theo số điện thoại cố định được ghi trong web là +66-2728.1189 và +66-8112.7399, địa chỉ công ty này ở số 79/86, ngõ 150, khu Thararom, huyện Saphansung, ngoại ô Bangkok. Ông Narat Sawettanan - Phó giám đốc Cục điều tra đặc biệt cho biết, nơi đây đã yêu cầu Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Lan chặn web baby-101.
Từ khi vụ án đã bị phá, trang web trên vẫn đang hoạt động. Ngoài tuyển mộ phụ nữ tham gia đẻ thuê, bọn chúng đăng hình những em bé ra đời đẻ thuê hoàn hảo. Tiếp đến là hình và mã số hơn 40 cô gái đồng ý đẻ thuê.
Một số tờ báo nước ngoài cho rằng Văn phòng Baby-101 có đặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khẳng định chỉ phát hiện Văn phòng Baby-101 có đặt hai nước là Thái Lan và Campuchia.
Trên website gyneweb.fr, chuyên trang về sức khỏe phụ nữ ở Pháp, người ta sẽ tìm thấy rất nhiều mẩu quảng cáo có nội dung như sau: "Tên tôi là Eminlie, 21 tuổi. Tôi đã kết hôn và đã có con. Tôi có thể mang thai hộ đứa con của quý vị". Ngoài ra, có thể còn có thêm:
"Tôi biết, quý vị vẫn e ngại vì điều này bị cấm đoán ở Pháp nhưng ông bà yên tâm, tôi đã từng giúp cho 3 người phụ nữ không có khả năng mang thai có những đứa con xinh đẹp, khỏe mạnh. Nếu ông bà quan tâm thì hãy liên lạc với tôi theo địa chỉ......".
Linda, một phụ nữ Pháp 28 tuổi đã trở thành một nhân viên đẻ thuê chuyên nghiệp từ 4 năm nay. Ban đầu, từ việc giúp người chị dâu mang thai mà cô đã nảy sinh ý tưởng kiếm sống bằng nghề này. Cô cho biết: "Vì công việc này mà người bạn trai tôi đã bỏ đi. Anh ta không chấp nhận. Cái ngày tôi vào bệnh viện sinh em bé cho chị dâu tôi, tôi đã phát hiện một số phụ nữ khác cũng giống mình".
Dần dần, Linda đã sử dụng các phương tiện quảng cáo như Internet để tìm kiếm khách hàng cho mình. Nhiều cặp vợ chồng ở Bỉ và Anh không có khả năng sinh con đã đến thuê cô mang thai và sinh đẻ hộ. Có trường hợp, toàn bộ bào thai đã được thụ tinh ở ngoài và được đặt trong bụng cô, nhưng cũng có trường hợp người ta phải lấy trứng của cô để thụ thai với tinh trùng của người cha.
Thù lao cho mỗi lần mang thai và sinh hộ mà Linda nhận được vào khoảng 15.000 USD. Điều ngạc nhiên là cô gái này không hề cảm thấy quyến luyến với những đứa trẻ sơ sinh do chính mình mang nặng đẻ đau. Cô nói: "Với tôi mọi thứ đều rất rõ ràng. Đó không phải là con tôi mà là con người khác".
Tại một số nước như Đức, Italia, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ hay Pháp, dịch vụ mang thai hộ bị pháp luật nghiêm cấm. Vì thế những người có nhu cầu loại hình dịch vụ này đều phải tự tìm khách hàng cho mình thông qua quảng cáo và bạn bè giới thiệu, như trường hợp của Linda.
Nhưng tại các nước như Hi Lạp, Ấn Độ, Nga, Canada và đặc biệt là Mỹ, việc sinh con thay thế là rất phổ biến, đến độ đã xuất hiện các trung tâm môi giới đứng ra làm trung gian cho 2 bên có nhu cầu. Theo thống kê trong năm qua, các hãng môi giới dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ đã giúp đỡ cho gần 500 cặp vợ chồng vô sinh.
Hàng năm, có khoảng 200 - 400 cặp vợ chồng người nước ngoài đến Mỹ cậy nhờ đến dịch vụ mang thai hộ để có em bé. Tuy nhiên các cặp vợ chồng phải chấp hành 2 quy định ở Mỹ: Phải có giấy xác nhận tình trạng vô sinh để tránh trường hợp thuê người mang thai chỉ vì sở thích, người mang thai phải ở độ tuổi thanh niên và đã có con. Còn các bà mẹ mang thai hộ được trả công sòng phẳng thông qua hãng môi giới.
Kể từ 30 năm nay người ta ước tính có khoảng 23.000 em bé ra đời từ việc mang thai hộ tại Mỹ, còn ở châu Âu là 1.500 em. Ở Anh cũng vậy, dịch vụ này được phép hoạt động nhưng phải đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền và cảnh sát. Người ta không chấp nhận hình thức môi giới mà các cặp vợ chồng phải tự tìm người tình nguyện mang thai giúp mình.
Hiện nay, quyền cho phôi, quyền mang thai hộ, quyền được “ra đi thanh thản”... là những vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là giới y khoa.
- Bảo Bảo