Bà Dương Thị Cương (SN 1950), ngụ ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng sinh ra trong cảnh bần hàn nên không được học hành đến nơi đến chốn. Đến khi có gia đình người phụ nữ này lại phải đối mặt với nhiều khó khăn khi người chồng bị chứng bệnh tâm thần phân liệt ở tuổi 30. Những tưởng số phận sẽ vùi dập người phụ nữ này nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường của mình, bà Dương Thị Cương đã vươn lên trở thành “tỷ phú chân đất” ở miệt đồng ruộng Sóc Trăng.
[links()]
Hỏi về bí quyết làm giàu và cách giữ gìn hạnh phúc, bà Cương nói mình không hề có bí quyết. Có được cuộc sống tất cả là do các con biết nghe lời bà hướng dẫn trong cách trồng trọt và buôn bán nên mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Riêng về người chồng của mình, mặc dù ông bệnh tật nhưng chính nhờ ông luôn ủng hộ và bên cạnh vợ mà bà đã có thêm động lực trong công việc và nuôi dạy con cái.
Làm giàu từ hai bàn tay trắng
Câu chuyện làm giàu như là một kỳ tích của bà Dương Thị Cương khiến cho người dân ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú (Long Phú – Sóc Trăng) phải cúi đầu thán phục. Người ta phục bà ở chỗ cần kiệm, chí thú làm ăn và biết tính toán khi học chưa qua lớp 4 trường làng.
Từ một người chỉ có đôi bàn tay trắng nếu như không muốn nói là “nghèo rớt mồng tơi”, nhưng chỉ bẵng đi một thời gian bà Cương đã làm cho người dân ở vùng lúa chim này bất ngờ vì khối tài sản kết sù của gia đình bà.
Cái tên “Nữ tướng đồng xanh” cũng được người dân trong vùng gọi từ đó để ghi nhớ cái công ơn của bà đã giúp đỡ cho nhiều gia đình nghèo khó vực dậy làm giàu. Họ còn lấy gia đình người đàn bà này ra làm tấm gương để dạy bảo con cháu của mình.
Qua những lời nói và đôi mắt đỏ hoe của “Nữ tướng đồng xanh” khi bà Cương kể lại với chúng tôi những năm tháng cực khổ của gia đình bà thuở hàn vi, mới thấy được hết nghị lực phi thường của bà.
Không giấu giếm, bà Cương tâm sự với chúng tôi một cách hết sức cởi mở về hoàn cảnh gia đình bà trước đây. Nhớ về gia đình mình lúc chạy gạo ăn từng bữa, bà Cương với đôi mắt xa xăm cho biết:
“Hồi ấy (những năm đầu của thập niên 80 – PV) gia đình tôi rất nghèo. Để có cái ăn, cái mặc cho mấy chị em, cha mẹ tôi phải làm lụng hết sức vất vả, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Chân dung “Nữ tướng đồng xanh” Dương Thị Cương |
Mà làm ruộng ngày xưa đâu dễ như bây giờ, xứ Long Điền ngày nào quanh năm nước mặn đồng chua nên việc chạy gạo ăn từng ngày là chuyện hết sức bình thường của dân vùng này. Có đủ miếng ăn đã là chuyện khó khăn rồi huống chi là chuyện biết đến cái chữ.
Trường Tiểu học lúc đó cả vùng này chỉ có duy nhất một điểm. Con nhà nào giàu có muốn học lên lớp lớn hơn thì phải ra tận thị xã Sóc Trăng. Do đó tôi được cha mẹ cho học hết lớp 4 trường làng rồi nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Cũng nhờ có mớ chữ mà cha mẹ tôi đánh đổi bằng những giọt mồ hôi ngày ấy nên bây giờ tôi mới có được ngày hôm nay”.
Cũng như bao cô gái khác, sau khi nghỉ học bà Cương lo phụ giúp cha mẹ kiếm miếng cơm. Đến lúc trưởng thành, bà cũng yêu thương và sau đó lập gia đình với ông Thạch Sinh, một thanh niên giỏi việc đồng án trong vùng.
Dù cuộc sống có phần khó khăn nhưng với sức mạnh của tình yêu, vợ chồng bà Cương sống bên nhau rất hạnh phúc. Rồi lần lượt hai đứa con ra đời, gánh nặng trên đôi vai đôi vợ chồng trẻ này càng thêm nặng hơn.
Những tưởng người chồng sẽ kề vai sát cánh bên vợ để chăm lo cho gia đình, nhưng thật không may, ông Thạch Sinh bị chứng bệnh thần kinh phân liệt sống đời sống gần như thực vật. Một lần nữa, người phụ nữ này rơi vào bi kịch về mặt tinh thần.
“Lúc chồng tôi bị bệnh, tôi chỉ bước qua cái tuổi 30. Ngày đó tôi đã khóc rất nhiều vì nghĩ gia đình mình đã hết. Ông ấy (ông Thạch Sinh) là trụ cột trong gia đình nhưng đã không còn thì với sức lực của tôi làm sao gồng gánh được cả gia đình 4 miệng ăn.
Sau nhiều ngày rơi vào trạng thái bấn loạn, tôi kịp lấy lại bình tĩnh. Tôi nghĩ chẳng nhẽ mình cứ buông xuôi để chồng con mình chết đói hay sao. Nghĩ vậy tôi đã lao đầu vào công việc bất kể ngày đêm để có tiền lo chữa trị cho chồng, để các con tôi có cái ăn”. Bà Cương với giọng trầm buồn nhớ lại.
Có thể nói cơ may đến với người phụ nữ giàu nghị lực này vào năm 1990. Lúc đó Nhà nước có chủ trương xóa bỏ hình thức sản xuất theo tập đoàn tại địa phương, cũng là lúc người dân được sản xuất trực tiếp trên ruộng đất nhà mình.
Gia đình bà Cương được trả lại 1,7 ha đất sản xuất nông nghiệp. Có được đất đai một mình bà đã hì hục lao động sản xuất với mong ước sớm đưa gia đình mình thoát nghèo. Ngoài việc trả lại đất đai, chính sách lúc bấy giờ còn mạnh dạng lấy đất của người nhiều đất giao lại cho người nghèo. Có thể nói đây chính là thời cơ mà bà Cương nắm bắt được để trở thành “tỷ phú chân đất” như nhày hôm nay.
Đôi mắt người phụ nữ này sáng rực khi trả lời câu hỏi của chúng tôi về niềm vui của mình lúc được nhận lại đất. Bà Cương nói: “Lúc có trong tay 1,7 ha đất, gia đình tôi vui mừng như bắt được vàng. Thú thật ngày đó tôi chỉ dám mơ ước gia đình mình có đủ gạo ăn quanh năm thôi chứ không dám mơ đến chuyện giàu có hơn người.
Nhưng cũng may, gia đình tôi được ông trời thương tình nên cho lúa trúng liên tục trong từng vụ. Đảm bảo được cái bụng, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm giàu. Của cải tích lũy qua hàng năm nên gia đình từ đó cứ khấm khá dần”. Hỏi bà về bí quyết làm giàu, chúng tôi bất ngờ khi bà Cương khẳng định: “Để làm giàu chỉ cần làm nhiều xài ít” thế là đủ.
“Mình cũng xuất thân từ gia đình bần hàn nên mình phải hiểu cái cực khổ của người nghèo. Nhờ trời phật cho cái ăn thì mình phải biết quan tâm, giúp đỡ cho người khác. Phải sống như vậy mới xứng đáng với cái tình làng nghĩa xóm của ông bà ta”. Bà Cương chia sẽ.
Cũng nhờ vào suy nghĩ “làm nhiều xài ít” nên chỉ qua mấy năm gia đình bà Cương đã trở nên giàu có nhất nhì trong vùng. Chỉ trong vòng 4 năm sau khi có trong tay tư liệu sản xuất, đến năm 1994 bà Cương đã nắm trong tay hơn 80 công ruộng.
Ruộng lúa sinh ruộng lúa nên đến thời điểm bây giờ gia đình nữ tỷ phú người Khmer này đã sở hữu 260 công đất ruộng. Cách sản xuất của người phụ nữ này cũng khác người. Tất cả ruộng đất nhà mình, bà Cương chỉ sử dụng 3 loại giống để sản xuất.
Mà theo lý giải của bà thì nếu làm nhiều giống lúa quá sẽ khó bán, khó xử lý và bảo quản. Sau mỗi vụ thu hoạch gia đình bà dự trữ hơn 1.000 tấn lúa. Số lúa này bà Cương chỉ bán ra khi nào lúa có giá. Nhờ vậy mà tiền trong tay người phụ nữ này cứ tăng dần theo từng năm.
Ông Kim Chí Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Long Phú cho biết: “Điều đáng để cho người ta quý mến bà Dương Thị Cương là ở tấm lòng thương người. Không chỉ biết lo làm giàu cho gia đình mà bà Cương còn là chỗ dựa cho những gia đình nghèo khác trong vùng. Ai không có tiền, có gạo ăn là họ tìm đến nhờ bà giúp đỡ.
Người nghèo thì bà cho không, còn ai có điều kiện hơn chút thì bà cho mượn khi nào dư thì hoàn trả lại. Ngoài ra, gia đình bà Cương còn là tấm gương đi đầu trong các công tác xã hội ở địa phương.
Chỉ mới năm ngoái “Nữ tướng đồng xanh” còn khiến cho người dân ấp Nước Mặn 2 bất ngờ khi bà chi 40.000 USD để mua chiếc xe hơi xịn hiệu Everest làm quà tặng cho cả gia đình.
Tình yêu đẹp bên người chồng bệnh tật
Trong cuộc trò chuyện với người phụ nữ được mệnh danh là “Nữ tướng đồng xanh” này, chúng tôi hỏi vui bà về chuyện bệnh tật của ông Thạch Sinh. Lúc trở thành người giàu có bà còn quá trẻ, vậy mà bà vẫn chung thủy với tình yêu cùng chồng ?
Dù đã bước qua cái tuổi 60 nhưng khi nghe khách nhắc lại cái thời yêu đương của mình, nét mặt bà Cương vẫn còn bẽn lẽn. Bà tâm sự: “Tôi và ông Thạch Sinh quen biết và yêu thương nhau từ lúc cả hai còn sống cảnh cơ hàn. Tình yêu ngày nào bây giờ vẫn còn sống mãi trong tôi.
Tôi yêu ông ấy bởi vì đối với tôi ông ấy là một động lực để tôi vượt qua tất cả khó khăn. Hai đứa con là sợi dây buộc cuộc đời chúng tôi lại với nhau mãi cho đến khi chết. Dù không còn đi đứng được nhưng những lúc tỉnh táo ông ấy vẫn hay động viên, an ủi tôi. Có thể nói tôi có được ngày hôm nay là nhờ vào tình yêu của ông ấy và các con mình”.
Mặc dù bây giờ bà Cương đã trở thành người giàu có nhưng để làm gương cho con cháu bà vẫn không ngơi nghỉ để tận hưởng tuổi già. Những lúc nông nhàn, bà đưa chồng mình ra thăm đồng ruộng, nhắc lại với chồng về cuộc sống của hai người ngày nào.
Lâu lâu để cho ông Thạch Sinh “đổi gió” người vợ này không ngần ngại đưa ông đi nhiều nơi như Nha Trang hay Đà Lạt… Hỏi ông Thạch Sinh về tình yêu mà bà Cương dành cho mình, người đàn ông này rung rung đôi môi chỉ nói được một câu duy nhất: “Tôi yêu vợ con tôi”.
Cách sống chung thủy, một lòng lo cho chồng con của bà Cương được nhiều chị em phụ nữ trong vùng kính nể. Nhờ biết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình mình nên hiện tại dù các con bà đã lớn và đã có gia đình riêng, nhưng ai nấy cũng giữ nguyên lời dạy bảo của mẹ. Họ sống quấn quýt bên nhau và hết lòng yêu thương chăm sóc nhau.
- Trọng Hoàng