Nước cam giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, phụ nữ thường xuyên uống nước cam sẽ giúp làn da mịn màng, trẻ trung hơn.
Các bà nội trợ thường mua cam về nhà tự vắt nhưng đôi khi sẽ gặp tình trạng ly nước có vị đắng khó chịu.
Nước cam bị đắng không phải là do cam hỏng hay để ngoài kông khí. Nguyên nhân là do tinh dầu trong vỏ cam làm cho nước cam bị đắng.
Tinh dầu vỏ cam có tính âm, trị ho, giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa nhưng nó lại có vị cay, đắng, khó uống.
Trong quá trình vắt cam, chúng ta thường dùng lực tác động mạnh lên phần phỏ, làm tinh dầu tiết ra nhiều và hòa lẫn với nước, gây ra vị đắng.
Bên cạnh đó, trong nước cam có một số chất có thể phản ứng với nhau tạo ra vị đắng. Nước cam để lâu bị đắng là do quá trình phản ứng tự nhiên của nước cam, sinh ra hợp chấp limonoid, nhiệt độ càng cao thì hợp chất này được tạo thành càng nhiều và càng đắng.
Để vắt nước cam không bị đắng, bạn nên hạn chế tối đa lượng tinh dầu ở vỏ bị hòa vào nước.
Cách khắc phục đơn giản nhất chính là gọt vỏ cam trước khi vắt. Lớp vỏ bên ngoài bị loại bỏ sẽ làm giảm khả năng tiết ra tinh dầu. Khi đó, bạn chỉ cần nhẹ nhàng vắt nước mà không lo phần tinh dầu bị hòa lẫn vào nước cam.
Ngoài ra, tinh dầu vỏ cam có đặc tính dễ bốc hơi ở nhiệt độ cao. Vì vậy, sau khi vắt, bạn nên cho cốc nước cam vào lò vi sóng khoảng 30 giây. Việc này giúp tinh dầu vỏ cam bốc hơi và không còn vị đắng.
Để bảo quản nước cam, bạn nên để chúng trong chai thủy tinh tối màu, có nắp đậy và bỏ vào ngăn mát tủ lạnh. Rót nước cam đầy chai để hạn chế không khí làm oxy hóa các chất dinh dưỡng. Chai tối màu giúp ngăn cản quá trình phân hủy vitamin bởi ánh sáng.