Biểu tình chống tăng giá xăng dầu là không yêu nước

08:00, Thứ bảy 24/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Lúc 15 giờ ngày 23/8, hàng trăm người đã kéo đến trụ sở Tổng công ty dầu khí Thái Lan (PTT) để biểu tình, chống đối, đòi không được tăng giá xăng dầu và các sản phẩm từ xăng dầu.

Chính phủ Thái Lan đang thực hiện chính sách thả nổi giá xăng dầu và các sản phẩm xăng dầu. Đầu tháng 9 này, giá gas sẽ được thả nổi vì vậy giá sẽ tăng gần gấp đôi so với giá hiện tại.

Sau giá gas, giá xăng dầu cũng sẽ tăng trong thời gian tới do chính sách thả nổi, khiến cho người dân bất bình kéo đến biểu tình trước trụ sở Tổng công ty dầu khí nhà nước PTT.

Người Thái bao vây trụ sở tổng công ty dầu khí để chống tăng giá xăng dầu

Họ yêu cầu chính phủ tiếp tục trợ giá cho người dân, đặc biệt là hàng triệu hộ tiểu thương kinh doanh hàng ăn uống. Gas là nhiên liệu sử dụng chủ yếu của người dân ở Thái Lan.

Khoảng 400 cảnh sát được huy động để bảo vệ trụ sở PTT ở Bangkok. Nhân viên PTT được nghỉ sớm vì sợ những người biểu tình bạo động.

Hình ảnh người dân Thái Lan bao vây trụ sở tổng công ty dầu khí để chống tăng giá xăng dầu khi xuất hiện trên báo chí và các diễn đàn Việt Nam đã khiến nhiều người cho rằng họ thật dũng cảm để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít những ý kiến cho rằng, việc biểu tình là hoàn toàn không hợp lý, hành động này dường như thể hiện việc người dân Thái Lan đang không hiểu chuyện bởi đóng phí, tăng thuế cũng chính là yêu nước. Và vì vậy, đương nhiên tăng giá xăng cũng là một cách người dân thể hiện sự yêu nước nhiều hơn.

Có một thực tế ở Việt Nam hiện nay là có rất nhiều lãnh đạo cấp cao đã từng lên tiếng tuyên truyền, vận động người dân để họ có thể nhận thức rõ hơn về quan điểm và những hành động yêu nước liên quan đến các vấn đề thuế phí.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã từng có những phát biểu thể hiện rõ quan điểm này như: "Việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào" hay khi giải thích về phí bảo trì đường bộ, ông đã thẳng thắn phát biểu “Đúng là nó có thể chưa hoàn toàn khách quan, chưa hoàn toàn công bằng, nhưng người đi ô tô đóng góp là sự tự hào, hạnh phúc, là yêu nước” vào tháng 4/2012.

Và dường như cũng chính vì vậy mà Bộ Giao thông thường xuyên thắp sáng tình yêu nước trong người dân bằng việc ban hành các chính sách về thuế, phí, như phí bảo trì đường bộ, đề án thu phí hạn chế ô tô vào nội đô giờ cao điểm, kêu gọi đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) để thu phí cầu đường, cùng Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua lộ trình phí phương tiện qua các trạm BOT tăng 3,5 lần so với hiện nay trong giai đoạn từ nay tới năm 2016.

Có lẽ, để hạn chế những vị biểu tình như trên, chính phủ Thái Lan phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện theo quan điểm đóng phí, tăng thuế là yêu nước.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc