Bộ Giao thông bác đề xuất phạt xe không chính chủ

06:54, Thứ ba 26/03/2013

( PHUNUTODAY ) - Cùng với đó, nội dung phạt người không mua phí bảo trì đường bộ cũng không được đưa vào dự thảo với lý do sẽ được đưa vào Nghị định xử phạt phí và lệ phí.

Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố Dự thảo lần 3 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, nội dung được dư luận quan tâm lâu nay là “xử phạt xe không chính chủ” đã không được Ban soạn thảo đưa vào Dự thảo Nghị định mới.
[links()]
Theo dự thảo được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến các ban ngành và người dân ngày 26/3, nội dung phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được bãi bỏ. Theo Bộ Giao thông, đã có 2 luồng ý kiến trong quá trình soạn thảo. Thứ nhất là cần tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi này để buộc chủ phương tiện tuân thủ quy định của pháp luật về đăng ký phương tiện.

Cảnh sát giao thông sẽ phạt xe không chính chủ trong một số trường hợp từ 15/4. Ảnh TTO
Cảnh sát giao thông sẽ phạt xe không chính chủ trong một số trường hợp từ 15/4. Ảnh TTO


Luồng ý kiến thứ hai cho rằng không nên xử phạt hành vi này vì qua thực tiễn triển khai Nghị định 71 cho thấy tính khả thi của quy định chưa cao, chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số quần chúng. Ngoài ra, quy định hiện hành liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu phương tiện còn chưa thật sự thuận lợi dẫn đến tồn đọng một lượng lớn xe chưa chuyển tên. Do vậy, dự thảo nghị định này đang thể hiện theo luồng ý kiến thứ hai.

Cùng với đó, nội dung phạt người không mua phí bảo trì đường bộ cũng không được đưa vào dự thảo với lý do sẽ được đưa vào Nghị định xử phạt phí và lệ phí.

Trước đó, tại cuộc họp Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định Xử phạt Vi phạm Hành chính trong lĩnh vực giao thông Đường bộ-Đường sắt (với đầy đủ thành phần đại diện Bộ GTVT, Bộ Công an, Tư Pháp...), chiều 11/3, đã làm nóng 3 vấn đề: Phạt hay không phạt phương tiện chưa sang tên đổi chủ đúng quy định; phạt không đóng phí bảo trì đường bộ và đội mũ bảo hiểm ra sao.

Lần đầu tiên, Bộ GTVT công khai bày tỏ không đồng tình phạt xe chưa sang tên đổi chủ, cần tham khảo kỹ người dân. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an lại bảo vệ quan điểm xử phạt. Thậm chí, một đại biểu Bộ Công an còn nói, báo chí bị thiểu năng vì tuyên truyền không đúng kết luận của cơ quan chức năng...

Một thành viên soạn thảo dự thảo thuộc Bộ Công an còn hàm ý: Bộ GTVT không nên chùn tay trước dư luận.

Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kết luận: “Bộ GTVT không chùn tay, mà thấy cần thiết phải dừng lại để lắng nghe ý kiến người dân, nếu không thì tham khảo người dân để làm gì. Điều gì không phù hợp và được đại đa số người dân ủng hộ thì nên thay đổi. Mục tiêu làm luật không phải để xử phạt, tránh khuynh hướng không quản được thì phạt”.

Trong một diễn biến khác, bàn về Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe máy, xe đạp máy mà Bộ Công thương, Khoa học & Công nghệ, Công an và Giao thông Vận tải (GTVT) mới ban hành, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng với các đối tượng sản xuất và kinh doanh buôn bán mũ kém chất lượng, mũ rởm thì phải xử phạt thật nghiêm khắc.

“Chất lượng mũ bảo hiểm rởm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể bắt người dân phải chịu trách nhiệm được, không thể phạt người dân vì đội mũ bảo hiểm rởm hay mũ kém chất lượng.” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định.
 

Từ ngày 15/4 tới đây, Thông tư 11/2013 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số nội dung và Nghị định 71/2012 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực.

Tuy nhiên, không ít người dân băn khoăn vì tại điều 6 của Thông tư 11 quy định người điều khiển mô tô xe máy khi bị CSGT kiểm tra, ngoài giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe còn phải xuất trình “Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”, nếu không sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính và có thể bị phạt và tạm giữ xe.

Trả lời Thanh Niên, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an giải thích, trong Nghị định 71/2012 của Chính phủ có quy định về “Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”, nhưng có mở ngoặc là "nếu có".

“Tức là người ta làm đón đầu là mai kia một số loại mô tô xe máy cũng phải có loại giấy chứng nhận này, nhưng bây giờ chưa có loại giấy tờ này nên không thể xử phạt. Việc Thông tư 11 đưa vào là viện dẫn theo Nghị định 71”, ông Nghị nói và nhấn mạnh: “Tôi khẳng định không xử phạt mô tô xe máy về việc không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trước nay cũng thế và sắp tới cũng thế”.

 

PV. (Tổng hợp)

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc