Ăn rau muống khi đang mắc bệnh
Những người mắc bệnh gout, viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, đau xương khớp, bị viêm đau không nên ăn rau muống, vì nó có thể khiến cho bệnh chuyển biến xấu hơn. Do đó, khi thấy có những biểu hiện khác thường sau khi ăn rau muống, bạn cần ngưng lại ngay và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.
Ăn rau muống sống, chưa chín kỹ
Nhiều người thích món rau muống chẻ ăn sống, nộm rau muống hoặc xào tái rau. Tuy nhiên, trong rau muống, đặc biệt là rau thủy sinh thường chứa sán lá và nhiều ký sinh trùng, nếu nấu không kỹ, những loại ký sinh trùng đó chưa chết, khi vào cơ thể người có thể gây ra triệu chứng đau bụng, khó tiêu...
Ăn rau muống khi bị vết thương
Theo các nghiên cứu, rau muống có chất madecassol (chất này cũng được tìm thấy nhiều trong rau má) thúc đẩy quá trình phát triển xơ. Đối với những người có cơ địa sẹo lồi, ăn rau muống sẽ khiến cho sẹo lồi hơn. Những người cơ địa bình thường, chất này lại tăng cường quá trình liền sẹo.
Cùng với rau muống, thịt bò cũng là thực phẩm có thể để lại vết sẹo lồi cho người đang có vết thương mềm, bởi chúng kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi trên da. Vì vậy nếu chưa biết cơ địa mình thế nào, tốt nhất không ăn rau muống khi bị vết thương hở. Những người đang điều trị nội khoa, ngoại khoa cũng không được khuyến khích ăn rau muống.
Ăn nhiều rau muống trái mùa
Mùa chính của rau muống là mùa hè, tuy nhiên, do sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay người ta trồng rau muống quanh năm. Thậm chí, có nơi còn dùng các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu để giúp rau muống trông đẹp hơn, bắt mắt hơn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi ăn rau trái mùa, bạn nên lựa chọn những cửa hàng rau sạch uy tín, thậm chí ngâm rửa thật kỹ để tránh ngộ độc thức ăn.