Bộ trưởng Lê Văn Hiến qua lời kể của cháu ngoại (I)

06:39, Thứ sáu 01/03/2013

( PHUNUTODAY ) - "Tôi nhớ những ngày xa xưa, mỗi buổi tối, ông bà tôi ngồi bên cạnh nhau. Có khi họ yên lặng đọc sách, có khi bà kể cho ông nghe một câu chuyện hay quan điểm nào đó. Ông thường ngồi chăm chú lắng nghe bà”.

Đến phút cuối đời, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã có được cả hai điều đó: Ông có một sự nghiệp đáng tự hào, khi cả đời chiến đấu vì lý tưởng cộng sản; còn ở đời riêng, ông có hai người vợ, một người vợ đầu đã khuất và người vợ sau đã đi cùng ông gần trọn cuộc đời, với ông đều là “vị thuốc tinh thần cho người lữ khách trong cảnh đời sóng gió”.

[links()]

Lê Elena – cháu gái của cố Bộ trưởng Bộ Tài Chính Lê Văn Hiến mang một vẻ đẹp lai rất dịu dàng. Chị là kết quả của một mối tình Nga – Việt. Cha chị là con trai một Trung tướng Liên Xô (cũ), còn mẹ chị là Lê Thị Ngọc Ái, con gái duy nhất của cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến với nhà cách mạng nổi tiếng xứ Quảng – Thái Thị Bôi.

Elena yêu cha mẹ mình như mọi người con khác, thế nhưng người Elena gắn bó nhất, không phải là cha chị, cũng không phải là mẹ chị, mà chính là ông ngoại chị, sự gắn bó mà chị vẫn nói là một mối nhân duyên đầy may mắn mà chị được số phận ban tặng khi sinh ra trong cuộc đời này.  

“Vị thuốc tinh thần cho người lữ khách”

Cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyên (tại ATK năm 1948)
Cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyên (tại ATK năm 1948)

Lê Elena không phải người cháu duy nhất của vợ chồng cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, nhưng chị là người cháu duy nhất sống với vợ chồng ông từ lúc lọt lòng, cho đến ngày cả hai ông bà nhắm mắt xuôi tay, cũng là người cháu đang chăm sóc việc hương hỏa cho ông bà suốt bao năm nay.

Vì thế khi tôi hỏi Elena, tôi có thể tìm ai trong gia đình chị để tìm những câu chuyện đời thường về Bộ trưởng Lê Văn Hiến cho bài viết của tôi, Elena đã trả lời rất nhanh, rất đương nhiên: “Em hãy gặp chị”.

Thật may mắn vì dự định viết chân dung về người Bộ trưởng thứ hai của Bộ Tài chính của tôi có lẽ rất thuận duyên, khi mà chỉ còn vài ngày nữa là tròn 15 năm ngày mất của cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến.

Tôi có một cảm giác rất kỳ lạ khi bước vào ngôi nhà của cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến từng sống lúc sinh thời trên phố Tông Đản, ngôi nhà mà hiện nay, cháu gái của ông, Lê Elena đang ở. Ngay lúc đó, tôi không thể diễn tả được cảm giác của mình là gì.

Nhưng trong buổi nói chuyện của tôi với Elena trong ngôi nhà đó, giữa lúc kể những câu chuyện về ông ngoại mình, Elena chỉ vào hai chiếc ghế tựa ngay cạnh chỗ chị ngồi, ngậm ngùi:

“Hai chiếc ghế đó, khi còn sống ông bà tôi luôn ngồi đó đọc sách và trò chuyện mỗi tối. Nó vẫn được giữ nguyên sau khi ông tôi mất…”, đến lúc đó tôi đã hiểu cảm giác lạ lùng của mình lúc ban đầu: bóng dáng của người đã khuất hiện hữu trên từng đồ vật, từng góc nhỏ trong ngôi nhà này, và hiện rõ nét nhất trong đôi mắt dưng dưng của Elena khi chị kể về người ông mà chị quá đỗi yêu thương và tôn kính.

Trong một buổi chiều đầu đông se lạnh giữa Thủ đô, thật dễ chịu khi được ngồi trong một ngôi nhà tràn ngập hình bóng của quá khứ,  bên cạnh chiếc ghế tựa cũ kỹ và nghe một câu chuyện đặc biệt về chủ nhân của nó….

Cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyên cùng các con cháu
Cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyên cùng các con cháu

Bộ trưởng Lê Văn Hiến có hai người vợ và cả hai đều là những nữ cộng sản nổi tiếng của Việt Nam. Trước khi kết hôn với bà Lê Thị Xuyến – Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ông đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, dù ngắn ngủi với bà Thái Thị Bôi, người nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung xứ Quảng, chỉ tiếc là cuộc hôn nhân ấy đã sớm kết thúc trong nỗi buồn, khi bà qua đời sau một cơn bạo bệnh vì những đòn tra tấn dã man trong nhà tù thực dân Pháp.

Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Thái Thị Bôi quen nhau ở Huế. Hai ông bà học trong hai ngôi trường ngay cạnh nhau. Ngày đi học, nếu như Bộ trưởng Lê Văn Hiến từng đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp sơ đẳng tiểu học Pháp – Việt, thì bà Thái Thị Bôi là từng giành được học bổng loại ưu, dành cho những nữ sinh đặc biệt xuất sắc của trường nữ sinh Đồng Khánh.

Bà cũng là người con gái hiếm hoi trong lịch sử phong kiến Việt Nam, sau khi vinh quy đỗ đạt về làng, đã được dân làng khiêng kiệu từ cổng làng vào nhà. Bà Thái Thị Bôi là cháu ruột của nhà yêu nước Thái Phiên, người đã bị thực dân Pháp xử tử sau khi cùng vua Duy Tân lập hội Duy Tân chống Pháp.

Cha của bà Thái Thị Bôi là ông Thái Văn Cân, sau khi nghe tin em trai mình bị xử tử, đã thổ huyết mà chết. Cùng chung lý tưởng, cùng chung lòng căm thù giặc, đôi trai tài gái sắc ấy đã nên duyên vợ chồng và cùng tham gia hoạt động cách mạng suốt những năm tháng là vợ là chồng.

Mẹ của Elena là Lê Thị Ngọc Ái, chính là kết quả duy nhất của mối tình ấy. Elena kể: “Bà ngoại Thái Thị Bôi của tôi mất năm 1939, khi bà mới 27 tuổi. Tôi chào đời sau đó gần 30 năm, chỉ biết về bà qua những gì ông tôi kể.

Ông tôi nói, bà tôi là một trong những nữ cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bà thậm chí còn là Đảng viên Cộng sản trước ông. Khi còn sống, bà rất tháo vát, từng kinh doanh cả hiệu sách, lò gốm, nhà máy từ miền Trung đến miền Bắc để lấy tiền giúp cách mạng hoạt động.

Ông bà tôi lấy nhau, cùng tham gia hoạt động cách mạng, lại cùng chịu cảnh tù đày bắt bớ, nên suốt 10 năm vợ chồng, ông bà cứ như vợ chồng ngâu: lúc bà tôi đang ở ngoài hoạt động thì ông tôi bị địch bắt, lúc ông tôi được tự do, lại đến lượt bà bị thực dân Pháp tống giam.

Mẹ tôi là con gái duy nhất của ông bà. Sau khi sinh mẹ tôi, bà tôi có mang thai người con thứ hai. Nhưng lúc đang bụng mang dạ chửa thì bà tôi bị địch bắt. Bà tôi bị tra tấn và chỉ được thả ra khi đã gần như kiệt sức.

Bà sinh người con thứ hai, vừa lọt lòng mẹ đã qua đời. Không lâu sau đó thì bà cũng bỏ ông tôi mà đi. Ông tôi góa vợ, mất con khi mới 35 tuổi, nỗi đau chồng chất nỗi đau, một mình nuôi mẹ tôi, lúc đó  mới hơn 3 tuổi”.

Bộ trưởng Lê Văn Hiến gặp người vợ sau này – bà Lê Thị Xuyến sau Cách mạng tháng Tám và nên duyên vợ chồng năm 1949, nhưng trước đó, ông bà đã có nhiều năm biết nhau, khi Lê Văn Hiến đã từng có thời gian dài hoạt động chung với nhà cách mạng Phan Thanh – người chồng đầu tiên của bà Lê Thị Xuyến.

Có một sự trùng hợp là năm 1939, khi ông Lê Văn Hiến mất vợ, thì bà Lê Thị Xuyến cũng mất chồng. Nhà cách mạng Phan Thanh chồng bà đã qua đời vì một cơn bạo bệnh. Gặp lại nhau sau cách mạng tháng Tám, ông bà đã nhận ra người bạn, người đồng chí quen biết lâu năm cùng quê hương xứ Quảng sẽ chính là người có thể cùng mình chia sẻ những mất mát đã qua và cùng gắn bó trọn cuộc đời sau này.

Sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ có ý mai mối cho ông với một đám khác, nhưng Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã kể cho Bác về tình cảm của mình dành cho bà Lê Thị Xuyến và lời hẹn ông bà dành cho nhau.

Khi thấy Bác còn băn khoăn, lo lắng nên chưa đồng ý, ông đã nói: “Xin cho chúng tôi bàn bạc lại, nếu hứa hẹn không thành, xin Cụ cứ cho phép tôi gác việc riêng, vì thật tình tôi không thể có một quyết định nào khác”.

Suốt 7 tháng sau, khi Bác hỏi, ông vẫn không thay đổi câu trả lời của mình. Hiểu rằng bà Lê Thị Xuyến sẽ là sự lựa chọn duy nhất của vị Bộ trưởng Tài chính của mình cho cuộc hôn nhân thứ hai, tin tưởng vào tình cảm của ông bà, Bác đã tác thành cho ông bà nên vợ nên chồng năm 1949.

Sinh thời, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã nói rằng bà Lê Thị Xuyến “có một tâm hồn cao đẹp trong một thân hình mảnh mai”, là người mà sau khi người vợ đầu tiên của ông, bà Thái Thị Bôi qua đời, đã khiến ông “bâng khuâng, thổn thức, nhớ thương, chờ mong”, là người khiến lòng ông ấm lại sau khi mất đi người vợ đầu.

Trong hồi ký của mình, viết về người vợ sau này - nữ chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ông viết: “Xuyến có nhiều tư cách giống Bôi quá, nhất là tính giản dị, hồn nhiên và đức độ. Về tính cương quyết trong công việc thì cũng như nhau. Chỉ khác, Bôi thì trầm mặc, còn Xuyến thị bộc lộ rõ hơn”.

Ông vẫn nói mình là một người đàn ông may mắn vì có hai cuộc hôn nhân hạnh phúc. Và ông trân trọng vô cùng sự may mắn đó, vì “đời không chỉ là một cuộc chiến đấu mà còn là niềm vui. Hạnh phúc là gì nếu không phải là sự thành công trong chiến đấu? Lẽ sống con người ở đâu, nếu trong hương vị cuộc đời, không có sự thỏa mãn tình cảm?”.

Đến phút cuối đời, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã có được cả hai điều đó: Ông có một sự nghiệp đáng tự hào, khi cả đời chiến đấu vì lý tưởng cộng sản; còn ở đời riêng, ông có hai người vợ, một người vợ đầu đã khuất và người vợ sau đã đi cùng ông gần trọn cuộc đời, với ông đều là “vị thuốc tinh thần cho người lữ khách trong cảnh đời sóng gió”.

Chiếc ghế tựa và mối tình đẹp qua thời gian

Bộ trưởng Lê Văn Hiến và Chủ tịch Hội LHPN Lê Thị Xuyến về sống chung một nhà khi ông đã có một người con gái với người vợ đầu, bà cũng có hai người con trai với người chồng trước (một trong hai người con trai của bà với nhà cách mạng Phan Thanh tên là Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng – pv).

Đến với nhau khi tuổi đã cao, lại thường xuyên xa nhau vì nhiệm vụ cách mạng, nên ông bà không có người con chung nào. Nhưng dù sống cảnh “con anh, con em”, nhưng những người con của cả hai ông bà không bao giờ phải trải qua cảm giác về một gia đình không trọn vẹn.

Luôn luôn, trong suốt những năm tháng vợ chồng, cả hai ông bà, người này đều yêu thương con riêng của người kia nhưng máu mủ ruột thịt của mình. Chị Elena nói:

“Có lẽ chính vì tình yêu thương không hề phân biệt của cả hai ông bà, nên sau này, cậu Phan Diễn, Phan Vịnh luôn dành cho ông tôi những tình cảm trìu mến như một người con dành cho cha. Cũng như mẹ tôi và tôi luôn yêu và kính trọng bà ngoại Lê Thị Xuyến và xúc động trước những tình cảm bà dành cho chúng tôi.

Tất cả những nết ăn, nết ở, những thói quen của tôi, đều ảnh hưởng từ bà. Tôi chưa bao giờ nhận thức được tôi không phải cháu ruột thực sự của bà. Vì bà luôn dành cho tôi tình yêu của một người bà thật sự: yêu thương, nhân từ, chăm sóc, bảo ban.

Bà khiến cho tôi có cảm giác bà yêu thương tôi như một lẽ tự nhiên. Tôi, chứ không phải con cậu Diễn, cậu Vịnh mới là người được ở gần bà nhiều nhất, được bà yêu chiều, lo lắng nhất. Khi các con tôi lần lượt ra đời, cũng chính là bà đã chăm sóc, ẵm bồng chúng từ thuở nằm nôi”.

Elena kể, mỗi năm, gia đình chị đều có những ngày rất đặc biệt, đó là ngày giỗ của ông Phan Thanh, bà Thái Thị Bôi, sau này, khi bà Lê Thị Xuyến và ông Lê Văn Hiến lần lượt qua đời, mỗi năm cả gia đình có 4 cái giỗ lớn:

“Chúng tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ nếp sống và suy nghĩ của ông bà. Với gia đình tôi, dịp giỗ chạp không chỉ đơn giản là dịp làm mâm cơm cúng người đã khuất. Đó còn là dịp chúng tôi cùng nhau ngồi lại và cùng hồi tưởng về những người thân đã khuất của mình.

Mỗi dịp giỗ bà Thái Thị Bôi, ông tôi lại ngồi quây quần quanh con cháu, kể những mẩu chuyện về bà. Ông nói con cháu nhất định phải nhớ lấy những câu chuyện ông kể, để nhớ bà và tự hào về bà. Mỗi dịp giỗ ông Phan Thanh, sẽ đến lượt bà Xuyến kể chuyện”.

Đó là lời hẹn của vợ chồng Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến. Khi lấy nhau, ông bà đã hẹn với nhau vào những dịp kỷ niệm ngày mất của người vợ và người chồng quá cố của mình, ông bà sẽ ở bên nhau để cùng tưởng nhớ tới những người mình đã yêu thương. Và ông bà đã luôn giữ lời hứa đó, cho đến ngày sinh ly tử biệt.

Elena có may mắn được sống với vợ chồng cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến từ nhỏ, chị hạnh phúc vì đã được ở bên ông bà suốt cuộc đời mình. Ở bên cạnh ông bà ngoại, chị đã chứng kiến tình yêu dịu dàng mà ông bà dành cho nhau:

“Hai cái ghế tựa ở góc nhà, khi còn sống, là nơi ông bà tôi vẫn ngồi đó mỗi tối. Tôi nhớ những ngày xa xưa, mỗi buổi tối như thế, ông bà tôi ngồi bên cạnh nhau. Có khi họ yên lặng đọc sách, có khi bà tôi kể cho ông tôi nghe một câu chuyện gì đó, hay đưa ra một quan điểm nào đó. Ông tôi là người ít nói, ông tôi thường ngồi lắng nghe bà tôi mỗi buổi tối như thế, dù im lặng, nhưng vô cùng chăm chú”.

Có một điều đặc biệt là chị Elena chưa bao giờ thấy ông bà mình to tiếng với nhau suốt những năm tháng chồng vợ, cũng chưa bao giờ giận nhau. Ông bà luôn dành cho nhau những cử chỉ chăm sóc dịu dàng.

Bà có thể dành hàng giờ để cặm cụi nấu cho ông những món ăn ông thích, hay tự tay khâu vá và may quần áo cho ông. Ông ăn uống rất đơn giản, chỉ cần muối vừng, rau luộc, cá kho, nhưng phải do chính tay bà nấu.

Mỗi bữa ăn, ông vẫn thường nói với con cháu: “bà nấu ăn cho cả nhà ngon không chỉ vì bà khéo tay đâu, mà vì bà làm bằng cả tấm lòng, tình yêu thương đấy. Các cháu hãy học ở bà điều đó, làm việc gì cũng phải có cái tâm” – những lời khen tế nhị, kín đáo nhưng cũng rất chân thành của ông luôn khiến bà cảm động.

Chị Elena kể: “Ông tôi không chỉ dành cho bà tôi những lời khen xuông. Ông đáp lại sự chăm sóc của bà theo cách riêng của mình. Ông tôi thường lẳng lặng rửa bát và giặt quần áo giúp bà để bà đỡ vất vả.

Trước khi bà tôi mất, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ trong suốt mấy chục năm trời, luôn luôn ông tôi lấy lọ dầu thơm xoa lưng cho bà. Ông tôi làm việc đó với sự hạnh phúc và dịu dàng khó tả, cái mà người ta chỉ có khi thực sự yêu nhau.

Khi về già, ông bà tôi mỗi người ngủ một giường, nhưng vẫn nằm chung phòng. Lúc ông bà còn sống, tôi thường bắt gặp cảnh bà tôi sang giường ông tôi, mắc màn cho ông; cùng lúc đó, ông tôi sang giường bà mắc màn cho bà. Xong xuôi, ai lại về giường người đó nằm.

Tôi nhớ có lần tôi từng hỏi sao ông không tự mắc màn cho ông, bà không tự mắc màn cho bà, mà lại phải qua lại cầu kỳ như thế, ông bà chỉ cười.

Hỏi thế, nhưng tôi tự hiểu và rất cảm động. Tôi biết ông bà tôi muốn thể hiện tình yêu qua từng sự chăm chút nhỏ nhặt, đôi khi tưởng không quan trọng nhưng lại rất cần thiết đó. Những  cử chỉ nho nhỏ ấy, làm cho ông bà tôi luôn ấm áp, hạnh phúc”.

Sau này bà Lê Thị Xuyến mất, Bộ trưởng Lê Văn Hiến rất suy sụp. Có lẽ nếu bà không đi trước ông, ông sẽ còn sống thêm được vài năm. Một khoảng thời gian lâu sau khi bà bỏ ông đi trước, tối nào chị Elena cũng thấy ông lên giường ngủ sớm, nhưng chỉ được một lúc là ông dậy thắp hương cho bà, rồi đi ra cái ghế tựa, ngồi lặng im trên đó hàng giờ đồng hồ, có khi là suốt đêm.

Có những đêm chị Elena thức dậy giữa đêm, thấy ông vẫn ngồi ở cái ghế tựa quen thuộc đó, chị nhắc ông đi ngủ nhưng không được. Có lẽ đó là những lúc ông rất nhớ bà, là những lúc ông thấy trống vắng đến vô cùng khi cái ghế tựa kế bên cạnh ông sẽ không bao giờ còn có bà ngồi ở đó.

Sau ngày bà mất, có lần khi chuông điện thoại reo, ông buột miệng nói: “bà gọi đấy”. Đó là lần đầu tiên, sau 92 năm sống trên đời, ông bị lẫn.

Con cháu trong nhà đều mơ hồ một cảm giác rằng, ông sẽ không ở lại lâu sau khi bà ra đi, bởi dường như sự cô đơn, mất mát sau cái chết của bà đã cướp mất sức sống trong con người ông. Nỗi lo sợ đó đã trở thành sự thật không lâu sau đó. Bà mất năm 1996 thì chỉ một năm sau, - năm 1997, ông ra đi.

Đã có nhiều bài viết về cuộc đời cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến. Tựu chung những bài viết đó, những người đã quen biết ông, đã từng sống, từng làm việc cạnh ông, đều thừa nhận một điều, ông là người có tính cách rất giản dị.

Giản dị là khi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính bao nhiêu năm nhưng khi ông qua đời, ông gần như không có gì ngoài một thứ: đó là một đồng tiền bằng vàng mà vào năm 1948, theo chủ trương của chính phủ cho đúc đồng tiền đó để làm tượng trưng cho giá chị của đồng tiền Việt Nam, ông đã đúc 200 đồng tiền này để gửi tặng các thành viên trong Chính phủ, các anh hùng chiến sĩ, các lãnh đạo địa phương như một kỷ niệm, một lời đảm bảo cho giá trị đồng tiền Việt Nam, tinh thần Việt Nam.

Bản thân ông cũng giữ một đồng. Sau này, không còn ai giữ đồng tiền đó nữa, vì có lẽ trong hoàn cảnh khó khăn, người ta đã chuyển vàng thành tiền để phục vụ cho các nhu cầu hàng ngày. Riêng ông vẫn giữ và để dành tặng vật thừa kế duy nhất ấy cho con gái mình – Lê Thị Ngọc Ái…

Giản dị là khi về hưu, đều đặn mỗi sáng sau khi chạy thể dục quanh hồ Gươm, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính lại về khu tập thể 11B Tông Đản, cầm cây chổi quét sân, có hôm đi móc cống nếu cống tắc; giản dị là sau đó, ông về nhà, đợi vợ mình thức dậy, ông gấp chăn cho bà, cùng bà ngồi trên chiếc ghế tựa, trò chuyện đến trưa và ăn cơm mà đôi khi bữa cơm chỉ có muối vừng, gạo lức….

  • Hương Thảo Nguyên
     
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc