(Đời sống) - Đối phó với các thiết bị công nghệ tinh vi trong gian lận thi cử, ngành giáo dục đang đưa ra nhiều biện pháp trong đó có biện pháp sử dụng chuyên gia kiểm tra mức độ hiện đại của thiết bị mang vào phòng thi.
Gian lận trong thi cử thời hiện đại không còn là phao thi, tài liệu cứng mà các thí sinh cũng biết áp dụng công nghệ hiện đại vào thi cử khi hàng loạt các thiết bị giúp thí sinh tự tin hơn trong thi cử ra đời như bút quay phim, đồng hồ thông minh, kính mắt thông minh có dữ liệu.
Để đối phó với thực tế đó, việc tập huấn cho giám thị làm quen với các công nghệ hiện đại đó được coi là công việc chống gian lận đầu tiên. Tuy nhiên, giám thị coi thi cũng không phải là những chuyên gia về công nghệ thông tin khi quá một nửa giám thị coi thi chủ yếu là tuyển chọn từ các thí sinh. Để đối phó với các thí sinh "nhờn quay cóp", ngành giáo dục sẽ cử một dàn chuyên gia công nghệ thông tin đi kiểm tra thẩm định các loại máy quay, máy ghi âm đưa vào phòng thi.
Tại Đà Nẵng, trả lời trên báo Tuổi trẻ, PGS.TS Trần Văn Nam - giám đốc ĐH Đà Nẵng - cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi ĐH năm 2013 đã hoàn tất. Để đối phó kịp thời khi có hiện tượng thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử, PGS.TS Trần Văn Nam cho biết đã tập huấn công tác cho các cán bộ coi thi và đã chiếu các hình ảnh về một số thiết bị như bút điện tử, đồng hồ... để các giám thị biết và có biện pháp xử lý.
Những thiết bị điện tử siêu thông minh trong thi cử |
Ngoài ra trong buổi học quy chế thi ngày 3/7, cán bộ coi thi sẽ nhắc nhở thí sinh thêm. Trong khi đó ông Phan Văn Nhẫn, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, nói: “Nếu thí sinh mang những thiết bị điện tử cao cấp thì phải đăng ký với hội đồng thi để được các chuyên gia kiểm tra và tư vấn. Khi nào các chuyên gia này đồng ý mới được mang vào phòng thi”.
Thử tưởng tượng hàng chuyên gia đứng ở cửa phòng thi kiểm tra tay, túi của thí sinh có thiết bị lạ không sẽ khiến hành lang phòng thi nhộn nhịp hơn thay vì cảnh nghiêm túc, yên tĩnh của phòng thi. Mặc dù chưa số liệu ước tính được có bao nhiêu % thí sinh mang tài liệu vào trong phòng thi nhưng đội ngũ chuyên gia này sẽ phải soi từng thí sinh trước khi họ bước vào phòng.
Còn nhớ, Bộ Trưởng Luận đã từng nói cho học sinh mang máy quay phim, máy ghi âm vào phòng thi không phải để các cháu quay bài mà để thí sinh tự tố cáo giám thị, tố cáo tiêu cực trong phòng thi. Đây thực sự là đột phá của ngành giao dục. Nhưng điều kiện của việc mang máy quay này cũng khá ngặt nghèo là thiết bị máy quay, máy ghi âm không có chức năng truyền dẫn thông tin. Như vậy, các em có thể sử dụng máy quay nhưng chỉ khi nào ra ngoài phòng thi các em mới có thể truyền dữ liệu của chiếc máy quay đó ra bên ngoài.
Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận quả là am hiểu học sinh và công nghệ khi ông đã lường trước được đến những loạt thiết bị tinh vi như smartwatch, kính mắt nên đưa kèm điều kiện máy quay và máy ghi âm được mang vào phòng thi.
Trong văn bản mới nhất của bộ, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin hướng dẫn thiết bị ghi âm, ghi hình mang được vào phòng thi phải bảo đảm ba nguyên tắc: không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, Wifi...). Hai tiêu chí đầu là giám thị có thể giám sát được. Với đặc điểm không có chức năng truyền thông tin thì rất khó, chỉ có Cục Tần số vô tuyến mới phát hiện nổi chính vì vậy việc xuất hiện một giàn chuyên gia truyền dẫn âm thanh trước một phòng thi là điều hết sức mới mẻ nhưng cũng rất tích cực trong chống gian lận thi cử.
Sau kỳ thi này, ngành giáo dục Việt Nam cần được biểu dương vì có thể tận dụng tối đa được cán bộ trong ngành cũng như liên ngành trong phòng chống tiêu cực trong thi cử.
- Trúc Linh (Tổng hợp)