Nếu mỗi buồng khám phấn đấu tối đa chỉ khám 50 bệnh nhân/8 giờ làm việc cũng khó có thể đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh khi mỗi bệnh nhân chỉ được thăm khám chưa đến 10 phút. Và như thế, tình trạng vào bệnh viện "mà thấy không khác gì trại tị nạn" như Bộ trưởng Tiến từng nói có lẽ sẽ còn tiếp diễn dài dài.
[links()]
Theo mục tiêu được đặt ra trong quy trình khám bệnh vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành hôm nay 22/4, đến năm 2015 trung bình mỗi buồng khám phấn đấu tối đa chỉ khám 50 bệnh nhân/8 giờ làm việc, đến năm 2020 tối đa 35 bệnh nhân/buồng khám/8 giờ làm việc.
Tuy nhiên, lưu lượng mục tiêu này hoàn toàn trái với hướng dẫn của
Bộ Y tế khi triển khai thông tư liên tịch 04/2012 của
Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành khung giá mới của 447 dịch vụ y tế. Theo đó,
Bộ Y tế hướng dẫn để nâng cao chất lượng dịch vụ khi áp dụng mức viện phí mới, mỗi buồng khám chỉ khám 35 bệnh nhân/ngày.
Theo đó, hạn thời gian được Bộ trưởng đưa ra chấm dứt quá tải tại các bệnh viện cũng đã thay đổi từ năm 2015 lui xuống năm 2020.
Cho đến nay đã có 61/63 địa phương trong cả nước (ngoại trừ Hà Nội và TP.HCM) và 100% bệnh viện tuyến T.Ư áp dụng viện phí mới, số lượng bệnh nhân trung bình/buồng khám/ngày lại được
Bộ Y tế thay đổi.
|
Đến năm 2015 trung bình mỗi buồng khám phấn đấu tối đa chỉ khám 50 bệnh nhân/8 giờ làm việc, đến năm 2020 tối đa 35 bệnh nhân/buồng khám/8 giờ làm việc. |
Theo quy trình này, thay vì trải qua 8-10 bước, thậm chí 14 bước như trước, bệnh nhân khám bệnh chỉ cần trải qua 4-7 bước (tùy khám lâm sàng đơn thuần hay có xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán…) với thời gian chờ đợi tối đa 2-4 giờ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu công khai quy trình để người bệnh đến khám biết và giám sát. Tuy nhiên quy trình không nêu rõ ngày có hiệu lực áp dụng thống nhất.
Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của việc chuẩn phòng khám trên thực tế so với trên lý thuyết khó có thể ăn khớp như dự định của
Bộ Y tế vì còn quá nhiều bất cập. Đầu tiên là do tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng ở rất nhiều bệnh viện hiện nay. Từ trạm y tế xã, trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện đa khoa khu vực đến bệnh viện đa khoa tỉnh, ở đâu cũng thiếu bác sĩ trầm trọng. Đây là thực trạng đáng báo động từ các tỉnh miền Trung đến các tỉnh thuộc ĐBSCL. Tại
Đà Nẵng, thời gian qua nhiều bệnh viện mới được xây nhưng tìm không ra bác sĩ, phải luân chuyển bác sĩ từ những bệnh viện khác về dù những bệnh viện này cũng đang thiếu... bác sĩ.
Sau khi chia tách huyện, Trung tâm Y tế Q. Cẩm Lệ (
Đà Nẵng) phải đảm đương nhiệm vụ khám chữa bệnh cho hàng chục ngàn dân cả quận này và huyện Hòa Vang nên thường xuyên quá tải. Tính đến tháng 4/2012, trung tâm đang thiếu khoảng 10 bác sĩ.
Đà Nẵng đã xây Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang (quy mô 100 giường bệnh) khánh thành hồi tháng 9/2012 nhưng trước đó chỉ dăm tháng bệnh viện chỉ mới có bộ sậu là
giám đốc và phó giám đốc, còn bác sĩ cần đến 30 vị nhưng vẫn đang phải đi tuyển mộ.
Tương tự, Trung tâm Phụ sản-nhi được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2011 với quy mô 600 giường bệnh nhưng còn thiếu khoảng 50 bác sĩ. Vào các thời điểm bệnh tay chân miệng bùng phát, đội ngũ bác sĩ tại đây không đủ nên phải tăng cường thêm bác sĩ từ Bệnh viện
Đà Nẵng qua, trong khi theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh,
giám đốc Bệnh viện
Đà Nẵng, bệnh viện này thiếu đến 20 bác sĩ...
Lời hứa về chất lượng phục vụ tốt sau khi tăng giá cũng là một vấn đề đáng nói. Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT- BYT- BCT ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước do Liên bộ Y tế- Tài chính ban hành có hiệu lực từ tháng 4/2012. Theo đó, ban hành mới khung giá 447 dịch vụ khám, chữa bệnh, gồm 445 dịch vụ y tế và giá khám bệnh, giá ngày giường bệnh, mức giá mới đã tăng hơn so với mức hiện hành từ 30-40%.
Trong khi đó, chưa xét đến con số khám chữa bệnh quá tải của các buồng khám tại bện viện TW hiện nay. Tính trung bình mỗi buồng khám phấn đấu tối đa chỉ khám 50 bệnh nhân/8 giờ làm việc vào năm 2015 cũng khó có thể đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh khi mỗi bệnh nhân chỉ được thăm khám chưa đến 10 phút (9,6 phút/người).
|
Tình trạng quá tải hiện nay rất phổ biến ở các bệnh viện |
Hơn nữa, vấn đề bức thiết hiện nay là việc bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu để được khám bệnh, có nơi người dân đi xếp hàng từ 4 giờ sáng. Chính Bộ trưởng Y tế cũng cho hay bà biết có những bệnh nhân lớn tuổi đi tập thể dục từ 5 giờ sáng mà đợi đến 3 giờ chiều mới lấy được thuốc.
Nếu những hiện tượng quá tải này còn tiếp tục thì tình trạng vào bệnh viện "mà thấy không khác gì trại tị nạn, đến đêm vẫn không còn một chỗ trống, người nhà bệnh nhân không còn nơi để ngủ" như Bộ trưởng Tiến từng nói có lẽ sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian rất dài.
- An An (Tổng hợp từ TTO, VNN)