Báo Thanh niên dẫn nguồn tin cụ thể, thống kê cho thấy từ ngày 28/3/2013 đến 30/8/2013, NHNN đã tổ chức 57 phiên đấu thầu, tung ra thị trường hơn 1,6 triệu lượng vàng SJC. Trong đó, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã mua tổng khối lượng hơn 1,5 triệu lượng.
Do giá vàng trong nước luôn ở mức cao hơn giá thế giới vài triệu đồng/lượng, nên NHNN đã thu về một khoản tiền khá lớn tương đương hơn 6.000 tỉ đồng.
6000 tỷ đồng trong 57 phiên đấu thầu vàng |
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, trước bối cảnh ngân sách nhà nước có nguy cơ bị hụt thu gần 60.000 tỉ đồng so với dự toán trong năm nay, Bộ này đã hai lần ngồi làm việc với NHNN và thống nhất sớm điều tiết nguồn thu này vào ngân sách T.Ư.
Để có được nguồn lợi khá lớn này, thời gian qua ngoài độc quyền vàng miếng SJC, độc quyền sản xuất, nhập khẩu, NHNN còn nhận được khá nhiều cơ chế ưu ái khác từ chính sách. Đơn cử, Chính phủ vừa đồng ý việc miễn kiểm tra thủ tục hải quan đối vàng nhập khẩu của NHNN trong thời gian nhất định.
Hiện tại, tạo thuận lợi cho NHNN trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, góp phần bình ổn thị trường vàng trong nước, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng ban hành Quyết định về việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của NHNN (không phân biệt hàm lượng vàng của vàng nguyên liệu khi xuất khẩu, nhập khẩu).
Trước đó, khi giá vàng thế giới và trong nước chênh nhau lên tới 4 - 5 triệu đồng/lượng, lo lắng nguồn tiền lãi từ đấu thầu vàng không biết đi đâu về đầu. NHNN xác nhận lại vai trò không mải đi buôn vàng mà đang thực hiện nhiều biện pháp khác kèm theo trong đó có lãi suất ngân hàng. Và ngày 5/6, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, khi đề cập đến câu hỏi về chênh lệch giá vàng cao ai là người được hưởng lợi, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết hoạt động kinh doanh vàng tiêu tốn một lượng ngoại tệ rất lớn - vốn không dồi dào và cần ưu tiên cho các mục tiêu phát triển xã hội. Nhưng vì còn thị trường vàng nên vẫn phải dùng một lượng ngoại tệ nhất định để tạo ra nguồn cung hàng hóa.
Nếu như trước đây cho nhập vàng (tư nhân, các tổ chức kinh tế nhập vàng hoặc nhập lậu) thì toàn bộ sự chênh lệch giá nội - ngoại do các đối tượng kinh doanh này được hưởng và người dân không được gì. Nay toàn bộ do nhà nước đảm nhiệm nên chênh lệch này thuộc về ngân sách nhà nước để đầu tư lại cho nền kinh tế, thực hiện các công trình phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, số tiền lãi này vẫn chưa được NHNN có ý kiến tiêu pha như thế nào?