Nguyên liệu chỉ là thịt bò vụn, mỡ heo và cả mỡ cá cộng hàng chục loại phụ gia, hóa chất độc hại.
[links()]
Ở TP. HCM, các cơ sở chế biến bò viên chủ yếu ở các quận 8, Bình Tân và Gò Vấp. Từ đây, mỗi ngày, một lượng rất lớn bò viên được đưa đi tiêu thụ khắp các nơi.
Có dịp thâm nhập trực tiếp vào những cơ sở chế biến này, chúng tôi tá hỏa vì món ăn khoái khẩu của nhiều người lâu nay lại được làm bằng đủ thứ nguyên liệu tạp nham rẻ tiền, chứ không phải chỉ từ thịt trâu, bò như nhiều người nghĩ.
Giun sán vẫn ngọ nguậy
Vợ chồng chị Thúy từ Bến Tre dạt lên TP. HCM đã hơn chục năm nay làm công cho một cơ sở chế biến bò viên ở quận 6. Sau nhiều năm học hỏi, thấy công việc này đem lại lợi nhuận cao, 2 người đã quyết định “ra riêng” bằng cách thuê một căn nhà nhỏ nằm trong hẻm đường Phạm Thế Hiển, quận 8 để “sản xuất”.
Nguyên liệu làm bò viên là tập hợp của đủ thứ hổ lốn. |
Một mẻ bò viên gồm 50 kg thịt bò nguyên liệu. Nói là thịt bò cho oai chứ thực chất chỉ là mớ thịt nát, gân, lòng và bạc nhạc có dính chút thịt. Nguyên liệu này được chồng chị Thúy mua từ một mối ở huyện Củ Chi, sau khi chủ lò giết mổ đã lọc hết phần ngon bán cho bạn hàng.
Nhìn kỹ trong rổ thịt, có cả những con giun sán màu trắng đục nằm dài theo thớ gân mà nếu chúng không ngóc đầu ngọ nguậy thì ai cũng tưởng là gân bò.
Cùng với 50 kg “thịt bò” kể trên là 15 kg thịt heo vụn, 10 kg mỡ heo và 20 kg mỡ cá tạp sẽ được trộn lẫn làm nguyên liệu chính.
Theo chị Thúy, hầu như cơ sở nào cũng làm như vậy.
Đủ loại hóa chất, phụ gia
Bắt tay vào chế biến, thịt bò được ngâm trong thùng nước có pha sẵn hóa chất mà chị Thúy gọi là bột săm pết. Chỉ ngâm khoảng 10 phút, số thịt bò bầy nhầy này đã trở nên hồng tươi và săn chắc. Thợ dùng tay trần bốc từng vốc thịt lớn bỏ vào máy cắt vụn. Chỉ một loáng, 50 kg thịt bò tạp nham đã được xay nát.
Nguồn thịt xay này được đưa vào máy nghiền xay nhuyễn cùng thịt heo, mỡ heo và cả mỡ cá.
Giải thích câu hỏi vì sao trong bò viên lại có cả heo lẫn cá, chị Thúy cười tươi: “Thịt bò dù là tạp nham nhưng giá vẫn cao hơn thịt heo gần 2 lần, cao hơn cá đến 4 lần nên phải trộn thịt, mỡ heo, mỡ cá vào để hạ giá thành, bán mới có lời. Hơn nữa, có trộn như vậy, bò viên sẽ ngon hơn (thịt, mỡ heo và cá tạo độ béo, mềm cho viên bò)”.
Nhiều loại hóa chất cũng được sử dụng. |
Khi tất cả số nguyên liệu trên đã được xay nhuyễn, bàn tay phù phép của chị Thúy bắt đầu lôi trong thùng ra đủ các loại bịch “phụ gia” lớn, nhỏ.
Nào là bột tạo dẻo, bột tạo dính, bột tạo săn chắc làm cứng, bột độn, bột bảo quản, bột tạo trắng, hàn the, hương bò, hương nước mắm, hương tỏi, đường hóa học, muối đỏ, bột ngọt và màu thịt bò. Tất cả đều được trộn lẫn và đưa vào máy xay thêm một lần nữa cho đến khi khối nguyên liệu nhuyễn quện lại với nhau.
Xúc từng khay nguyên liệu (lúc này chị Thúy gọi là mộc), chị cho vào máy tạo viên. Chỉ cần bật công tắc là chiếc máy hoạt động liên tục nhả ra những cục bò viên rơi thẳng vào nồi nước nóng chừng 60 độ C.
Ngâm trong nước nóng 60 độ C chừng 3 phút, số bò viên này lại tiếp tục được cho vào nồi nước sôi ngâm tiếp khoảng 5 phút thì vớt ra. Cứ thế, hết đợt này đến đợt khác...
Siêu lợi nhuận Tận mắt chứng kiến các công đoạn để ra bò viên như thế này, tôi rùng mình nghĩ đến đã từng nhiều lần cho gia đình mình ăn món bò viên này. Tôi thắc mắc tại sao không chế biến bò viên theo công thức gia truyền mà ông bà xưa vẫn làm. Chị Thúy hạ giọng: “Nếu làm như thế thì thịt bò phải ngon nhưng ăn lại không dai và giòn, ai mà mua. Hơn nữa, giá thành 1 kg bò viên thành phẩm chừng 40.000 đồng, sau khi bỏ cho thương lái khoảng 120.000 đồng, họ bán lẻ ra khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg. Trong khi giá thịt bò hiện lên tới 240.000 đồng/kg lại qua chừng ấy công đoạn thì ăn gì. Mặt khác, bò viên được các tiệm ăn mua nhiều nhất chủ yếu để nấu phở, hủ tiếu nên họ cũng không chấp nhận mua giá cao”. |
- Theo Ngọc Mai/NLĐ