Bộ Y tế ra tay dập dịch chân tay miệng

20:57, Thứ bảy 20/08/2011

( PHUNUTODAY ) - miệng sẽ tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt đỉnh điểm của dịch bệnh này sẽ bắt đầu từ tháng 9 tới tháng 11. Vì vậy cần ngăn chặn và sớm...

(Phunutoday) - "Sở dĩ bệnh tay - chân- miệng có diễn biến phức tạp như hiện nay là do ngành Y tế thời gian qua mới chỉ lo chống mà chưa lo phòng bệnh. Còn rất nhều bệnh viện, cơ sở y tế mới chỉ lo điều trị người bị mắc bệnh, cố gắng hạn chế số trường hợp tử vong mà thiếu quan tâm tới công tác phòng bệnh và truyền thông hiệu quả đến người dân"- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong cuộc họp tại TP HCM đã thẳng thắn.

a
Bệnh viện Nhi đồng 1 quá tải
Trong những ngày gần đây, mỗi tuần có hàng ngàn ca nhiễm dịch tay, chân, miệng. Đáng lo ngại hơn, hiện tay - chân - miệng vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng mạnh. Trong khi ngành Y tế và nhiều địa phương còn chậm trễ trong công bố dịch khiến người dân cũng chủ quan, lơ là trước ‘đại’ dịch bệnh này.

Bệnh ngày càng phức tạp

Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, bệnh tay - chân - miệng đã bùng phát và đang rơi vào chu kỳ đỉnh dịch. Tuy nhiên, hiệu quả phòng chống loại bệnh này còn chưa cao do hạn chế về thuốc đặc trị và đặc biệt là công tác truyền thông ở các địa phương vẫn chưa được chú trọng. Những nơi có dịch bệnh tay - chân - miệng đều cấp phát hóa chất diệt khuẩn Cloramin B cho người dân nhưng tỷ lệ sử dụng thấp.

Phóng viên Phunutoday ghi nhận dù không phải thời điểm đỉnh dịch diễn ra, nhưng tại khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, khoa Chăm sóc đặc biệt thuộc khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2(TP.HCM) lúc nào cũng đông cha mẹ đưa trẻ mắc tay - chân - miệng nhập viện điều trị. Nhiều lúc bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí nằm tràn ra hành lang bệnh viện.

Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay số ca mắc bệnh tay - chân - miệng nhập viện điều trị tăng nhanh. Bình quân mỗi ngày khoảng 20 đến 30 ca, bệnh viện đã phải tăng thêm bác sĩ và điều dưỡng để hỗ trợ.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, nhận xét: tay - chân - miệng là căn bệnh diễn ra quanh năm và đỉnh dịch xảy ra vào thời điểm tháng 5-6 và tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay số ca mắc tay - chân - miệng đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010 và vẫn diễn biến phức tạp. Số ca tử vong trong thời gian qua được xác định phần lớn là do virus gây bệnh thuộc chủng EV 71, type C4 và C5 (loại chủng có độc tính cao).

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong cuộc họp tại TP HCM đã thẳng thắn cho rằng, ngành Y  tế thời gian qua mới chỉ lo chống mà chưa lo phòng bệnh. Còn rất nhều bệnh viện, cơ sở y tế mới chỉ lo điều trị người bị mắc, cố gắng hạn chế số trường hợp tử vong mà thiếu quan tâm tới công tác phòng bệnh và truyền thông hiệu quả đến người dân.

Theo nhận định của Bộ Y tế, trong thời gian tới số người mắc tay - chân - miệng sẽ tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt đỉnh điểm của dịch bệnh này sẽ bắt đầu từ tháng 9 tới tháng 11. Vì vậy cần ngăn chặn và sớm khống chế được tay - chân - miệng, trong thời gian tới. Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng bệnh.

Dân mơ hồ, ngơ ngác...

Theo ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ý thức vệ sinh, khử khuẩn của người dân khá thấp. Nhất là diễn tiến dịch tay – chân – miệng trong thời gian tới đang rất khó đoán. TP.HCM cũng đứng đầu cả nước với hơn 7.000 ca bệnh, trong đó có 22 ca tử vong, đã chi 20 tỷ đồng để chống dịch.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh: “Hiện nay điểm hạn chế lớn nhất trong phòng chống dịch là việc truyền thông đến người dân. Truyền thông, hướng dẫn của ngành Y tế không tốt nên người dân không hiểu, không sử dụng hóa chất diệt khuẩn, hoặc sử dụng không hiệu quả. Có gia đình có trẻ tử vong do tay - chân - miệng nhưng khi hỏi có được truyền thông phòng chống gì chưa thì không hề biết”.

Khi phóng viên xuống phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) hỏi về việc phòng dịch bệnh tay – chân – miệng thì còn rất nhiều ngươi dân mơ hồ, thậm chí còn rất nhiều người không biết loại bệnh đó như thế nào. Chị Lê Thành Tuyền là nghề bán hàng ở chợ Bình Triệu thật thà kể: “Nhà tôi có 2 con nhỏ trên dưới 10 tuổi, mấy ngày nghỉ hè ở nhà chơi với mấy đứa trẻ trong xóm nhưng mà chẳng để ý dịch bệnh tay, chân gì đó. Cách nó ở đâu chứ khu trọ tôi ở có nghe thấy gì đâu…”.

Hay ở một khu trọ khác, có hơn chục trẻ từ 1-7 tuổi chủ yếu là con của các vợ chồng làm công nhân đi làm cả ngày. Các cháu nhỏ ở khu trọ tự chơi đùa với nhau nên hễ một đứa mắc bệnh là lan truyền sang các em khác. Thấy con mệt, biếng ăn là lại mua thuốc theo ‘kinh nghiệm” chứ bố mẹ không  nghĩ đến phòng bệnh tay chân miệng. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều phường ở các quận, huyện chủ yếu là vùng ven thành phố như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp…hầu hết người dân chưa có ý thức phòng bệnh với nhiều lý do bận bịu công việc, chưa được thông báo. Khi được hỏi mọi người đều than thở: “Ở đấy biết bao nhiêu năm rồi có thấy cán bộ bộ y tế nào đến tư vấn, phát tờ rơi hướng dẫn phòng bệnh gì đâu chứ…”. 

Thời gian qua có dư luận cho rằng ngành Y tế TP.HCM không tập trung phòng chống căn bệnh tay chân miệng mà lo kinh doanh hoá chất diệt khuẩn khác để thay thế cloramine B. Để làm rõ điều này, ông Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, chủ tịch hội Y tế công cộng TP.HCM khẳng định: Không bao giờ có chuyện ngành Y tế thành phố kinh doanh dịch bệnh bằng cách không phát cloramine B và ép người dân mua sản phẩm thay thế.

Tuy nhiên, ông Giang cũng cho biết do cloramine B có mùi khó chịu, có thể gây kích thích hay dị ứng và không tiện dụng (lau chùi ba lần). Vì vậy, bên cạnh việc cấp phát miễn phí cloramine B, nghành Y tế sẽ phải tìm ra một sản phẩm khác để người dân có thể chấp nhận. Ông Giang cũng cho rằng: cloramine B không rẻ như mọi người nghĩ và việc cấp phát chỉ được thực hiện ở một thời điểm nhất định, trong một thời gian nhất định và cho một đối tượng nhất định để chống dịch. Về lâu dài, người dân có trách nhiệm cùng tham gia phòng chống dịch bệnh với Nhà nước. Đối với khu vực nhà trẻ, mầm non, hiện tại y tế thành phố chỉ cấp phát cloramine B để phục vụ cho đợt khai trường, rồi sau đó họ cũng phải tự mua, chứ không thể bao cấp mãi. Điều này nhằm tạo ra một thói quen vệ sinh khử khuẩn ở khu vực trường học và gia đình trên nền tảng của sự tự giác, ý thức tự bỏ kinh phí ra. Tuy nhiên, để có sự tự giác này ngành Y tế có trách nhiệm tìm ra những sản phẩm hiệu quả, khả thi, tiện dụng cho người dân.

Ông Giang khẳng định, ngành Y tế thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân phối những hoá chất diệt khuẩn ngoài cloramine B đến người dân. Thậm chí chúng tôi còn phải tìm kiếm và giới thiệu nhiều sản phẩm hơn nữa nhằm tạo ra sự cạnh tranh về giá cả cho người dân có thêm nhiều quyền chọn lựa, phù hợp với điều kiện kinh tế của họ. Dĩ nhiên, đối với người không có khả năng, y tế địa phương vẫn tiếp tục cấp phát miễn phí cloramine B.

SGTT

  •  V. Tâm
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc