Lý giải vì sao quán bún chửi của bà T. ở Ngô Sĩ Liên, Đống Đa, Hà Nội vẫn đông khách thậm chí còn xếp hàng để được thưởng thức nó, bạn Tú Anh cho rằng "Mọi người cứ chê bai người Hà Nội nhưng cũng phải hiểu người Hà Nội gốc đâu. Bây giờ toàn ở các tỉnh về họ làm bậy lại đổ lỗi là do người Hà Nội làm. Bây giờ Hà Nội không phải của người Hà Nội mà báo chí và mọi người hơi một tí là nói dân Hà Nội".
Đồng quan điểm, độc giả tên Nguyên cho rằng: "Thử hỏi các bạn, ở Hà Nội hiện nay có bao nhiêu phần trăm là dân "Hà Nội xịn". Hãy để dân Hà Nội về cái miền quê thể hiện cái văn minh, lịch lãm của mình. Ở đấy, mới có cái nhìn chính xác về cái "chất" của người Tràng An. Không thể nói, toàn dân Hà Nội là văn minh, thanh lịch. Nhưng có thể khẳng định: Thứ bạn thấy hàng ngày ở Hà Nội không phải là "sản phẩm" của người Hà Nội được. Có như vậy, mới thực sự là người công tâm và có học thức khi nhìn nhận một vấn đề".
Quán bún chửi tồn tại hơn 30 năm nay vì người nhập cư đến ăn? |
Tuy nhiên, xem ra cách lý giải của người Hà Nội trên không được thực tế cho lắm bởi TP.HCM cũng là nơi người dân nhập cư nhiều. Thử bói xem người dân mang cái gốc Sài Gòn ở đây có được bao nhiêu người, ấy vậy mà, Sài Gòn làm gì có đặc sản "bún chửi".
Nhiều bạn độc giả đồng tình rằng "bún mắng, cháo chửi, cướp áo mưa" chỉ có ở Hà Nội, còn người Sài Gòn không bao giờ làm thế, bún chửi không tồn tại được ở nơi này. Độc giả LamLam dẫn chứng: "Ở SG, mình ăn 1 vài quán của HN, rất lịch sự chứ không phải bún mắng cháo chửi. Có lẻ vào SG người ta văn minh hẳn ra. Chắc nhập gia tùy tục thôi".
Hay như cách lý giải của độc giả tên Long: "Người Hà Nội đa số là định cư lâu năm từ nhiều thế hệ, bởi vậy họ coi mảnh đất này như nhà của mình. Người Sài Gòn thì đa phần toàn dân di cư, vì nhiều lý do, nên họ coi như mình là khách, nên có phần nhu mì".