[links()]
Sáng 18/3, theo nguồn tin riêng của Phụ nữ và đời sống, ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ Chuyên ngành, Sở Khoa học Công nghệ Ninh Thuận đã chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng: hiện tượng xuất lộ bùn ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận có liên quan tới núi lửa.
Ảnh: VTC |
Theo ông Hoành, Sở đã phối hợp với xã, tỉnh tiến hành khảo sát trực tiếp nơi xảy ra hiện tượng này. Qua khảo sát, Sở Khoa học Công nghệ Ninh Thuận đã nhận định: Việc phun trào bùn ở xã Lợi Hải nó đơn thuần chỉ là do tai biến nứt đất, tạo áp lực khiến cho bùn phun trào.
Có tất cả 5 hố, trên diện tích khoảng 2000m2. Ông Hoành cho biết, bùn phun ra từ hố này có nhiều màu khác nhau như: xanh lục, xám tro... tất cả đều không có mùi.
"Đây là khu vực đất canh tác, nên các hố bùn lộ thiên đã được rào lại, nhằm đảm bảo an toàn cho người và gia súc", ông Hoành nói.
Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, TS Lê Minh Huy, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (thuộc viện Vật lý địa cầu) lại tỏ ra thận trọng. Theo nhận định của ông Huy, việc xác định có liên quan đến động đất hay không phải khảo sát thực tế mới rõ. Nếu bùn phun lên chỉ là ở trên bề mặt, không nóng, không màu thì không có gì đáng ngại, nhưng nếu bùn phun lên mà có màu lạ như phản ánh thì cũng không thể chủ quan.
Cũng theo ông Huy, nếu chỉ dựa vào việc đất phun trào mà kết luận có liên quan đến động đất là không có cơ sở. Bùn tự phun còn bị tác động từ nhiều yếu tố như nội sinh ( do dịch chuyển mạnh trong khối đất đá, khiến cho các lớp bùn nhão trào lên mặt đất thông qua các vết nứt hay khe hở trên bề mặt) hay như ngoại sinh (địa hình gần núi, biển, các mạch nước ngầm... ) trong quá trình vận chuyển cũng tạo ra các kẽ nứt gây lên hiện tượng này.
Trước đó, chiều 17/3, trả lời trên báo SGTT, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (thuộc viện Vật lý địa cầu) cho rằng, hiện tượng đất bùn tự phun trào tại Ninh Thuận có vẻ như có một sự biến động về địa chất đã và đang diễn ra dưới lòng đất. Trong trường hợp đứt gẫy địa tầng thì nguy hiểm chính là sự sụt lún của bề mặt đất nơi xảy ra hiện tượng này.
Về vẻ ngoài, hiện tượng này khá giống với hiện tượng hóa lỏng nền do động đất. Tức là khi nền đất bị mất đi độ rắn do có dịch chuyển mạnh trong khối đất đá, khiến cho các lớp bùn nhão trào lên mặt đất thông qua các vết nứt hay khe hở trên bề mặt. Tuy nhiên hóa lỏng nền thường đi kèm theo sau những trận động đất.
Ninh Thuận là địa bàn đã được các chuyên gia khảo sát và lựa chọn để xây dựng hai dự án điện hạt nhân của Việt Nam. Tại cuộc họp báo liên quan đến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chiều 17/3, Chủ nhiệm Văn phòng, người phát ngôn của Quốc hội, ông Trần Đình Đàn khẳng định: Dự án hạt nhân Ninh Thuận đã được bàn bạc, chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng. Cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam vẫn không có chủ trương nào khác về vấn đề này.
- Đức Tâm