Ngày nhỏ được cô giáo thương như con trai
Quang Lê sinh ra tại Huế và lớn lên ở mảnh đất này đến khi 9 tuổi mới qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Thời thơ ấu ở quê nhà, Quang Lê học… dốt nên ba mẹ phải gửi tới nhà cô giáo để kèm cặp riêng. Cô giáo của Lê tên là cô Trâm. Ngày nào cậu bé Lê cũng phải qua nhà cô để học bài. Trẻ con thường sợ tới nhà cô giáo vì hay sợ học, nhưng Quang Lê lại thích tới nhà cô. Nhà cô từng giống như ngôi nhà thứ 2 của Quang Lê ngày nhỏ. Cô vừa dạy học lại vừa chăm sóc Quang Lê như con trai.
Cô hay nhờ Quang Lê mua cho cô khi thì mớ rau khi thì chai nước mắm… sau đó cô nấu ăn cho cả Lê nữa. Chồng của cô nấu ăn rất ngon, thường đi nấu cỗ đám cưới. Mỗi lần ông đi nấu cỗ thường mang về rất nhiều các món ăn ngon từ tiệc cưới, cô Trâm lại gọi Lê đến nhà ngồi đút cho Lê ăn. Hình ảnh đó Lê nhớ mãi. Những lúc nghịch bẩn, chân tay dơ dáy, cô lại lôi ra sân tắm rửa sạch sẽ cho Lê, nhiều khi ba mẹ đánh đòn cô còn tới ôm lấy dỗ dành, thương lắm.
Quang Lê luôn nghĩ rằng với những đứa học trò nho nhỏ như Lê, không gì đẹp đẽ bằng tình cảm thân thiết của người cô giáo yêu quý mình như con chứ không coi mình là học trò. Bởi vậy, lần đầu tiên khi trở lại Việt Nam và về Huế, Quang Lê đã tới thăm cô ngay trong đêm khiến cô rất bất ngờ.
Những tháng ngày đi học khó khăn trên đất Mỹ
Lê sang Mỹ khi không biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi. Nhưng, việc của con trẻ là lớn lên phải đi học, dù ở bất cứ nơi đâu thì cũng phải tới trường. Khổ cho Lê là cách đây 20 năm, thời điểm Lê sang Mỹ thì người Việt Nam bên đó không nhiều. Lê sống ở tiểu bang Missouri là nơi cộng đồng người Việt khá ít ỏi, mỗi trường học chỉ có 3-4 bạn Việt Nam mà thôi.
Điều đó ngáng trở Quang Lê rất nhiều trong việc hòa nhập với cuộc sống mới. Nhưng ít người Việt cũng lại là một may mắn, vì ít nên cộng đồng người Việt thấy ai mới sang là xúm lại giúp đỡ, quý mến nhau lắm. Gia đình Lê được mọi người đỡ đần đã đành, cậu bé Lê được các bạn cùng tuổi giúp đỡ nhiệt tình. Lê chơi thân với một người bạn tên là Khoa, bạn sang trước Lê nên nói tiếng Anh cũng khá hơn, mọi việc cần thông dịch Lê đều phụ thuộc vào Khoa và một số người bạn khác trong cộng đồng người Việt.
Nhưng, cũng không thể phụ thuộc vào Khoa mãi được, Lê cũng có những bối rối, khó khăn vô cùng khi không biết tiếng Anh. Làm sao để diễn tả được cảm xúc nào đó, sự tức giận nào đó trong ngôi trường toàn tiếng Anh là điều nhiều khi làm Lê bực bội, thấy bất lực. Ngôi trường Lê học có nhiều người cùng trường rất… gấu, hay ăn hiếp các bạn học sinh châu Á.
Mấy người bạn Việt Nam thường phải đi cùng nhau để nếu gặp vấn đề gì còn hỗ trợ nhau. Có lần, bị ăn hiếp, Lê rất tức giận muốn đi nói với Hiệu trưởng rằng người đó ăn hiếp tôi mà không biết nói tiếng Anh như thế nào. Loanh quanh mãi Lê nghĩ ra việc đi mua cuốn từ điển để tra xem từ tức giận là gì.
Tra rồi mới à từ “tức giận” tiếng Anh là “angry”. Chỉ một hai chữ trong từ điển như thế cũng không giải quyết được vấn đề gì. Quang Lê quyết chí học tiếng Anh dù là tiếng bồi để không bị phụ thuộc quá vào bạn. Có những khi Lê ghép vần rất ngô nghê, giả dụ như khát nước thì không nói từ khát nước mà lại tra từ điển xem từ “đói”(hungry) và từ “nước” (water) rồi ghép thành “I hungry water” (tôi đói nước).
Rất thường xuyên không tìm được từ để nói, Lê thường rơi vào tình trạng bực bội. Việc học cũng kém do không biết tiếng. Lê quyết chí luyện tập mỗi ngày, tra khảo từ điển thường xuyên, xem ti vi Mỹ nhiều hơn để quen với tiếng Anh. Qua cái thời điểm bỡ ngỡ, quen với môi trường sống một chút, việc tiếp thu của Lê tốt hơn và Lê cũng biết học tiếng Anh qua internet nên mỗi ngày vốn tiếng Anh thêm vững vàng.
Những tháng ngày định cư tại Missouri của Quang Lê không nhiều. Ba Lê bị bệnh suyễn, ở Missouri thì quá lạnh, mở cửa ra là thấy tuyết trắng xóa, buồn tênh. Trời quá lạnh, người Việt Nam mới sang như gia đình Lê đã quen với nắng ấm ở Việt Nam rồi nên mãi không thích ứng được. Mỗi năm, bố Lê phải tới bệnh viện mười mấy lần để điều trị bệnh.
Cuối cùng, cả gia đình quyết định đi tìm một miền đất ấm áp hơn như trên quê hương mình. Đó chính là California. Quang Lê vẫn nhớ, ngày cả nhà đặt chân lên mảnh đất Cali, nhìn thấy bầu trời xanh vời vợi và những tia nắng ấm hiền hòa, không chỉ Lê mà cả ba mẹ Lê đều thấy cuộc sống mới tươi đẹp hơn, có thêm nhiều hy vọng mới.
Đất Cali ấm áp lại có nhiều người Việt Nam hơn nên hình như mọi việc đến với Lê thuận lợi, dễ dàng hơn. Lê như cảm thấy mình như… thông minh hơn trong việc học tập, khả năng tiếng Anh cũng tiến bộ hơn rất nhiều. Có lẽ bởi nơi đây nắng ấm, không phải trốn trong nhà để tránh lạnh như ở Missouri nên người ta đi ra ngoài nhiều hơn, Lê được cọ xát với môi trường, con người, cuộc sống cởi mở và dễ chịu hơn… Và đương nhiên, trong thời kỳ đi học ở Cali, Lê thường xuyên được điểm A, không “lẹt đẹt” như hồi ở Missouri.
Mơ trở thành chuyên viên siêu âm
Nói chuyện mê nghề siêu âm là bởi câu nói của ông cha: “Dò sông dò biển dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người” là Quang Lê nói vui vui vậy thôi, chứ thực tình từ nhỏ Quang Lê đã có giấc mơ trở thành một bác sĩ. Giấc mơ này xuất phát từ việc ba bị bệnh, hay phải đi vào đi ra bệnh viện rất vất vả nên Lê muốn được làm nghành Y cứu chữa người bị bệnh.
Tuy nhiên, Lê hiểu giấc mơ trở thành bác sĩ là giấc mơ hơi xa vời, Lê khó mà theo được. Khi đó, Lê cũng đã yêu thích âm nhạc rồi, nếu cố gắng để trở thành bác sĩ thì sẽ rất vất vả. Lê chọn học ngành siêu âm, là một ngành kỹ thuật dưới bác sĩ mà chỉ mất 2 năm để học.
Vào học, Lê hay nói vui là với cái máy siêu âm, có thể dò được vào tim người, lòng người, hiểu hết mọi chuyện trong tim, trong lòng dạ người ta… Bản thân Lê thì nhận thức rằng công việc đó cũng là việc ý nghĩa lại có thể kiếm tiền được, tuy rằng tiền không nhiều. Bên Mỹ cũng ít người làm ngành này.
Lê còn nhớ, khi được tiếp cận với máy siêu âm, nghe nói máy siêu âm giá đắt vô cùng, tính hàng triệu đô, Lê thích lắm, cứ hồi hộp đợi vào giờ học để được ngắm nghía, nâng niu chiếc máy. Lê luôn có suy nghĩ thần phục người… sáng tạo ra chiếc máy có thể “dò” vào những nơi mà mắt thường không nhìn thấy. Điều đó cũng giúp Lê học và thú vị với ngành học.
Thời điểm đi học đó, Quang Lê đã bắt đầu đi hát. Công việc đi hát không phù hợp với lịch của một chuyên viên siêu âm. Nếu làm chuyên viên, Lê sẽ thường xuyên phải trực ca ở bệnh viện, người chuyên viên phải có mặt bằng bất cứ giá nào khi có ca cấp cứu, đi hát thì không thể trực ca được. Lê đi học nhưng cái tâm lúc nào cũng nghĩ đến ca hát. Dù vậy, Quang Lê vẫn cố gắng để hoàn thiện khóa học, đến khi tốt nghiệp xong thì bỏ ngành và đi hát.
Lê hay nói, nếu sau này lớn tuổi, không còn muốn bay nhảy trong nghề ca sĩ nữa thì sẽ trở lại làm nghề siêu âm và vừa siêu âm vừa… hát cho bệnh nhân nghe. Với Quang Lê, tình yêu âm nhạc đã ăn vào máu thịt rồi, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn sẽ đi hát và không có một sức mạnh nào có thể đẩy Quang Lê ra khỏi nghề hát được.
Con đường của chàng sinh viên ngành siêu âm trở thành ca sĩ cũng không hề đơn giản, khá vất vả nhưng cũng nhiều may mắn. Tên tuổi và tài năng của Quang Lê bắt đầu nổi bật từ khi gia nhập Trung tâm băng nhạc Thúy Nga tại hải ngoại. Quang Lê từng làm bao người hâm mộ nao nức với hình ảnh một chàng trai dáng vẻ thư sinh hát các bài hát dòng nhạc quê hương ngọt hơn mía lùi.
Sau khi về Việt Nam hát lần đầu tiên vào tháng 4/2011, Quang Lê đã trở về hát đều đặn hơn ở khắp các miền đất nước. Quang Lê cũng đang có những dự định tích cực để tấn công mạnh hơn nữa vào thị trường âm nhạc. Đặc biệt là vào tháng 9 tới đây, Quang Lê sẽ chính thức phát hành CD gốc lần đầu tiên tại Việt Nam. Lâu nay, khán giả yêu quý Quang Lê chỉ mua được đĩa… lậu. Album tại Việt Nam của Quang Lê sẽ được thực hiện trọn vẹn tại Mỹ nhưng đưa về Việt Nam phát hành.
Song Phúc