Ca sỹ Lê Uyên: Yêu nhau bất chấp cái chết đe dọa

06:21, Thứ sáu 18/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Nhắc đến người chồng quá cố tài hoa, ca sỹ Lê Uyên không cầm được nước mắt.

Cuộc đời của Lê Uyên Phương là âm nhạc, âm nhạc là cuộc đời anh, hai là một. Bằng tình yêu, nhạc sỹ tài hoa của thành phố ngàn thông đã vượt lên căn bệnh hiểm nghèo, đi gieo những bản tình ca ngất ngây khiến hàng triệu trái tim rung động suốt nửa kỷ qua
[links()]
Nhắc đến nhạc tình không thể không nhắc đến  nhạc sỹ Lê Uyên Phương (1941-1999), chủ nhân của những bản tụng ca tình yêu đầy tính hiện sinh như Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta...

Ông nổi tiếng trong thời kỳ cực thịnh của nhạc vàng nhưng âm nhạc của ông chưa bao giờ là bolero, người ta chỉ nói là dòng nhạc Lê Uyên Phương.

Những câu hát như: “Hãy ngồi xuống đây trên lưng cuộc đời, thách đố thương đau…” cứ vang vọng hết thập niên này sang thập niên khác. Âm nhạc của ông gợi nhớ đến ABBA, dù hạnh phúc hay khổ đau thì những lời ca vẫn luôn hân hoan, đầy nhựa sống.

Cho dù có hàng trăm ca sỹ từng hát nhạc Lê Uyên Phương nhưng có thể nói người thể hiện thành công nhất dòng nhạc này chính là ông và người vợ đẹp kiều mị - cặp song ca Lê Uyên & Phương.

 Hình ảnh nhạc sỹ Lê Uyên Phương ôm cây guitar cùng ca sỹ Lê Uyên xõa tóc hát vang những bản tình ca là một dấu ấn không phai mờ trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.

Một giọng nam trầm, một giọng nữ lanh lảnh hơi khàn hòa quyện với nhau man dại, đê mê như một thứ ma túy, làm tê liệt thần kinh về ý thức hiện tại.

Nghe Lê Uyên và Phương, người ta như uống hồn phách những cuộc tình, mất mát, chia ly, như vị đắng cà phê, khiến người ta ngầy ngật trong cơn say.

Cơn sóng âm thanh đó vượt qua bão tố thời gian không chỉ vì đó là hai giọng ca hay mà còn vì tình yêu của hai nghệ sỹ đến với nhau trong mối tình định mệnh, bất chấp sự cấm cản của gia đình và sự đe dọa của tử thần.

Mối tình cuồng si vượt lên số phận nghiệt ngã

Tôi gặp ca sỹ Lê Uyên trong một dịp hiếm hoi chị về Việt Nam, mái tóc đã lấm tấm sợi bạc nhưng tiếng hát vẫn đầy đam mê, yêu đương thống khổ như ngày nào, chỉ khác, giờ chị hát một mình không còn người tình định mệnh đệm guitar và song ca cùng nữa.

 Chị vẫn đẹp kiêu kỳ, mặn mà bất chấp thời gian. Ánh mắt to đen và sắc sảo ma mị như linh miêu của chị cho người ta cảm giác người đàn bà đối diện mình có một sức mạnh vô biên, kiên định và đầy lửa đam mê cuộc đời.

Nhắc đến người chồng quá cố tài hoa, ca sỹ Lê Uyên không cầm được nước mắt.

Chị nói: “Trong cả cuộc đời này, dù lúc anh còn sống hay đã mất, Lê Uyên luôn nhớ hình ảnh của anh trong trái tim, trong giấc ngủ, trong đời sống hàng ngày.

 Cuộc sống của tôi được tốt đẹp như thế này hoàn toàn do anh ấy tạo nên. Với Lê Uyên và Phương thì lúc nào cũng vậy, chúng tôi hạnh phúc từng giây phút khi được ở bên nhau”.

Vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương- Lê Uyên
Vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương- Lê Uyên

Nhìn ánh mắt của chị, người ta có thể lại một lần nữa tin vào sức mạnh diệu kỳ của tình yêu vì khi đến với nhau, nhạc sỹ Lê Uyên Phương đã mang trong mình căn bệnh quái ác, không biết ra đi lúc nào. Tôi như chìm đắm trong lời kể của chị về cuộc tình định mệnh của mình.

Tên thật của nhạc sỹ Lê Uyên Phương là Lê Minh Lập, sinh ra ở Đà Lạt, do bị mất giấy tờ tùy thân phải chỉnh sửa nhiều lần nên cuối cùng bị đổi thành Lê Văn Lộc. Cha của Lê Uyên Phương vốn họ Phan, nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ của Lê Uyên Phương là Công Tôn Nữ Phương Nhi.

Năm 19 tuổi, ông viết ca khúc đầu tay “Buồn đến bao giờ” để nhớ về mối tình với người con gái tên Uyên. Từ đó, khi sáng tác ông thường ký tên là Lê Uyên Phương (Lê là họ, Uyên là người ông yêu, còn Phương là tên của mẹ).

 Như bao nghệ sỹ lãng mạn sinh ra tại thành phố ngàn thông, Lê Uyên Phương thuở đó sống bằng nghề thầy giáo dạy triết và âm nhạc tại một số trường ở Đà Lạt.

Thuở ấy, nàng ca sỹ Lê Uyên hippie man dại với những bản tình ca mới chỉ là cô gái con nhà giàu mang cái tên thật đẹp, Lâm Phúc Anh.

Cha chị sẽ không bao giờ ngờ rằng quyết định đưa cô tiểu thư của mình từ Sài Gòn lên Đà Lạt học tại ngôi trườngVirgo Maria sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô.

Và hình như thay đổi cả diện mạo một nền tân nhạc lãng mạn Việt Nam.
Lê Uyên kể, như sự sắp đặt của số phận từ trước, em gái của nhạc sỹ Lê Uyên Phương lại là bạn của mình và còn là hàng xóm của nhau nữa.

“Không ngờ mùa Ðông năm 1966, khi tôi từ Sài Gòn lên Đà Lạt để tiếp tục khóa học của trường Franciscaine, tôi đã gặp anh ấy và chúng tôi đã yêu nhau ngay từ giây phút đầu tiên.

Nhà chúng tôi ở gần nhau trên đường Võ Tánh, Đà Lạt, nhà tôi số 18 còn nhà anh ấy số 22”.

Như một kịch bản tình yêu kinh điển, chàng là lãng tử nghèo còn nàng là tiểu thư quyền thế, hai thế giới đầy mâu thuẫn đó va phải nhau trong mối tình đầy đam mê của tuổi trẻ, tuổi mà người ta yêu nhau hồn nhiên không suy tính. Cũng có thể do thành phố Đà Lạt quá lãng mạn để bắt đầu một mối tình.

Hồi đó nhạc sỹ Lê Uyên Phương giống như chuyên gia tâm lý, nơi để cô học trò xinh đẹp “tâm sự” về tất tần tật vui buồn thế thái, âm nhạc thi ca cùng sự lãng mạn của nàng.

Nghiệt ngã thay, ở tuổi 27, chàng nhạc sỹ vẫn không dám yêu ai vì bản thân mắc bệnh hiểm nghèo không biết ra đi lúc nào.

Ca sỹ Lê Uyên kể: “Hồi đó anh Phương mắc phải một căn bệnh kì lạ. Ðó là những cục bướu xương mọc trên những ngón tay và ngón chân và thời đó người ta nói anh bị ung thư xương, có thể  không sống quá 30 tuổi được.

 Nếu nghe kỹ những bài hát của nhạc sỹ Lê Uyên Phương thì sẽ thấy trong nhạc của anh thường nói đến sự chia lìa vì căn bệnh hiểm nghèo, nhưng những lời lẽ đó cũng ẩn dấu những hoan lạc rất lớn.

Và có lẽ khi có tình yêu với Lê Uyên, anh Phương thấy cuộc đời hạnh phúc cho đến lúc nằm xuống”.

Sự xuất hiện của cô học trò Sài Gòn hồn nhiên, xinh đẹp khiến trái tim chàng nhạc sỹ nghèo rung lên mãnh liệt.

Anh biết cô gái đầy lửa đam mê ấy không giống như những nhi nữ thường tình khác, chỉ mong an phận với người chồng giàu sang, con cái đề huề. Tính hiện sinh – sống cho hôm nay thể hiện rất rõ ở cô gái Lâm Phúc Anh này.

Thế rồi, vào một ngày định mệnh trên ngọn đồi thơ mộng nhìn xuống Hồ Than Thở, nhạc sỹ Lê Uyên Phương đã tỏ tình.

 Có lẽ chính anh cũng không biết rằng chính tình yêu này đã cho anh nghị lực để sống tiếp, để hạnh phúc và để viết cho đời những bản tình ca bất hủ.

Nhạc sỹ tên Phương đã viết bài hát Tình khúc cho em để đánh dấu giây phút đầu gặp người tình định mệnh.

 “Trong bài hát đó có hai câu cuối là “Xin cho yêu em nồng nàn, dù biết yêu em tình yêu muộn màng”. Nhiều người cứ hỏi tại sao lại là tình yêu muộn màng vì lúc đó anh ấy 27 tuổi, hơn tôi đến 11 tuổi.

Đối với người Việt Nam mình lúc bấy giờ, tuổi 26 là lớn rồi, nên mới có câu hát đó. Vậy tại sao tôi lại yêu anh Phương mà không phải một chàng công tử lãng mạn nào khác?

Có lẽ vì định mệnh, định mệnh cho chúng tôi gặp nhau. Trời sinh bản tính tôi bướng bỉnh và có lý lẽ riêng của mình nên tôi yêu anh ấy chỉ vì thấy anh tài hoa, hiền lành nhân hậu. Căn bệnh hiểm nghèo của anh chỉ càng khiến tôi yêu anh ấy nhiều hơn.

Chúng tôi biết mình chỉ có hôm nay, khoảnh khắc này để yêu nhau, yêu hết mình vì rất có thể ngày mai cái chết đã chia lìa. Cái chết luôn ám ảnh chúng tôi và cũng gắn kết chúng tôi thành một khối tình si nồng nàn, lãng mạn, đau đớn...”.  

Nhìn khóe mắt của chị, tôi vừa cảm phục vừa thầm cảm ơn mối tình đó đã khiến nhạc sỹ Lê Uyên Phương vượt lên cái chết để viết lên những bản tụng ca mãnh liệt về tình yêu, cuộc đời, nuôi bọn thanh niên chúng tôi lớn lên trong sự lãng mạn hồn nhiên.

Mối tình Đá Xanh và những dự cảm mất mát

Và từ đó, Đà Lạt trở thành thánh đường tình yêu của hai người. "Đời sống của anh Phương là những con phố Đà Lạt. Chúng tôi xuống phố hằng ngày, những con phố nối với nhau bằng những con dốc  khúc khuỷu...

Chúng tôi cứ đi bên nhau như vậy như hai đứa trẻ con ngây ngô.
Tôi rất thích một bài hát của anh Lê Uyên Phương, đó là Vũng lầy của chúng ta.

Bài hát như anh ấy, rất đam mê, nồng nàn, không biết trước mắt là gì, không cần ngày mai sẽ ra sao. Chúng tôi hát với nhau bằng tất cả đam mê và sự thành thật của trái tim.

Nỗi đau và sự chia lìa luôn ám ảnh anh Phương, ngay trong những câu cuối của bài “Dạ Khúc Cho Tình Nhân” của anh là câu “chết bên nhau thật là hồn nhiên”.  Điều này cho thấy anh ấy có sự chấp nhận số phận của mình và cũng chấp nhận cả hạnh phúc chứ không từ chối nó nữa.

Anh Phương bất hạnh, đau khổ vì mang trong người căn bệnh quái ác nhưng luôn có Lê Uyên cận kề, nên bên cạnh những ám ảnh về cái chết thì anh cũng có một tình yêu quá hạnh phúc.

Anh Phương đã sống trọn vẹn từng giây phút một trong cuộc đời mình cho dù ngày mai có chia lìa”, chị tâm sự.

Nhiều người nghĩ rằng trong nhạc phẩm “Dạ Khúc Cho Tình Nhân”, nhạc sỹ Lê Uyên Phương viết những câu như  “màn đêm mở huyệt sâu ....”, “giấc mơ ôi khăn phủ vành xô....” như là một lời tiên đoán cho sự ra đi của mình.

Tuy nhiên, ca sỹ Lê Uyên lại giải thích khác: “Anh Phương nghĩ sao thì anh viết ra như vậy nên trong nhạc của anh, cảm xúc buồn đau, hanh phúc đan lẫn vào nhau.

Có đoạn nhạc đang vui, đang hạnh phúc, anh lại nghĩ đến chuyện chia lìa, rồi anh lại chuyển qua chuyện có nhau là hạnh phúc. Trong một bài nhạc, anh Phương nói lên tất cả cảm giác của mình ngay lúc đó, nghĩ sao thì viết ra như vậy”.

Tuy nhiên, chị cũng nói, nhạc sỹ Lê Uyên Phương thường nghĩ về những điều vô thường, anh nhìn mọi vật với đôi mắt dường như là của tâm linh, vô thức: "Đời sống của anh Phương là cây cỏ, là núi đồi, là chim chóc, là cà phê, là bình trà nóng mỗi buổi sáng và cây đàn guiatr...

Vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương
Vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Chúng tôi đã đi nhiều nơi trong thành phố Đà Lạt. Mọi điều anh nhìn thấy đều được liên tưởng tới đời sống.

 Trong một lần đi chơi dọc theo những con đường nhiều sỏi đá ở ven đồi, anh thấy những viên sỏi rất vô tư, ngây thơ và mộng mơ. Anh nghĩ sẽ có ngày đá sẽ là một điều nói lên sự thủy chung.

Và sau cùng, những viên đá đó sẽ trở thành tấm mộ bia. Trên đó ghi ngày sinh, ngày tử của mình, tấm bia mộ đó sẽ ôm ấp hình hài của chúng ta...”.

Những con đường lát đá ấy sau này đã được nhạc sỹ mang vào trong ca khúc Đá xanh nổi tiếng, trong đó có những ca từ như: Như viên đá lưng mềm vuốt ve tình nhân nuôi mộng ước lâu bền.

Nhưng viên đá nay thành đá xanh thủy chung đã rơi dọc sườn cao lưng đồi. Ngày ngày đợi chết trong lùm cây u uất, ngày ngày nằm nhớ ân tình sâu muôn đời. Đá không đổi dời tình, tình ơi tình ơi mênh mông. Dòng lệ nóng đã trôi trong tim còn lại xót xa.

Như viên đá lưng tròng mắt quan tài tươi.  Ôi mộng đã tan rồi như viên đá nay thành đá trên mộ bia. Đá im lìm ngàn thu rêu mờ.

Người tình giờ đã quên tình sâu xa vắng, người tình giờ đã quên tình sâu muôn đời. Đá không ngỏ lời. Sầu, sầu ơi sầu ơi thiên thu, ngày dòng máu đã loang trên môi lạnh mộ đá thôi...”.

U uẩn với nỗi chết chế ngự xung quanh thế giới quan là thế nhưng tình yêu có sức mạnh đủ để nhạc sỹ Lê Uyên Phương viết ra những câu như: “Hãy ngồi xuống đây trên lưng cuộc đời thách đố thương đaụ.

Hãy ngồi xuống đây bên bờ vực này ngó xuống thương đau... Trong đau đớn điên cuồng đó vun kiếp sống không ngơi…”.

Ca khúc vui tươi, rộn ràng sức sống “Hãy ngồi xuống đây” này cũng trở thánh ca của những thanh niên theo chủ nghĩa hiện sinh lãng mạn. Ca sỹ Lê Uyên kể rằng bài hát này được viết trên ngọn đồi của Hồ Than Thở.  

“Đó là một khoảnh khắc kỳ diệu, trên ngọn đồi xanh thơm mùi cỏ cây hoa lá, nhìn xuống mặt hồ xanh ngăn ngắt! Lúc đó cả hai đều cảm nhận niềm hạnh phúc dâng trào trong trái tim. Anh Phương đã nảy ra những ý nhạc và lời đó gần như ngay lập tức.

Như Lê Uyên nói, cảm xúc của anh Phương cứ thay đổi từng chập như vậy, anh nghĩ sao thì viết ra như vậy.

Những đoạn “hãy ngồi xuống đây bên con vực, yêu nhau lần này, cho nhau lần này”, tới lúc anh nhìn xuống ngọn đồi thì anh nghĩ là có thể một ngày nào đó anh có mặt ở vực sâu. Cái tài hoa của anh ấy là trong đầu nghĩ gì thì bật ra thành lời và thành nhạc được ngay”.   

Tuy nhiên, sự nghiệt ngã của số phận không dừng lại ở căn bệnh hiểm nghèo của nhạc sỹ Lê Uyên Phương.

Năm 1968, gia đình cô tiểu thư Lâm Phúc Anh biết tin con gái cưng đang yêu chàng giáo nghèo lại còn mắc bệnh hiểm nghèo không biết sẽ ra đi lúc nào nên cật lực phản đối. Bố mẹ cô đã mang cô về Đà Lạt để không thể gặp gỡ nhạc sỹ Lê Uyên Phương được nữa.

 Với cô gái đã nặng lòng yêu bất chấp ngày mai như Lâm Phúc Anh, việc xa người yêu một ngày cũng là quá sức chịu đựng. “Chúng tôi không biết ngày mai sẽ ra sao. Anh Phương có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Chúng tôi đã nâng niu từng khoảnh khắc của cuộc sống, vội vàng yêu trong từng giây phút... vậy mà lúc đó chúng tôi phải chia lìa. Lúc đó tôi tưởng mình có thể chết đi được nhưng chúng tôi quyết không đầu hàng gia đình...”.

Để được gặp người yêu, chàng nhạc sỹ nghèo đã bỏ mọi thứ ở Đà Lạt lên Sài Gòn tìm cơ hội gặp lại người yêu. Đau khổ, chia lìa càng khiến nhạc sỹ Lê Uyên Phương trút hết vào âm nhạc.

Bao nỗi nhớ thương tưởng như trời đất tan vỡ ấy đã đúc kết thành tập nhạc lừng lẫy nhất trong sự nghiệp của anh – Khi loài thú xa nhau.

Những ca khúc như “Lời gọi chân mây”, “Vũng lầy của chúng ta”, “Đưa người tuyệt vọng”, “Ngồi lại trên đồi” … cứ đau đớn bàng bạc mất mát nhưng sâu thẳm bên trong vẫn là trái tim yêu hồn nhiên, tin tưởng tuyệt đối vào sự cứu rỗi của tình yêu.     

Trải qua nhiều khó khăn chàng và nàng mới nối lại được liên lạc với nhau. “Ngày đó tôi và anh Phương trải qua nhiều thử thách lắm. Tôi và anh phải lén gia đình tôi, gặp nhau trong nhà ga Sài Gòn.

Chúng tôi cứ ngồi cả ngày ở nhà ga, ngày này qua ngày khác, chia nhau mẩu bánh mì nhỏ ấy vậy mà hạnh phúc ngập tràn.

Tuổi trẻ, tình yêu cho chúng tôi cơn si mê bất tận, chỉ biết tôn thờ tình yêu mà không sợ hãi gì. Đó là những ngày tháng mà tôi không bao giờ quên”, ca sỹ Lê Uyên kể.  

 Năm 1968 hai người thành hôn. Họ trở thành đôi tình nhân song ca nổi tiếng. Vì Lâm Phúc Anh không muốn dùng tên thật của mình ngay trong lần đầu tiên trình diễn chung tại quán Thằng Bờm (nơi sinh hoạt của Phong Trào Du Ca Việt Nam tại Sài Gòn năm 1969), nên lấy nghệ danh là Lê Uyên, cắt từ chữ

Lê Uyên Phương. Hai người song ca được gọi là Lê Uyên và Phương.

Hạnh phúc, chia lìa và định mệnh
 

Khi cầm lên một đĩa nhạc của cặp tình nhân nổi tiếng này, người ta thấy hình ảnh hai người ôm nhau, màu sắc đượm buồn cùng dòng chữ Lê Uyên & Phương. Điều này giống như cắt đôi cái tên của nhạc sỹ Lê Uyên Phương. Điều này giống như sự chia lìa đã được dự báo trước. Tuy nhiên, sau khi lấy nhau và trở thành cặp song ca nổi tiếng, cuộc sống của họ vô cùng hạnh phúc.

"Đời sống của chúng tôi lúc đó có thể hình dung như thế này. Nếu không cần ăn, không cần ngủ mà được sống thì chúng tôi sẽ không ăn, không ngủ để yêu nhau. Bởi vì có thể ngày mai chúng ta sẽ không còn nhìn thấy nhau", chị kể lại.

Nghe Lê Uyên và Phương hát, có thể thấy sự khổ công của họ. Buổi sáng tinh mơ, mặt trời chưa thức giấc, nơi căn gác rộng trên căn nhà của gia đình Lê Uyên trong Chợ Lớn, người ta có thể thấy hai người mồ hôi mồ kê nhễ nhại luyện giọng. Họ vươn cổ lên, hét ra những tiếng u u dài và cao. Cao đến nứt cuống họng...

Họ sống để yêu nhau và ôm đàn ca hát. Cùng với ca khúc Da vàng phản chiến của Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, cặp song ca Lê Uyên & Phương làm thanh niên thời đó sôi sùng sục tinh thần “cài hoa trên mái tóc” và phản đối chiến tranh.

Cho đến năm 1979, hai vợ chồng Lê Uyên Phương rời khỏi Việt Nam và định cư tại nam California, Hoa Kỳ.

Ca sĩ Lê Uyên
Ca sĩ Lê Uyên

Nhưng không ai ngờ, sau 15 năm chung sống, Lê Uyên và Phương đi đến đổ vỡ sau khi đã có với nhau hai con gái, là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My.  

Sau khi cuộc hôn nhân giữa Lê Uyên và Phương đổ vỡ, người con gái nhỏ về ở với mẹ cho đến khi 11 tuổi, trong khi người con gái lớn sống với bố cho đến khi lập gia đình.

Ngôi nhà xinh xắn của nhạc sỹ Lê Uyên Phương trên đường số 55 tại thành phố Long Beach, Nam California, hiện do người em gái của Lê Uyên là Lâm Phi Yến cư ngụ.

Chị là người vợ sau của Lê Uyên Phương, đã cùng anh chung sống cho đến những giây phút cuối đời.

Nhạc sỹ Lê Uyên Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà người con gái lớn, là Lê Uyên Uyên vào ngày 29-6-1999, sau một thời gian điều trị tại bệnh viện UCI của đại học California ở thành phố Irvine, nam California.
"Phương đã nằm xuống vĩnh viễn. Anh bỏ lại sau lưng tất cả. Ngay cả điều anh yêu thích nhất là âm nhạc. Anh cũng phải chia tay với nó. Anh đã không chết vì ung thư xương như đã được biết cách đó bao nhiêu năm. Anh đã chết vì ung thư phổi. Anh hút thuốc nhiều lắm.

 Và khi anh nằm xuống, anh đã nắm tay Uyên để nói rằng 'Em phải sống nếu anh có mệnh hệ nào, em phải sống để đưa tất cả những đứa con tinh thần của chúng ta về lại quê hương và tiếp tục hát.

Em phải sống để làm trọn vẹn những điều anh đang làm dở dang và phải hoàn thành nó với tất cả tấm lòng của em.

Đừng buồn bởi vì ai cũng có số mệnh, ai cũng có một định mệnh. Anh phải đi vì anh đã làm hết tất cả những gì anh có thể làm được cho Tình Yêu, cho Lê Uyên...”.

 Lời tâm sự của chị đó cũng nói lên ước mơ được làm một liveshow xuyên Việt của ca sỹ Lê Uyên. Lúc anh qua đời, chị còn định uống thuốc ngủ để đi theo anh, nhưng một người bạn đã nói với chị, tâm nguyện của anh ấy còn đó, Lê Uyên không thể chết.

 Nhạc của anh Lê Uyên Phương không thể tách rời Lê Uyên, Lê Uyên phải sống và gìn giữ cho nhiều người.

Ca sỹ Lê Uyên chính thức về nước biểu diễn vào năm 2008 trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 19 tại TP. HCM.

Tiếp đến là tham gia live show Đàm Vĩnh Hưng và một số đêm nhạc riêng tại Phòng trà Tiếng Xưa. Tiếng hát của chị vẫn vậy, như không già đi với thời gian. Lê Uyên hát bằng ký ức, đam mê, thống khổ và đầy lửa yêu đương.

Nhiều khán giả Việt Nam rất kỳ vọng vào lần trở về tiếp theo, ca sỹ Lê Uyên sẽ thực hiện được lời hứa làm tour lưu diễn xuyên Việt của mình. Như ước vọng cuối cùng trước khi nhắm mắt của nhạc sỹ Lê Uyên Phương.

Ca sỹ  Lê Uyên chỉ giữ lại một kỷ vật duy nhất của người tình định mệnh. Đó là một cục đá mà nhạc sỹ Lê Uyên Phương luôn đeo bên mình.

Đá xanh và định mệnh. Lê Uyên & Phương.

  • Hoa Vũ
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc