Ảnh minh họa |
KS Trần Văn Minh, Trung tâm Điện lạnh Bách Khoa tư vấn: Những ngày nồm ẩm, tủ lạnh bị đổ mồ hôi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ngay trong thời gian đó, phải thường xuyên dùng khăn sạch lau khô phía ngoài tủ, kể cả các khe cửa, tay nắm, gioăng viền cánh cửa; bởi đó chính là nơi hơi ẩm, nước có thể đọng lại, lâu ngày gây ố mốc. Ngoài việc thường xuyên lau chùi bên ngoài cho sạch nước, mồ hôi đọng, bên trong tủ cũng cần vệ sinh sạch sẽ để tránh có mùi hôi.
Trường hợp nếu để tủ lạnh nghỉ không sử dụng thì việc vệ sinh càng cần cẩn thận hơn. Bởi nếu không được vệ sinh cẩn thận và lau khô trước khi không sử dụng, hơi ẩm bên trong tủ lạnh ngày càng bị đóng kín, bí hơi nên sinh ra mùi hôi, mốc. Cộng thêm thời gian để máy không chạy quá lâu và thời tiết ẩm ướt cũng làm tăng khả năng tủ bị mốc bên trong và xung quanh lớp gioăng cao su ở viền tủ và cánh tủ, sinh ra mùi hôi.
Do đó, khi không sử dụng, cần lau tủ thật khô, sạch sẽ. Thỉnh thoảng nên mở tủ ra cho thoáng khí và vệ sinh lại. Nếu có thể thì không nên đóng kín cửa để tủ thoáng không lên mốc.
Trong trường hợp tủ đã bị mốc, sinh mùi hôi khó chịu, có thể lau sạch với nước rửa chén bát. Mốc nhiều có thể dùng hóa chất tẩy rửa đồ nhựa để tẩy sạch các vết mốc. Tuy nhiên, cần chú ý là sau khi dùng hóa chất phải lau rửa tủ thật sạch và mở cửa tủ để bay hết mùi hóa chất. Bạn cũng có thể cắm điện cho tủ chạy không trước khi đưa thực phẩm vào khoảng 1 - 2 tiếng để đảm bảo không khí bên trong sạch mùi ẩm mốc, hay hóa chất.