Ngày 17/8, trên đường phố Hà Nội, một nam thanh niên cầm tấm biển đứng xin việc giữa đường với dòng chữ: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi."
Ngay lập tức, chàng trai trở thành tâm điểm của người đi đường và là đề tài bàn tán của đông đảo “cộng đồng mạng”.
Với lý do luôn nhận được những cái lắc đầu khi đi xin việc, chàng trai Phùng Đức N, sinh năm 1990, mới tốt nghiệp Đại học Điện lực, hiện đã là cha của một đứa trẻ dùng cách không giống ai với mong muốn kiếm được việc làm.
Chàng trai đứng giữa đường xin việc khiến dân mạng xôn xao. |
Người viết giật mình, không biết Phùng Đức N đã đi gõ cửa những đơn vị tuyển dụng nào và cách người ta từ chối một chàng trai vừa cầm trên tay tấm bằng cử nhân ra sao, với những lý do gì, nhưng hành động đứng như “van xin” bên lề cả xã hội đang cuồn cuộn chuyển động là sự nhục nhã đến bạc nhược của một thanh niên sức dài vai rộng.
Lẽ ra đó phải là độ tuổi khát vọng nhất, ước mơ nhất, dám đương đầu và chấp nhận thành công cũng như thất bại nhất.
Sự nhục nhã ấy càng được nhân lên gấp bội, khi chỉ mới cách đó ít ngày, người ta nhắc mãi về người đàn ông bị down vẫn ngày ngày bưng bê, bán phở trong con hẻm nhỏ tại TP.HCM.
Người đàn ông bị down cần mẫn bán phở. |
Khiếm khuyết về trí não, ngoài hai câu không gọn gàng chữ nghĩa: Cho Hải làm việc; Hải muốn làm việc, người đàn ông bị down hoàn toàn không biết cuộc sống còn điều gì khác, chứ đừng nói những thứ viển vông xa vời vợi không bao giờ chạm tới được như giảng đường hay tấm bằng cử nhân mà chàng trai Phùng Đức N đang có.
Từ thời điểm đi xin việc cách đây 2 năm, người đàn ông này vẫn ngày ngày cần mẫn bưng bê, dọn dẹp trong quán phở, phát phiếu cơm chay miễn phí cho người nghèo, lang thang, cơ nhỡ.
Dù chậm chạp, luống cuống, “bất lực” trước ngôn từ và thậm chí không biết tiêu tiền, nhưng người đàn ông vẫn nhận thức được, phải lao động, mới có thể tiếp tục cuộc sống.
Trong con hẻm nhỏ đó, không chỉ là địa chỉ của lòng tốt, mà còn là ý chí và nghị lực của một con người mà khiếm khuyết rất nhiều thứ, trừ lòng tự trọng.
Hãy vứt sĩ diện vào sọt rác đi
Từ chàng trai cầm tấm biển xin việc, người ta lại nhắc nhiều đến con số thất nghiệp đáng báo động: Trong 3 tháng đầu năm, số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp là gần 178.000 người.
Và từ thực trạng đáng buồn ấy, người ta đổ lỗi cho giáo dục, với những mô hình và phương pháp đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Nhưng làm ơn, thay bằng việc đổ lỗi cho ai đó, thay bằng việc bắt ai đó chịu trách nhiệm về chính cuộc đời mình, những cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hãy tự nhìn lại bản thân mình, có thực sự các bạn đang thất nghiệp, hay các bạn đang từ chối rất nhiều cơ hội được lao động chân chính, chỉ vì lý do công việc đó “không tương xứng” với bằng cấp mà các bạn đang có.
Đừng treo lên cổ mình tấm bằng đại học mà đòi hỏi, kén chọn phải cho tôi vị trí có mức lương tương đương tấm bằng này. Bởi rồi sẽ đến một ngày, người ta sẽ không hỏi bạn có bằng gì, mà người ta sẽ hỏi, bạn làm được gì.
Nếu đổ lỗi cho giáo dục, hãy thử nhìn người giàu nhất hành tinh Bill Gates. Người đàn ông được hàng tỷ người trên thế giới ngưỡng mộ sinh ra trên một đất nước được coi như chuẩn mực của giáo dục, nhưng ông vẫn rời bỏ trường đại học danh giá Harvard khi mới học năm thứ 2, bởi ngành học đó là “nguyện vọng của bố mẹ Bill Gates”, chứ không phải của bản thân ông.
Đừng treo lên cổ mình tấm bằng đại học mà đòi hỏi. |
Còn hàng trăm nghìn thanh niên Việt Nam, họ thất nghiệp và thất bại bởi họ nhờ người khác nghĩ hộ, nuôi dưỡng hộ ước mơ của mình, và cuối cùng, bắt cả người khác chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.
Vứt cái sĩ diện hão đầy ảo mộng về bằng cấp ấy vào sọt rác, và lao ra cuộc sống ngoài kia mà làm bưng bê, bồi bàn, rửa xe, bốc vác, giao hàng thuê, công nhân hay lao động chân tay đi. Sống đã, trước khi đòi những vị trí cao trong xã hội.
Chàng trai Phùng Đức N khỏe mạnh, sức dài vai rộng nhường ấy, sao không đi làm hàng trăm, hàng nghìn công việc lao động phổ thông mà xã hội đang cần để kiếm tiền mua sữa cho con, mà lại ném lòng tự trọng đi để “ngửa tay” xin việc?
Thử nghĩ xem, nếu có nơi nào nhận chàng trai này vào làm việc, thì sẽ vì năng lực, hay một sự thương hại, thậm chí là “bố thí” không hơn không kém?
Trên đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng
Lỗ Tấn nói: "Trên con đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng". Phùng Đức N cũng như hàng trăm nghìn những cử nhân đang kêu gào thất nghiệp ngoài kia, thực ra là những người lười biếng.
Biết bao chắt chiu dành dụm để có được tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, mà cuối cùng lại chịu cảnh không công ăn việc làm, sống ăn bám như một kiểu kí sinh vào xã hội rồi mơ mộng một ngày thành đạt, giàu có.
Phùng Đức N không biết đã từng đọc ký ức về cuộc đời của huyền thoại Steve Jobs, trong đó có lý do ông bỏ học vì thiếu học phí. Khi đó, ông đã phải làm công việc là thu gom vỏ chai CoCa Cola rồi đem bán để duy trì cuộc sống.
Tấm bằng đại học của Phùng Đức N, mà đi làm công việc như của một người “ve chai” như Steve Jobs, chắc chắn chàng trai này sẽ không làm vì “không tương xứng”.
Hãy nhìn những tượng đài đó, và cuộc sống ngoài kia, đừng nhục nhã đứng đó mà xin xỏ công ăn việc làm nữa Phùng Đức N, chẳng có thành công nào dành cho những kẻ đớn hèn như vậy cả.
Đừng dung dưỡng "văn hóa chửi" trong đầu những đứa trẻ Không phải vì cậu bé nói không có lí, tôi buồn vì những đứa trẻ đang bị cuốn vào thứ “văn hóa chửi” của người lớn. |