Ra mắt bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 1, quý 1/2014, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội đã khiến dân tình được phen xôn xao khi công bố số liệu cho thấy hiện trên cả nước có 72.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp.
Con số này thậm chí còn chưa tính đến nhiều cử nhân có việc nhưng làm công nhân hay những công việc không thuộc chuyên môn, chỉ kiếm sống tạm thời vì vậy càng khiến dư luận bàng hoàng, ngỡ ngàng.
72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp có thể giải quyết tình trạng của mình bằng cách tiếp tục học lên tiến sĩ (Ảnh Dân Trí) |
Trước đến nay, rất nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam cho rằng học vấn là con đường duy nhất để thoát nghèo dễ dàng. Chính vì vậy mà họ không ngại ngần bắt con em mình học ngày, học đêm để có thể đặt chân vào cổng trường đại học.
Tuy nhiên, thực trạng gay go vói 72.000 cứ nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay thật chẳng khác nào bát nước lạnh khiến cả xã hội tỉnh táo.
Vấn đề đặt ra là có thể giải quyết con số thất nghiệp nhức nhối ấy như thế nào khi mà nền kinh tế hiện nay, thậm chí là cả sắp tới vẫn còn khó khăn c`hồng chất?
Liệu có nên yêu cầu các cử nhân, thạc sĩ đi làm công nhân hoặc lao động chân tay?
Kể ra thì biện pháp này cũng có thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp đáng lo ngại ở nước ta, đồng thời xua tan những lo lắng về các vấn đề vấn đề xã hội khác có liên quan.
Tiếc là biện pháp này vẫn có những vấn đề không hề ổn. Trước hết, rất nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay kén chọn công việc, ngại khó, ngại khổ. Cho nên những công việc tay chân nặng nhọc không phải là lựa chọn của họ khi không bắt buộc.
Đấy là chưa kể có rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng công việc của con cái là bộ mặt của họ. Nếu con cái được làm những công việc văn phòng, theo giờ hành chính, "mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu" mới khiến cha mẹ có thể tự hào thì rõ ràng biện pháp này sẽ rất khó nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình.
Một biện pháp khác cũng được đưa ra đó là tìm kiếm những công việc tạm thời, mang tính chất thời vụ để kiếm sống. Biện pháp này có thể giải quyết những khó khăn về kinh tế, giúp duy trì cuộc sống đối với các cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Tuy nhiên, đáng tiếc là nó lại không thể có tác dụng lâu dài.
Cuối cùng, sau rất nhiều những tranh cãi nảy lửa người ta đề xuất biện pháp giải quyết vấn đề một cách rất Việt Nam đó là để những người thất nghiệp tiếp tục học ... tiến sĩ.
Đây được cho là biện pháp phù hợp nhất vì đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hình thức (cụ thể hơn là sĩ diện), vấn đề quan trọng hàng đầu của không ít người Việt hiện nay. Rõ ràng một cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sẽ không có lý do nào "oách" hơn để giải thích cho tình trạng của mình hơn là đang tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ.
Hơn nữa, tình trạng này cũng đã khá quen thuộc ở Việt Nam. Theo Ban Đào tạo sau đại học (ĐH Đà Nẵng), những năm gần đây xu hướng sinh viên mới tốt nghiệp ĐH đăng ký học luôn thạc sĩ rất nhiều. Phần vì muốn nâng cao bằng cấp, kiến thức, phần vì chưa có việc làm ổn định.
Một cán bộ Ban này cho hay: Từ năm 2010 về trước, đơn vị có thống kê tuổi các học viên nhưng sau đó thì không duy trì. Lấy mốc năm 2010, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp học luôn thạc sĩ chỉ chiếm 15-20%. Nhưng đến nay, con số này ước khoảng trên dưới 50%.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 24.300 tiến sĩ, số lượng hiện đang nhiều nhất trong khu vực. Và chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm giữ vững vị trí số 1 ấy nhờ nguồn lực 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sẽ tiếp tục học lên.
Đấy là chưa kể, mới đây, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng chỉ tiêu đào tạo sau đại học trong mùa tuyển sinh 2013. Cụ thể tăng khoảng 10-12% số lượng chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ; từng bước tăng cường công tác đào tạo tiến sĩ theo đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ tới năm 2020.
Với chỉ tiêu lớn và dài hạn như vậy, các cử nhân, thạc sĩ thất nhiệp tha hồ mà học cao, học xa.