Cảm động những mối tình già xuyên biên giới ở Hội An

06:26, Thứ hai 06/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Họ đều là những người phụ nữ có cuộc đời chìm nổi, mang trong lòng những nỗi đau về những cuộc hôn nhân dở dang, nhưng họ đã tìm được tình yêu, bên những người đàn ông không chung màu da, sắc tộc.

Câu chuyện về những du khách nước ngoài đến Hội An du lịch và phải lòng những cô gái phố Hội không còn là chuyện lạ ở phố cổ Hội An. Nhưng câu chuyện tình của hai người phụ nữ vạn đò trong bài viết này – hai người phụ nữ đã ở độ tuổi trung niên, đã qua cái thời nhan sắc mặn mòi là một câu chuyện không dễ kiếm ở nơi này.
[links()]
Họ đều là những người phụ nữ có cuộc đời chìm nổi, mang trong lòng những nỗi đau về những cuộc hôn nhân gãy đổ, nhưng họ đã tìm được tình yêu, bên những người đàn ông không chung màu da, sắc tộc.

Những người đàn ông đó, yêu họ, không phải vì nhan sắc, không phải vì tuổi trẻ, họ yêu, đơn giản chỉ bởi cảm động trước sự chịu thương, chịu khó, sự hy sinh cho gia đình của người phụ nữ phố cổ.

Tình yêu trên bến đò phố Hội

Phải nói thật là, tôi đã bất ngờ khi gặp chị Nguyễn Thị Mỹ (45 tuổi, trú ở phố Ngô Quyền, phường Minh An, thành phố Hội An). Bởi trong hình dung của tôi, chị - một người phụ nữ lấy chồng Tây, sẽ phải trẻ trung hơn, ăn mặc điệu đàng hơn.

Nhưng khi gặp chị trong căn nhà nhỏ, vào một buổi trưa nắng gió và hanh hao, tôi lại gặp một người phụ nữ giản dị, chân chất, như bao người phụ nữ thôn quê khác. Tiếng là “lấy chồng Tây” đã 5 năm nay, nhưng chị vẫn giữ nguyên lối sống của mình:

Ông Hankansson và bà Đỗ Thị Tràn lúc mới cưới.
Ông Hankansson và bà Đỗ Thị Tràn lúc mới cưới.

Nước da sạm đi vì nắng gió, không phấn son, không trưng diện se sua, vẫn búi tóc sau đầu như những người phụ nữ Việt truyền thống, vẫn tất tả bước thấp bước cao đi chợ, với cái nón lá cũ trên đầu. Thế nhưng, chồng chị - anh Samuel – người Anh - 50 tuổi, lại yêu chị bởi chính những điều giản dị đó.

Trước khi gặp anh Samuel, chị Nguyễn Thị Mỹ là một người phụ nữ vạn đò nghèo khó sống ven sông Bạch Đằng. Giữa lòng phố Hội yên bình, êm ả và xưa cũ, chị có lẽ là một người phụ nữ có cuộc đời không êm ả.

Chị Mỹ lấy chồng đầu tiên năm 28 tuổi. Nhưng khi mới mang thai đứa con đầu lòng 2 tháng, cuộc hôn nhân của chị đã gãy đổ. Chị bảo vợ chồng không hợp nhau, không thương nhau, nên chẳng thể sống với nhau được nữa.

Chị về sống với bố mẹ già, với các anh chị em trong nhà, một mình sinh con và nuôi con. Là người phụ nữ, chị cũng có những khát khao được yêu thương, được hạnh phúc. Chị đã cố gắng kiếm tìm một tình yêu khác, với một người đàn ông khác.

Nhưng sau khi đứa con thứ hai chào đời, người đàn ông ấy cũng lại bỏ chị đi. Từ đó, chị ở vậy nuôi con, sống bằng nghề chèo đò cho du khách bên bờ sông Bạch Đằng. Thứ vốn liếng mà chị có để kiếm cái ăn cho gia đình là cái ghe nhỏ và dăm ba câu tiếng Anh bồi bập bẹ mà chị học mót được để giao tiếp với khách du lịch.

Một mình nuôi 2 đứa con giữa đất miền Trung nắng gió, điều đó chẳng dễ dàng gì với một người phụ nữ chỉ trông vào  những đồng tiền bấp bênh nhờ nghề chèo đò. Có một quãng thời gian dài, cả gia đình chị phải sống vất vả, cơ cực.

Đêm nào cũng như đêm nào, từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, chị lại chèo đò trên sông, phục vụ những du khách có nhu cầu đi thăm thú phố Hội về đêm. Ngày nào may mắn thì kiếm được năm chục, một trăm, ngày nào không may ế khách, chị về nhà với một tiếng thở dài.

Đứa con trai đầu của chị học cấp 2 đã phải bỏ học đi làm, giờ đang làm bảo vệ ở chợ phố cổ. Cuộc sống vất vả, cơ cực, ở tuổi 40, nhan sắc nhạt phai, chị Mỹ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm đẹp, cũng không còn nhiều mơ ước về một mái ấm gia đình như thời xuân sắc.

Tự chị cũng thấy mình không đẹp, không quyến rũ. Thế mà có một người đàn ông ngoại quốc đã phải lòng chị, đã sống chết để cưới cho bằng được chị, chỉ vì tình cờ ngồi trên chiếc thuyền của chị đi dạo dọc hai bờ phố cổ trong một đêm khuya thanh vắng. Đó chính là Samuel.

Samuel là người Anh, làm nghề xây dựng. Việc kiếm tiền ở bên Anh không dễ, nhưng vì yêu thích được khám phá những vùng đất mới nên Samuel vẫn dành dụm tiền để mỗi năm có thể đi du lịch một, hai lần.

Năm 2004, Samuel đến Hội An, sau khi đã nghe được rất nhiều câu chuyện đẹp về phố cổ miền Trung này. Ngay lập tức, anh đã say mê những  bức tường rêu phong, những ngôi nhà mái đỏ, bầu không khí xưa cũ ở Hội An.

Ông Hankansson và bà Đỗ Thị Tràn hạnh phúc nhau ngay cả khi đã gì yếu.
Ông Hankansson và bà Đỗ Thị Tràn hạnh phúc bên nhau ngay cả khi đã già yếu.

Trong một đêm ngồi trên thuyền đi lang thang dọc hai bờ sông phố cổ, Samuel đã gặp chị Mỹ và bỗng dưng cảm thấy cảm xúc lạ kỳ với người phụ nữ chèo đò đưa mình qua sông. Người phụ nữ ấy khắc khổ, nhưng khỏe mạnh, lặng lẽ chèo đò, không một lời than thở.

Ở chị có một vẻ cam chịu lạ lùng mà những người phụ nữ ở đất nước của Samuel không hề có. Khi biết hoàn cảnh của chị Mỹ, biết cuộc sống vất vả mà chị đang sống mỗi ngày, Samuel đã vô cùng xúc động. Samuel chưa từng kết hôn và cũng không có ý định đó.

Nhưng sau khi gặp chị Mỹ, Samuel bỗng dưng khao khát được là người đàn ông che chở cho người phụ nữ phố Hội có cuộc đời lận đận, khó khăn đó. Anh mua hoa, mua quà, mua nhẫn tặng chị. Đáp lại sự nồng nhiệt của Samuel là sự dè dặt của chị Mỹ.

Ở tuổi 40, chị thực sự không còn dám ao ước nhiều về hôn nhân, nhất là với một người đàn ông đến từ một đất nước khác, một người đàn ông mà chị chỉ có thể giao tiếp bằng vài câu tiếng Anh bồi ít ỏi chị học được.

Nhưng cuối cùng chị cũng phải xiêu lòng trước tình cảm chân thành mà chị cảm nhận được từ phía Samuel. Có một lần, Samuel đã mượn Chứng minh thư của chị, làm thủ tục đưa chị đi du lịch. Anh nói với chị:

“Em vất vả nhiều rồi. Tôi muốn em được đi du lịch, để có được một chút nhàn nhã trong cuộc sống”. Samuel cũng nói với chị Mỹ: “Tôi sẽ lấy em bằng mọi giá. Dù có chết tôi cũng phải lấy được em”.

Hai câu nói đó của Samuel, là đủ để khiến cho trái tim của người phụ nữ vạn đò rung động đến sâu thẳm. Một lần nữa, sau những đổ vỡ trong tình duyên, hy vọng vào tình yêu của chị lại trỗi dậy.

Hai năm sau đó, Samuel về nước, lo thủ tục để đưa chị Mỹ sang Anh sinh sống. Họ chỉ liên lạc qua thư từ, điện thoại. Nhiều người nói có thể anh sẽ một đi không trở về, nhưng chị Mỹ thì vẫn tin tưởng, vẫn chờ đợi.

Sự nhạy cảm của một người đàn bà từng trải qua đau khổ giúp chị hiểu rằng, anh đến với chị không phải bởi gì khác, ngoài một tình yêu chân thành. Và nếu có toan tính, lừa lọc, có lẽ anh đã chọn một cô gái phố Hội trẻ trung hơn, xinh đẹp hơn.

Năm 2006, giữ đúng lời hứa của mình, Samuel quay trở lại Hội An. Chị Mỹ từ bỏ nghề chèo đò, theo chồng sang Anh sinh sống. Đám cưới của chị Mỹ và Samuel được tổ chức trong nhà thờ công giáo ở Anh, được đức cha ban phép, có sự chứng kiến của bố mẹ và họ hàng của Samuel. Đó thực sự là một đám cưới trong mơ với chị Mỹ.

Sống ở đất khách quê người, nhưng chị Mỹ không cảm thấy cô đơn. Samuel chiều chị, tôn trọng chị. Đổi lại, chị cũng hết lòng chăm sóc chồng. Ngày nào chị cũng tự tay nấu ăn cho chồng đủ ba bữa.

Điều khiến chị Mỹ xúc động nhất ở Samuel chính là tình cảm mà anh dành cho chị và các con chị. Ở Việt Nam, một người phụ nữ đã từng có một đời chồng và hai đứa con như chị không dễ gì kiếm được một người chồng tử tế, yêu thương mình thật lòng.

Nhưng Samuel chưa bao giờ phân biệt chuyện con riêng, con chung. Đã có lần, trong suốt mấy năm vợ chồng, chị Mỹ mang trong mình giọt máu của Samuel. Nhưng vì tuổi cao, chị không giữ được đứa bé đó.

Chị bị sảy thai sau vài tuần. Samuel buồn, nhưng không trách chị Mỹ. Anh dồn hết tình yêu thương cho chị và hai đứa con của chị. Đi đâu, ai có hỏi về con cái, anh tự hào bảo: “Tôi có 2 đứa con, chúng đều lớn cả rồi”.

Một câu nói giản dị thôi mà chị nghe được từ chồng, nhưng lại khiến chị Mỹ vô cùng hạnh phúc, vì chị biết chị đã tìm được người đàn ông thực sự yêu thương mình.

Về làm dâu ở quê chồng, chị được ba mẹ chồng yêu thương. Ba mẹ chồng chị đã già, sống bằng trợ cấp lương hưu, kinh tế không khá giả, nhưng họ sống hết sức vui vẻ, an nhàn. Ông bà bảo chị: “Không phải đi làm nhiều, một tuần chỉ đi làm 2 ngày để kiếm đủ tiền sinh hoạt thôi. Những ngày còn lại ở nhà nghỉ ngơi”.

Cuộc sống nơi đất khách không dễ dàng, hai vợ chồng chị đều phải đi làm kiếm tiền để lo sinh hoạt phí đắt đỏ hàng ngày. Chồng chị đi làm xây dựng, còn chị đi làm phục vụ ở khách sạn theo ngày. Cứ một tuần hai ngày, chị ra khỏi nhà, đến một khách sạn ở địa phương làm việc, rồi đi về.

Từ nhà đến khách sạn khá xa, lẽ ra phải đi tàu điện, nhưng để tiết kiệm, chị đi bộ mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Samuel vẫn luôn kinh ngạc vì đức tính chịu thương chịu khó và sự căn cơ kỳ lạ của chị. Anh không biết rằng với những người phụ nữ Việt như chị, sinh ra trong nghèo khó, thì đức tính đó đã ăn sâu vào máu thịt.

Chị Mỹ bảo, ở nước ngoài, vợ chồng chị kiếm được 100 USD mỗi ngày, thì phải chi tiêu khéo léo lắm mới dành được 20 USD. Nhưng anh chị vẫn vui vẻ với việc chắt chiu, dành dụm, để mỗi năm về thăm Hội An đôi ba lần.

Samuel bảo, phải về vì ở Hội An, chị Mỹ còn có gia đình, có bố mẹ, anh chị, con cái. Mà Samuel cũng rất thích không khí bình yên, xưa cũ ở quê vợ. Nên năm nào, anh chị cũng về thăm Hội An.

Mỗi lần về Hội An, vợ chồng anh chị lại sống chung với gia đình chị Mỹ trong căn nhà giản dị ven sông Bạch Đằng, tiện nghi không thể nào so sánh với cuộc sống của Samuel ở quê nhà, nhưng Samuel không bao giờ than phiền.

Anh vui vẻ vì được sống trong bầu không khí gia đình ấm áp, vui vẻ với việc đi thưa, về hỏi trong gia đình Việt Nam. Gia đình chị Mỹ hoàn toàn hài lòng vì có một chàng rể Tây như Samuel.

Khi tôi gặp chị Mỹ, thì chị bảo, vợ chồng chị đang xây một ngôi nhà ở Hội An. Anh chị quyết định sẽ về đây sinh sống lâu dài. Samuel giờ đã nói sõi tiếng Việt.

Thú vui của anh mỗi ngày là được đi lang thang ở phố cổ hoặc ra biển Cửa Đại chơi. Anh hòa đồng với hàng xóm, vui vẻ với gia đình bên vợ. Mỗi khi có hàng xóm nào hỏi anh: “Bao giờ thì về nước?”. Anh lại bảo: “Tôi yêu Hội An. Đây là quê vợ tôi. Cũng là quê tôi. Tôi sẽ sống ở đây”.

Người phụ nữ Việt đã làm ấm lại trái tim lạnh của một người đàn ông Thụy Điển

Ở Hội An, còn một “mối tình già xuyên biên giới” mà khi nhắc đến ai cũng biết, đó là mối tình giữa ông Hankansson (người Thụy Điển) và bà Đỗ Thị Tràn.

Ông Hankansson công tác trong ngành hàng không, đã nghỉ hưu nhiều năm nay. Từ khi về hưu, ông đã đi du lịch hầu hết các nước trên thế giới và đặc biệt thích Hội An. Ông đã trở lại Hội An không chỉ một lần.

Hankansson là một người đàn ông khá đặc biệt. Ông ly dị vợ từ khi còn trẻ và ở vậy nuôi 3 đứa con. Đến lúc nghỉ hưu năm 60 tuổi, ông vẫn là một người đàn ông cô đơn. Ở Thụy Điển, chế độ đãi ngộ hưu trí với những người như Hankansson rất tốt.

Với số tiền đó, ông thỏa sức đi du lịch đây đó, không phải lo lắng gì. Con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, Hankansson cứ thế khoác ba lô lên vai, khám phá hết vùng đất này đến vùng đất khác, thỉnh thoảng lại quay về Thụy Điển thăm gia đình sau những chuyến đi xa.

Năm 2001, ông Hankansson đến Hội An và trở thành vị khách trên chuyến đò của bà Đỗ Thị Tràn. Bà Tràn là người ở phường Cẩm Phô, Hội An. Bà lấy chồng từ năm 20 tuổi, cả hai vợ chồng đều kiếm sống bằng nghề chèo đò đưa khách du lịch dạo chơi trên sông.

Ăn ở với nhau bao năm trời, đến khi có hai mặt con, bà Đỗ Thị Tràn mới phát hiện ra chồng mình có vợ bé, con riêng. Lúc phát hiện ra sự thật bẽ bàng, cũng là lúc bà rớt nước mắt khi phải hứng chịu nỗi đau bị chồng bỏ rơi để đi theo người đàn bà khác.

Kể từ đó, bà đưa 2 con đi khắp nơi, sống cuộc đời tha hương cầu thực, để quên đi những nỗi buồn mà bà đã phải trải qua khi sống ở mảnh đất Hội An. Năm 2000, sau nhiều năm sống xa quê, khi nỗi đau đã nguôi ngoai, bà đưa các con về Hội An sinh sống.

Bà quay trở lại cái nghề lái đò đưa khách du lịch dạo chơi trên sông, để tiếp tục nuôi con ăn học. Một buổi chiều năm 2001, Hankansson và vài du khách nước ngoài khác đã đặt chân lên chiếc ghe của bà Đỗ Thị Tràn.

Nhưng đang đi trên sông thì trời bất ngờ đổ cơn mưa lớn, các du khách đều luống cuống vì không có gì che mưa. Lúc đó, thấy ông Hankansson là vị du khách già nhất trên ghe, bà Đỗ Thị Tràn đã chẳng hề nghĩ ngợi gì, lập tức nhường chiếc áo mưa của mình cho ông, còn mình thì đội mưa đội gió, quầy quả đưa khách quay vào bờ tránh mưa.

Lần đó, khi tiễn du khách lên bờ, với nụ cười tươi, bà Đỗ Thị Tràn không ngờ rằng bà đã gieo vào lòng ông Hankansson một cảm xúc kỳ lạ về một người phụ nữ Hội An nghèo khó nhưng có lòng tốt và sự hy sinh vì những người xung quanh đến lạ lùng.

Điều đó đã khiến người đàn ông Thụy Điển hơn 60 tuổi bồi hồi. Ông quay trở về Thụy Điển mà lòng luôn nhớ về người phụ nữ chèo đò ở phố Hội. Hơn 1 năm sau, ông quay trở lại Hội An, tìm đến đúng bến sông đó, tìm cho được chiếc ghe quen thuộc và người phụ nữ chèo đò ấy.

Ông trở thành khách quen trên chiếc ghe của bà Tràn, ngày ngày ngồi trên chiếc ghe cùng với các du khách khác đi dạo quanh sông. Nhưng lần này ông không đi ngắm phố Hội nữa, mà là ngắm người phụ nữ chèo đò đã nhường cho ông chiếc áo mưa trong cái ngày giông bão năm trước.

Khi nhận được lời bày tỏ của Hankansson, bà Đỗ Thị Tràn đã vô cùng xúc động. Bà kể cho ông nghe về cuộc đời của mình, về hoàn cảnh bất hạnh của mình, để ông hiểu rằng một người phụ nữ như bà không thể phù hợp với ông.

Nhưng trái với những gì bà hình dung, những điều bà kể càng khiến Hankansson cảm động và thêm yêu người phụ nữ vạn đò chân chất, hiền hậu. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ cách đấy hơn 30 năm trước, chưa bao giờ Hankansson có ý định đi bước nữa, vì ông không còn có niềm tin vào hôn nhân.

Nhưng ở tuổi xế chiều, ông lại mong muốn có một mái ấm gia đình bên người phụ nữ Hội An nghèo khó, nhưng tốt bụng. Đám cưới của ông bà diễn ra với vài mâm cơm ra mắt họ hàng. Các con của ông Hankansson ở Thụy Điển cũng sang thăm và chúc mừng cho hạnh phúc mới của cha mình.

Sau đám cưới, ông bà đã có một tuần trăng mật đầy kỷ niệm khi bà Tràn đưa ông Hankansson đi thăm khắp các vùng quê xứ Quảng.

Biết bà Tràn không thể xa Hội An, không thể xa hai người con đang tuổi ăn tuổi học, ông Hankansson đã ở lại Hội An cùng bà Tràn nuôi hai người con của bà khôn lớn. Nhờ có sự giúp đỡ của ông, mà cuộc sống của mẹ con bà Tràn bớt khó khăn, hai người con của bà có cơ hội ăn học thành người.

Có không ít người dị nghị về cuộc hôn nhân của ông Hankansson và bà Tràn, khi mà ông Hankansson hơn bà tới 30 tuổi. Nhưng suốt 10 năm, ông bà đã sống với nhau hạnh phúc trong ngôi nhà khang trang mà ông Hankansson đã xây cho mẹ con bà Tràn ở phố cổ Hội An.

Hàng năm, các con ông đều bay sang Việt Nam, vừa để thăm cha, vừa để đi thăm thú các thắng cảnh đẹp ở miền Trung. Ở tuổi xế chiều, ông Hankansson hoàn toàn mãn nguyện với cuộc sống mà ông có bên cạnh người vợ Việt Nam của mình.

Những năm cuối đời, ông Hankansson bị bệnh ung thư, bà Tràn là người ngày đêm ở bên cạnh chăm sóc ông, đưa ông đi chạy chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Nghe tin ông bị bệnh, các con của ông đã sang Việt Nam, đề nghị đưa cha về Thụy Điển chữa bệnh và sinh sống, nhưng ông đã từ chối.

Ông bảo ông đã quá yêu Việt Nam, và không còn muốn xa cách mảnh đất này. Nguyện vọng của ông là được chôn cất ở đây sau khi mất.

Câu chuyện của vợ chồng ông Hankansson và bà Tràn có lẽ đã có một kết thúc trọn vẹn, nếu như thời gian gần đây, bà Tràn không vì kinh doanh thua lỗ mà thành ra nợ nần, khiến ông bà không còn được hưởng hạnh phúc thảnh thơi những ngày cuối đời.

Dẫu vậy, tình yêu của ông bà vẫn là một câu chuyện tình yêu đẹp, một minh chứng cho thấy, hạnh phúc có thể đến với bất cứ ai, kể cả những người phụ nữ vạn đò nghèo khó, không xinh đẹp và dang dở như bà Tràn, như chị Mỹ. Họ vẫn có thể làm rung động bất cứ trái tim người đàn ông nào, nhờ vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn họ.

  • Vũ Bình – Thảo Mộc
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc