Tôi cũng như nhiều người đàn ông có gia đình khác sống trong một cơn hoài nghi bất tận của nhiều bà vợ. Thỉnh thoảng, vợ dặn tôi, một cách hết sức nghiêm túc: “Nếu anh có ngoại tình thì quan trọng nhất là đừng để em biết”.
Có người bảo rằng đàn ông trên đời chỉ có hai loại, là loại ngoại tình bị phát hiện, và loại ngoại tình không bị phát hiện. Đấy là nói quá lên. Nhưng có một vấn đề mà hẳn nhiều người sẽ đồng ý với vợ tôi: một cuộc ngoại tình bị phát hiện và không bị phát hiện hoàn toàn khác xa nhau.
Tôi đã nghĩ đến lời “vợ dạy” khi đọc tin khởi tố vụ án đường ống nước sông Đà. Quyết định khởi tố vụ án dựa trên các dấu hiệu tội phạm “vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 229 Bộ Luật hình sự). Cái cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng” làm tôi suy nghĩ.
Đường ống dẫn nước sạch làm bằng sợi thủy tinh
Trong vụ việc này, hay nhiều vụ khác, thì cuối cùng cái sự “gây hậu quả nghiêm trọng” mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc khởi tố - chứ không phải là sự “vi phạm quy định”. Nếu đường ống nước sông Đà không vỡ, hoặc giả nó không vỡ đến lần thứ chín, hoặc giả nó vỡ 9 lần nhưng trong các khoảng thời gian thưa hơn, thì tôi tự hỏi rằng sự “vi phạm” có được điều tra hay không.
Cuối cùng, có lẽ chúng ta phải cảm ơn cái đường ống nước đã vỡ, bởi vì nhờ nó vỡ mà có thể một số gương mặt đã vi phạm quy định xây dựng (nói ra không thừa, bằng tiền thuế của dân) mới có khả năng được lôi ra ánh sáng. Cảm ơn cái đường ống nước như là một người vợ cần cảm ơn một cô bồ của chồng bỗng nhiên nhắn tin “chị cho em gặp nói chuyện”.
Nhiều năm trước, có một đạo diễn viết một bài mà tôi tâm đắc. Đại ý, có hai mẹ con bò tót thấy một quan chức rất xấu xa, mà mãi chưa bị phanh phui ra. Hai mẹ con bàn nhau, thôi thì mình hy sinh, lao ra trước họng súng của ông quan này (vốn thích đi săn trộm), nhờ cái chết của mẹ con mình người ta sẽ khui ra những tội khác của hắn. Bài viết lấy cảm hứng từ một vụ săn trộm bò tót có thật của một quan chức tại TP HCM năm 2003.
Cảm ơn con bò tót đã hy sinh. Cảm ơn cái đường ống nước đã vỡ. Cảm ơn cái ụ nổi vì nó gỉ sét. Và có thể là chúng ta phải cảm ơn cả tay trộm đã đột nhập vào nhà một quan chức để rồi nhờ vụ trộm đó mới phát hiện ra ông này có hàng đống vàng không rõ nguồn gốc.
Chúng ta sẽ phải biết ơn những hiện tượng như thế đến bao giờ đây? Chúng ta sẽ phải chờ những “hậu quả nghiêm trọng” diễn ra rồi mới bắt đầu hành động đến lúc nào?
Có một định luật nổi tiếng gọi là Murphy: “Nếu có xác suất một điều không hay nào đó có thể xảy ra thì nó chắc chắn sẽ xảy ra”. Nó được gắn với tên của Edward Murphy, một kỹ sư làm trong ngành thiết kế máy bay quân sự tại Mỹ. Câu này nếu gắn vào bối cảnh của một dây chuyền sản xuất thì ta sẽ hiểu: người ta cần một quy trình chặt chẽ và hạn chế tối đa các cách làm sai, bởi nếu còn một cách để làm sai, thì chắc chắn sẽ có người lao đầu vào đó. Có những thứ quy trình làm tốt hơn con người.
Vinaconex đã tạo ra “siêu phẩm” ống nước sông Đà cũng nhờ vào việc được “tự biên tự diễn” trong toàn bộ dự án, không có cơ chế giám sát. Định luật Murphy lên tiếng.
Sau mỗi sự kiện như thế này, thái độ đúng đắn của chúng ta, không phải là cảm thấy hả hê vì một vụ sai phạm (có thể) được khui ra ánh sáng. Cái cần, là đặt câu hỏi về quy trình, về cơ chế giám sát, về việc toàn bộ hệ thống đang vận hành như thế nào để tạo ra những sai phạm ấy. Nếu không, chúng ta sẽ còn phải thấp thỏm chờ đợi những “hậu quả nghiêm trọng”, chờ đường ống nước bị vỡ, chờ một tên trộm và cảm thấy biết ơn chúng rất lâu nữa. Chúng ta sẽ còn phải xử lý từng sự kiện mang tính đơn lẻ nhiều lần nữa.
Có bao nhiêu người ở ngoài kia mới “chỉ” thực hiện nửa vế đầu của các điều luật hình sự, chưa “gây hậu quả nghiêm trọng” và đang khui champange?
Sáng kiến của một gười dân lo xa: “Đây mới là lần vỡ ống đầu tiên của riêng năm 2014... Theo tôi, nên để máy móc tại chỗ để... lần tới xử lý cho nhanh...!?”- Vũ Tân vu.tân151@gmail.com Người đứng đầu Vinaconex cho hay đã đề xuất với thành phố và các đơn vị liên quan về việc khẩn cấp làm tuyến ống nước thứ 2 để đảm bảo cấp nước ổn định cho người dân kể cả trong trường hợp đường ống số một tiếp tục vỡ. Tuyến ống khẩn cấp trên dài 28km với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ nguốn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã tuyên bố: “Thành phố đã hết kiên nhẫn với Tổng công ty Vinaconex. Không thể chờ đơn vị này khởi công tuyến mới, không để họ tiếp tục đùa với cuộc sống của dân. Hà Nội sẽ chủ động khẩn cấp thi công tuyến ống dẫn nước mới”. |