Bảo hiểm xe máy có những loại nào?
Trên thị trường hiện có 2 dạng bảo hiểm xe máy là:
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe. Bảo hiểm này là bắt buộc theo quy định pháp luật, chủ xe phải mua nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, đền bù cho người thiệt hại trong trường hợp xe gây tai nạn. Bảo hiểm xe máy bắt buộc không bồi thường cho chủ xe mà thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới.
- Bảo hiểm tự nguyện là bảo hiểm mà người chủ xe tự nguyện mua nhằm bảo vệ xe và bản thân mình. Chủ xe sẽ được bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về người (bao gồm cả chủ xe và người đi cùng) khi gặp tai nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp.
Cẩn thận bảo hiểm giá rẻ
Trên thị trường hiện rất nhiều nơi giao bán bảo hiểm xe máy từ tại cửa hàng tạp hóa, online, ngồi bán dạo ở vỉa hè... Nhiều nơi rao bán bảo hiểm xe máy chỉ giá 10.000, 20.000 đồng.
Tuy nhiên Điều 3 Thông tư 04/2021/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 14/2022/TT-BTC quy định về phí bảo hiểm xe máy như sau:
Phí bảo hiểm xe máy hiện nay là 55.000 đối với xe 2 bánh từ 50cc trở xuống và 60.000 đồng đối với xe máy trên 50cc.
Như vậy không thể có bảo hiểm bắt buộc nào mà giá lại rẻ hơn quá nhiều như vậy. Do đó người dân cần cảnh giác nếu mua bảo hiểm giá rẻ không đáp ứng đủ điều kiện bảo hiểm của chủ xe sẽ vẫn bị CSGT xử phạt.
Phạt lỗi không có bảo hiểm xe máy bắt buộc thế nào?
Điểm a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;
c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5, Điểm c Khoản 7 Điều này.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định Điểm a, Điểm c Khoản 5; Điểm b, Điểm d Khoản 7; Điểm c Khoản 8; Điểm b Khoản 9 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, Giấy phép lái xe không hợp lệ;
b) Thực hiện hành vi quy định Điểm c Khoản 5, Điểm d Khoản 7, Điểm c Khoản 8 bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Do đó nếu không có bảo hiểm xe máy bắt buộc khi tham gia giao thông thì sẽ bị phạt 100-200 nghìn đồng.
Trường hợp người dân mua bảo hiểm giá rẻ không đáp ứng đúng điều kiện bảo hiểm bắt buộc sẽ bị phạt như lỗi không mua bảo hiểm. Người dân cũng cần chú ý bảo hiểm tự nguyện không thay thế được cho bảo hiểm bắt buộc. Có bảo hiểm tự nguyện mà không có bảo hiểm bắt buộc sẽ vẫn bị xử phạt. Trong khi đó có bảo hiểm bắt buộc không có bảo hiểm tự nguyện thì không bị phạt.