Cảnh báo: Bệnh tay chân miệng đang bùng phát ở Đắk Lắk

( PHUNUTODAY ) - Do diễn biến thời tiết thất thường nên bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh ở Đắk Lắk trong thời gian gần đây.

Thời gian gần đây, trung bình mỗi tuần, ở tỉnh Đắk Lắk ghi nhận khoảng 40 ca mắc bệnh tay chân miệng, tập trung nhiều nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Buôn Đôn. Theo ghi nhận, số ca mắc tuần sau lại cao hơn các tuần trước.

Một trai 3 tuổi ở phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột bị mắc bệnh tay chân miệng đã nhập viện hơn 2 ngày nay. Trước đó, bé có các triệu chứng phát bệnh nặng như: sốt, nổi mụn nước quanh vòm miệng, khiến người mẹ vô cùng lo lắng nên đã đem con đến bệnh viện để khám và điều trị bệnh.

benh-tay-chan-mieng (2)

 Diễn biến thời tiết thất thường là nguyên nhân khiến bệnh bùng phát.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa nhi truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ rằng bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, tuy nhiên số lượng bệnh nhân trong tháng 9 tăng gấp 2 và 3 lần so với các tháng trước.

Mỗi ngày có từ 4 đến 5 bệnh nhân tay chân miệng nhập mới, cá biệt có ngày lên đến 10 trường hợp, đa phần các bệnh nhân vào viện từ độ 2A trở lên, đối với các bệnh nhân này cần được theo dõi điều trị tránh để biến chứng nặng.

Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm y tế các địa phương tập trung chữa trị bệnh tay chân miệng, đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh đến người dân; phát hiện sớm các ca bệnh, kịp thời xử lý triệt để từng ca bệnh, ổ dịch.

Các đơn vị trong ngành y tế tại các địa phương phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tay-chân-miệng tại trường mầm non, xã, phường, thôn, buôn và hộ gia đình... Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có khoảng gần 1.300 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 500 ca so với cùng kỳ năm 2016. 

benh-tay-chan-mieng (1)

 Cha mẹ ghi nhớ phải vệ sinh thật kỹ cho trẻ hàng ngày.

Để phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ, biện pháp tốt nhất vẫn là vệ sinh cho trẻ trong ăn uống, ngăn chặn virut tấn công qua đường tiêu hóa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, cho trẻ rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với đồ chơi.

Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, cho cả mẹ và bé đặc biệt là sau khi thay tã và đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người bị tay chân miệng. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Khi trẻ bị tay chân miệng, vấn đề vệ sinh răng miệng cho con là vấn đề khó khăn nhất vì miệng con đang có nhiều nốt lở loét, rất đau đớn, không ăn không ngủ được. Nếu trẻ không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng thì có khả năng mắc bệnh viêm nha chu, nấm miệng. Còn nếu vệ sinh răng miệng cho con không đúng cách có thể làm vỡ các nốt phỏng, tình trạng lở loét thêm nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Cách tốt nhất để ngăn chặn vỡ các nốt trong miệng, lại phòng tránh bệnh răng miệng là khuyến khích con tự giác súc miệng bằng nước muối sau mỗi lần ăn xong, buổi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con uống nhiều nước vì miệng trẻ có cơ chế tự làm sạch. Khi trẻ lên cơn sốt, phụ huynh cần để con ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi. Không nên ủ ấm con quá mức khiến tình trạng bệnh càng trở nên nặng hơn.

Đối với bệnh nhân còn nghi ngờ không biết có phải mắc bệnh tay chân miệng hay không, hoặc bệnh có dấu hiệu tiến triển ngày càng nặng cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện khám chữa kịp thời, tránh biến chứng gây tử vong.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn