Cảnh báo: Lợi dụng việc nộp ảnh chân dung thuê bao điện thoại để trục lợi

09:30, Thứ hai 23/04/2018

( PHUNUTODAY ) - Trong những ngày qua, các chủ thuê bao di động đã phải “chen chúc” nhau ở các điểm giao dịch của nhà mạng để hoàn tất việc nộp ảnh chân dung theo quy định. Ngay lập tức, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng việc “đăng ký khó khăn” này để khai thác thông tin cá nhân của mọi người một cách bất minh.

Ngày 22-4-2018, anh H.T (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi từ số máy di động cá nhân 08886202**, người nam ở đầu dây bên kia tự xưng là “nhân viên của Vinaphone”.

Người này hỏi anh T. về thông tin đăng ký thuê bao chính chủ trong thời gian qua, và đề nghị anh T. gửi ảnh chụp Chứng minh nhân dân cả 2 mặt vào tài khoản Zalo của số máy 08886202**.

Điều đáng nói là trước đó, anh T. đã hoàn tất mọi thủ tục nộp ảnh chân dung theo quy định qua ứng dụng My Vinaphone, và được báo thành công. Do vậy, vị khách hàng này nghi ngờ người gọi điện cho mình đang giả danh nhân viên Vinphone để khai thác thông tin cá nhân, và hỏi thêm một vài câu, thì đầu dây bên kia bất ngờ… cúp máy.

Người dùng số điện thoại cá nhân tự xưng là

Người dùng số điện thoại cá nhân tự xưng là "nhân viên Vinaphone"

PV Báo ANTĐ đã thử liên lạc vào số điện thoại này, thì nhận thông báo “không liên lạc được”. Trong tối ngày 22-4, PV đã liên lạc với tài khoản Zalo liên kết với số điện thoại nói trên (có tên K.P), và hỏi về việc đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao. Tài khoản K.P này đề nghị PV gửi ảnh chân dung, ảnh chụp CMND và… danh sách 5 số thuê bao hay liên lạc để làm “thủ tục đăng ký”. Song tới lúc bị PV hỏi về chi nhánh Vinaphone mà K.P làm việc, thì người này… im lặng.

Khi trao đổi với nhân viên tổng đài Vinaphone, PV được biết “nhà mạng quy định nhân viên chỉ được dùng số điện thoại cố định của VNPT từ điểm giao dịch, hoặc các số tổng đài Vinaphone để liên hệ với khách hàng, chứ không được phép hỗ trợ qua số máy di động cá nhân”. Sau khi kiểm tra, nhân viên tổng đài Vinaphone cho biết số 08886202** chỉ đơn thuần là số điện thoại cá nhân, không đại diện cho nhà mạng này để khai thác thông tin khách hàng. Nhân viên cũng khuyến cáo khách hàng không nên làm theo chỉ dẫn từ nguồn bất thường này.

Như vậy, có thể thấy rõ sự lợi dụng khai thác thông tin cá nhân của những kẻ lừa đảo qua việc mọi người đang quan tâm tới thủ tục nộp ảnh chân dung theo quy định. Việc khai thác thông tin CMND của người dùng có thể bị dùng vào những mục đích xấu như đăng ký tài khoản ngân hàng “ảo”, mua hàng trả trước…

Ngoài ra, nhằm tuân thủ nghị định 49/2017/NĐ-CP, các nhà mạng đã và đang gấp rút yêu cầu khách hàng bổ sung thông tin (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp,…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.

Để thuận tiện cho khách hàng, các nhà mạng lớn đã mở các ứng dụng cho phép khách hàng có thể kiểm tra và thay đổi thông tin thuê bao di động trả trước online. Tuy nhiên, hình thức này đang bị một số đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt số điện thoại của người dùng dựa trên chính thông tin mà họ cung cấp.

Quá trình lừa đảo diễn ra như sau:

- Kẻ gian chỉ cần đăng nhập vào các ứng dụng MyVinaphone, My Viettel, My MobiFone của các nhà mạng.

- Lựa bất kỳ một số nào đó rồi yêu cầu ứng dụng gửi mã OTP đến số điện thoại đó.

- Kẻ giản sử dụng SIM rác để gọi đến số điện thoại chứa tin nhắn OTP đó và mạo danh là nhân viên nhà mạng để yêu cầu chủ thuê bao cung cấp mã OTP và thông tin cá nhân theo nghị định 49.

- Sau khi lừa nạn nhân để lấy đủ thông tin cần có, kẻ lừa đảo sẽ ra đại lý nhà mạng để yêu cầu cấp lại số điện thoại đó, rồi đem đi bán.

Phương thức lừa đảo khá đơn giản nhưng do người dùng đang lo lắng về vấn đề sẽ bị khóa thuê bao di động một chiều nếu không bổ sung thông tin và ảnh chân dung nên rất dễ bị lừa.

Các chủ thuê bao nên cảnh giác, không nên cung cấp mã OTP hay bất kỳ thông tin cá nhân nào cho bất cứ ai ngoài nhân viên tại các cửa hàng giao dịch của các nhà mạng để tránh bị mất số điện thoại.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Phùng Thu Thủy