Quá phụ thuộc vào Internet và các thiết bị di động khiến chúng ta sử dụng não ít hơn nhiều so với tổ tiên, từ đó ảnh hưởng lớn đến khả năng tạo ra và lưu giữ trí nhớ dài hạn - nhiều chuyên gia tâm lý và hãng bảo mật Karpersky cảnh báo.
Nhiều năm trước, điện thoại di động vẫn còn chưa phổ biến. Nhớ lại xem hồi đó, có phải là bạn nhớ được nhiều số điện thoại hơn bây giờ? Có số điện thoại ở nhà, số vài người bạn, hay là số cơ quan của mẹ, của cha,…
Trong quá khứ, có thể bạn cũng có thể đọc vanh vách địa chỉ nhà mình hoặc nhà bạn bè. Nhưng giờ thì sao? Hãng bảo mật Kaspersky cho hay: Giờ đây, có quá nhiều người trao nhiệm vụ nhớ những thông tin quan trọng thế này cho các thiết bị, còn bản thân lại tự mình quên đi.
Quá dựa dẫm vào smartphone và laptop khiến ta không sử dụng hết khả năng của não. Ảnh: Kaspersky Lab |
Kaspersky đã tiến hành nghiên cứu trên 6000 khách hàng tuổi từ 16 trở lên tại 6 đất nước Châu Âu và phát hiện: 47% người dùng phần mềm của hãng không thể nhớ nổi số điện thoại nhà hồi trước của mình, 49% không nhớ nổi số điện thoại của người thân, 57% không nhớ nổi số điện thoại công sở và 71% không nhớ nổi số của con cái mình.
Tệ hơn, khi bị hỏi, có đến 36% người dùng thích search Internet ngay lập tức để tìm ra câu trả lời thay vì động não suy nghĩ; với người dùng từ 45 tuổi trở lên, con số này còn lên tới 40%.
Nhưng một khi đã tìm kiếm câu trả lời trên Internet, 24% khách hàng thừa nhận họ sẽ quên đi đáp án ngay lập tức, và 12% cho rằng thông tin sẽ vẫn có sẵn đâu đó trên mạng để họ truy cập trong tương lai.
Kaspersky đã chuyển những kết quả này cho các chuyên gia từ Viện Khoa học Thần kinh Nhận thức UCL và Đại học Birmingham. Họ xác nhận việc lười ghi nhớ thông tin và sự kiện có thể khiến não bị nguy hại - hội chứng này có tên là “chứng quên kỹ thuật số”.
“Có vẻ mỗi lần nhớ lại chuyện gì, não chúng ta sẽ làm hồi ức đó thêm mạnh mẽ, và đồng thời, quên đi những kỷ niệm không liên quan, khiến ta xao nhãng. Những nghiên cứu trước đây đã nhiều lần chứng minh rằng chủ động nhắc lại thông tin là cách hiệu quả để tạo ra trí nhớ vĩnh viễn.” - Tiến sĩ Maria Wimber, giảng viên Trường Tâm lý học, Đại học Birmingham nhấn mạnh.
“Ngược lại, nhắc lại thông tin một cách thụ động [chẳng hạn, qua việc tra cứu liên tục trên Internet] thì sẽ không giúp tạo ra trí nhớ chắc chắn, lâu dài như thế. Dựa vào nghiên cứu này, có thể nói rằng xu hướng tìm thông tin trên mạng ngay mà không thèm động não ngăn cản quá trình tạo trí nhớ dài hạn.”
Các chuyên gia tâm lý cho hay: Lãng quên là chuyện bình thường, cũng như có giới hạn cho việc ta nhớ được bao nhiêu. Não bộ thường xuyên xóa đi những thông tin không liên quan nhằm giữ chỗ cho những sự kiện và kỷ niệm mới. Tuy nhiên, phải chăng chúng ta đang dựa dẫm vào các thiết bị quá nhiều?
Thử tưởng tượng xem, nếu chẳng may bạn mất hết dữ liệu lưu trong điện thoại, máy tính thì phải làm sao?
Muốn hôn nhân hạnh phúc hãy thường xuyên hỏi chồng câu này (Chia sẻ) - (Phunutoday) - Theo lời khuyên của các chuyên gia, để có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn, vợ chồng hãy thường xuyên trao đổi và đặt câu hỏi với nhau. |