Cảnh đời trớ trêu của gái bán hoa nuôi con một mình

12:27, Chủ nhật 04/12/2011

( PHUNUTODAY ) - #160; (Phunutoday) - Bé luôn ôm một nỗi day dứt, chị đã quyết liệt đến cùng để chào đón đứa con ngoài giá thú này bước vào cuộc đời chị, nhưng chị không thể trọn đạo làm mẹ, không thể dành tặng cho con những gì tốt đẹp nhất, không thể ở bên vỗ về, nâng niu nó mỗi lúc ốm đau, không thể ôm nó thật chặt trong những cơn mơ con trẻ.

(Phunutoday) - Có thể chị chưa thực hiện tròn thiên chức làm mẹ của mình. Chị không nhiều thời gian bên con, chị không thể dành cho con một người cha đúng nghĩa, chị làm công việc nhơ nhớp bị cả xã hội lên án, nhưng có một điều không bao giờ có thể phủ nhận: chị yêu thương con trai chị hơn mọi thứ trên đời và không ai có quyền cướp nó ra khỏi vòng tay của chị. Vì chị là mẹ và trái tim chị đập là trái tim của người mẹ…
Chị sẽ yêu thương nó gấp đôi những bà mẹ khác, yêu thương thêm cả phần của người cha bội bạc và phần yêu thương run rẩy của người mẹ ôm nỗi day dứt chưa trọn đạo làm Mẹ.  (Ảnh minh họa)
Chị sẽ yêu thương nó gấp đôi những bà mẹ khác, yêu thương thêm cả phần của người cha bội bạc và phần yêu thương run rẩy của người mẹ ôm nỗi day dứt chưa trọn đạo làm Mẹ. (Ảnh minh họa)
“Nguyễn Thị Bé có người nhà tới thăm nhé”. Nghe tiếng cán bộ trung tâm báo tin, Bé lập cập buông vài lát sắn miếng đang thái dở, phủi vội vàng chiếc quần bạc màu chạy theo chân cán bộ về tới phòng thăm thân. Vén vội vài sợi tóc mái rủ xuống trán, đôi tay chị run run, lòng khấp khởi lạ thường.
 
Trong thế giới nhỏ bé với những mối quan hệ rất mực giản đơn như Bé, chẳng cần cán bộ thông báo, chị cũng biết mẹ và con trai tới thăm. Cuộc thăm vội vàng, hầu như chẳng nói được mấy câu và rặt là nước mắt, nhưng được nhìn thấy mẹ và con trai khỏe mạnh, Bé đã đủ yên tâm, tiếp tục cải tạo, chờ đợi ngày trở về đoàn tụ với hai người thân ruột thịt ấy.
Quãng đường Kim Động (Hưng Yên) - Ba Vì (Hà Nội) không phải quá xa xôi, nhưng đối với hai con người, một già, một trẻ, hơn 100 km không phải là chuyện giản đơn. Nhưng đều đặn, tháng nào mẹ chị cũng dẫn theo đứa con trai thiếu thốn tình yêu thương của chị về Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 Ba Vì thăm mẹ nó. Và sau mỗi lần mẹ và con trai tới thăm ấy, khi trở về khu học viên, lòng chị lại nặng trĩu như có ai đó bóp nghẹt.
 
Thằng bé vẫn không chịu sà vào lòng mẹ. Nó bám riết lấy bà ngoại, và nhìn chị như một người xa lạ. Nó mới 3 tuổi. Nhìn lại quãng thời gian con trai xuất hiện trong cuộc đời chị, tính ra, số ngày chị ở bên cạnh nó, chăm sóc, vỗ về cho nó chỉ tính bằng đầu ngón tay. Chẳng thế, hôm nay, nó gặp và nhìn mẹ nó như một người chưa từng quen biết. Bé không ngạc nhiên bởi cuộc gặp gỡ vẫn như bao lần khác khi chị còn ở ngoài xã hội trong mỗi lần trở về nhà thăm con. Nhưng, ở Trung tâm, Bé mới thấm thía hết cảm giác tội lỗi của một người mẹ không trọn đạo làm mẹ, sinh con ra nhưng không tròn thiên chức chăm sóc, dạy dỗ, nâng niu báu vật của mình.
 
Quyết định động trời trong cuộc đời người đàn bà đa đoan
 
Cho tới lúc này, Bé vẫn dành những lời trân trọng cho người đàn ông khiến chị chịu bao tai tiếng, khinh miệt và cả đắng cay trước ánh nhìn soi mói của người đời. Nguyễn Thị Bé bảo, dám làm dám chịu, chị yêu và dám chấp nhận dấn thân, chấp nhận nuôi con một mình ngay cả khi người đàn ông ấy bội bạc “quất ngựa truy phong”. Buồn có buồn, tiếc có tiếc nhưng chị không phải là người giỏi níu kéo, đặc biệt níu kéo một người đàn ông không còn trọn vẹn dành tình yêu cho mình chẳng khác nào tự đưa mình vào sợi dây thòng lọng của sự đố kị, hờn ghen.
 
Chị không bắt anh ta phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, càng không thúc ép anh ta phải thừa nhận giọt máu chị đang mang trong người là của anh ta. Thứ chị cần là một tình yêu thương thành thật và thủy chung, nhưng người đàn ông ấy không thể mang lại. Anh ta bước ra khỏi cuộc đời chị, cắt đứt sợi dây liên hệ với người đàn bà bất hạnh, cả tin và một đứa trẻ đang tượng hình trong bụng. Chị không hận bởi sự đổi thay của lòng người, mà chỉ thấy xót xa cho cái xa xôi của con người từng được chị quý trọng như hơi thở.
 
Một ngày đầu đông của vài năm trước, trong tâm thế của một kẻ bại trận trong cuộc chiến ái tình không gươm giáo, Bé trở về nhà, bơ phờ mệt mỏi thông báo với mẹ về cái thai 2 tháng tuổi trong bụng. Mẹ khóc. Đó là khoảnh khắc duy nhất chị cảm thấy có lỗi khi giữ lại sự sống của một sinh linh bé nhỏ. Mẹ chị bảo, cuộc đời chị đã thiếu thốn tình cảm của cha, chị lớn lên như cây dại ven đường vừa mong manh, vừa kiêu hãnh, hơn ai hết chị hiểu và thấm thía nỗi bất hạnh của đứa trẻ không được cha mẹ thương yêu đầy đủ. Nay chị lại đi lên vết xe đổ của mẹ chị, và đẩy đứa trẻ đang phập phồng trong bụng chị vào cám cảnh u ám của chính mẹ nó.
 
Hai mẹ con chị ôm nhau khóc nức nở. Bao nhiêu đắng cay, bao nhiêu ai oán, giận hờn gói ghém, đóng băng trong thời khắc đó. Mẹ khuyên chị nên để đứa bé ra đi, vừa là giải thoát cho cuộc đời nó, vừa để chị có cơ hội làm lại cuộc đời. Cả đêm Bé không ngủ, chị nghĩ về những lời của mẹ, nhưng nỗi thương con, tình yêu kì lạ dành cho đứa trẻ chị chưa từng nhìn thấy cản bước chân Bé bước vào phòng nạo phá thai. Chị giữ sinh linh ấy cho cuộc đời mình, chấp nhận mọi ánh nhìn dè bỉu, soi mói và cả những hoài nghi về cha đứa bé.
 
Những ngày bụng chửa vượt mặt, một mình tự lo liệu từ đầu chí cuối, thi thoảng có mẹ đỡ đần chăm sóc, những cảm xúc mong manh dễ bị làm mềm, Bé mới hiểu nỗi tủi thân của người đàn bà tự thân vượt cạn. Nhưng niềm hạnh phúc về một cơ thể bé bỏng đang dần hoàn thiện trong bụng mình, Bé lại tự nhủ phải kiên cường, mạnh mẽ đối diện với điều tiếng, tai mắt của thiên hạ. Và chị đã làm được.
 
Đứa con ngơ ngác không nhận mẹ và nỗi buồn của người mẹ làm gái
 
Sinh con ra, Nguyễn Thị Bé bị mắc bệnh sản hậu, không có sữa cho con bú mớm. Con chị ngay từ nhỏ đã phải ăn sữa ngoài. Điều ấy luôn khiến Bé day dứt và cảm thấy có lỗi. Chị ước ao, giá như mình là một người mẹ khỏe mạnh như bao người mẹ bình thường khác, có lẽ con trai chị đã cứng cáp và phát triển bình thường giống như những đứa trẻ khác.
 
Sinh con được tròn trặn 1 tháng, cuộc sống mưu sinh buộc Bé phải lao vào kiếm tiền, chạy chợ. Và tin lời một người đàn ông cùng xóm “lên biên giới đánh hàng về bán kiếm lời”, Bé ngoan ngoãn đi theo mà không gợn bất cứ hồ nghi nào. Chị bị bán sang Đông Hưng - Trung Quốc và trở thành gái bán hoa ở bên đó. Khi phát hiện xung quanh là những con người hoàn toàn xa lạ, nói ra một thứ tiếng chị không hề hay biết, Bé mới biết mình đã lọt vào động quỷ cũng bởi sự ngơ ngác đó.
 
Chị kiên quyết chống đối đến cùng, kiên quyết không chịu tiếp khách và đáp lại là tiếng chửi lạnh tình người và những trận đòn dã man giáng xuống thân thể. Bà chủ người Trung Quốc bảo với Bé: “Chị sẽ đánh em cho tới chết hoặc ngoan ngoãn đồng ý tiếp khách thì thôi”. Buộc lòng đánh đổi sự sống, mong ngày trở về với con trai, Bé gạt nước mắt trở thành gái mại dâm trong tay những kẻ kim tiền ác độc.
 
Những ngày tháng ở trong tổ quỷ là những tháng ngày lê thê, mòn mỏi và tột cùng kinh sợ trong cuộc đời Nguyễn Thị Bé. Đêm nào gối chị nằm cũng đẫm nước mắt, ngẫm thương số phận bèo bọt, bi đát của mình, thương nhớ con trai ngằn ngặt nơi xa xôi thèm dòng sữa héo úa của mẹ.
 
Một lần nhân dịp bà chủ đi chợ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, Bé đã trốn khỏi động quỷ, lội suối trở về Việt Nam. Ngày Bé bị lừa bán sang Trung Quốc, con trai chị vẫn còn ẵm ngửa, đỏ hỏn như quả bồ quân chín, ngày chị được trở về đoàn tụ, nó đã biết chằn khỏi vòng tay mẹ, bò lộc cộc khắp nhà, phần nhiều bởi lạ hơi không theo mẹ.
 
Hồi đó, nhà Bé nghèo quay quắt, miếng cơm nhộn nhạo nuốt vội cốt sao lấp đầy cái dạ dày rỗng tuếch, sữa không có cho con ăn, tiền trong nhà không một xu một hào. Cực chẳng đã, Bé theo chân đám bạn tới Hà Nội và mài mặt sống bằng cái nghề bị cả xã hội khinh rẻ. Kiếm được đồng nào, Bé dành dụm gửi về cho mẹ để bà cháu nuôi nhau.
 
Trong đầu chị, đã có những thảng hoặc mơ hồ, day dứt “những đồng tiền nhầy nhụa kia dùng để mua sữa cho con, liệu rằng sau này lớn lên, khi biết điều tồi tệ ấy, con trai có tha thứ cho mẹ nó?”. Bé không nhớ rõ đã bao lần chị ngồi đếm ngược đếm xuôi vài đồng tiền lẻ kiếm được nhờ thân xác tiều tụy, hết bần thần lại sụt sùi khóc vì tủi phận.
 
Con trai Bé giờ đã hơn 3 tuổi. Từ nhỏ đã sống cùng bà ngoại và rời xa vòng tay yêu thương của mẹ, nên dường như mẹ đối với nó là một nơi nào đó rất vời xa. Nó lạ lẫm, ngơ ngác và khóc thét lên mỗi lần Bé cố gắng kéo con vào lòng ôm ấp. Nó đẩy chị ra xa bởi sau cái khịt khịt mũi, cái ngước mắt nhìn lạ lẫm, nó nhận ra mùi hương trên người chị không phải cái mùi ngai ngái, nồng nồng suốt 3 năm nay nó gắn bó.
 
Bé luôn ôm một nỗi day dứt, chị đã quyết liệt đến cùng để chào đón đứa con ngoài giá thú này bước vào cuộc đời chị, nhưng chị không thể trọn đạo làm mẹ, không thể dành tặng cho con những gì tốt đẹp nhất, không thể ở bên vỗ về, nâng niu nó mỗi lúc ốm đau, không thể ôm nó thật chặt trong những cơn mơ con trẻ.
 
Chị chưa bao giờ trách con, bởi nó còn quá nhỏ dại, tất cả biểu hiện của nó là kết quả của những năm tháng chị mài mặt kiếm tiền nơi đất khách quên đi đâu mới thật sự là đích đến và điểm dừng của người đàn bà. Và hôm nay, con trai chị vẫn không chịu sà vào vòng tay của mẹ, và vòng tay của chị, trong suốt 3 năm nay, chưa bao giờ ấm áp, đủ đầy.
 
Bước chân vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 Ba Vì, có thể coi như bước ngoặt lớn trong đời Bé. Chị có thể tĩnh tâm nhìn lại quãng thời gian sóng gió, xô bồ đã qua và không ngừng hi vọng về ngày trở về đoàn tụ. Chị tự nhủ lòng sẽ bù đắp lại tất cả những thiệt thòi cho cậu con trai bé bỏng, đáng thương của chị. Chị sẽ yêu thương nó gấp đôi những bà mẹ khác, yêu thương thêm cả phần của người cha bội bạc và phần yêu thương run rẩy của người mẹ ôm nỗi day dứt chưa trọn đạo làm Mẹ.
 
 
  • Thiên Dương
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc