Cặp song sinh già và vị đắng nửa thế kỷ làm ’gái’

05:59, Thứ năm 25/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Gần nửa thế kỷ làm gái bán hoa ở khu đèn đỏ của thủ đô Amsterdam, cái “nghề nghiệp” vừa tầm thường lại vừa đặc biệt, vừa thấp kém ấy biến 2 chị em sinh đôi, Louise và Martine Fokkens thành những người thú vị đến lạ lùng.

Gần nửa thế kỉ làm gái bán hoa ở khu đèn đỏ của thủ đô Amsterdam, cái “nghề nghiệp” vừa tầm thường lại vừa đặc biệt, vừa thấp kém nhưng lại đầy bí ẩn ấy biến 2 chị em sinh đôi, Louise và Martine Fokkens thành những người phụ nữ thú vị đến lạ lùng.
[links()]
Thẳng thắn không chút giấu giếm về công việc đã nuôi sống họ cho đến tận bây giờ, phóng túng và vui nhộn theo cách thức có phần đau đớn, ở tuổi xấp xỉ 70, họ nổi tiếng khắp thế giới nhờ cuốn hồi ký bán chạy nhất Hà Lan và bộ phim tài liệu về cuộc đời mình.

Giọt nước mắt đắng cay đằng sau những nụ cười

Gặp Louise và Martine ngoài đời mới thấy quả thực họ giống nhau như 2 giọt nước, từ gương mặt, vóc dáng cho đến cả cử chỉ và phục trang.

Cũng dễ hiểu thôi khi mà người này đã gắn bó với người kia từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, đồng hành suốt 70 năm cuộc đời, và giờ đây, trong những năm tháng tuổi già, cặp chị em đặc biệt ấy vẫn sống nương tựa vào nhau nơi căn hộ 2 phòng ngủ bừa bộn ở phía tây Amsterdam.

Như bao phụ nữ khác, họ đặc biệt mến khách và ưa chuyện trò. Loẹt xoẹt trong đôi dép lê, tay bưng tách cà phê đầy bọt kem và chiếc bánh ưa thích, Louise bắt đầu kể lể về thời thơ ấu, câu chuyện mà bà đã nhai đi nhai lại cả ngàn lần mà không chán, trong lúc Martine khe khẽ ngâm nga 1 bài hát cũ.

Louise và Martine Fokkens, những “gái bán hoa” cao tuổi nhất Hà Lan
Louise và Martine Fokkens, những “gái bán hoa” cao tuổi nhất Hà Lan

Gia đình họ nghèo lắm. Hồi chiến tranh thế giới thứ II, Louise và Martine còn rất nhỏ. Nhưng trong kí ức của họ vẫn còn những kỉ niệm lúc mơ hồ, khi sáng tỏ. Mẹ của hai chị em sinh đôi mang 1 nửa dòng máu Do Thái.

Những năm ấy, các gia đình Do Thái bị quân phát xít truy lùng rất gắt gao. Nếu rơi vào tay bọn chúng thì kết cục chỉ có thể là cái chết bi thảm. Chính vì thế mà cả nhà họ phải sống chui lủi vô cùng khốn khổ.

Thế nhưng tâm hồn trong trẻo của hai đứa trẻ vẫn tìm thấy niềm vui ngây ngô trong những tháng ngày đen tối nhất. “Mỗi khi có còi báo động, mẹ vội vã bế chúng tôi xuống hầm. Hồi đấy nhà tôi làm gì có nổi cái mũ bảo hiểm.

Vì thế tất cả mọi người phải lấy nồi xoong đội lên đầu để tránh bom rơi đạn lạc. Thế là bọn tôi nhìn quanh, trông ai cũng rất buồn cười. Chúng tôi thấy thật là vui”, Louise hào hứng kể, trong lúc Martine vẫn tiếp tục ngâm nga hát. Đó là bài ca xưa cũ về niềm vui sống và nỗi buồn khi phải chia ly.

Dĩ nhiên, khi mới 14,15 tuổi, Louise và Martine chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ làm công việc bán thân để mưu sinh. Hai chị em có vẻ ngoài xinh xắn “đặc” chất Hà Lan, vóc người đậm đà, mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh thu hút.

Họ là những cô gái thông minh, tháo vát, sáng tạo và cũng biết ước mơ. Nhưng cuộc sống là như thế và đôi khi người ta chỉ có thể đổ lỗi cho số phận. Louise đã trót si mê rồi kết hôn với 1 gã đàn ông tệ bạc. Cô sinh được 3 đứa con nhưng cuộc sống cứ ngày càng khó khăn hơn.

Họ cần tiền cho những nhu cầu thiết yếu như miếng ăn hay tấm áo cho bọn trẻ mà chồng của Louise thì vốn vô dụng và lười nhác. Sau đó, 1 người bạn của hắn nói với 2 vợ chồng rằng “chuyện ấy” là cách dễ dàng nhất để kiếm ra tiền.

Thời trẻ, Louise và Martine từng là những “ngôi sao” ở khu đèn đỏ.
Thời trẻ, Louise và Martine từng là những “ngôi sao” ở khu đèn đỏ.

Lúc ấy Louise mới hơn 20 tuổi và dĩ nhiên là cô không đồng ý. Nhưng gã chồng vũ phu đã đánh đập cô thô bạo ngay trên đường phố và ép cô phải bán dâm. “Anh ta nói nếu tôi không mang tiền về thì anh ta sẽ bỏ tôi. Lúc đó tôi nghĩ đến các con, và tôi còn quá yêu anh ta nữa, vì thế tôi đã dấn thân vào cái nghề này”.

Nhưng rốt cục Louise vẫn không thể giữ lại các con của mình. 3 đứa trẻ được đưa vào nhà tình thương, rồi sau đó người ta nhận nuôi chúng. Thứ duy nhất người phụ nữ bất hạnh còn giữ được là những bức ảnh được cẩn thận đặt trong khung bằng gỗ, xếp ngay ngắn trên chiếc giá sách cũ kĩ. Trong hình, bọn trẻ đều đang toét miệng cười.

Louise vẫn tiếp tục làm việc trong nhà chứa vài năm nữa. Rồi vì cuộc sống quá chật vật và Martine không thể kiếm nổi việc làm, Louise đã xin cho em gái vào đó làm chân quét dọn.

Tuy nhiên, có quá nhiều khách hàng nhầm lẫn Martine với chị của mình và khi biết hai người là chị em sinh đôi, họ tỏ ra đặc biệt thích thú. Nhiều gã đàn ông đưa ra những đề nghị hấp dẫn, trả cái giá rất cao để được cả 2 phục vụ cùng lúc. Rốt cục, Martine đồng ý làm việc cùng Louise.

“Tôi đã phải giúp đỡ Martine rất nhiều khi bà ấy tiếp vị “khách hàng” đầu tiên: chỉ cho bà ấy phải làm gì và không nên làm gì”, Louise khoe. Sau đó, cặp sinh đôi “thành công” đến nỗi không cần đến sự dẫn dắt của những tay bảo kê nữa và tự tách ra, mở 1 nhà thổ của riêng mình.

Khi được hỏi nhìn lại toàn bộ những năm tháng cuộc đời ở Amsterdam, họ đã có nhiều nụ cười hay nước mắt hơn? Hai người phụ nữ không chần chừ đáp:

“Ồ, cười nhiều chứ, chắc chắn là cười nhiều hơn khóc. Bạn phải cười lên cho dù có buồn đau đến mấy, bởi vì đó là cuộc sống và bạn chẳng thể thay đổi được gì, nhưng mọi chuyện sẽ khá hơn nếu bạn biết mỉm cười”.

Có điều, nụ cười rạng rỡ trên khuôn miệng nhăn nheo tô son đỏ chót dường như chẳng thể che dấu được nỗi buồn mênh mông trong đôi mắt họ.

Nửa thế kỷ làm “nghề” đặc biệt

Ở tuổi 70, thật lạ lùng là Martine Fokkens vẫn có thể tiếp tục cái công việc đã nuôi sống mình cả đời. Mỗi tuần, bà đều đặn “tiếp khách” từ 2 đến 3 lần. Các “khách hàng trung thành” này giúp bà đảm bảo cuộc sống.

Martine cho biết nếu chỉ nhận tiền trợ cấp xã hội thì không thể đủ chi trả cho những nhu cầu thiết yếu của cả 2 chị em. Còn Louise đã phải “nghỉ hưu” từ vài năm nay vì căn bệnh viêm khớp trầm trọng khiến bà không thể co chân lên hay vắt chéo hai chân vào nhau được nữa.

Khi Martine ngồi trong khung cửa kính với trang phục gợi cảm, mang đôi tất lưới màu đen và làm điệu bộ mời mọc những khách đi đường, vài nhóm thanh niên ngang qua buông lời châm chọc tuổi tác cùng sự già nua của bà. Martine chỉ cười phá lên tỏ vẻ không quan tâm.

“Thanh niên bây giờ khác lắm, chúng uống quá nhiều, béo phị ra và không biết tôn trọng người khác”, bà nói. Mặc cho bị cạnh tranh ác liệt bởi những “gái bán hoa” trẻ tuổi hơn, các “lão bà” như Martine vẫn có “thị trường” của riêng mình.

Đó là những người đàn ông lớn tuổi và có “nhu cầu” tình dục đặc biệt. “Chúng tôi biết các “mánh khóe”, chúng tôi biết họ muốn gì. Chúng tôi biết cách nói chuyện với họ, và làm cho họ cười nữa”, hai chị em thi nhau “khoe” với vẻ tự hào không hề giấu giếm.

Đã hơn 50 năm làm cái “công việc” đặc biệt này, quả thật họ có hàng trăm chiêu trò lạ lùng và những “bí quyết” không cô ả trẻ trung mới chân ướt chân ráo vào “nghề” nào có thể theo kịp. Thậm chí Louise và Martine còn tiết lộ họ ít khi phải thực sự làm “chuyện ấy” với đàn ông trừ khi được đối xử lịch thiệp và trả công thật hậu hĩnh.

Dĩ nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng và suôn sẻ. Martine kết luận chị em họ khá may mắn khi còn sống được đến tuổi 70. “Một lần có gã khách hàng khá kì quái mà tôi không thể ưa nổi. Thế là, tôi dụ hắn ta cởi hết quần áo ra.

Rồi tôi ngồi lên giường và phát hiện ra hắn giấu dưới gối 1 con dao lớn”. “Nói chung là cũng có lúc thế này lúc thế kia”, Louise đế thêm vào. Rồi cả hai chị em đồng thanh cất tiếng hát “Lúc lên lúc xuống, lúc lên lúc xuống…” trước khi cùng ngả người ra ghế, phá lên cười thích thú.

Đó là cách sống của họ suốt nửa thế kỷ qua, bình thản đối mặt và hài hước hóa mọi vấn đề. Giờ đây, hai “gái bán hoa” cao tuổi này bỗng nhiên nổi tiếng khắp thế giới sau khi quyển sách về cuộc đời họ được xuất bản và trở thành cuốn hồi ký bán chạy nhất ở Hà Lan.

Nó vẫn đang được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nữa. Dường như 1 cuốn sách là chưa đủ để tiết lộ hết những câu chuyện thú vị về 2 số phận lạ lùng ấy, người Mỹ lại tiếp tục làm bộ phim tài liệu mang tên “Gặp gỡ chị em nhà Fokkens” nữa.

Mặc dù tại Hà Lan các phố đèn đỏ được công khai hoạt động và mại dâm không phải là phạm pháp, nhưng cũng như ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, những người phụ nữ đã dấn thân vào con đường này thì chẳng bao giờ có được “kết thúc có hậu”.

Họ bị coi thường, khinh ghét, thậm chí bị lạm dụng, đánh đập và tốt nhất là đừng bao giờ mất thời gian mơ mộng đến thứ hạnh phúc giản dị như là 1 gia đình bởi vì nó sẽ không thể thành sự thực.

  • Thủy Tiên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc