Cặp vợ chồng “đũa lệch” tìm lại hạnh phúc sau những thăng trầm

06:26, Thứ hai 18/04/2011

( PHUNUTODAY ) - PhunuToday - Trong mối quan hệ vợ chồng, sự “lệch pha” có thể dẫn đến những rạn nứt nguy hiểm khó lường. Không kịp thời hàn gắn, thay đổi, rất có thể hạnh phúc gia đình sẽ tan vỡ.


Sóng gió vì vợ chồng “lệch pha”

Là một tư vấn viên có kinh nghiệm, chị Thanh Hòa- chuyên gia tư vấn của trung tâm Link Tâm chia sẻ, trong hôn nhân, sự chênh lệch về trình độ, lối sống cùng nhiều yếu tố khác giữa hai vợ chồng có thể dẫn đến những bi kịch gia đình đáng tiếc. Trong cuộc đời làm tư vấn viên của mình, chị đã từng tiếp xúc với nhiều trường hợp khách hàng bị tổn thương tâm lý vì những xung đột gia đình xuất phát từ sự chênh lệch như thế.

“Có một trường hợp mới đây mà tôi là người trực tiếp tham gia tư vấn, khách hàng là một phụ nữ đã ngoài năm mươi tuổi. Hoàn cảnh của chị rất đau lòng, bởi đã ở tuổi ấy người ta đáng ra phải được yên ổn gia đình, hưởng thụ hạnh phúc. Thật may là nhờ sự giúp đỡ của chúng tôi và bình tĩnh, sáng suốt của chị, cuối cùng, chị đã tìm được một cách ứng xử thấu tình đạt lý, kịp thời cứu vãn hạnh phúc gia đình mình”.

Người phụ nữ đáng thương ấy có một mái ấm yên ổn đã mấy chục năm nay. Chị có hai cô con gái đi du học sắp về nước. Người chồng là một công chức nhà nước mẫu mực, lại chịu khó làm thêm nên gia đình cũng có thể gọi là sống sung túc.

Chị tâm sự, hai người thuở nhỏ cùng lớn lên ở một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội. Họ lấy nhau là vì sự mai mối, sự vun vén của gia đình hai bên. Anh là con trai duy nhất trong gia đình, cha lại hi sinh nên được ưu tiên đi học nước ngoài từ hồi trẻ, kiến thức rất uyên bác. Còn chị, chỉ học hết cấp ba trường làng rồi đi làm y tá. Sống xa nhau ròng rã bao năm trời vì anh đi học xa, chỉ có mình chị ở nhà chăm sóc bà và mẹ anh chu đáo. Khi anh trở về thì hai vợ chồng cũng chẳng còn son trẻ gì nữa. Sinh được hai con đầu lòng đều là con gái, anh chị cũng không dám “vỡ kế hoạch” nên hai vợ chồng chỉ biết an ủi nhau, con nào cũng là con.

Chị cữ ngỡ anh học rộng hiểu nhiều thì không lăn tăn chuyện con gái, con trai. Thế nhưng thời gian trôi qua, chị hiểu rằng mình đã lầm. Hai đứa con gái tuy giỏi giang, ngoan ngoãn nhưng anh nhiều lúc vẫn không giấu muộn phiền, người làm vợ, làm mẹ không khó khăn để hiểu được niềm tâm sự giấu kín của anh: Muốn có một đứa con trai.

Thế nhưng hoàn cảnh hai vợ chồng không cho phép, chị chỉ có thể ra sức chăm sóc, thương yêu anh và các con, dạy dỗ các con hiền ngoan để làm cha mẹ vui lòng.

Chỉ có một điều, chị không sao khỏa lấp được trong sự xa cách giữa hai vợ chồng, ấy là sự chênh lệch trình độ giữa hai người.

“Tôi chỉ học hết cấp ba trường làng, rồi học thêm y sỹ một thời gian ngắn đi làm. So với một “đại trí thức” như anh ấy, quả thực là cách biệt quá lớn. Trong cuộc sống vợ chồng, những xung khắc, những  hụt hẫng cũng từ đấy mà ra”- chị tâm sự.

Trong nhà, ngoại trừ những dịp đi nghỉ cùng nhau, đi du lịch cùng nhau, thì giữa những bữa cơm có cả hai vợ chồng, hầu như chị chẳng hiểu, chẳng thể chia sẻ cùng anh những điều anh quan tâm. Bàn chuyện văn hóa, văn nghệ, chính trị, chị chỉ mơ mơ màng màng. Bản thân chị là người phụ nữ chân chất, tuy sống ở thành phố nhiều năm, vẫn giữ lối sống rất đơn giản. Còn anh, đi du học, sống ở nước ngoài lâu cũng hình thành những nếp sống, nếp nghĩ rất “Tây”. Bời vậy, những trao đổi, tâm sự giữa hai vợ chồng không nhiều. Từ việc nhỏ đến việc lớn đều hầu như là do anh quyết định, tính toán. Ngay như chọn trường cho con học, rồi xây nhà, sắp xếp nhà cửa… cũng là anh phải suy nghĩ. Chị chỉ là người góp ý theo kiểu “em đồng ý” mà thôi.

Còn trong đời thường, từ phim ảnh, ca nhạc, chị với anh chưa bao giờ đồng cảm. Có nhiều khi nằm cạnh chồng, chị đã tủi thân thấy mình kém cỏi, nhưng rồi nhìn các con, nhìn sự ân cần mà chồng vẫn thể hiện mỗi ngày, chị lại gạt bỏ đi tất cả.

“Sự chênh lệch giữa hai vợ chồng đã khiến họ sống bên nhau mà không được hạnh phúc tròn đầy, dù hình mẫu gia đình của họ luôn khiến người ngoài ngưỡng mộ.

“Chị kể, mỗi lần chị về quê cùng anh, họ hàng làng xóm đều rất vui vẻ, phấn khởi, lấy anh chị ra làm “gương” cho con cháu. Người ta khen chị có phúc, lấy được chồng tài, chồng giỏi. Những khi ấy chị cười mà đau xé ruột. Bởi càng sống lâu cùng nhau, càng thấy sự tài, sự giỏi, sự cách biệt về trình độ, về lối sống đã khiến hạnh phúc của họ trở nên túng thiếu tới mức nào”- chị Hòa kể.

Mặc dù thế, người chồng vẫn không làm điều gì có lỗi với chị. Chị biết điều đó, bởi giờ giấc, thói quen của chồng chị nắm khá rõ. Lại còn mối lo học phí cho các con, anh miệt mài làm việc tới mức còn chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Vì thế, chị vẫn thầm hi vọng, thời gian, các con và sự tận tụy săn sóc của chị rồi sẽ giúp hai vợ chồng xích lại gần nhau mà không thể ngờ, bất hạnh lại ập xuống gia đình chị khi mà chị chuẩn bị về hưu, anh cũng sắp thôi công tác…

“Anh đã ngã vào vòng tay một người đàn bà khác, cô ấy trẻ hơn chị những hơn 20 tuổi, còn xuân sắc, có trình độ hơn chị và đặc biệt ngưỡng mộ anh. Họ đã “cùng nhau” trong một chuyến công tác”- đó là điều mà anh thú nhận với chị.

Quá đau khổ, thất vọng vì bị chồng phụ bạc, chị kiên quyết xin li hôn dù anh đã hết lời xin lỗi. “Chị chia sẻ với chúng tôi, chị tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý chỉ để thấy mình được lắng nghe, được an ủi, chứ ngay từ đầu đã không có ý định từ bỏ quyết định ly dị chồng.”- chị Hòa cho biết.

Bước qua sợ hãi

Sau cuộc trò chuyện dài với người vợ bị chồng phụ bạc, chị Hòa đã dùng sự cảm thông, chia sẻ của mình để làm “dịu” lại nỗi đau của chị.

“Ở tuổi của chị ấy, đâm đơn ly dị ra tòa là vạn bất đắc dĩ. Con cái, họ hàng, rồi những năm tháng còn lại của cuộc đời biết về đâu? Khi chị tâm sự với tôi, tôi đã hiểu rằng chị là người phụ nữ có đức hi sinh rất cao. Chuyện ngoại tình của chồng như một cú sốc với chị. Có thể thấy, trước tiên là mặc cảm thua kém của người phụ nữ trước chồng mình đã khiến chị không còn đủ tự tin để tha thứ và tin tưởng.”- chị Hòa chia sẻ.

Ly hôn trong trường hợp này, chưa chắc đã là giải pháp ổn thỏa nhất. Theo chị Hòa, bi kịch gia đình tan vỡ chỉ đẩy người ta vào những stress tâm lý nặng nề hơn. Mặc dù những khúc mắc vợ chồng của khách hàng của chị đã kéo dài và tưởng như không có lối thoát, song như thế không có nghĩa là họ phải chia tay mới giải quyết được vấn đề.

Với mong muốn mang tới cho khách hàng những lời khuyên, lời tư vấn chân thành mà đúng đắn nhất, chị Hòa khuyên khách hàng của minh tạm thời bình tĩnh để nhìn lại sự việc bằng cả trái tim và lý trí. Ban đầu, chị chia sẻ sự cảm thông, thấu hiểu, sau đó, chị nhẹ nhàng phân tích cho khách hàng thấy những điểm còn ‘”lạc quan” trong mối quan hệ vợ chồng đang có:

“Điều may mắn là, người chồng có học thức, đã sớm thú nhận với vợ hành động sai trái. Điều thứ hai là, hai cô con gái cũng đã trưởng thành, đã biết chia sẻ, an ủi mẹ và rất thương mẹ. Tôi đặt ra những tình huống về người chồng, để chị ấy tự suy nghĩ. Nếu anh là người đa tình, là người bội bạc, thì liệu anh có đợi đến giờ phút này mới “đổi gió”, hay đó chỉ là một phút xao lòng? Ở tuổi của anh, đàn ông không còn muốn phiêu lưu tình ái nữa. Những mối quan hệ ngoài luồng có thể do hoàn cảnh xô đẩy, cũng có thể do anh không giữ được bản lĩnh đàn ông. Nhưng quan trọng, một lần ngoài chồng ngoài vợ ấy không khiến anh hắt hủi hay khinh ghét vợ. Trái lại, thú nhận nghĩa là anh biết mình sai, anh sợ vì đã làm vợ tổn thương và anh muốn chuộc lại lỗi lầm.”

Lắng nghe những phân tích của chị Hòa, người vợ tội nghiệp khuôn mặt vẫn đẫm nước mắt, nhưng đã bớt phần gay gắt.

Chị Hòa tiếp tục chia sẻ: “Tôi khuyên khách hàng hãy cho chồng một cơ hội, và cũng nhìn lại mình để hai vợ chồng được hòa hợp hơn trong cuộc sống. Ở tuổi này, gối chăn không còn nồng nàn được nữa nhưng vẫn rất cần sự gần gũi, quan tâm và chia sẻ và giao lưu giữa hai người. Cách biệt về trình độ không có nghĩa là hai vợ chồng mãi mãi ở hai thế giới khác nhau. Nếu thực sự muốn hâm nóng tình cảm vợ chồng, muốn gây dựng lại hạnh phúc, họ hoàn toàn có thể tìm thấy tiếng nói riêng.”

Lắng nghe lời khuyên của chị Hòa, khách hàng có vẻ bình tâm hơn. Bản thân khách hàng của chị, khi nghĩ tới nước ly hôn cũng rất đau khổ. Khi được phân tích thiệt hơn, chị hiểu ra và phần nào an tâm trở lại. Chị quyết định sẽ một lần nữa trở về bên chồng, giành lại người chồng của mình, người cha của các con và mái ấm đang có nguy cơ sụp đổ.

Điều quan trọng nhất là, sau hành động sai trái của chồng bị chính chị phát hiện ra, chị đã bước qua được nỗi sợ hãi mình thua kém, mình không có tiếng nói với chồng. Lần đầu tiên sau mấy chục năm trời sống với nhau, chị thấy tiếng nói của mình có trọng lượng, thấy chồng cũng là người đàn ông yếu đuối, sợ mất chị, sợ mất gia đình.

“Dù là vì lý do gì đi nữa, thì người ta vẫn cần sự thứ tha để hàn gắn những nỗi đau trước khi đi tới quyết định hủy hoại tất cả. Hạnh phúc gia đình cũng vây. Thứ tha, yêu thường chính là những chất keo quý giá để giữ gìn nó được lâu bền”- chị Hòa tâm sự.

Ca tư vấn của chị dừng ở đó. Người vợ không còn khi nào quay lại trung tâm, nhưng chị tin rằng, cuộc hôn nhân của chị sẽ không phải bước tới tòa án. Chị tin rằng, vai trò “người hòa giải” bất đắc dĩ của mình đã thêm một lần nữa thành công.

Quỳnh Anh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc