Cặp vợ chồng tật nguyền vượt lên số phận

06:34, Thứ năm 31/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Chị nói: “Con cái là cái vốn của trời cho. Mình muốn là muốn thế thôi, còn hiện tại thì đâu dám. Vợ chồng vẫn đang còn tay trắng, nhà cửa không có nữa. Cũng không biết được sau này thế nào. Cứ tốt với hiện tại thôi”.

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn còn đang nhức nhối xã hội với bao mảnh đời bất hạnh. Nhưng chính những con người bất hạnh đó lại vẫn đang tìm cách nắm giữ cuộc đời và nắm giữ hạnh phúc của chính mình.
[links()]
Sự cảm thông của những người đồng cảnh ngộ đẫn đến tình yêu và hạnh phúc vợ chồng

Chúng tôi gặp hai vợ chồng trẻ Phương - Tám một ngày đầu tháng tư tại trung tâm dạy nghề nhân đạo dành cho người khuyết tật ở Linh Quang - Văn Chương - Đống Đa - Hà Nội. Hai vợ chồng đang mải miết với công việc của mình.

Bên bàn máy may, trông cả hai thật nhỏ bé. Lời qua lời lại, chỉ qua một vài cử chỉ, một vài ánh mắt tưởng như rất đối bình thường, chúng tôi đã có thể cảm nhận được tình cảm mà hai người dành cho nhau với biết bao trìu mến.

Khi được hỏi chuyện, hai vợ chồng đều niềm nở kể về cuộc đời mình với những thăng trầm cay đắng đã qua.

Phương sinh 1988 tại Văn Trấn - Yên Bái, trong một gia đình đông anh chị em. Bố Phương từng là bộ đội đóng quân ở chiến trường Lào trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Đôi vợ chồng trẻ Phương - Tám đang nỗ lực để vượt lên chính mình
Đôi vợ chồng Phương - Tám đang nỗ lực để vượt lên chính mình

Những tháng ngày ăn đói, mặc rét và sự sống cái chết luôn nằm kề có lẽ nỗi đau vẫn chưa thấm gì so với nỗi đau mà người cha, người mẹ phải trải qua thời hậu chiến. Giải ngũ, về quê, lúc bấy giờ hai ông bà đã có 5 người con.

Quan niệm đông con nhiều phúc khiến cả hai muốn sinh thêm cho vui cửa vui nhà. Không ngờ, người con gái tiếp theo (chị kế Phương), sinh ra không được bình thường. Khuyết tật nhẹ ở chân khiến sinh hoạt của cô trở nên khó khăn.

Cả cha và mẹ đều nghĩ do không may mà không hề lường được việc chất độc da cam đã ảnh hưởng đến ông trong những năm tháng chiến tranh trước đó. Rồi bà mẹ lại có thai, cả nhà hồi hộp chờ đợi ngày cậu bé Phương ra đời.

Nhưng rồi bất hạnh lại tiếp tục ập đến, anh sinh ra cũng như người chị gái của mình, hai chân bị teo, thêm phần lưng bị lệch, co lại, khi đứng người như bị đổ sang một bên. Quan niệm xã hội lúc bấy giờ vẫn còn nhiều khắc nghiệt, nhưng bù lại, cha mẹ và các anh chị em khác rất thương hai “đứa út” trong nhà.

Nhà nghèo, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng cũng không đủ ăn, hai cụ phải làm thuê cuốc mướn thêm cho người trong làng, trong xã để có tiền nuôi đàn con thơ ăn học. Nhưng có lẽ do tuổi tác và lo nghĩ nhiều, tác dụng của chất độc và những vết thương cứ trái gió trở trời lại hành hạ, đến năm Phương lên 4 tuổi thì cả bố và mẹ đều lần lượt qua đời.

Anh lớn lên trong sự đùm bọc của các anh chị em. Dù nghèo và không được bình thường như những đứa trẻ khác, các anh chị vẫn nhất quyết “bắt” Phương và người chị gái phải học hết cấp 3 mới được nghỉ.

Tình thương của cả gia đình giúp Phương có thêm nghị lực để sống và vượt qua cả những điều tiếng không hay của những người vốn không hiểu chuyện xung quanh. Tốt nghiệp xong, cũng cần phải có một cái nghề để sống nhưng ở cái miền quê nghèo Văn Trấn ấy, chỉ có nghề nông là  chính.

Với khuyết tật của mình, Phương không đủ sức để cáng đáng. Anh chị thương, cũng tìm được vài công việc lặt vặt về cho em làm đỡ khuây khỏa nhưng chỉ là những công việc thời vụ không được bao lâu.

Đến cuối 2008, có người quen giới thiệu trung tâm Linh Quang, Phương xin phép các anh, các chị xuống Hà Nội xin việc làm. Thương em, mọi người đều phản đối khi Phương phải một mình đến một nơi xa lạ như vậy nhưng càng thương thì anh lại càng nhất quyết thực hiện.

Lần đầu tiên rời nhà xuống thủ đô rồi ở lại một mình, bao nhiêu bỡ ngỡ với chàng trai trẻ. Anh nhớ lại: “Những ngày đầu đến trung tâm, nhớ nhà, nhớ anh chị và các cháu nhưng được cái gặp mọi người cùng cảnh ngộ, thấu hiểu cho nhau.

Rồi công việc, cảm thấy thích thú vì đã dám vượt qua chính mình, vượt qua sự bao bọc của gia đình để sống cho mình một cuộc sống riêng”.

Phương được cử vào phân xưởng làm áo cưới của trung tâm. Công việc hằng ngày là thêu, đính cườm hạt, hoa văn,... công việc không khó nhưng đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mẩn.

Nhìn những chiếc váy cưới trắng tinh treo trên tường, anh cũng không dám nghĩ có ngày mình sẽ có được một cô dâu cho riêng mình. Nhưng cuộc đời đã mỉm cười với anh.

Ngoài thời gian làm việc ở xưởng áo cưới, giờ nghỉ, mọi người trong trung tâm có điều kiện sinh hoạt, giao lưu với nhau cũng là điều kiện để tìm hiểu hoàn cảnh cá nhân mỗi người.

Có thời gian, họ đến lớp học tiếng Anh của trung tâm do một thầy giáo nước ngoài đến dạy, hoặc cùng xem phim, vui hơn nữa thì rủ nhau đi chơi loanh quanh gần đấy.

Phương đã gặp và cảm mến trước cô gái hơn mình tới 2 tuổi là chị Lương Thị Tám, quê ở Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Cảm thương vì đồng cảnh ngộ, anh chị đến với nhau trong sự chúc phúc của mọi người.

Chị Tám cũng sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, thì có 3 người bị câm, một người bị tật về tai, 3 người còn lại cũng như chị, đều có chiều cao khiêm tốn đủ để gọi là “người lùn”. Ở một miền quê nghèo, tuy không phải ai cũng xét nét nhưng nhiều khi điều tiếng vẫn không tránh khỏi.

Những ngày còn đi học, bị bạn bè trêu chọc, chị Tám không khỏi tủi thân. Học xong phổ thông, chị ở nhà làm ruộng cùng các anh chị em của mình. Có thời gian, chị học thêm nghề may nhưng cũng không được lâu.

Các anh chị em trong nhà, trừ chị cả và em út đã lấy chồng thì những người còn lại đều chưa lập gia đình. Cũng giống như nhiều người có hoàn cảnh giống mình, chị không hi vọng quá nhiều vào hạnh phúc riêng mình.

Năm 2001, một người chị gái của Tám được người anh họ giới thiệu xuống trung tâm Linh Quang làm việc, khi thấy công việc ổn định và “khá” hơn nhiều so với việc trông vào mấy sào su su ở nhà, người chị về đưa cả Tám xuống làm cùng. Hai chị em cứ bấu víu, nương tựa vào nhau.

Thật may mắn, họ có thêm một đại gia đình lớn là những người đồng cảnh ngộ. Nhìn những đứa trẻ con một, hai, ba tuổi, là con của các chị, các mẹ trong trung tâm, hàng ngày vẫn bi bô nói cười, hai chị em cũng như được hưởng lây niềm hạnh phúc.

Khi chúng tôi hỏi chị Tám về việc khi đến với nhau, biết anh không phải là khuyết tật thông thường mà là do chất độc da cam, chị không nghĩ tới những khó khăn mà vợ chồng sẽ phải trải qua, nhất là khả năng di truyền cho con cái sau này sao?

Chị Tám chỉ cười: “Vợ chồng là do duyên số, thương anh ấy vì hiền lành, thật thà, lại đồng cảnh ngộ, còn chuyện sau này thì ai biết được. Sống với nhau hết cái tình cái nghĩa thôi”.

Biết nhau từ 2009, một thời gian tìm hiểu rồi yêu, mãi đến 2011 hai anh chị mới đến được với nhau. Một đám cưới nho nhỏ được tổ chức trong vòng tay bạn bè, người thân tại chính trung tâm là món quà lớn nhất họ nhận được.

Những khát vọng về tương lai và một tổ ấm riêng

Sau khi lấy nhau, trung tâm dành cho hai vợ chồng một “chốn riêng” là một cái tum nhỏ trên lầu. Trong khi mọi người xung quanh vẫn phải sống tập thể với nhau thì cái tum là một sự ưu ái hết sức. Hàng ngày, hai vợ chồng vẫn cùng nhau đi làm.

Hết giờ làm, tối đến thì rủ nhau đi dạo, có thời gian tâm sự với nhau lại càng thương nhau hơn. Anh chuyển từ phân xưởng áo cưới xuống phân xưởng may làm cùng với vợ. Mọi người thường hay trêu “để gần nhau từng giờ”.

Xuống đây, anh lại phải học lại từ đầu. Không phải chỉ là học việc nữa nên thu nhập cũng tùy theo số sản phẩm làm ra. Hai vợ chồng đều cố hết sức để có thể làm tốt hơn, dành ra thêm một khoản tiết kiệm cho cuộc sống sau này.

Với thu nhập chừng 3 triệu/tháng, sau khi trừ đi các khoản sinh hoạt với giá rất “mềm” ở trung tâm, có khoản chỉ như tượng trưng (ở miễn phí, ăn hơn 300 nghìn/ người/ tháng), trước kia chị Tám có thể dành được gửi về cho gia đình chút ít để trang trải cuộc sống, giờ lại càng tiết kiệm hơn để có thể có chút vốn, sau về quê còn có cái làm ăn.

Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất là những dự định về tương lai của hai vợ chồng, trong đó có cả ý định có một đứa con. Cả hai biết rõ, với tình trạng của anh Phương, khả năng di truyền cho con cái là rất cao.

Chúng tôi muốn hiểu sâu hơn thì chị chỉ cười: “Con cái là cái vốn của trời cho. Mình muốn là muốn thế thôi, còn hiện tại thì đâu dám. Vợ chồng vẫn đang còn tay trắng, nhà cửa không có nữa. Cũng không biết được sau này thế nào. Cứ tốt với hiện tại thôi”.

Nói rồi, chị Tám quay sang cạnh đó, có đứa con nhỏ mới được 5 tháng tuổi của người bạn ở máy kế sau đang ngồi chơi cùng bà “cộng tác viên” của trung tâm. Nhìn chị Tám cười, cưng nựng đứa trẻ, chúng tôi đọc được nỗi buồn và mong mỏi của người phụ nữ này.

Tương lai, anh chị có thể trở về quê hương để tạo lập cuộc sống cho riêng mình khi đã có một cái nghề vững chắc trong tay. Và may mắn hơn, có thể trong gia đình nhỏ của họ sẽ có thêm một thành viên nhỏ, không cứ phải là con đẻ của hai vợ chồng.

Hai vợ chồng có một cửa hàng may nho nhỏ, hoặc buôn bán những thứ lặt vặt đủ để sống và có thể giúp đỡ những người khác như mình. Chúng tôi thực sự hi vọng và cầu chúc cho ước muốn nhỏ bé của anh chị sớm thành sự thật.

Rời trung tâm dạy nghề nhân đạo dành cho người khuyết tật Linh Quang, nơi có những mảnh đời đã biết vượt lên chính bản thân mình, những người trong chúng tôi đều không khỏi xúc động. Những con người đó đã dạy cho chúng tôi những bài học về nghị lực sống và sự trân quý đối với hạnh phúc mà mình đang nắm giữ.

  • Trầm Huệ
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc