Câu chuyện ly kỳ về biệt kích mang bí số K64

07:50, Thứ tư 13/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Trong chuyến xâm nhập đường biển mang tên Minh Vương 2 từ Thái Lan của cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam ”, một biệt kích mang bí số K64 vừa lên đất liền đã quay súng tìm đến chính quyền nhân dân tự thú. Với chính sách nhân đạo, khoan dung, “không đánh kẻ chạy về”, ban lãnh đạo chuyên án đã tạo điều kiện cho K 64 lập công chuộc tội.

(Phunutoday) - Trong chuyến xâm nhập đường biển mang tên Minh Vương 2 từ Thái Lan của cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam ”, một biệt kích mang bí số K64 vừa lên đất liền đã quay súng tìm đến chính quyền nhân dân tự thú. Với chính sách nhân đạo, khoan dung, “không đánh kẻ chạy về”, ban lãnh đạo chuyên án đã tạo điều kiện cho K 64 lập công chuộc tội.


Sau khi được dung nạp trở thành 1 thành viên tham gia kế hoạch phản gián CM 12 của ta, anh đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các chi tiết trong kế hoạch hoàn hảo hơn. Kết thúc chuyên án, không những được Nhà nước xoá tội mà anh còn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

K64 tên thật là Phạm Thanh Danh, còn tên gọi khác là ba Hoàng Anh. Theo sự giới thiệu của phòng Công tác Chính trị Công an Cà Mau, chúng tôi tìm đến tận nhà anh ở chợ Rạch Ráng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.
Bùi Văn Lam Sơn (bìa phải) vào trại tỵ nạn để tuyển dụng biệt kích.
Bùi Văn Lam Sơn (bìa phải) vào trại tỵ nạn để tuyển dụng biệt kích.

Sau giây phút ngại ngần ban đầu, anh vào chuyện. Ký ức hơn 20 năm trước có dịp được khơi gợi, anh trải lòng mình: “Nếu không có sự khoan dung của ban lãnh đạo chuyên án như anh Sáu Học, anh Sáu Hoàng, anh Hai Tân, cuộc đời tôi xem như bỏ đi…”.
 
Cuối năm 1980, nhờ tinh thần cảnh giác cao độ của lực lượng Công an An Giang trước âm mưu xâm nhập phá hoại của bọn phản động, một toán biệt kích gồm 23 tên mang mật danh “Minh Vương I” bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết (trong đó 1 tên đã bị tiêu diệt). Ta thu giữ nhiều chiến lợi phẩm của chúng mang theo gồm điện đài, vũ khí và một số phương tiện  phục vụ chiến tranh phá hoại. Qua khai thác các đối tượng bị bắt giữ, ta biết các tên cầm đầu đang trú tại Thái Lan vẫn đang ráo riết tuyển mộ, huấn luyện rất nhiều biệt kích để tiếp tục tung vào nước ta.

Ngay sau khi nhận được báo cáo, đồng  chí Cao Đăng Chiếm – Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Tiền thân Bộ Công an hiện nay) thành lập ngay một ban chuyên án mang mật danh AB 27 để thực hiện một hệ thống bẫy rập nhằm “đón rước”, bắt gọn các toán biệt kích chuẩn bị xâm nhập lãnh thổ.

Ban chuyên án AB27 đã thuyết phục, cảm hoá được 2 biệt kích của toán Minh Vương I mang bí số K34 và K17 chấp nhận cộng tác với ban chuyên án.  Họ đồng ý dùng điện đài liên lạc với Trung tâm chỉ huy địch ở Thái Lan để báo cáo rằng “Minh Vương I đã xâm nhập an toàn”.

Tuy nhiên, do thời gian qui định “lên sóng” điện đài của K34 và K17 đã hết nên không liên lạc được với trung tâm địch. Kế hoạch lập bẫy đón lõng địch mang tên AB27 không thành công như mong muốn. Bọn chỉ huy địch ở Thái Lan đã xem toán Minh Vương I mất tích. Chúng trở nên lúng túng vì kế hoạch xâm nhập đường bộ không khả thi.

Mất toán Minh Vương I, tại Tổng hành dinh ở BangKok Thái Lan, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh điên tiết ra lệnh ám sát thủ tiêu một số người trong nội bộ bị nghi vấn là “Việt cộng nằm vùng”. Chúng đinh ninh rằng Minh Vương I bị “bể” là do có “nội gián”. Trong số đối tượng bị lên danh sách ám sát thủ tiêu có Phạm Thanh Danh tức K64.

Phạm Thanh Danh sinh năm 1954 (nhưng trong giấy khai sinh ghi 1949 – TG), ở xã Lợi An, quận Rạch Ráng (nay là huyện Trần Văn Thời), Cà Mau trong một gia đình cách mạng kháng Pháp. Cha anh là Đảng viên, cán bộ xã kháng chiến. Vùng đất nuôi anh trưởng thành là vùng đất cách mạng nằm ngoài sự kiểm soát của địch.

Năm 1964 (khi ấy, nếu tính theo giấy khai sinh thì anh chỉ mới 10 tuổi nhưng tuổi thật đã 15 – T.G.), được cha động viên, anh cùng bạn bè trang lứa rủ nhau đi bộ đội giải phóng quân. Từ Cà Mau, anh được về căn cứ Trung ương Cục miền Nam tham dự khoá huấn luyện quân sự chính qui.

Sau khoá huấn luyện anh được phiên chế vào lực lượng vệ binh Trung đoàn 1 của Công trường 9 (sau này là Sư đoàn 9 Anh hùng). Ở đơn vị này, anh cùng Trung đoàn tham gia nhiều trận đánh lớn như trận chống càn Junson City bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam và tổng tấn công Mậu thân. 

Trong trận Mậu thân do một cán bộ đại đội trinh sát hy sinh, anh đang là Trung đội trưởng được cấp trên đặc cách giao nhiệm vụ Đại đội phó chỉ huy đại đội C21. Anh chỉ huy đơn vị bám trận địa đánh trực diện với tiểu đoàn Trâu điên của địch có số quân đông hơn rất nhiều suốt mấy ngày tại khu vực quận 6 .

Sau mấy ngày quần thảo, đại đội của anh lọt vào giữa vòng vây của lực lượng tăng viện địch. Anh bị thương vào ngày mùng 6 tết. Đồng đội đưa anh rút ra ngoại thành. Do vết thương, anh không thể di chuyển nhanh đành lệnh cho đồng đội rút đi bỏ anh lại chịu cảnh bị địch bắt làm tù binh. Sau hiệp đinh Paris 1973, anh được trao trả tại Quảng Trị.
e
Một chiếc tàu xâm nhập của biệt kích đã bị ta bắt giữ.

Được ra Bắc học văn hoá và bồi dưỡng chính trị hơn 1 năm rồi anh được theo đoàn quân “Chiến thắng” vượt Trường Sơn vào Nam nằm chờ đơn vị cũ bổ sung biên chế. Trong lúc mọi người nô nức tham gia các chiến dịch lớn, anh lại nằm chờ trong mặc cảm bị bỏ rơi.

Giữa lúc đó có đoàn công tác về Cà Mau, anh bỏ vị trí theo đoàn về lại quê xin nhận nhiệm vụ công tác ở Ban văn hoá thông tin tuyên truyền huyện Sông Đốc cho đến lúc đất nước thống nhất. Anh tiếp tục công tác ở Ban Hải sản huyện Sông Đốc với cương vị Phó ban.

Thời điểm này đất nước ta chưa kịp phục hồi kinh tế sau chiến tranh, không chịu đựng được cuộc sống kham khổ, nhiều gia đình muốn vượt biên trái phép để mong được định cư ở một đất nước có chính sách trợ cấp cao. Nắm được nhu cầu này, có sẵn phương tiện tàu đánh cá và thuộc luồng lạch đường biển, anh đứng ra tổ chức cho nhiều người vượt biên bằng đường biển để thu phí bằng vàng.

Mờ mắt trước nguồn lợi quá lớn, anh quên cả trời đất, quên luôn rằng, sự việc sẽ đổ bể khi những người đã từng được anh “bán vé” vượt biên thành công gởi thông tin về nước cho người thân bạn bè. E sợ một ngày nào đó sẽ phải lãnh án phạt nặng, nhân dịp tết năm 1979, anh tự thu xếp một chuyến vượt biên cho chính mình. Nhờ đã có kinh nghiệm tổ chức vượt biên, sau 6 ngày đêm lênh đênh trên biển anh cặp bến Song Kla, Thái Lan. Song Khla là một căn cứ Hải quân của Thái có trại tỵ nạn dành cho dân vượt biên Việt Nam.

Khi đã vào trại, anh mới nhận ra sai lầm của mình. Thì ra, không phải bất cứ người vượt biên nào từ Việt Nam cũng được đi định cư ở một nước thứ ba. Trại tỵ nan chỉ là một thứ “trại tù quốc tế” có chức năng năng sàng lọc các trại viên theo từng thành phần. Những người đã từng cộng tác với chính quyền Mỹ mới có cơ may đi định cư ở nước thứ ba. Vốn là thành phần “Việt cộng cơ bản”, anh không còn hy vọng được định cư và tâm trí cứ bị ám ảnh nỗi lo sợ bị các trại viên khác tố cáo.

Để tự sinh tồn trước những nguy cơ bị bọn “đầu gấu gốc lính Việt Nam Cộng hoà” phát hiện và ám sát bí mật, anh phải chứng tỏ mình là một tay anh chị trong trại tỵ nạn. Có chút vốn mang theo, anh mua lại một quán giải khát trong trại rồi tập trung đám thanh niên giang hồ tứ cô vô thân lại nuôi cơm. Hơn 1 năm sống trong vô vọng anh bắt đầu nghĩ đến đường về quê hương. Nhưng về bằng cách nào?

Đến một đêm giữa năm 1980, một nhân vật tự xưng là người của “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” xuất hiện tại quán giải khát của Phạm Thanh Danh chiêu mộ biệt kích. Đang nuôi ý định tìm hiểu mọi hoạt động của tổ chức phản động này đồng thời mượn đường quay về để lập công chuộc tội với tổ quốc, anh tình nguyện tham gia. Với cái mác đầu gấu ở trại tỵ nạn, anh được chúng tiếp nhận ngay.
d
Một bức điện văn của biệt kích gởi từ Cà Mau về Tổng hành dinh ở Thái Lan.

Anh được chúng rước về Bankok cho mang bí số K64 và được phong cấp hàm Đại uý sau khi buộc tham dự một khoá huấn luyện biệt kích. Sau đó anh còn được chúng tin tưởng cho học thêm khoá mật mã thông tin điện đài. Anh cố giấu mọi toan tính, chăm chỉ học tập đồng thời chăm chú dò la mọi thông tin liên quan đến tổ chức phản động này.

Trong thời gian này, anh nghe tin toán Minh Vương I đã về Việt Nam bằng đường bộ qua ngõ Campuchia và bị đánh tan tác. Bọn chúng bắt đầu dao động, bế tắc khi nhận ra đất nước bạn Campuchia không dung dưỡng những kẻ phá hoại đất nước anh em Việt Nam. Đỗ lỗi cho thuộc hạ rò rỉ kế hoạch, chúng bắt đầu tổ chức thanh trừng nội bộ. Một số anh em trong các toán biệt kích đóng căn cứ ở biên giới Thái Lan – Campuchia đã bị chúng ám sát, thủ tiêu biệt tích.

Một đêm nọ, tại Tổng hành dinh ở Bankok, một người bạn thân của anh là Bùi Văn Lam Sơn mang bí số K14 đã thông báo cho anh một tin khủng khiếp: anh sẽ bị thủ tiêu vào sáng sớm ngày mai.

K14, tức Bùi Văn Lam Sơn nguyên là Đại uý Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 23 thuộc sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hoà, sau khi vượt biên vào trại tỵ nạn cũng bị liệt vào diện không được đi định cư vì bị tình nghi thân Cộng. K14 bị tình nghi chỉ vì sau ngày 30/04/1975, không ra trình diện Chính quyền cách mạng lâm thời để trốn cải tạo. Chúng cho rằng K14 “có công trạng gì đó” mới không bị truy bức đi cải tạo. Thật ra, đó chỉ là thủ đoạn của bọn hoạt đầu chính trị đẩy anh vào thế đường cùng để anh đầu quân cho chúng.

Đêm đó, nhờ trực ban tham mưu nên K14 phát hiện bức điện mật của bọn đầu sỏ ra lệnh cho một biệt kích vào sáng sớm hôm sau điều K64 (Phạm Thanh Danh) về mật cứ “Tự Thắng” trong rừng rồi bí mật thanh toán.

Tuy bấn loạn nhưng anh vẫn đủ tỉnh táo để biết không dễ đào thoát nếu đã có lệnh “tử hình”. Bởi kẻ nhận lệnh thi hành án tử sẽ để mắt đến từng cử động nhỏ của anh. Con đường sống duy nhất của anh là hiến kế cho bọn đầu sỏ.

Sau khi cân nhắc kỹ, anh nhờ K14 gõ cửa căn phòng của “ngài Chủ tịch” (Lê Quốc Tuý – T.G.) vào lúc nửa đêm. Đang bế tắc lối xâm nhập bằng đường bộ, “ngài Chủ tịch” mừng như chết đuối vớ được phao khi nghe anh trình bày kế hoạch xâm nhập bằng đường biển. Đang nửa đêm, “ngài Chủ tịch” vẫn đánh thức hết bộ sậu ban tham mưu dậy để nghe anh trình bày kế hoạch… 

Ngay sau đó, “ngài Chủ tịch” cho mọi người giải tán chỉ còn lại Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, K14 (Bùi Văn Lam Sơn), K64 (Phạm Thanh Danh) và một người tên Dẻn phụ trách tài chánh vào căn cứ Tự Thắng tuyển 8 người biết đi biển và rành khu vực biển Sông Đốc. Anh đã thoát án tử hình của bọn đầu sỏ. Anh ghi nhớ ơn cứu mạng của K14.
d
Một chiếc tàu chứa vũ khí đang ở Thái Lan chuẩn bị xâm nhập vào Cà Mau.

Nhờ có công hiến kế, anh được phép chọn lựa 8 người. Trong đó có: K59 (Nguyễn Văn Kiếm), K61 (Đoàn Trung Dũng, người Cà Mau). Anh quen biết K59 và K61 từ trước khi vượt biên.
Anh được bọn đầu sỏ giao nhiệm vụ chỉ huy 4 người xuống tỉnh Chệch ven biển Thái Lan cách Bankok khoảng 450 km mua 2 “cá” (tiếng lóng của bọn biệt kích Tự Thắng gọi tàu đột nhập hoá trang thành tàu gỗ đánh cá là “cá” – T.G.).

 Anh có nhiệm vụ cải tạo tàu đánh cá Thái Lan thành “cá”. Anh đề nghị chúng để tên tàu đánh cá quốc doanh Phú Khánh để dể lọt vô hải phận quốc gia. Trong khi sửa chữa, bọn chúng chuyển vũ khí vào đầy các khoang.

Cải tạo “cá” xong, anh trở về căn cứ ở Bankok để chuẩn bị đột nhập về Việt Nam. Ngày xuất phát được ấn định là ngày 12/ 05/1981.

Trong chuyến đột nhập này, toán Minh Vương II có 3 “cá” mang mật danh B1, B2 và B3. Cả 3 “cá” đều nguỵ trang dưới vỏ bọc tàu đánh cá quốc doanh Phú Khánh. Trưởng toán Minh Vương II là Nguyễn Văn Thạnh, biệt danh K 44, một sỹ quan chế độ cũ. Anh được giao chức vụ toán phó chỉ huy an ninh. “Cá” của anh có 12 người, kể cả anh.

2 ngày sau, khi “cá” của anh sắp vào hải phận quốc gia thì nhận được điện từ “tổng hành dinh” lệnh phải tử hình tại chỗ 2 đồng bọn. (Nhờ bắt được sóng bức điện mã này mà ở đất liền Ban Chuyên án CM12 chủ động đón lõng các toán biệt kích – T.G.). Thấy rõ bản chất bất lương, vô nhân của bọn đầu sỏ, anh càng quyết tâm thực hiện kế hoạch riêng của mình.

Đêm 14 rạng sáng ngày 15/05/1981, “cá” của anh và 1 “cá” khác không cặp Hòn Đá Bạc như dự định mà trôi xuống cửa Sông Đốc neo đậu. Đêm 15/05, anh cho đồng bọn đưa vũ khí lên bờ chôn dấu ở Bãi Ghe. Với tư cách chỉ huy phó, anh chia bọn biệt kích làm 2 toán.

Một toán ở tại chỗ do tên Thạnh chỉ huy, một toán theo anh vượt rừng về… nhà cha anh. Trời đã gần sáng, anh bố trí cho toán đi theo kiếm chỗ nghỉ ngơi rồi vào nhà kể hết chuyện cho cha mẹ nghe. Được cha động viên, anh đi thẳng đến nhà ông Năm Chiến – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Trần Văn Thời lúc bấy giờ - nhờ giúp đỡ. Thời còn làm phó Ban Hải sản Sông Đốc, anh và ông Năm Chiến rất thân.

Nhận thấy đây là vấn đề nghiệm trọng, ông Năm Chiến gọi điện thoại kêu Năm Trực – Trưởng Công an huyện và Mười Lắm – Phó Công an huyện bí mật cho xuồng đến tận nhà Năm Chiến đón anh. Toàn bộ nội dung lời khai báo của anh được Công an huyện cấp báo ngay về Công an tỉnh và Ban Chuyên án CM 12 của Bộ.

Ngay đêm đó, lực lượng công an tiếp cận nhà anh bí mật bắt gọn toán biệt kích đang ngủ say sưa. Một đơn vị khác cũng hành quân bí mật hốt trọn đám biệt kích ở Bãi Ghe. Tên Thạnh chỉ huy trưởng ngoan cố nổ súng chống trả bị ta bắn chết tại chỗ. Toàn bộ vũ khí, khí cụ quân dụng được tịch thu. Cuộc vây bắt toán biệt kích xâm nhập được giữ bí mật tuyệt đối.

Sáng ngày hôm sau, lãnh đạo Ban Chuyên án CM12 đón anh ra “nhà thiếc” ở Rạch Ruộng, Bạc Liêu – nơi ban chỉ huy chuyên án đóng quân. Với ý chí quyết tâm lập công đền tội lỗi với đất nước, anh khai báo tất cả các phương thức, thủ đoạn, kế hoạch, bí số và khoá mã thông tin của địch cho ban chuyên án.
d
Một nhóm biệt kích bị bắt.

Kể từ lúc ấy, anh trở thành một thành viên tích cực trong ban chuyên án được Tướng Cao Đăng Chiếm tin tưởng giao nhiệm vụ. Nhờ giữ bí mật tuyệt đối trận tấn công bắt gọn toán biệt kích Minh Vương II, anh được Ban chỉ huy Chuyên án CM 12 giao nhiệm vụ tiếp tục đóng vai “Đại uý K64, chỉ huy phó an ninh”.

21 giờ, ngày 25/05/1981, đúng thời điểm giao ước, “Đại uý K64” gởi bức điện mã báo cáo đầu tiên với Tổng hành dinh ở Bankok: “Tất cả đều an toàn, đang xúc tiến công tác. Vũ khí đã chôn dấu xong. Cần thêm tiền và liên lạc cán bộ cơ sở nội địa. Hẹn 20 giờ ngày 28/05/1981 lên máy”. 

Nhận được bức điện mã, bọn địch ở Bankok mừng húm trả lời: “Chuẩn bị đón Minh Vương III. Sẽ cho biết ngày khởi hành. Tổng đài sẽ trực máy theo giờ quy định”. Phiên liên lạc đầu tiên của anh với trung tâm địch thành công. Anh đã góp phần không nhỏ trong việc tạo bẫy đón bọn xâm nhập và giăng lưới bắt gọn các phe nhóm phản động trong nước.

Ở Thái Lan, băng nhóm của Lê Quốc Tuý cứ ngỡ K64 Phạm Thanh Danh vẫn trung thành với sự nghiệp đen tối của Y. Vì thế, chúng phong cho anh cấp bậc “Đại tá phụ trách an ninh quốc nội”. Với chức vụ ấy, anh “có quyền” thẩm tra các ổ nhóm phản động trong nước và có nhiệm vụ “tuyển người trong quốc nội”.

 Lợi dụng yêu cầu đó, ta đưa vào hàng ngũ của chúng một số “nhân vật quan trọng”. Trong đó có NKA 1 (tức Tám Thậm, còn có   các tên gọi khác là Hai Tài, Hai Râu, tức Anh hùng Lực Lượng Công an Trần Phương Thế sau này) đóng vai anh họ của K64 được chúng phong hàm Đại tá chỉ huy trưởng quân khu A (gồm 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng).

Trong một bức điện mã gởi ngày 25/08/1981, Tổng hành dinh địch yêu cầu “đại tá K64” chuẩn bị nơi chôn dấu 15 tấn vũ khí và địa điểm tạm trú cho “6 cán bộ thành”. Nhờ sự nhập vai xuất sắc của anh và nhờ sự chỉ huy thông minh, linh hoạt của Ban Chuyên án, ta thu gọn 15 tấn vũ khí, bắt và tiêu diệt trọn toán xâm nhập trong khi địch vẫn đinh ninh số vũ khí và toán biệt kích mới xâm nhập vẫn tồn tại và hoạt động hiệu quả trong nước.

Yên tâm vì điều đó nên Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Tuý nhiều lần ung dung theo đường biển xâm nhập vào “vùng kháng chiến quốc nội” để “lãnh đạo”. Hai gã cầm đầu này hoàn toàn không biết “vùng kháng chiến” và các hầm chứa vũ khí ven biển Cà Mau đều là những “đạo cụ” của Ban Chuyên án CM 12.

Trong một chuyến “cá” xâm nhập vào nước ta, K14 (tức Bùi Văn Lam Sơn, người đã thông báo nguy hiểm cho K64 biết khi anh còn ở Tổng hành dinh Thái Lan) được Lê Quốc Tuý chỉ định về nước để “thủ tiêu” vì tư thù cá nhân. Khi nhận được bức điện mã chỉ thị thủ tiêu K14, anh đã xin ban chuyên án CM12 được cứu K14 để trả nợ cứu mạng trước kia. Được sự đồng ý của ban chuyên án, khi “cá” xâm nhập, anh cùng với một số thành viên ban chuyên án đi “đón”. Sau khi bắt gọn toán biệt kích, anh đưa K14 (Bùi Văn Lam Sơn) về trụ sở Ban chỉ huy chuyên án CM12.

Tại trụ sở Ban chỉ huy, đồng chí Hai Tân đã đọc cho K14 nghe toàn văn bức mã điện của Lê Quốc Tuý ra lệnh cho K64 tử hình K14. Biết được thủ đoạn đê hèn của Lê Quốc Tuý đồng thời tri ân lòng khoan dung của ban chỉ huy chuyên án, K14 đã hết lòng cộng tác với ta, góp một chút công lao phá vỡ âm mưu thủ đoạn phá hoại sự ổn định đất nước của bọn Tuý, Hạnh.

Trong suốt chuyên án gồm 18 chuyến đột nhập của địch, là 18 lần K64 nhận bằng khen của Bộ Nội vụ.

Trận đánh cuối cùng của Chuyên án CM 12 thắng lợi hoàn toàn. K64 Phạm Thanh Danh được Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng nhì và trở về cuộc sống đời thường của một công dân. Anh cưới vợ rồi trở về quê hương Rạch Ráng, huyện Trần Văn Thời sống bằng nghề bán nước giải khát.

Suốt quán trình tham gia chuyên án, K64 Phạm Thanh Danh được lãnh đạo Bộ công an, lãnh đạo Ban Chuyên án và cán bộ, chiến sỹ cùng tham gia chuyên án quí mến, trân trọng và đối xử bình đẳng. Họ đã không để anh mang mặc cảm là người “từ phía bên kia”. Nhờ vậy, anh có cơ hội lập công xoá lỗi lầm.

Anh bộc bạch: “Qua tới trại định cư Thái Lan tôi mới biết mình vấp phải sai lầm khó tha thứ. Lúc đồng ý gia nhập vào lực lượng phản động, tôi chỉ muốn xâm nhập để có cơ hội lập công với trả nợ với đất nước. Nếu các anh lãnh đạo Bộ Công an không có lòng vị tha, khoan dung có lẽ tôi không có cơ hội sống cuộc đời yên bình như bây giờ. Tôi luôn ghi nhớ công ơn của các anh Sáu Học, Sáu Hoàng và Hai Tân. Họ đã cứu vớt tôi”.

Nông Huyền Sơn
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc