Có một cặp vợ chồng mới cưới và ngay từ đầu cô con dâu không hòa hợp với mẹ chồng. Dần dà sự đụng độ trở nên căng thẳng hơn và hai người xem nhau như kẻ thù: mẹ thấy cô con dâu hỗn láo, cô con dâu thấy mẹ như một phù thủy ác độc.
Cô bèn nghĩ cách loại bà già chồng khó chịu này ra khỏi nhà và tới gặp một vị lang y xin mua thuốc độc nhằm hại mẹ chồng. Vị này từ chối và hỏi lý do tại sao? Nàng dâu kể lể sự việc bị mẹ chồng ăn hiếp bắt nạt và không thể sống chung với bà nữa thì ông mới bán.
Lang y căn dặn: "Tôi bán cho cô nhưng nếu uống thuốc độc cực mạnh uống vào chết liền thì cô bị bắt tội ngay. Do đó tôi chỉ đưa cho cô một loại thuốc độc nhẹ, uống nhiều lần cho nó ngấm từ từ, và bà ấy sẽ không bị chết liền".
Ông không quên bảo thêm rằng muốn bà uống, không nghi ngờ là cô ám hại bà thì cô phải cư xử thật lễ phép, ngoan ngoãn với bà, nhớ mỉm cười khi bưng cơm cho bà, khen bà nấu ăn ngon, và hỏi bà có cần cô phụ giúp gì không, luôn khiêm cung và dễ thương với bà.
Cô đồng ý và bắt đầu thực hiện ý định nhưng sau vài ngày được đối xử cung kính lễ phép, bà mẹ chồng thay đổi suy nghĩ về con dâu: "Chắc mình nghĩ oan cho nó, nó đâu có hỗn láo như mình tưởng". Kể từ đó, bà cũng trở nên hiền hòa hơn, biết khen nàng làm cơm ngon và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Bà còn biết nói đùa và kể vài ba chuyện vui với cô. Và chính lúc này cô con dâu cảm thấy hối hận, cô không còn thấy bà độc ác nữa mà lại rất dễ thương. Sau hơn 1 tháng thì hai người trở nên quý mến, thích tâm sự với nhau nhiều hơn. Nàng dâu muốn ngừng việc bỏ thuốc và hối hận vì nghĩ bà đang chết dần chết mòn.
Cô vội vàng tìm tới vị lang y và nói: "Mẹ chồng của tôi thật ra là người dễ thương. Tôi thật ngu ngốc khi cho bà uống thuốc độc. Ông có cách nào giúp tôi không? Ông có thuốc giải độc không?"
Lắng nghe xong vị này bảo: "Tôi không có thuốc giải độc". Cô lo lắng muốn đòi tự sát. Cô giải thích: "Tôi đã bỏ thuốc độc ám hại một người quá tốt, tôi độc ác nên tôi phải tự sát để chuộc tội".
Vị lang y ngồi yên lặng chốc lát rồi phá lên cười. Cô lo lắng hỏi lý do. Ông đáp: "Tôi cười vì sự thật không có gì phải lo ngại. Không có thuốc giải độc bởi vì tôi chưa từng đưa cho cô thuốc độc. Gói thuốc mà tôi đưa cho cô lúc trước chỉ là một loại thuốc bổ tầm thường".
Nàng dâu vỡ lẽ ra là vị lang y đã khéo dùng phương tiện chữa cho cô và mẹ chồng khỏi bệnh "thù ghét nhau". Nàng cảm động cúi đầu cám ơn ra về, lòng nhẹ nhõm.
Qua câu chuyện trên chúng ta có thể thấy chỉ cần nàng dâu thay đổi thái độ là đã có thể xoay chuyển tình hình, việc dễ vậy thôi nhưng chúng ta cũng như cô gái trong chuyện, mãi không chịu thay đổi chính mình mà chỉ toan đổ lỗi cho người khác.
Nghe lời Phật dạy về mẹ chồng nàng dâu để tự răn mình
Trong cuộc sống, không tránh khỏi sự xích mích hay bất đồng giữa nàng dâu - mẹ chồng. Bởi cả hai đều muốn chiếm vị trí và tình cảm đặc biêt trong lòng một người đàn ông - con trai và chồng.
Họ thường không muốn hiểu và cảm thông cho nhau. Do cư xử bất hòa, khiếm nhã nên càng ghét nhau và củng cố thành kiến xấu ban đầu về nhau, và cứ thế sự ghét nhau càng leo thang.
Theo lời Phật dạy, nếu muốn mẹ chồng nàng dâu hòa thuận, hãy nhớ 4 chữ sau để cuộc sống không còn là nỗi ác mộng:
Chữ hiếu
Hiếu thuận là đức tính quan trọng nhất của con người. "Uống nước nhớ nguồn", con cái được sinh ra và nuôi dưỡng trưởng thành là nhờ công ơn của cha mẹ. Khi chồng của bạn gọi một người phụ nữ là "Mẹ" đồng nghĩa với việc bạn cũng phải hiếu thuận, kính yêu người đó. Không phải tự nhiên bạn có được mối người đàn ông yêu thương mình, đó là nhờ công nuôi dưỡng của người mẹ.
"Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", công ơn dưỡng dục của cha mẹ bằng trời, bằng biển, có dùng cả đời cũng không trả hết. Đức Phật dạy rằng, hiếu thảo với cha mẹ là đứng đầu muôn hạnh. Nếu không hiếu thảo với cha mẹ thì thành công đến mấy cũng là kẻ bỏ đi.
Chữ tình
Người đó không là mẹ ruột của bạn nhưng giữa người với người phải có tình yêu thương nhân loại. Để có được chữ tình này bạn phải là người thấu hiểu, biết đặt vị trí của mình vào vị trí của người khác. Khi đó mới thực sự tình yêu đó mới thực sự là chân thành.
Hãy nhớ rằng, họ là mẹ của chồng của bạn, yêu quý và tôn trọng mẹ của anh ấy chính là tôn trọng bạn. Mẹ chồng nàng dâu hòa hảo, không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm, ngập tràn tiếng cười. Chồng bạn sẽ vui và tự hào về bạn khi có người vợ vừa thông minh, sắc sắc lại thấu hiểu lòng người, có trái tim ấm áp.
Chữ đạo
Mẹ chồng nên nghĩ tới đạo của người làm mẹ, con dâu nghĩ tới đạo làm con để biết cách sống cho phù hợp. Ví dụ với người lớn tuổi mà bạn không hề quen bạn có dám lớn tiếng với họ không? Là con người, sống trong vòng vô minh nghiệp thức, không ai là không có lỗi. Mình phải thường xuyên tự xét lại mình, trước khi phê bình chỉ trích người khác. Nhà mình rác rến ngập tràn không lo dọn quét, cứ thích cầm chổi lo dọn quét nhà người.
Chữ đức
Thực chất, không ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Bởi mỗi người đều có tính cách và lối suy nghĩ khác nhau.
Không chỉ với mẹ chồng, chúng ta chỉ nên tự quán chiếu mình sống thế nào cho đúng tâm, đúng đức của mình mới là đáng quý. Người có tâm, có đức có thể cảm hóa người khác, sống đời thanh thản nhưng người vô tâm, vô đức thì chỉ gây thêm nhiều phiền muộn mà thôi. Nếu muốn giữ tròn chữ hiếu với mẹ chồng, thì tốt hơn hết là nên cố giữ đừng cho sự xích mích xảy ra. Nên vâng theo lời Phật dạy mà tập tánh hỷ xả bao dung tha thứ và thông cảm. Nhất là đối với những bậc trưởng thượng ông bà cha mẹ.