Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều (5)

01:09, Thứ năm 01/12/2011

( PHUNUTODAY ) - #160; (Phunutoday) - Tôi thấy, thơ Nguyễn Quang Thiều không thể đọc nhanh được, nhất là thơ văn xuôi, mặc dù từng con chữ vẫn thuần Việt, dễ hiểu...

(Phunutoday) - 5. Không gian trong thơ Châu thổ: Có thể thấy quan niệm về “bóng tối” và nỗi cô đơn trong sáng tạo thơ qua lời “tự bạch” (“thay lời tựa”) mang nhiều chất thơ của Nguyễn Quang Thiều: “Không gian chúng ta đang tồn tại bằng hình thể, ở đó như đêm tối dày đặc mà ta không nhìn thấy gì. Và khoảnh khắc của ánh sáng, của tia chớp làm chúng ta thấy toàn bộ đời sống và phong cảnh quanh ta. Nỗi cô đơn của ta trong đêm tối đã có nơi nương tựa và nó nhận ra con đường của nó”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Từ trong “đêm tối” của cô đơn, của trí tuệ và sáng tạo, nhà thơ đã nắm bắt được cái “khoảnh khắc của ánh sáng, của tia chớp” để tạo dựng một thực tại tưởng tượng từ một thực tại có thực: không gian làng quê, cánh đồng, dòng sông Đáy, ngôi nhà, v.v. là những “không gian bộ phận” hiện diện hay vắng mặt; hiện tại, quá khứ hoặc tương lai;…. Đó là những không gian li tâm vượt thoát, lưu đày, hành trình; không gian mở hoặc ngoại lai.

“Không thể nào tìm được người quen trong đêm nay / Tôi bò qua bậc cửa nhà mình / Con gián xoè cánh bay / Chuyến vận hành mông lung mang theo ổ trứng / Vệt chói sáng ghê rợn và kỳ thú” (Dưới trăng và một bậc cửa).

“Bậc cửa”: không gian “ngưỡng” trong và ngoài, bắt đầu hoặc để li tâm “vượt thoát, lưu đày, hành trình” hoặc để hướng tâm vào không gian gắn với vấn đề thân thuộc (gia đình) hoặc rộng hơn, mang tính chất nguồn cội (quê hương, xứ sở). Đó là hai thế giới ngữ nghĩa mang tính chất bộ phận và không thể tách rời thuộc về con người: thế giới cá nhân, riêng tư (được tổ chức thông qua giá trị cá nhân sống/chết) và thế giới công cộng, tập thể (được tổ chức thông qua giá trị xã hội thiên nhiên/văn hóa).
 
Gaston Bachelard, trong Thi pháp về không gian đã cho rằng: ngôi nhà như người mẹ đầu tiên của chúng ta. Ở đó chúng ta được bảo vệ giống như ở trong bào thai, chúng ta sống những kinh nghiệm đầu tiên của chúng ta, chúng ta lấy sức mạnh ở đó trước khi bay đi giống như con chim rời khỏi tổ. “Bởi vì ngôi nhà là cái góc thế giới của chúng ta. Nó là (…) cái vũ trụ đầu tiên của chúng ta”. Quá trình này là bắt buộc trong những dò dẫm tìm kiếm để bước ra với cuộc đời và cho phép ta đạt tới giấc mơ. Điều này khá đúng với quá trình sáng tạo thơ qua các giai đoạn của Nguyễn Quang Thiều.
 
“Biển”, ẩn dụ cho cuộc đời, “cửa biển” – ngưỡng của trong và ngoài: “Những con thuyền lần ra cửa biển” và “ngưỡng cửa” của đứa trẻ chờ mẹ trong cơn ho: “Chiều nay con ngồi ho bên cửa” (Những con thuyền sông Đáy) thể hiện cái đã ra đi và cái sắp ra đi. Ngôi nhà, sông nước, đồng ruộng là những không gian thân mật vừa li tâm vừa hướng tâm trong Châu thổ: “Thuở ấu thơ tôi thường ra bờ sông. Tâm hồn bé nhỏ của tôi vang lên tiếng nước chảy (…) Tôi đứng bên bờ sông như đứng bên bờ của thế gian. Những con thuyền trôi trước tôi như ở một thế giới khác” (Nhân chứng của một cái chết, Khúc 3).
 
Và khi trưởng thành: “Tôi lau nước mắt người đàn bà goá bụa / Rồi khoác áo lên vai ra khỏi ngôi nhà / Tôi đi theo những ngọn gió không mùa” (Trong tiếng súng bắn tỉa). Mọi cuộc ra đi đã được khởi động, con chim đã rời tổ; giọng thơ đã đổi khác: hiện đại và mang tầm vóc mới: “Và Cậu Bé đi trong tiếng đập rền rĩ của cờ ngũ sắc / Đập rung ánh ngày và vọng đến những cánh rừng đêm / Nơi những lá cờ đã say ngủ, quên cả mùa di cư, quên những con đường gió / Giờ đập cánh bay lên, lượn quanh cờ ngũ sắc theo hình trôn ốc / Và Cậu Bé đi không phải dựng lên một lá cờ khác / Chỉ đi như một trụ cầu để dựng lên một Giọng Nói” (Nhịp điệu châu thổ mới, Ch.5).
 
Trích đoạn thơ rất hay dưới đây đại diện cho không gian “kì ảo” của Châu thổ:

“Trong ánh sáng của sông, của đèn đường và sự huy hoàng của mưa. Những cái cây như được các Thiên thần mang từ trời về trồng dọc con đường. Tôi trồng tôi vào thảo nguyên bóng tối. Tóc tôi thẫm một vòm trong đêm. Mắt tôi nở hoa. Miệng tôi xào xạc. Tai tôi thành tổ chim. Và tim tôi đậu từng chùm quả. Tôi cất tiếng với những trái cây: “Hãy nhìn trong đêm thị xã, một ô cửa sáng đèn.”
 
Tất cả cây quay lại nhìn và khẽ run lên. Ô cửa sáng trong đêm mưa gương mặt Thiên thần. Một cái cây già nhất nghẹn ngào nói: “Từ thuở còn là hạt, tôi đã thấy ô cửa sáng đèn kia”. Và những cái cây chuyển dịch qua những cái cây về phía ô cửa. Những cái cây mang cơn mơ mọc xum xuê, cơm mơ trút lá và tư duy trong vòm sáng tĩnh lặng” (Nhân chứng của một cái chết, Khúc 4).

Đây là giấc mơ hay hiện thực? Giấc mơ về ngoại giới lồng vào giấc mơ của tâm cảm, không gian bên ngoài gắn với không gian bên trong, chỉ thị “nội dung” của không gian bên trong. Dòng sông, con đường, hàng cây và “tôi” đang đi trong “thảo nguyên bóng tối” ấy. “Một ô cửa sáng đèn” là một tín hiệu soi rọi và thu hút sự chú ý. Ở đây là cái nhìn của mọi sự vật. Cây đã được nhân hoá: chủ nhân mới - “cây” - thay thế chủ nhân “tôi” ở đoạn trên.
 
Sự thay thế chủ nhân vừa lén lút vừa thản nhiên chỉ rõ bút pháp về một “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (đã đề cập bên trên) trong sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều. Nhưng trong thao tác thay thế này, nhà thơ làm một công việc chuyển hoá lần lượt các bộ phận: “Tóc tôi thẫm một vòm đêm. Mắt tôi nở hoa. Miệng tôi xào xạc. Tai tôi thành tổ chim. Và tim tôi đậu từng chùm quả…” thì: “tóc” = lá, “mắt” = hoa, “miệng” = gió hoặc lá, “tai” = cành và “tim” = tim của chính “tôi”! đã thành tựu “giấc mơ mở mắt” trong đối thoại với hàng cây: “Hãy nhìn trong đêm thị xã, một ô cửa sáng đèn”.
 
Sự chuyển hoá luân phiên người hoá cây và cây hoá người đã tạo ra một không gian đêm vừa kì ảo (khiến ta lưỡng lự giữa tin và không tin) vừa huyền ảo (ta không chất vấn về cái “hiện thực” ấy có đáng tin hay không, mà chất vấn về hiện sinh con người). “Ngọn đèn”, trong phê bình phân tâm học, là biểu tượng cho thông điệp về sự chờ đợi: ánh sáng từ bên trong ngôi nhà hắt ra bên ngoài là tín hiệu đối với người đang chờ đợi. Và người bên ngoài ở đây lại là “những cái cây” vô tri! Nhưng ô cửa sáng đèn đã có từ khi cái cây già nhất còn là hạt! Sự chờ đợi mới bền lâu!
 
Những ánh sáng đèn, những vì sao, trăng trong nghiên cứu phân tâm học về không gian có một tầm quan trọng để tìm hiểu con đường của hi vọng và thức tỉnh trong ý thức và vô thức của nhà thơ qua ngôn ngữ, hình ảnh thơ.

“Và trăng, màu đen của ánh sáng ngày dứt mình ra khỏi những đám mây bẩn thỉu” (Chuyển dịch màu đen, Màu đen một).

“Và trăng, màu đen của ánh sáng ngày” thì cả cụm sau dấu phẩy là để thay thế cho “trăng”, một kiểu “định nghĩa” hay “phương ngữ” của nhà thơ để gọi tên sự vật (“trăng”). Sự vật, do vậy mà mang phẩm chất khác với phẩm chất vốn có. (“Trăng, đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí”, lại là một kiểu định nghĩa khác của Xuân Diệu).
 
Ở đây, “dứt mình ra khỏi đám mây bẩn thỉu” là một “thức tỉnh” gán cho “trăng” đã được nhân hoá. Một hình ảnh khác buồn đến tê tái bởi trải nghiệm và quan sát qua một nhân hoá: “Những con bồ câu đã hết thời son trẻ / Ngớ ngẩn mổ nhau rụng những chiếc lông cùn” (Buổi chiều). Cả hai câu đều có yếu tố thời gian trôi chảy (“hết thời son trẻ”, “lông cùn”) được ẩn dưới hình tượng khách quan và được khách quan trần thuật. Giọng điệu ẩn ngầm ở đây là sự tiếc nuối, cả buồn thương của chủ thể trữ tình. 

Một vài suy nghĩ thêm: Thơ Nguyễn Quang Thiều gần gũi mà khó nắm bắt, khó hiểu bởi tầm liên tưởng, cái mộng mị của hình ảnh thơ, tính chất vũ trụ, nhân loại của không gian, thời gian và nhạc tính bên trong của cấu trúc thơ. Như đã biết, nhà thơ nào cũng viết đè một “phương ngữ” cá nhân lên bản ngữ cộng đồng. Anh ta sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ thường ngày, hay nói đúng hơn, anh ta tạo ra một hiện thực khác với cái hiện thực quen thuộc.
 
Ngôn ngữ thơ bẻ gãy quán tính, máy móc của thói quen suy nghĩ và nhìn nhận thường nhật. Nhà thơ là người luôn giữ được con mắt và trái tim thơ trẻ và anh ta “bập bẹ” tập nói bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trước các sự vật. Nguyễn Quang Thiều cũng “bập bẹ” như vậy trước chính mình (nhà thơ), trước bà, trước mẹ, trước con người, và muôn sự vật trên thế gian.
 
Nhưng ở anh, “phương ngữ” đã bị đẩy lên gần đến triệt để ở ngữ pháp, những liên tưởng, hình ảnh và những lắp ghép thơ. Cả những hình ảnh “ngoại lai”, “quái vật”, cái ảo tượng (mirage) xuất hiện,… cũng phụ thêm vào đó. Philip Sidney trong Bênh vực thơ đã viết: “Đối với nhà thơ, trong khi không khẳng định điều gì hết, anh ta lại chẳng bao giờ có cơ hội để nói dối”. Nghĩa là, hư cấu của nhà thơ chính là “hiện thực” của anh ta, một “hiện thực” chân thành nhất.
 
Tôi thấy, thơ Nguyễn Quang Thiều không thể đọc nhanh được, nhất là thơ văn xuôi, mặc dù từng con chữ vẫn thuần Việt, dễ hiểu; nhưng khi đứng cạnh nhau chúng tạo thành một “trường ngữ nghĩa”, một phong cách, giọng điệu khác lạ và qua đó là những quan niệm về nhân sinh, cuộc sống, con người, của anh.
 
Nhưng mọi tham vọng “cải tổ” đối với bất kì một phong cách thơ nào cũng đều là ảo tưởng. Bởi, về mặt lí thuyết, không bao giờ có thể có được một “độc giả lí tưởng”, nghĩa là một độc giả “đọc” chính xác được toàn bộ tư tưởng, tình cảm, những suy nghĩ sâu xa, những dằn vặt sáng tạo, v.v. của nhà thơ. Và một nghịch lí, nhưng cũng hoàn toàn có thật, là ngay chính nhà thơ cũng không thể là “độc giả lí tưởng” của chính anh ta! Bởi vậy, mối quan hệ văn bản – người đọc chỉ là tương đối.
 
Châu thổ khó đọc, còn ở “tầm đón đợi”. Mặc dù vẫn nằm trong “chủ âm” chung của thời đại, (tức là “tầm đón đợi” chung của độc giả thơ giờ đây không chờ đợi nhiều ở sự véo von), nhưng thơ Nguyễn Quang Thiều khó đọc hơn bởi một số vấn đề. (Mọi nghệ thuật đích thực đều không phải dành cho những người thưởng thức không chuyên chú):
 
a. thế giới thơ anh trầm, hình ảnh âm u, “tối” với một tần suất đáng kể mà tôi đã thống kê và phân tích;
 
b. cả ở những bài thơ ngắn, lối kể thường Tây phương, đôi lúc qua điểm nhìn, ngôi kể - cái “tôi” nhìn vào cái “nó” hay đúng hơn cái “tôi” tách ra thành cái “nó”, xa lạ, khách quan hóa chính mình. Đây chính là một nét hiện đại trong thơ anh : không lấy cái “tôi” làm trung tâm trữ tình, giãi bày, tâm sự ;
 
c. hiện thực trần trụi, không réo rắt véo von, những liên tưởng thơ đôi lúc bất ngờ, ngữ pháp không ve vuốt, “trục trặc”.
 
Ba đặc điểm này đã làm lật nhào truyền thống thơ tâm tình, hoa mĩ. Chính ở ba điểm này mà thơ anh trở nên lạ lẫm với nhiều bạn đọc. Bên cạnh đó, càng về gần cuối tuyển thơ, các bài thơ lại càng vạm vỡ, miên man, tràn đầy sinh lực, không chỉ ở chiều dài các bài thơ, câu thơ (điều này không hẳn là khó), mà còn ở sự đan bện giữa bản năng và ý thức, truyền thống và hiện đại, nguyên thủy và văn minh, (“sex” mà không “sến” bởi kinh nghiệm, sự nếm trải, lịch lãm, vốn văn hóa).
Những suy nghĩ thêm trên đây của tôi cũng đồng thời là góp ý.

7. Kết: Niềm “Khoái cảm của văn bản” trong Châu thổ là một niềm vui có thật, say mê, nhưng vất vả. Đó là “khoa học về những lạc thú của ngôn từ”( ). Nhưng, trước một văn bản, nhất là văn bản “tối tăm” như thơ Châu thổ, không thể viết hết được tất cả mọi vấn đề, ngay cả những vấn đề đã đặt ra và giải quyết ở đây. Bài viết đã đi qua cấu trúc của tuyển thơ Châu thổ; cấu trúc ngữ nghĩa của “bóng tối”; thế giới “bóng tối” với những con người, sự vật; không gian thơ và một vài điều suy nghĩ thêm của người viết cũng là góp ý với nhà thơ.
 
Tôi nghĩ, thơ Nguyễn Quang Thiều có ba thành công đáng kể: a. đẹp, buồn, sâu xa và triết lí; b. ý thức thẩm mĩ, trách nhiệm của nhà thơ đã được khởi động từ Sự mất ngủ của lửa – một cuộc cách tân thơ sang hướng hiện đại, tạo thành một vết “bỏng” lớn sau nó; và c. cuối cùng, đó là tình người, theo một nghĩa rộng lớn.
 
Tôi muốn kết thúc bài viết bằng việc dẫn lại những dòng mang nhiều âm hưởng từ bút pháp của Proust (tôi không nghĩ Nguyễn Quang Thiều đã đọc Đi tìm thời gian đã mất) trong “thay lời tựa” của anh mà tôi coi như một áng thơ văn xuôi:

“Cùng lúc đó, nhà cửa, đường sá, cánh đồng, dòng sông, trâu bò và những người thân quen, những thứ mà trước đó ngày ngày bà tôi tiếp xúc, trò chuyện và chứng kiến đang có nguy cơ biến mất (không gặp lại) vĩnh viễn”.

Và sau đó, giọng của người bà sẽ trở lại, “phục sinh” đời sống quá khứ, - những kí ức về chúng sẽ vang lên như một huyền thoại, về “lời người làng Chùa”, về những giấc mơ ám ảnh, về những buổi hoàng hôn, những đêm trăng sáng,… và chúng sẽ dội vào trong những dòng thơ của người cháu nội của Cụ những giấc mộng lớn về Nghệ thuật và Cuộc đời. Người cháu đó đang “chép lại” chúng từ một tâm thế khác, ở một thời đại khác, trong một nhịp điệu khác,…
 
Một Châu thổ mới, khác lạ, hiện đại và dân tộc đang ở phía trước.
 
 
  • Đào Duy Hiệp
 
ĐDH
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc