Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều

13:09, Thứ hai 28/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Ấn tượng đầu tiên sau khi đọc tập thơ là “bóng tối”. “Bóng tối” tràn lan, vây phủ. Gam trầm kéo theo nó là giọng điệu buồn, lắng đọng, cô đơn.

(Phunutoday) - 1.    Lời mở- Tập thơ Châu thổ( ) gồm 144 bài được Nguyễn Quang Thiều tuyển chủ yếu trong 6 tập của anh, từ Ngôi nhà tuổi 17 (1990) - làm trong những năm 80 của thế kỉ 20 - đến Cây Ánh sáng (2009) - thập niên đầu của thế kỉ 21. Và năm sau, năm 2010, tuyển thơ lần thứ nhất của anh ra đời. Gối đầu qua 2 thế kỉ, với gần ba mươi năm hành trình lao động sáng tạo, Nguyễn Quang Thiều đã tạo thành một hiện tượng thơ với nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Ấn tượng đầu tiên sau khi đọc tập thơ là “bóng tối”. “Bóng tối” tràn lan, vây phủ. Gam trầm kéo theo nó là giọng điệu buồn, lắng đọng, cô đơn. (Cô đơn là điều kiện tối cần thiết để sáng tạo nghệ thuật). Tôi muốn tìm hiểu về chủ âm “bóng tối” trong tuyển thơ Châu thổ (thơ Châu thổ); tần suất xuất hiện của nó qua các thời kì sáng tác; thế giới “bóng tối” trong thơ Châu thổ; qua đó là những ám ảnh hữu thức, vô thức và nội dung ý nghĩa của nó từ một số lí thuyết hiện đại của phương Tây.

2.    Cấu trúc tổng quan

 

Tập thơ khá dày (393 trang), được ngăn cách bởi những Phụ bản với những nét vẽ người, vẽ cá, vẽ mưa trên nền ghi xám hoặc đen và đặc biệt, được thể hiện cùng với những “Lời người làng Chùa” trang trọng như triết lí, như tâm niệm hay chiêm nghiệm, như răn dạy, giác ngộ cho nhà thơ và cho mỗi chúng ta. (Số 144 bài thơ có tổng 9 lẻ (dương) và 7 “ngăn”  cũng dương (lẻ), không rõ có phải đó là chủ định về Âm/Dương của nhà thơ?).

Đáng chú ý: trong 7 “Lời…” này thì hầu hết đều có nội dung gắn với ruộng đồng, gieo cấy, lúa gạo mà tôi sẽ trở lại ở phần sau. Mỗi ngăn có lẽ dùng để đánh dấu từng giai đoạn sáng tạo( ). Bảy ngăn, trong đó ngăn đầu tiên “thay lời tựa”, tôi cũng coi như một bài thơ “tự thuật” bằng văn xuôi với nhiều xúc cảm. Sáu phần còn lại là 6 giai đoạn thơ “thuần túy” có số bài và độ dày không đều nhau, khởi từ đầu những năm 80 đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỉ 21. Xin lưu ý: đơn vị “bài” ở đây là tính theo tên mà không theo thể loại (thơ trữ tình ngắn, trường ca hay thơ văn xuôi).

Bảng 1: Cấu trúc tổng quan thơ Châu thổ

TT   Lời người làng Chùa                         Số bài    Số trang    Trung bình

1     Tay ta gieo hạt miệng ta gieo lời                 (“thay lời tựa”)

2     Một chữ có Ân thì nở hoa

       Vạn chữ có Oán thì sinh sâu bọ:              07         13           1.86


3  Thơ ca không làm ra lúa gạo trắng
Nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng:   26          53           2.04

4    Nơi đông người thì cày cấy
Chốn một mình thì làm thơ                             26           57           2.19

5    Người yêu thơ, ta yêu người
Nhưng người không yêu thơ ta phải

yêu người hơn                                              15           51           3.40

6    Thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người    10           83           8.30

7    Trước mặt người làng Chùa là cánh đồng.

Rộng hơn cánh đồng là chân trời.

Nhưng rộng hơn chân trời là lòng người.          60          111          1.85
   

Tổng                                                             144          368          2.56

 Rút ra nhận xét:
-    Riêng số thứ tự 1, (“thay lời tựa”), tôi vẫn đưa vào bảng thống kê, không tính trang/bài như thơ, song vẫn sử dụng trong bài viết với tư cách một bài thơ-văn xuôi “tự thuật” vào phê bình phân tâm học từ những ám ảnh ấu thơ.

 
-    Nhìn tổng quan, cột cuối cùng trong bảng thống kê, ta thấy: giai đoạn thơ đầu (2) và cuối (7) bằng nhau (trung bình ≈ 1.85 trang/bài); các giai đoạn khác tăng trưởng dần độ dài, “điệu nói” theo thời gian: 2.04 / 2.19 / 3.40 / 8.30.
 
-    Sự “miên man”, “mộng mị” tăng trưởng rõ rệt qua lối “nói” thơ trong quãng trên dưới 10 năm (trong những năm 90), nhất là các “ngăn” (5) và (6): không gian, thời gian bề bộn, ngổn ngang cùng những liên tưởng tới tấp, bất ngờ,… có thể thấy qua dung lượng trang/bài.
 
-    Đương nhiên, sự ngắn dài trong thơ không đồng nghĩa với hay hay không hay, có chăng là xác định một phong cách. Ngay cả ở các bài thơ ngắn của Nguyễn Quang Thiều, tôi vẫn có cảm giác thơ anh không nhằm chủ yếu đến việc giãi bày tâm trạng để được cảm thông hoặc tìm cách giao tiếp, đối thoại. Anh “mộng du” vào thế giới ngôn từ “bí hiểm” của riêng mình và “khiêu khích” bạn đọc, mời gọi khám phá.
 
-    Con số trung bình trang/bài của cả tập là: 2.56 vừa là “khủng” đối với mọi nhà thơ, vừa làm nên gương mặt thơ “không giống ai” của Nguyễn Quang Thiều - nghĩa là độc đáo, nhưng lại là một bất cập đối với anh: kết quả là thơ anh khó đến được với người đọc vì quán tính thưởng thức thơ có nhạc điệu, luyến láy, “đa sầu”, véo von, dễ hiểu đã thành truyền thống từ lâu ở độc giả. (Chúng ta hay gọi “thơ” là “thơ ca” chính là vì vậy).
 
-    Chính sự quay vòng trở lại số trang trung bình của “ngăn” đầu (2) và “ngăn” (7) cho phép ta coi cả tuyển thơ Châu thổ là một “Bài-thơ-lớn” mà trong đó, mỗi phần lại là một “Khúc” thơ. “Khúc” đầu gặp gỡ “Khúc” cuối ở dung lượng, đó chính là nguyên lí cấu trúc song song (parallélisme) của thơ. Mở đầu, ngắn, trữ tình, “giao đãi” - tiếp đó, nhịp (tempo) mạnh dần lên, dồn dập, hối hả, triền miên, để cuối cùng, lại trở về với nhịp ngắn, nhẹ, trữ tình, như nốt nhạc êm ả, tắt lặng dần.
 
Cấu trúc thơ, rất cân xứng của cả “bài thơ” lớn Châu thổ này do đâu? Tôi nghĩ có ba khả năng:
 
a. sự sắp xếp “vô tình” của điệu hồn nhà thơ gặp nhau ở hai giai đoạn 2 - 7;
 
b. sau nhịp (tempo) mạnh “gieo cấy”, “gặt hái” (“Thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người”), hồn thơ Nguyễn Quang Thiều lại trở về với trữ tình, thong thả: “Trước mặt người làng Chùa là cánh đồng…” và, cuối cùng là:
 
c. sự sắp xếp vô tình của nhà thơ, vì ta không biết còn những bài nào chưa được tuyển? Nhưng sự vô tình đó lại cho ra đời một cấu trúc rất thơ.

Qua bảng Cấu trúc tổng quan tôi chỉ ra số trang trung bình/bài, và rút ra mấy điểm:
 
1. phong cách thơ khác lạ của Nguyễn Quang Thiều ở độ dài trung bình bài;
 
2. độ khó trong việc thưởng thức thơ anh ngay từ hình thức, mà theo thời gian, càng thêm “cồng kềnh”, miên man dần qua ngôn từ, qua diễn đạt, văn xuôi hoá thơ;
 
3. độ “thẫm màu”, âm u, ngày càng đậm đặc (bảng thống kê bên dưới về “bóng tối” sẽ cho các con số “biết nói” qua các giai đoạn thơ anh).
 
Tất cả những vấn đề đó “hợp sức” lại “hành hạ” cả nhà thơ, - người sáng tạo và cả độc giả, - người thưởng thức. Thơ Nguyễn Quanh Thiều là một sự “khiêu khích” lớn đối với người đọc; đến lượt mình, nhà phê bình “khiêu khích” lại người sáng tạo qua một số lí thuyết phê bình cấu trúc, phê bình ý thức, phê bình phân tâm học, thi pháp học,… xem việc đọc và hiểu thơ có quá xa so với chủ định sáng tạo của anh ta không?

3.    Cấu trúc “bóng tối” trong Châu thổ
 
3.1. “Chủ âm”: “Chủ âm có thể được xác định như yếu tố tiêu điểm (focal) của một tác phẩm nghệ thuật: nó tổ chức, xác định và chuyển hoá các yếu tố khác. Chính nó đảm bảo cho sự cố kết của cấu trúc”( ).
 
Chủ âm “bóng tối” và các đồng vị “đêm”, “tối”, “trăng”, “đen”… là “tiêu điểm” nổi trội trong thơ Châu thổ, đã tạo thành một thế giới thơ “thẫm màu” Nguyễn Quang Thiều. (Ta nhớ đến màu nền đen hay ghi xám của các “ngăn” thơ). Ngay tên một số bài trong tập đã sẵn “thẫm màu”: Đêm gần sáng; Bữa tối; Chuyển dịch màu đen; Đoản ca về buổi tối; Chúng ta có quyền ăn bữa tối; Tuyết lúc nửa đêm; Bóng tối; Bài ca những con chim đêm; Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ;… nhưng bài cuối cùng lại có tên là Cây Ánh sáng.
 
Nhắc lại: việc lặp lại một từ, một hình ảnh, một ẩn dụ nào đó có một tần suất đáng kể, tập hợp thành một mạng lưới các hình ảnh khi đọc “chồng văn bản” của một giai đoạn dài sáng tạo hoặc của cả đời văn một tác giả, là đều có vấn đề. Vấn đề đó là những ám ảnh hoặc ẩn ức mà trong sáng tạo ở những giai đoạn khác nhau, nó vô thức hiện ra ở các cấp độ ngoài tầm kiểm soát của nhà văn.
 
Nhà nghiên cứu phải phát hiện ra được hiện tượng, mô tả nó qua các con số khách quan, tìm hiểu bản chất của hiện tượng và cuối cùng rút ra được đặc trưng độc đáo trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Sau đó phải trả lời: chúng là những ám ảnh vô thức hay hữu thức? Tôi sử dụng phương pháp thống kê để mô tả hiện tượng và phê bình phân tâm học để phân tích.
 
3.2. Về phương pháp thống kê, để cho thật khách quan, tôi chỉ lấy những bài ở cuối mỗi “ngăn” thơ. Lí do: a. vì tập thơ quá dày, khó thống kê hết được, và cũng không cần thiết, vì toàn bộ thơ Châu thổ đã cho một thế giới “thẫm màu” như tôi vừa nói bên trên; b. thông thường, cuối mỗi giai đoạn sáng tạo, nhà thơ thường “chốt” bằng bài “đỉnh” đánh dấu một sự trưởng thành; sự trưởng thành đó sẽ làm “đại biểu” đại diện cho giai đoạn; c. cuối cùng, việc “bốc thăm” ngẫu nhiên theo sắp xếp của nhà thơ như vậy sẽ mang tính khách quan. Nhưng khi phân tích tôi không chỉ dừng ở bài đó.
 
Bảng 2: Bảng thống kê “bóng tối” và “ánh sáng

TT  Tên bài                     Đoạn    Bóng tối    Ánh sáng    Số lần “bóng tối”
1    Những con

      thuyền sông Đáy                       00            00                  00

2    Bài hát về cố hương                  03             01                  03

3    Với chiếc xe

      một bánh                                  02            02                 02

4    Chuyển dịch

      màu đen                  Màu đen    27            02

                                     một    

                                     Màu đen    14           01

                                     hai   
                     

                                     Màu đen    05           02

                                     ba                                             
       

                                     Và màu     01            00

                                     trắng  

5    Nhân chứng của

      một cái chết             Khúc một   07           02   

                                     Khúc hai    01           02   
        

                                     Khúc ba     06           00                         71
       

                                     Khúc bốn   09           08   
       

                                     Khúc năm  02            02   
       

                                     Khúc sáu   02            02   
       

                                     Khúc bảy   00            00   
       

                                     Khúc tám   03            01   
       

                                     Khúc chín   09           02   
       

                                     Khúc mười 03            01   
       

                                     Khúc mười 05            01

                                     một       
                                     Khúc mười 00            03

                                     hai    
                                     Khúc mười 04             01

                                     ba    
                                     Khúc mười 06             03   

                                     bốn     
                                     Khúc mười 02              00

                                     lăm   
                                     Khúc mười 04              00

                                     sáu   
                                     Khúc mười 02              01

                                     bảy   
                                     Khúc mười 02               02

                                     tám   
                                     Khúc mười 04               03

                                     chín     

6    Cây Ánh sáng           một            18               06   


                                      hai             09              08   
                          

                                      ba              09              09   
       

                                      bốn            03              00   
       

                                      năm           03              05   
       

                                      Tổng         165              70   

Lưu ý: đơn vị “bài” trong bảng thống kê không tính đến thể loại (thơ trữ tình ngắn, trường ca, hay thơ văn xuôi) mà chỉ kể bài. Có thể có phản biện phủ định, chẳng hạn: Nhân chứng của một cái chết là một trường ca, đương nhiên số lượng “bóng tối” sẽ áp đảo. Xin trả lời bằng một câu hỏi: Có thể là vậy, nhưng tại sao nó không “áp đảo” bằng từ khác? Và đây lại không phải là chọn lựa chủ quan của người thống kê. Nghiên cứu sự ngẫu nhiên của hiện tượng có khi cho ra kết quả khách quan hơn là áp đặt chủ quan.
 
Tôi thống kê sự xuất hiện của “bóng tối” và các đồng vị của nó để tìm hiểu: cường độ lặp lại của “bóng tối”; chủ âm của giai đoạn nào nhiều nhất? Sau đó sẽ rút ra những nhận xét cần thiết về nội dung và cơ chế của các thao tác nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều. Vị trí, chức năng của nó trong sáng tạo của nhà thơ.
 
Việc thống kê cả từ “ánh sáng” và các đồng vị là để tìm mối tương quan và đối lập của nó với “bóng tối” và mức độ của nó, nhưng nó không phải là “chủ âm” nghiên cứu của bài viết này.
Rút ra nhận xét về sự xuất hiện “bóng tối” và “ánh sáng” qua bảng thống kê:
 
-    Trước hết, ta thấy “bóng tối” xuất hiện nhiều hơn gấp gần hai lần rưỡi “ánh sáng” (165/70). Nó “tổ chức, xác định và chuyển hoá các yếu tố khác” của tác phẩm. Điều này đã tự động mang lại cho người đọc cái cảm giác âm u, bí hiểm, “thẫm màu” trong thơ Nguyễn Quang Thiều, dù ý thức hay không. Nhưng “bóng tối” là vô thức hay hữu thức trong sáng tạo của nhà thơ? Sẽ trả lời ở dưới.
 
-    Do bị áp đảo như thế, tự nhiên, ta thấy có một nghịch lí: “ánh sáng” lại làm “nền” cho “bóng tối”, mà không phải ngược lại. Thực ra, “bóng tối” cũng là một kiểu “ánh sáng”, nhưng nó chỉ không sáng thôi! Nó là một thứ “ánh sáng-tối”. Ta nhận ra “ánh sáng-tối” vì mắt ta hướng tới ánh sáng thực để phân định sự vật. Ngược lại, ta thấy có ánh sáng vì xung quanh ta tối! (Ngọn đèn chỉ cần thiết khi đêm về). Hai khái niệm “bóng tối” và “ánh sáng”, ở thơ Châu thổ, trong nhiều nét nghĩa, thời gian là nét nghĩa chủ đạo.
 
-    Sự tranh chấp giữa “dương” (ánh sáng) và “âm” (bóng tối) không ngang sức, “ánh sáng” bị lép vế càng cho ta nhận rõ hơn chủ âm “bóng tối”. Và nó càng chủ âm hơn khi chính “ánh sáng” cũng bị “chuyển hoá” vào “bóng tối” (ánh sáng đèn, sáng trăng,…). Từ đây, “bút pháp về bóng tối”, tạm gọi thế, của Nguyễn Quang Thiều chìm trong nội tâm của những đối thoại, thức tỉnh và giác ngộ của chủ thể trữ tình. Chính ý thức về sự “đắm chìm” đó, từ lí thuyết phê bình ý thức, “hợp tác với ý thức tác giả”, tôi nghĩ, đó là hành động trăn trở của nhà thơ để đi tìm “ánh sáng” đích thực cho thơ và cái đẹp, trong đó, hẳn nhiên, con người là trung tâm.
 
-    Ở giai đoạn đầu, chẳng hạn, trong Những con thuyền sông Đáy, không có hình vị “bóng tối” và “ánh sáng”! Nhưng “Chiều nay con ngồi ho bên cửa / Bao sợi mưa đứt hết cuối trời” thì “chiều” cũng đã là thời gian đang chuyển dần sang “tối” rồi, ẩn dụ cho nhiều điều đã muộn mằn, “đứt” gãy, tiếc nuối. Song ở giai đoạn đầu này, “bóng tối” chưa “trầm trọng”, gay gắt lắm, vẫn còn trung tính.
 
-    Dù đã gượng lại, nhưng trong Cây Ánh sáng, “bóng tối” vẫn 42 lần xuất hiện, gấp rưỡi “ánh sáng” (28) càng khẳng định hơn cái chủ âm trầm, buồn và khó hiểu nói chung trong thơ Châu thổ. Nó “cố kết cấu trúc” của tập thơ. Bằng cảm quan nghệ sĩ, Mai Văn Phấn đã có nhận xét khá đúng khi anh thấy “luồng sáng thanh khiết” ban đầu và “ánh sáng lan toả” hồi cuối: “Nếu ở “Sự mất ngủ của lửa” ta dễ nhận ra luồng sáng thanh khiết chụp lên người nhắm mắt toạ thiền, thì đến “Cây Ánh sáng” tập thơ của Nguyễn Quang Thiều, xuất bản năm 2009, lại thấy ánh sáng lan toả ra mọi nơi, những bước đi trầm tĩnh của người “thiền động”. “Cây Ánh sáng” dễ hiểu hơn những tập thơ trước, nhưng cũng khó đọc hơn, bởi không phải ai cũng dễ nhận ra nguồn năng lượng vô hình từ con người thơ này”.
 
-    Ở cột cuối cùng, các con số chỉ số lần xuất hiện “bóng tối” qua cuối mỗi “ngăn” thơ cho thấy: điểm “đỉnh” của “tối tăm” là thập niên cuối cùng của thế kỉ 20 với Nhân chứng của một cái chết có lạc khoản “Hà Nội – mùa đông 1998”, mà hai đầu khá thăng bằng của nó là Chuyển dịch màu đen và Cây Ánh sáng.

3.3. Nhưng những thống kê bên trên mới chỉ là mô tả hiện tượng, mà chưa chỉ ra được bản chất, quy luật của hiện tượng. Khoa học là quy luật. Nhà phê bình phải tìm ra được bản chất, quy luật của các hiện tượng đó. 
 
Cảm nhận đầu tiên là “bóng tối” tràn ngập trong tập thơ để cuối cùng là “ánh sáng”, nhưng Cây Ánh sáng chỉ mang tính biểu tượng, bởi chính tại đây, “bóng tối”, “đêm” vẫn “phủ” lên “những vòm cây được thắp sáng”, lên “chàng thi sỹ” - nhân vật trữ tình, một “tha nhân” của nhà thơ -, như một định mệnh.
 
Theo tôi, một cách khái quát nhất, “bóng tối” lấn át trong thơ Nguyễn Quang Thiều có thể chỉ ra: a. cái hữu thức của tác giả (thời gian của sáng tạo, dấu vết văn hoá (“hoàng hôn”, “đêm”, đề tài tâm đắc của chủ nghĩa lãng mạn), thời gian chảy trôi, sự cô đơn cả cô độc, độc thoại nội tâm, những trải nghiệm cá nhân); b. chính hạt nhân của cái hữu thức lại nằm ở trung tâm của cái vô thức cá nhân (ám ảnh tuổi thơ về đêm tối, “mẫu gốc” làng quê Việt thanh bình ngày xưa cùng với những phận người lam lũ, tối tăm); c. và ám ảnh từ vô thức cộng đồng, từ truyền thống: rất nhiều ca dao bắt đầu bằng “Chiều chiều”, “Đêm qua”, “Đêm nay”,… những điều đó, gợi buồn và thơ.
 
Tiếp tục phân tích sâu vào cấp độ đơn vị bài thơ, tôi muốn tìm hiểu: thế giới “bóng tối” cùng những phận người của nó; không gian thơ và ngữ pháp thơ trong Châu thổ.
  
Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều (Thơ tuyển lần thứ nhất) 
  • Đào Duy Hiệp
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc