(Phunutoday) - Đem 8 thắc mắc lần trước nhờ đứa bạn cấp 3 hiện đang công tác tại khoa Y học hạt nhân và điều trị u bướu, Bệnh viện Mạch Mai tư vấn, mình đã nhận được những câu trả lời rất dễ hiểu và kèm theo cả những lời khuyên bổ ích giúp hạn chế nguy cơ bị ung thư vú đe dọa.
Trở về từ chuyến công tác TP HCM và trăn trở với câu chuyện ung thư vú của chị họ mình, dù không có bất kỳ triệu chứng nào giống như chị Nguyệt đã chia sẻ nhưng phòng còn hơn chống, ngay lập tức, nhớ đến đứa bạn cấp 3 hiện giờ đang công tác tại khoa Y học hạt nhân và điều trị Ung bướu của bệnh viện Bạch Mai, mình liền hẹn nó đi uống nước vừa để hỏi thăm vừa kết hợp nhờ nó tư vấn trực tiếp luôn cho một số thắc mắc chưa có câu trả lời chính xác của mình.
Hẹn hò mãi, nó mới xếp cho mình một cái hẹn! Đứa bạn mình kể, có nhiều phụ nữ rất chủ quan với căn bệnh ung thư vú. Nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng đã nguy kịch và đang ở giai đoạn cuối. Sự sống - cái chết trong những trường như thế rất mong manh, người nhanh thì 2 -3 tháng là không qua khỏi, lâu lắm thì một năm...
Nó càng kể, mình càng thấy xưa nay đúng là vô tâm quá! Cứ nghĩ khoẻ mạnh như thế này, một năm hắt hơi sổ mũi một, hai lần thì làm sao mà dính đến ung thư, nhất là ung thư vú được? Đúng là chủ quan thật! Phải tận mắt chứng kiến cảnh thương tâm của bà chị họ trong Sài Gòn mình mới biết lo lắng đến sức khoẻ bản thân một chút!
Đợi đứa bạn trải lòng một phần về chuyện nghề xong, mình tranh thủ nhờ nó giải đáp cho những thắc mắc mình đã nghĩ trong đầu sau khi trở về từ Sài Gòn. Mình xin viết ra đây để chia sẻ cùng mọi người lời giải đáp cho 8 câu hỏi ở kỳ trước của mình.
Yếu tố di truyền trong bệnh ung thư vú chỉ là 5 - 10% |
1. Bệnh ung thư vú là do di truyền?
Sai. Chỉ có khoảng 5-10% chị em phụ nữ bị ung thư vú là do di truyền.
2. Phụ nữ trẻ tuổi ít bị ung thư vú?
Sai. Ung thư vú có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ nào chứ không phân biệt tuổi tác, tuy nhiên căn bệnh này phổ biến hơn ở phụ nữ mãn kinh.
3. Giai đoạn phẫu thuật ngực hoặc điều trị bằng hóa chất dẫn đến rụng tóc là lúc khó khăn nhất của bệnh nhân ung thư?
Sai. Khó nhất là lúc mới phát hiện bệnh. Lúc đó, bệnh nhân rất sửng sốt, bất ngờ, có người còn rơi vào tình trạng trầm cảm, u uất, cáu gắt. Rồi họ chuyển sang nghi ngờ bác sĩ và đi khám nhiều nơi với hy vọng không bị ung thư.
4. Ung thư vú có thể được phòng ngừa?
Vừa đúng vừa sai. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một một loại vacxin nào có thể ngăn ngừa được căn bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, chị em nên có một lối sống lành mạnh, cân bằng và khoa học.
Tốt nhất chị em nên chụp định kỳ X - quang vú 3 - 6 tháng/lần |
5. Nên tự khám vú vào ngày nào?
Bạn nên làm việc này hằng tháng sau chu kỳ kinh nguyệt. Lúc này, lượng hoóc môn giảm khiến vú mềm, dễ phát hiện các u cục hơn.
Nên tự khám vú mỗi tháng một lần |
6. Bị ung thư vú là phải cắt bỏ nhũ hoa?
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, u nhỏ và chưa xâm lấn thì có thể bảo tồn vú, chỉ lấy bỏ khối u. Với những người phải cắt bỏ vú, nếu điều trị khỏi, có thể tính đến việc tái tạo ngực.
7. Làm gì nếu phát hiện u?
Khi tự khám ngực, nếu thấy một khối u, hay cục, hay bất cứ cảm giác bất thường nào, bạn cần đến bệnh viện ngay. Bác sĩ sẽ thăm khám, chụp nhũ ảnh, siêu âm, có thể phải sinh thiết để biết có phải là u ác tính hay không?
8. Thế nào là khỏi bệnh?
Sau khi điều trị ung thư 4-5 năm, nếu xét nghiệm không phát hiện tế bào ung thư tái phát thì được coi là khỏi bệnh.
Phụ nữ nên duy trì lối sống lành mạnh, tích cực để hạn chế nguy cơ bị ung thư vú |
Giải đáp những thắc mắc cho mình xong, đứa bạn còn tranh thủ khuyên mình một số cách đơn giản phòng ngừa ung thư vú, dù rằng không có phương pháp nào là có thể diệt trừ tận gốc sự đe doạ của bệnh.
- Duy trì cân nặng ổn định, tránh tình trạng bị thừa cân/ béo phì
- Tránh xa các chất cồn, rượu, bia
- Vận động thường xuyên, tập thể dục ít nhất 5 lần/tuần và mỗi lần ít nhất 30 phút
- Duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế stress và mất ngủ
- Các bà mẹ cố gắng cho con bú sữa mẹ trong sáu tháng.
Cách thức tự khám vú - Hãy đứng trước gương, cởi trần tới ngang thắt lưng và quan sát kỹ mỗi bầu vú. - Hãy kiểm tra xem da có bất cứ chỗ nào lún xuống không hay nhăn lại không, hoặc có biến đổi kích cỡ, màu sắc hay hình dáng không bằng cách: Chống nạnh hai tay lên hai hông hoặc đặt hai bàn tay lên trên và ép hai bàn tay vào ngực để làm giãn các cơ ngực. Sau đó, nằm xuống trên một mặt phẳng, kê gối cho vai bên bầu vú bạn đang khám hơi cao hơn so với bên kia một chút. Dùng bàn tay và các ngón tay duỗi thẳng, hãy nhẹ nhàng khám rìa ngoài bầu vú, di chuyển hai bàn tay theo chiều kim đồng hồ (bàn tay bên phải xoa nắn bầu vú bên trái). Lặp lại như vậy cho bầu vú bên kia. |
- Khánh Ngọc