Hằng ngày, trong con ngõ chật chội và sâu hút ở phố Khâm Thiên (Hà Nội), người thanh niên khiếm thị Khúc Hải Vân (SN 1983) vẫn cần mẫn làm việc, dạy học cho những người có hoàn cảnh giống mình. Và rồi như một kết thúc có hậu trong một câu chuyện cổ tích đẹp đẽ, chàng “hiệp sĩ” của những người khiếm thị đã gặp được nàng công chúa của đời mình.
Cả hai người họ, chỉ với một đôi mắt còn sáng, đã dìu nhau vượt qua bóng tối số phận, qua mọi ngăn cản và đàm tiếu dư luận để có một gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay…
Tuổi thơ không có màu
Khi gặp Khúc Hải Vân, chàng hiệp sĩ công nghệ thông tin khiếm thị, cùng người vợ mắt sáng xinh đẹp của anh sánh bước bên nhau, tôi thực sự ngạc nhiên. Dường như trong tâm hồn chàng trai trẻ người Hà Nội này, những buồn bã, bi quan, chưa bao giờ có chỗ để tồn tại. Lúc nào gặp, tôi cũng thấy Khúc Hải Vân cười, tếu táo và lạc quan.
Ngày hôm ấy, tôi hẹn vợ chồng Vân ở quán cafe đầu ngõ Trung Tiền, gần nhà Vân, trong một buổi tối cuối tuần. Vân đến trước, rất đúng giờ, chìa tay siết chặt bàn tay tôi. “Ánh đang bận rửa bát, cô ấy sẽ đến sau. Từ ngày về làm dâu, nhà đông người, Ánh cũng thêm vất vả” – Vân đã hồ hởi nói về người vợ thân yêu của mình như thế.
Vân đi vào quán, chọn một chiếc bàn sát tường, ngồi xuống và gọi đồ uống cho tôi, nhanh nhẹn và thành thục như một người bình thường sáng mắt. Như hiểu được rằng tôi sẽ thắc mắc, Vân cười cười giải thích: “Đây là quán quen. Đã từ nhiều năm qua, tôi có thể biết rõ từng vị trí của cái bàn, chiếc ghế…”
Đám cưới cổ tích của chàng “hiệp sĩ” mù và nàng thạc sĩ kinh tế |
Nhấp một ngụm nâu đá yêu thích, Vân bắt đầu trải lòng với tôi về cuộc đời mình, bắt đầu từ những ngày thơ bé. Theo lời kể, chàng trai trẻ khiếm thị sinh ra trong một gia đình công chức nghèo có tới 4 người con.
Bị tật bẩm sinh nên đã có những năm tháng, Khúc Hải Vân lớn lên như cây cỏ, sống không mục đích, thậm chí buông trôi số phận. “Năm 1982, khi mới sinh, đôi mắt tôi vẫn mở bình thường, nhưng tròng không thể di chuyển được.
Các bác sỹ chẩn đoán là bị viêm màng bồ đào bẩm sinh. Đã hỏng mắt, tôi lại còn bị thêm chứng bệnh thần kinh yếu nên đầu và đôi tay của tôi không cử động được linh hoạt. Mặc dù được bố mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi, nhưng không có kết quả”, chàng trai nhớ lại.
Và như thế, Vân lớn lên với xung quanh chỉ một màu đen. Tuổi thơ Vân gắn liền với âm thanh của radio, tiếng kể chuyện thủ thỉ của bà, và tiếng la hét của nghịch ngợm của chúng bạn ngoài sân. Tuy không thể nhìn, nhưng Vân vẫn có thể cảm nhận thế giới xung quanh mình qua âm thanh và mùi vị.
Sau một vài năm cảm thấy cứ khép kín sẽ chẳng đến được đâu, Vân bắt đầu hòa đồng cùng chúng bạn rồi tỏ ra hoạt bát chẳng kém những đứa trẻ mắt sáng khác.
Đến tuổi đi học, khi chúng bạn cắp sách tung tăng đến tường thì cậu bé Khúc Hải Vân cũng đi học. Nhưng ở trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Vân bắt đầu cuộc sống tự lập từ đó.
Với một đứa trẻ phát triển bình thường, phải sống tự lập trong môi trường nội trú đã rất khó khăn, vất vả, huống chi đối với những người khuyết tật như Vân, khó khăn càng nhân lên gấp bội. Vân học chữ, học hát, học các kỹ năng sống bằng sự cố gắng gấp 5, gấp 10 lần người bình thường khác.
Niềm say mê văn học bắt đầu ngấm vào Vân từ cuối những năm cấp 2. Vân đã cùng 2 người bạn có bút danh Sầu Đông và Nắng Mai lập ra một bút nhóm có tên là Hoa Khế (bút danh của Vân là Diều Sáo).
Bút nhóm hoạt động rất tích cực với việc sáng tác thơ văn và mở ra nhiều lớp học, chủ yếu để giúp các em nhỏ khiếm thị muốn học giỏi văn trong trường có thêm kiến thức văn học và niềm say mê sáng tác.
Gần mười năm làm tình nguyện, chàng trai mù đã đi nhiều nơi, chia sẻ buồn đau, mất mát với bao người và dường như quên rằng mình cũng cần được trợ giúp.
Trở thành “hiệp sĩ” của người khiếm thị
Vợ chồng "hiệp sĩ" Khúc Hải Vân hạnh phúc bên nhau. |
Say mê và yêu thích văn học, năm 2005 Khúc Hải Vân đã thi đỗ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Cậu sinh viên giàu nghị lực lại bắt đầu những tháng ngày miệt mài đèn sách dù gặp phải không ít khó khăn.
Ngày ngày, Vân đi xe bus đến trường, việc đọc và làm bài của Vân được các thầy cô giáo dành cho một chế độ riêng, thông qua phần mềm máy tính.
Vân bắt đầu biết sử dụng máy tính từ năm 2003, trong lần đi thi đại học đầu tiên (Học viện Hành chính quốc gia). Lần thi đó Vân đã trượt, nhưng lại là một may mắn khi Vân được tiếp cận với máy tính, được tập làm quen với một chương trình gõ văn bản có phát âm.
Lúc đó Vân chưa có ấn tượng gì với công nghệ thông tin, máy móc, mà chỉ thấy nó giống cái máy chữ, nhưng lâu dần thành quen, thành đam mê, nhất là khi những động tác đánh máy của mình được phát âm.
Rồi định mệnh run rủi cho Vân gặp anh Phạm Sơn Hà (SN 1976), một người đam mê với công nghệ thông tin. Cả hai hội viên của Hội Người mù quận Đống Đa đã rất tâm đầu ý hợp trong kế hoạch giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình có thể tiếp xúc với công nghệ thông tin, với máy tính.
Sau nhiều đêm trằn trọc, và nhiều mồ hôi nước mắt trong hành trình lò dò gậy gỗ dẫn nhau đi khắp các cơ quan, các nhà hảo tâm để xin hỗ trợ địa điểm, máy móc, thiết bị, vào một ngày cuối tháng 6/2005, hai chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết đã quyết định thành lập Trung tâm Tin học Tia Sáng và tình nguyện giảng dạy miễn phí cho các học viên có cùng hoàn cảnh.
Trong sự hình thành của trung tâm, Khúc Hải Vân chính là người góp phần tạo ra bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị bằng âm thanh và hình ảnh. Trung tâm Tia Sáng chính là nơi duy nhất đào tạo tin học và Internet dành cho người khiếm thị hoàn toàn miễn phí ở Hà Nội.
Vạn sự khởi đầu nan, ban đầu phòng học được đặt ngay tại nhà của Sơn Hà. Học viên biết dạy miễn phí nên đến rất đông, nhưng chỉ có 4 máy vi tính, cái thì được một ngôi chùa tặng, cái thì được một giáo viên cho, còn lại là mua chịu ở tiệm vi tính gần nhà...
“Tiếng lành đồn xa”, mới ra đời được hơn 6 tháng nhưng Trung tâm Tia Sáng đã đào tạo được gần chục khóa soạn thảo văn bản, chương trình hỗ trợ tin học cho người khiếm thị, khai thác thông tin trên Internet… với hàng trăm học viên từ khắp các tỉnh phía Bắc tìm đến.
Học viên thì đông mà phòng, máy lại ít nên các thầy giáo phải giảng dạy liên tục 3ca vào tất cả các ngày trong tuần. Và thật lạ, không chỉ người khiếm thị, cả những người khuyết tật vận động, câm điếc cũng nườm nượp tìm đến xin học.
Cánh cửa trung tâm vẫn luôn rộng mở. Các khóa học hoàn toàn miễn phí nên các thầy giáo vẫn phải “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Với những cống hiến không mệt mỏi ấy, cuối năm 2005, chàng trai trẻ Khúc Hải Vân đã được tạp chí chuyên về công nghệ Echip tôn vinh là “Hiệp sỹ công nghệ thông tin”.
Với khả năng nghe và thẩm thấu âm thanh khá tốt, cộng thêm việc chăm chỉ mày mò, học hỏi về công nghệ, năm 2008, Vân bắt đầu làm công việc biên tập âm thanh cho các tổng đài và các công ty truyền thông để kiếm thêm thu nhập.
Công việc chính của Vân là thu âm, cắt lỗi cho các file âm thanh, đồng thời kiêm luôn việc giám sát và tập huấn cho những người thu âm sau khi file được cắt lỗi và làm sạch, rồi gửi cho các công ty đã ký hợp đồng.
Niềm đam mê công nghệ đã khiến Vân bỏ dở ước mơ trở thành nhà văn khi Vân quyết định thôi học tại khoa Văn, Đại học KHXH&NV vào năm học cuối cùng.
Cùng với việc giảng dạy tại Trung tâm Tin học Tia Sáng, Vân còn làm rất nhiều công việc khác, như: quản lý phòng thu, trực tiếp thu âm cho khách hàng, bấm huyệt chữa bệnh và tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng.
Với Vân, tính tự lập luôn được đặt lên hàng đầu. Đó cũng là thông điệp về ý chí phấn đấu và nghị lực sống mà Vân muốn truyền tải đến tất cả các bạn trẻ.
Với những đóng góp của mình cho cộng đồng, năm 2009, Hải Vân vinh dự nhận Giải thưởng Chim Én – Giải thưởng vinh danh các cá nhân và tổ chức hoạt động thiện nguyện xuất sắc trong năm. Đó cũng là động lực để Vân tiếp tục những bước đi trên con đường ngập tràn ánh sáng của niềm tin và nghị lực sống.
Cũng trong năm 2009, Vân đã tình cờ được gặp nhóm sinh viên công nghệ thông tin trường Đại học Bách Khoa, được sự trợ giúp của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông - Trường ĐH Bách Khoa HN, cùng với sự tham gia của các giảng viên và sinh viên tình nguyện, dự án “Website cho người khiếm thị - tamhonvietnam.net” ra đời.
Trang website này thực sự đã trở thành đôi mắt thứ 2 cho người khiếm thị, nhất là đối với các bạn học sinh khiếm thị trên toàn quốc. Trang website có thể giúp các bạn khiếm thị tìm hiểu thông tin, tham gia học trực tuyến, để có thể thực hiện những ước mơ của mình.
Ngoài công việc chính là giảng dạy công nghệ thông tin cho người mù và khiếm thị, biên tập, thu âm, làm sách cho dự án “Tâm hồn Việt Nam”, Khúc Hải Vân luôn tích cực tham gia các phong trào của đoàn thanh niên, các chương trình tình nguyện cùng với nhóm “Nghị lực sống”, nhóm “FHG” và “Quỹ từ thiện cha mẹ”.
Vân đã có nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống cho các bạn trẻ ở nhiều trường Đại học, THPT, THCS, tiểu học, cũng như tổ chức thành công nhiều chương trình thiện nguyện trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Khao khát yêu thương
Thế nhưng ngần ấy chiến công sẽ chẳng là gì nếu như thiếu vắng bóng hình của một người phụ nữ. Giống như bao chàng trai khác, Vân cũng biết yêu và cũng khao khát vòng tay ấm nóng của một người con gái.
Tâm sự với tôi, Vân nói, có lẽ đó là may mắn lớn nhất trong cuộc đời của anh là được yêu và được chạm tay vào mái ấm gia đình như bao người bình thường khác. “Tôi luôn trân trọng và tự hào với tình yêu Ánh dành cho mình. Nếu không có tình yêu của Ánh tiếp thêm nghị lực, tôi chưa biết mình sẽ ra sao”, Vân xúc động nói.
Giây phút xúc động qua đi, Vân vui vẻ và cởi mở, tâm sự thực rằng thực tế anh cũng đã từng “say nắng” một vài bóng hình trước khi gặp được một nửa thực sự của đời mình. Nhưng tất cả Vân có chỉ là những cuộc điện thoại bâng quơ, những dòng tin nhắn, email chứ không có những cuộc hẹn hò như các đôi tình nhân khác.
Và tất cả những người con gái giờ đã trở thành kỷ niệm đẹp với Vân, họ đều là những người khuyết tật. “Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ rằng mình rồi sẽ nên duyên với một người con gái lành lặn”, Vân thực lòng tâm sự.
Đúng lúc ấy Ánh đến, nhẹ nhàng và duyên dáng. Cô xuất hiện với một tự cười tươi tắn, ngồi sà xuống bên chồng rồi chào tôi thân thiện. Dáng người dong dỏng cao, trông Ánh thật giản dị và gần gũi.
Vân đợi vợ mình ngồi xuống, quàng tay khoác nhẹ lên vai cô đầy trìu mến. Nhìn đôi vợ chồng hạnh phúc cười nói và trao nhau những vòng tay yêu thương ấy, lòng tôi bỗng dâng trào những niềm vui khó tả.
Mối lương duyên giữa Vân và Ánh có thể tìm được điểm xuất phát đó là lòng nhân ái. Vân gặp Ánh trong một chương trình thu âm từ thiện. “Một cô gái đến xin thử giọng cho dự án “Tâm hồn Việt Nam” có tên là Nguyệt Ánh.
Nguyệt Ánh từng tốt nghiệp thạc sỹ ở Nga và đang làm việc cho một ngân hàng tại Hà Nội. Lúc đó Vân làm quản lý dự án, phụ trách đội tình nguyện viên đăng ký thu âm. Ánh là một trong rất nhiều tình nguyện viên đến thử giọng. “Lần đầu tiên nghe giọng Ánh, Vân cảm nhận cô gái này có điều gì đó rất đặc biệt, giọng nói của cô nhẹ và rất hay” – Hải Vân chia sẻ.
Từ đó, mỗi tuần Ánh dành một ngày đến phòng thu âm tại nhà Vân để thu âm sách nói về dự án. Ngoài thời gian gặp gỡ tại phòng thu, Vân và Ánh thường xuyên liên lạc, trao đổi công việc qua điện thoại, tin nhắn, chat.
Cả hai bắt đầu thấy không thể thiếu nhau, những cuộc điện thoại cứ gần hơn, tin nhắn nhiều hơn, chat cũng lâu hơn. Nỗi nhớ cũng nhiều hơn. Hai tháng sau, họ bắt đầu đi chơi cùng nhau. Mới đầu là một điểm hẹn nào đó, Vân đi xe bus đến, còn Ánh đi xe máy.
Một thời gian sau, Ánh tình nguyện làm người đưa đón Vân trong những lần hò hẹn. Họ yêu nhau từ lúc nào mà chẳng biết. Ánh vui vì được ở bên Vân nhưng Vân thì lại sợ, một nỗi sợ mơ hồ. Bởi Ánh là người bình thường, có học thức, có công việc làm ổn định, có rất nhiều cơ hội để tìm kiếm hạnh phúc.
Ánh xuất thân trong một gia đình trí thức, nhà có 3 anh em (Ánh là con út) ở Nam Định. Năm 2003, khi đang là sinh viên trường Đại học Ngoại Thương, Ánh xuất sắc thi đỗ học bổng du học Nga. Năm 2008, Ánh trở về nước với tấm bằng thạc sỹ kinh tế, được nhận vào làm việc tại Ngân hàng Việt-Nga.
Tương lai rất rộng mở với một cô gái xinh xắn, thông minh, dịu dàng, có học thức. Tình cờ biết dự án “Tâm hồn Việt Nam” qua một người bạn, Ánh tình nguyện đến xin thử giọng đọc cho việc thu âm sách nói dành cho người khiếm thị, với mong muốn chia sẻ với những người kém may mắn trong cộng đồng như rất nhiều bạn trẻ khác.
Để đến được với Vân, Ánh đã phải vượt qua biết bao nhiêu sự phản đối kịch liệt của gia đình, họ hàng và cả những lời gièm pha của dư luận: “Ban đầu khi quyết định yêu Vân, Ánh đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình.
Nhưng Ánh thấy mình rất yêu thương Vân và mong muốn được ở bên Vân, chăm sóc cho Vân và cùng chung sống bên nhau”. Để có được hạnh phúc như ngày hôm nay, họ đã phải trải qua một thời gian dài có niềm vui, nỗi buồn, có đắng cay, chia ly và lại tái hợp.
Vượt qua định kiến, xây dựng tổ ấm
Lần đầu tiên về Nam Định ra mắt bố mẹ Ánh, Vân đã gặp phải sự phản đối kịch liệt. Thậm chí bố Ánh không nhìn mặt Vân và nhất quyết phản đối mối quan hệ này.
Vân nhớ rất rõ, lúc đó, bố Ánh đã nói: “Không biết nó tài giỏi thế nào, đã làm được việc gì, chỉ biết nó bị mù…” thậm chí có ý kiến trong gia đình Ánh còn cho rằng Vân đến với Ánh chẳng qua cũng chỉ là lợi dụng.
Vân buồn và suy nghĩ nhiều lắm nhưng Ánh luôn ở bên động viên, an ủi và nỗ lực thuyết phục gia đình bằng mọi cách, cố gắng để đến với Vân. Tuy nhiên, sự cố gắng của Ánh suốt nhiều tháng trời vẫn không kết quả.
Vân đã không ít lần khuyên Ánh không nên trái ý bố mẹ và quyết định chia tay nhau. “Chia tay mà vẫn yêu nhau, nên cứ chia tay rồi lại quay lại, rồi lại chia tay, rồi lại quay lại…” - Vân chia sẻ.
“Mình không dám trách bố mẹ, bạn bè cô ấy bởi vì việc họ ngăn cản là hợp lý. Họ lo lắng cho tương lai của con mình, biết đâu chúng mình sẽ không có một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa khi chồng là một người khiếm thị thế này và biết đâu…”
Vân bỏ lửng câu nói và đưa đôi mắt nhìn xa xăm, tự đáy lòng chúng tôi hiểu Ánh đang lo sợ điều gì.
Lần đó, sau một thời gian quyết định không gặp nhau. Bất ngờ, một buổi tối, Vân xuất hiện tại khu chung cư nơi Ánh trọ với một bông hồng rất đẹp trên tay. Vân gọi điện, Ánh nói Vân về đi, Ánh sẽ không ra gặp Vân nữa.
Nói thế nhưng Ánh buồn và khóc nhiều lắm. Vân cứ đứng như trời trồng giữa sân khu chung cư. Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng… Vân quyết định sẽ đứng đó đến khi nào Ánh chịu ra gặp…
Vân không giấu nổi cảm xúc khi nghĩ lại buổi tối định mệnh đó: “Chúng mình đi chơi quanh Hồ Gươm, đi dạo phố, rồi đi ăn, bất ngờ Ánh nói: “Anh ơi, mình cưới nhau đi!” Vân bất ngờ và nhớ mãi giây phút kỷ niệm này, như mơ”.
Đám cưới được ấn định ngày ngay sau đó. Một đám cưới “đặc biệt” với bao nỗ lực của cả cô dâu và chú rể khi vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình nhà gái. Thậm chí, khi bố mẹ Vân đến nhà Ánh để xin cưới, bố Ánh cũng nhất quyết không gặp. Lại tiếp tục những ngày dài thuyết phục.
Ngày 18/3/2012, đám cưới như mơ của Hải Vân và Nguyệt Ánh đã diễn ra với sự có mặt của đông đủ hai bên gia đình, người thân và bạn bè. Chia sẻ về đám cưới của mình, Vân nói: “Giây phút thiêng liêng đó, Vân cảm thấy vô cùng hạnh phúc.”
Ánh âu yếm đưa tay choàng qua chồng: “Với em, đó là cái duyên. Ngày em đến với anh Vân, em có nghĩ đến lợi danh gì đâu. Chỉ biết rằng chúng em hiểu nhau, thương nhau, cảm thông số phận rồi nên nghĩa vợ chồng thôi”.
Tâm sự đến đây thì trời cũng đã quá khuya, tôi cáo từ hai người rồi xin phép ra về. Lúc chia tay ở đầu ngõ Trung Tiền, nhìn hai con người ấy sánh bước bên nhau dưới lớp sương mỏng đầu thu, một cảm giác an bình đến kỳ lạ dâng trào trong tôi….
- Giang Lam
[links()]