Vượt lên nỗi đau tật nguyền do tai nạn bom mìn sau chiến tranh, cậu bé ấy gắng học để rồi trở thành thầy giáo, họa sĩ tiếng tăm trong vùng. Nhờ tài ấy mà gia đình không những thoát được cảnh nghèo mà còn dư tiền cất nhà khang trang, tậu thêm ruộng đất… Cậu bé tên là Khanh Rông - người dân tộc Khmer, ở vùng quê nghèo thuần nông thuộc ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
Sáu năm đằng đẵng trôi qua kể ngày gặp đầu tiên, cái quán cốc xập xệ ven hương lộ liên xã mà ngày trước vợ chồng Khanh Rông làm chỗ trú mưa che nắng đã xuống cấp trầm trọng. Ẩn mình sau đó là căn nhà xây khang trang còn thơm mùi sơn, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Vậy nhưng, ít ai biết căn nhà ấy chính là thành quả mà Khanh Rông đã nỗ lực phấn đấu hơn nửa đời người mới có được. Nó trở nên quý giá hơn bao giờ hết bởi được tạo dựng từ một người chỉ còn một mắt, không còn tay…
Gặp lại cố nhân
Lụi cụi sau bếp lo bữa cơm chiều, chị Cẩm không biết có khách vào quán uống nước. Phía vách tường trong nhà mới, Khanh Rông vẫn tiều tụy, dáng người nhỏ nhắn như xưa nhưng có vẻ nhanh nhẹn hơn, luyến láy và sắc sảo hơn.
Cặm cụi bên vách tường còn thơm mùi sơn, hai cùi tay Khanh Rông ép chặt cây cọ, phác họa thêm phần chi tiết để sớm hoàn thành bức tranh sơn dầu “mã đáo thành công” mừng ngôi nhà mới. Như một phản xạ nghề nghiệp, tôi móc liền máy ảnh hòng chộp lại khoảnh khắc tự nhiên.
Thầy Khanh Rông bên tác phẩm của mình. |
Song, đèn láp chỉ nhá được một phát, Khanh Rông ngoái đầu lại. Thấy người lạ nhưng như quen từ lâu lắm, Khanh Rông không ngạc nhiên mà chúm chím nét cười mừng, cái mừng có duyên của một người có học nhưng còn đậm chất nhà quê.
Không trà bánh như trước, lần này anh chơi kiểu đặc rị miền Tây khi gọi vợ từ nhà sau lôi ra chai rượu đế trong veo. Chị Cẩm tay cầm chai rượu chừng 2 xị, vài con cá khô phi còn thơm lừng mùi than đước, mời mọc:
“Lâu quá còn gì, gặp chú ổng mừng ra mặt. Sẵn sắp có nhà mới, anh em lai rai luôn, có gì xài đó, cây nhà lá vườn”. Quá đỗi bất ngờ bởi sau bao năm khó khăn, giờ đây tôi biết chắc anh có được một cơ ngơi ổn định, rất đời thường và tràn ngập niềm vui, hạnh phúc.
Cái hạnh phúc ấy có sự “sẻ bùi” và chấp nhận hy sinh của người đầu ấp tay gối với Khanh Rông - chị Nguyễn Thị Cẩm, người dân tộc Mông, quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa.
Ngày trước còn là sinh viên, Khanh Rông đi ký họa ở Ô Môn (nay thuộc TP. Cần Thơ) tình cờ gặp chị Cẩm - lúc đó chị là công nhân xưởng thuốc lá. Thấy chàng sinh viên cụt tay vẽ tranh đẹp, chị Cẩm mê tranh rồi dần dà mê luôn người vẽ tranh.
Sau khi ra trường được 2 năm, Khanh Rông thực hiện lời hẹn ước với cô gái nghèo xa quê, thiếu tình thương. Hai mảnh đời cơ cực từ tấm bé ấy đến với nhau tình cờ như có sự sắp đặt của đấng vô hình. Biết bản thân tật nguyền nên “lấy siêng bù sức”.
Ngoài thời gian đi dạy học, Khanh Rông còn nhận vẽ tranh cổ động, tranh tuyên truyền, nhận trang trí sân khấu nhân các ngày lễ, tết… Thương chồng vất vả, chị Cẩm cũng bày bán nhỏ, phụ tiền lo cơm gạo với chồng.
Nhờ siêng năng lao động, khéo vén… mà đến nay, vợ chồng anh không còn ở trong nhà lá sập xệ mà có tiền cất nhà cơ bản. Gia đình anh còn dư tiền mua được 3 công đất trồng lúa.
“Ảnh cụt tay vậy chứ chuyện lặt vặt trong nhà ảnh làm được hết, cả việc đồng áng, thậm chí có một số công việc ảnh thạo như người lành lặn bình thường. Chỉ dở một cái là ít khi thấy ảnh may quần áo bằng tay”, chị Cẩm rót rượu cho chồng, khề khà pha chuyện.
Vượt lên nỗi đau…
Khanh Rông tô khuôn đổ lam bằng Thạnh cao. |
Năm 12 tuổi, cậu bé Khanh Rông theo cha mẹ rời Biên Hòa (Đồng Nai) về miền quê nghèo thuần nông Trương Hiền (xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) sinh sống.
Trong một lần tắm sông với tụi bạn chung xóm, cả nhóm tình cờ phát hiện vật tròn tròn nỗi lềnh bềnh trên mặt nước như quả cam nên tinh nghịch. Vật ấy bất ngờ phát nổ. Lúc tỉnh lại trên giường bệnh, Rông vô cùng tuyệt vọng khi biết mình chỉ còn một mắt, 2 bàn tay bị bác sĩ cưa gần đến cùi chỏ…
Cưa ly rượu đế với tôi, Khanh Rông thở dài, nói: “Mơ ước được cắp sách đến trường để sau này trở thành họa sĩ của tôi gần như đi vào ngõ cụt. Nhưng được gia đình động viên, tôi bình tâm, dần dà vượt qua mặc cảm tàn tật, xin tiền mua tập, viết về tập tành cầm bút, tập viết.
Buổi đầu ấy, hai khuỷu tay cố bám nhưng viết bị rớt hoài, về sau tôi mới cầm được nhưng chữ viết nguệch ngoạc, chữ cao, chữ thấp lượn lờ như dãy núi.
Sau hơn 3 tháng cặm cụi, những nét chữ đầu tiên đã nên hình, thẳng hàng, thẳng lối, Rông được cha mẹ đưa vào lớp 1. Nhìn cậu học trò vụng về kẹp quyển tập bằng hai mỏm cánh tay, cô giáo chỉ biết lắc đầu, ngao ngán. Vậy nhưng, khi tận mắt chứng kiến Rông viết thử, cô chủ nhiệm như muốn “té ngửa” bởi những nét chữ tròn trịa, rành rọt được viết từ cậu bé không có bàn tay.
“Viết chữ thạo, tôi bắt đầu học vẽ tranh. Tôi thích ngắm vườn hoa, cây trái, đồng ruộng, làng quê, thầy cô, trường lớp… Ngắm nghía, yêu thích cái gì, tôi lấy bút chì màu tô tô, vẽ vẽ… lại thứ ấy”- Rông kể!
Những nét vẽ sơ sài chưa nên hình buổi đầu ấy dần dà trở nên sinh động, rõ ràng hơn, không còn bị bạn bè chê. Cảm phục sự khéo tay của Rông nên phần lớn bảng chữ, khẩu hiệu trang trí lớp…bạn bè đều cậy nhờ Rông.
Nhờ vậy, “tài vặt” của Rông ngày càng “lên tay”. Ngoài tài vẽ tranh, Rông còn được bạn bè, thầy cô cảm phục về thành tích học tập. Trong suốt 3 cấp học, Rông đều là học sinh khá, giỏi của trường, của lớp.
Với bề dầy thành tích học tập, cộng với niềm đam mê, khổ luyện từ tấm bé nên Rông đã thi đậu vào ngành Họa của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang cũ (nay là Sóc Trăng) với thành tích thủ khoa, được hưởng học bổng toàn phần trong 3 năm học.
Ước mơ trở thành họa sĩ tưởng chừng sẽ thực hiện được nào ngờ nhà trường không cho Rông theo học với lí do… tàn tật.
“Tuy có buồn… nhưng không nản, không lâu sau tôi xin đi học lớp sơ cấp hội Họa 3 tháng rồi tiếp tục học lên trung cấp với kết quả thủ khoa ngành. Bạn bè ai cũng sững sờ với kết quả đó.
Sau khi ra trường, tôi được thầy hiệu trưởng ở quê thương tình nhận vào giảng dạy môn Mỹ thuật ở Trường Trung học cơ sở Thạnh Trị (xã Thạnh Trị) cho đến nay.
Vừa rồi, tôi lấy được bằng Cao đẳng hội họa do Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng cấp”, mắt xa xăm theo làn khói thuốc lượn lờ trong gió, Rông nhớ lại quãng thời gian khó khăn.
Không nói ra chắc ít ai biết, để có được tấm bằng cao đẳng hội họa ấy, Khanh Rông phải vượt qua hơn 150 thí sinh. Thi đậu đã khó nhưng quá trình học đối với anh càng gian truân hơn vì ngày trước chưa có xe buýt từ nhà anh đến nơi học.
Để duy trì sự học trong tình cảnh khó khăn, người cụt tay như Khanh Rông phải kiên trì tập chạy xe đạp. Những ngày đầu tập xe, hai cánh tay cụt vừa phải bám chặt vào ghi đông để giữ thăng bằng, vừa phải sẵn sàng trong tư thế… phanh gấp.
Qua đoạn đường ổ voi, đọng sình lầy, không ít lần cả người và xe của Rông nhào xuống lộ, mình mẩy lấm lem như con trâu ngâm mình trong vũng sình trú nắng.
Khó là vậy nhưng Rông vẫn kiên trì, bất kể ngày mưa, tháng nắng, ngày ngày thầy giáo Rông vẫn kiên trì, bền bỉ đạp xe hơn 40km từ Thạnh Trị lên thị xã Sóc Trăng (nay là TP. Sóc Trăng) để học rồi sau này trở thành thầy giáo, họa sĩ.
Như trong cổ tích
Vượt lên chuỗi ngày đen tối trong cuộc đời, mơ ước trở thành họa sĩ của Rông cuối cùng cũng thành hiện thực ngoài cả sự mong đợi như trong chuyện cổ tích với logic kết thúc có hậu.
Thực hiện được niềm mơ ước cháy bỏng từ hồi còn tấm bé nên khi trở thành thầy giáo, Khanh Rông càng tận tâm, hăng say hơn với nghề. 49 tuổi đời với trên 22 năm giảng dạy, mong mỏi lớn nhất của Khanh Rông là truyền đạt hết cảm xúc nghệ thuật cho các em học sinh như muốn truyền lửa ước mơ, hoài bão một thời của chính bản thân anh.
Nhờ sự tâm huyết ấy mà nhiều học trò của anh đạt giải cấp huyện, tỉnh, nhiều em còn đến nhà nhờ anh luyện các môn năng khiếu để thi vào Trường Văn hóa nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
Lần giở lại mớ tranh sơn dầu cũ kỹ được lau chùi cẩn thận cất trong phòng ngủ, Khanh Rông khoe có một số bức từng dự triển lãm và đoạt giải lớn. Trong mớ tranh hỗn độn ấy, tôi phát hiện có một điểm chung lột tả cảnh sắc bình dị, đời thường của làng quê với những gam màu sáng.
Như bức “Vươn lên”, “Ấm tình thầy trò”, “Người Khmer vui hội Óc-om-bóc”… Dù không nói ra nhưng tôi biết, phần đời của anh được gởi gắm qua tranh.
Cảnh sắc làng quê tươi sáng, những người lành lặn tham gia vui hội ghe go…có lẽ cũng chính là những khát khao, mong mỏi từ trong sâu thẳm của con người tật nguyền, luôn cảm nhận cuộc sống hiền hòa, tươi đẹp như Khanh Rông.
Chiều tàn. Chút nắng yếu ớt quyện trong khói bếp nhà quê. Nhà ít cửa sổ nhưng sáng hơn nhờ phản chiếu của những bức tranh sơn dầu. Ánh sáng hiếm hoi ấy như phảng phất phần đời của Khanh Rông - phần đời gặp nhiều rủi ro, bất hạnh như “ngọn đèn cạn dầu”.
Nhưng ngọn đèn ấy vẫn không tắt, nghị lực vượt khó và niềm lạc quan của Khanh Rông như nhóm lửa cho những người cùng cảnh vượt lên số phận, sống yêu đời và hành động hữu ích…
Thầy Khanh Rông là một trong số những công dân tiêu biểu của xã này, không chỉ về mặt chấp hành tốt pháp luật, sống hòa đồng, tận tình giúp đỡ mọi người, chăm chỉ làm ăn phấn đấu thoát nghèo mà còn bởi ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống...
Xã mừng khi có một công dân như vậy - Ông Nguyễn Quốc Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị, nhận xét.
- Sông Đầm
[links()]