’Chị Dậu’ thời nay giữa lòng thành phố

10:17, Thứ sáu 26/10/2012

( PHUNUTODAY ) - 40 tuổi, lập gia đình được 8 năm, có 2 mặt con và cuộc sống bấp bênh trong túp lều dột nát là tất cả những gì chị Hoàng Thị Lài, tạm trú tại tổ 12, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng đang có.

Trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, hình ảnh chị Dậu ở cuối truyện chạy ra khỏi nhà Nghị Quế, lao vào đêm tối, cái đêm tối ấy được nhà văn ví như tiền đồ của chị. Những tưởng sẽ chẳng còn hình tượng chị Dậu nào có thể tồn tại trong xã hội ngày nay, ấy vậy mà gặp chị Lài giữa thành phố biển Đà Nẵng, chúng tôi ngỡ ngàng như gặp lại chân dung chị Dậu thuở nào trong văn chương trước Cách mạng.
[links()]
Lấy chồng khi đã bước vào tuổi “ế”, những tưởng cuộc đời sẽ đem lại cho chị niềm vui, hạnh phúc sau bao tháng ngày cơ cực từ quê ra phố mưu sinh. Nhưng sau ngày kết hôn, cuộc sống không những không tốt lên mà càng kéo chị gần hơn với đáy của sự khổ cực.

40 năm tuổi đời, lập gia đình được 8 năm, có 2 mặt con và cuộc sống bấp bênh trong căn lều dột nát mà chị gọi là nhà là tất cả tài sản mà chị Hoàng Thị Lài, tạm trú tại tổ 12, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng đang có.

“Chị Dậu” thời hiện đại

Căn lều của chị Lài tại tổ 12, Thanh Khê Tây
Căn lều của chị Lài tại tổ 12, Thanh Khê Tây

Hẹn đến mấy lần, phải chờ đến quá 12 giờ trưa tôi mới gặp được khi chị vừa xong việc, đón con về nhà. Phải cua đến 10 khúc cua từ đầu đường Dũng Sĩ Thanh Khê dẫn sâu vào cái xóm nhỏ hoang vắng đầy cỏ dại ở bàu Khe Cạn, tổ 12, mới vào đến “căn nhà” của chị.

Lối dẫn vào nhà ngập nước, có đoạn bùn non ngập sâu gần cả nửa bánh xe máy, đó là hệ quả của trận mưa chiều hôm trước để lại. Căn nhà của chị, chẳng khác gì căn nhà của chị Dậu thời trước sót lại, lọt thỏm trong cái xóm nhỏ hoang vắng này.

Đó thực sự là một túp lều rách nát với những tấm bạt tả tơi, bay phất phơ như trêu ngươi người chui ra chui vào cửa trước. Trước cửa nhà phơi mấy bộ đồ lao động “thâm niên” của người lớn, xen kẽ vài bộ đồ trẻ con, càng tăng thêm cảnh tiêu điều cho căn nhà của người đàn bà ngoài 40 tuổi khốn khổ.

Tôi ngồi nghe câu chuyện cuộc đời nhiều gian truân của chị trong căn lều rách nát đó, xen kẽ là tiếng khóc ré của thằng cu Tài đang bị phiêm phế quản cấp. Bên ngoài là tiếng gió quất từng hồi đập vào tấm bạt, cả căn lều run lên bần bật, nền nhà lấm tấm nước giột, nhỏ long tong…

Sinh ra tại một miền quê nghèo nàn ở Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), lớn lên, chị một thân vào Đà Nẵng để mưu sinh. Khi tuổi thanh xuân đã dần vơi, chị gặp anh Văn Viết Út (tổ 22, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) như một nhân duyên trời định.

Dù hơn anh đến 4 tuổi, nhưng hai người nên duyên mà ngay cả chị cũng nghĩ chỉ có duyên trời đặt mới có thể thành vợ thành chồng.

Bữa ăn đạm bạc của ba mẹ con chị Lài
Bữa ăn đạm bạc của ba mẹ con chị Lài

“Hồi trước vô tình gặp ổng sau đợt ổng làm phụ hồ cạnh nhà anh trai của chị dâu. Sau đó lời qua chọc lại, rồi ổng theo riết. Một lần vô tình đụng đầu nhau giữa đường sau một thời gian dài không liên lạc, như cơ duyên trời định vậy, rồi ổng “bám rễ” cho đến khi chị đồng ý yêu rồi cưới”, chị Lài tâm sự.

Không lâu sau, bé Văn Thị Thanh Tần (2005) ra đời, cuộc sống khó khăn càng thêm chồng chất. Bị nhà chồng hắt hủi, chị buộc phải cùng chồng trở lại tổ 12 phường Thanh Khê Tây dựng túp lều tạm trên mảnh đất nông nghiệp mà năm 2005 chị được gia đình một người bạn ưu ái cho “mua trả góp” 50m2 đất với giá 8 triệu đồng.

“Cũng chẳng biết là đất thuộc quy hoạch, mãi đến năm ngoái (2011) mới trả xong cho người ta. Rồi cũng năm 2011, lên dựng tạm cái lều để ở, chứ ở nhà chồng nguy cơ phải ra đường là không tránh khỏi. Thế rồi, người ta dỡ nhà, hết lần này đến lượt khác, bảo là xây dựng trái phép”.

Không “tấc đất cắm dùi”

Chồng làm thợ “đụng”, chị làm nghề giúp việc thời vụ cho người ta, cũng bấp bênh không kém. Mọi việc trong nhà gần như một tay chị phải lo toan. “Có đợt 5-6 tháng anh ấy chẳng mang về cho mẹ con tui một xu. Cũng bởi không có việc, anh ấy lại thật người đến khù khờ, nên chẳng linh hoạt mà xoay xở giúp cho vợ con”, chị kể tiếp.

Sau lần “dựng liều” nhà để ở vào tháng 10/2011, gia đình chị về quê ngoại để giỗ mẹ, trở vào thì Đà Nẵng đang mưa lớn. Chưa kịp dọn dẹp lại đồ đạc, giường chiếu bị nước cuốn trôi ra khỏi nhà thì nhận được thông báo lên phường họp về việc xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp nằm trong vùng quy hoạch.

Sau cuộc họp ít hôm, chị có giấy thông báo của phường, rồi một lần cả hai vợ chồng đang đi làm thì nhận được điện thoại của đội quy tắc phường thông báo sẽ tiến hành tháo dỡ nhà. Chưa kịp trở về thì nhà cửa đã bị đội quy tắc phường cuốn gọn lên xe.

Sau khi khóc lóc van xin họ cũng trả lại cho, được bà con chòm xóm quyên góp cho 700 ngàn đồng, chị lại “liều” dựng lại để sống qua ngày, che chở cho hai đứa con nhỏ suốt ngày đau ốm: “Hai vợ chồng sao cũng được, nhưng tụi nhỏ, tội lắm”!

Nhưng cũng chẳng được tày gang, một lần nữa đội quy tắc phường Thanh Khê Tây tiến hành tháo dỡ và “dứt tình”, chỉ trừ lại căn lều trơ khung.

Chị cho biết, khi bị lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ nhà, chị cũng đã nhiều lần lên phường, rồi quận Thanh Khê xin cho phép được tồn tại căn lều rách nát để gia đình trú tạm qua ngày, khi Nhà nước có nhu cầu thu hồi sẽ trả lại nguyên trạng nhưng không được chấp nhận.

Rồi chị mua, xin bạt về phủ lên khung nhà ấy và sống. Rồi dần dần, chồng chị đi làm thợ nề, xin nhà người ta vài tấm tôn cũ về lợp, phủ kín cả mái nhà.

“Giờ vào mùa mưa rồi, những đêm mưa gió không sao dám chợp mắt. Phần vì nước dột, phần vì gió rít ghê quá, cứ phải thức canh cho hai đứa nhỏ ngủ, lỡ may có sập nhà thì còn tỉnh mà bế con chạy cho kịp”, chị kể.

Ông Nguyễn Văn Hóa, tổ trưởng tổ 12 kể, dù chị Lài chỉ tạm trú ở đây, nhưng hiểu hoàn cảnh khó khăn của chị nên mỗi khi có từ thiện, cấp phát gạo gì tổ đều ưu tiên, không hộ nào có ý kiến. Bà con còn quyên góp gạo giúp chị nuôi các cháu.

Tôi chứng kiến bữa cơm đạm bạc, có cá đấy, nhưng mà là “cá của người chủ nhà tui phụ họ lau dọn, cơm nước rồi họ cho mang về ăn đấy”, chị lý giải mà lòng cay đắng. Hai đứa trẻ ngây thơ nhìn khách lạ cứ làm dáng, cười để được chụp hình. Người mẹ đứng sau vội vã ngoảnh mặt, che giọt nước mắt lăn xuống gò má đen sạm vì mưu sinh.

Rời căn lều của chị khi đã xế chiều. Con đường hằn lên vết bánh xe qua lại. Sau lưng tôi, hai đứa nhỏ ngó mắt nhìn theo, bóng chị Lài mờ khuất mà hình ảnh chị cứ ẩn hiện trong tâm trí. Không biết rồi đời chị và những đứa con nhỏ sẽ đi về đâu?

  • Linh Linh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc