(Đời sống) - Sáng 2/7, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận cho biết một tàu đánh cá của huyện đảo Phú Quý vừa bị chìm tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Tàu cá đang neo đậu tại cảng Phú Quý. Ảnh minh họa. |
TTXVN cho biết 18 trong tổng số 19 thuyền viên trên tàu đã được cứu sống kịp thời, chỉ còn 1 người vẫn đang mất tích.
Chiếc tàu đánh cá của ông Trần Hùng, mang số hiệu BTh 996, mất liên lạc với đảo Phú Quý vào lúc 9 giờ ngày 28/6 khi đang trên đường về và cách đảo Phú Quý khoảng 100 hải lý. Đến chiều 1/7 tàu Quãng Ngãi số hiệu QNg 90079 thông báo đã vớt được 18 người trên tàu nói trên, một người vẫn mất tích.
Ông Nguyễn Văn Linh cho biết, theo thông tin ban đầu tàu Phú Quý BTh 996 bị chìm khi đang trên đường trở về đảo. Nguyên nhân tàu chìm hiện vẫn chưa xác định. 18 người được vớt sẽ được tàu QNg 90079 đưa về Trường Sa.
Huyện đảo Phú Quý đã thông báo cho các tàu đánh bắt trong khu vực tích cực tìm kiếm người còn lại.
Trước đó, ngày 6/5 truyền thông Trung Quốc loan tin một tàu ngư chính của nước này đã ngang nhiên sử dụng vòi rồng để xua đuổi một tàu cá tại khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tường thuật trên website của tờ Nhân dân Nhật báo nói tàu Ngư chính 45001 của Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một tàu được mô tả là tàu nước ngoài song không nói rõ thời điểm xảy ra vụ việc và chiếc tàu cá bị xua đuổi là của nước nào.
Một tàu cá bị bắn vòi rồng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Kèm theo tường thuật là một bức ảnh chụp cảnh chiếc tàu cá bị bắn vào rồng ở khoảng cách gần. Trong bức ảnh, số hiệu của chiếc tàu cá đã được làm mờ đi. Theo truyền thông Trung Quốc, chiếc tàu cá đã phải rút lui khỏi khu vực sau khi bị xua đuổi bằng vòi rồng.
Cũng trong ngày 6/5, Tân Văn xã loan tin một đội tàu cá gồm 32 chiếc của Trung Quốc đã xuất phát từ đảo Hải Nam hướng về quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt phi pháp.
Đêm 10/5 rạng sáng 11/5 đội tàu cá Trung Quốc 32 chiếc này đã bắt đầu xâm phạm vùng lãnh hải chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa. 2 phóng viên tờ China News đi theo đội tàu cá cho biết, khoảng hơn 3 giờ 10 phút sáng 11/5, một "tàu công vụ nước ngoài" đã áp sát đội hình 32 tàu cá Trung Quốc, rọi đèn, quay phim, chụp ảnh ghi lại bằng chứng hoạt động (trái phép) của các tàu cá Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa. Trong số này có 1 tàu đảm bảo hậu cần, kỹ thuật cỡ lớn, 4000 tấn.
Tiếp đó, ngày 21/5, một tàu ngư chính của Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để thực hiện cái gọi là “bảo vệ” 32 tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động tại đây.
Tàu ngư chính 311 đến vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 18/5, theo Tân Hoa xã ngày 20/5.
Theo Tân Hoa xã, tàu ngư chính 311, có trọng tải 4.000 tấn, là một trong những tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc và được trang bị nhiều thiết bị tối tân, chịu trách bảo vệ các tàu cá Trung Quốc và thực hiện công tác cứu hộ trên biển.
Một số ngư dân Trung Quốc có mặt tại Trường Sa cho Tân Hoa xã biết họ cảm thấy tự tin hơn trước sự hiện diện của tàu tuần tra này.
Trong thời gian qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
- Mỹ Thơm (Tổng hợp)