(Phunutoday) - Lấy chồng Việt kiều, chồng ngoại là mơ ước của nhiều cô gái ở một số vùng quê. Thực tế nhiều cô đã hạnh phúc với ước mơ ấy, nhưng cũng không ít cô phải ngậm đắng nuốt cay cho đời hồng nhan bạc phận của mình. Mà chuyện ra tòa ly dị chỉ sau vài ngày kết hôn giờ không phải hiếm.
Theo các thẩm phán Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng thì từ năm 2006 đến nay, Tòa án này đã thụ lý xét xử cả trăm vụ ly hôn có nhân tố nước ngoài. Đặc điểm chung của các vụ ly hôn này là khi xét xử chỉ có nguyên đơn, quá trình thụ lý không thể hòa giải vì một bên ở nước ngoài, đa số không có tài sản chung nên chỉ giải quyết được vấn đề hôn nhân. Còn các trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con, trả nợ nần… về phía người chồng, người vợ nước ngoài xem như chuyện quá xa vời!
Giấc mơ lấy chồng Việt kiều và những cuộc hôn nhân... 7 ngày
Giấc mơ lấy chồng Việt kiều và những cuộc hôn nhân... 7 ngày
Một vụ, rồi hai vụ ly hôn đã được giải quyết nhưng cô gái vẫn còn ngồi lại. Thì ra cô đang chờ đến lượt mình cũng để giải quyết ly hôn với người chồng là Việt kiều đang ở nước ngoài. Cô là Võ Thị B.L (SN 1983, trú ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Cuộc hôn nhân của cô với anh Đặng Quốc Bình (SN 1974), Việt kiều Canada trên danh nghĩa thì đã được 2 năm, nhưng cuộc sống vợ chồng trong thực tế chỉ có... 7 ngày.
Họ kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký tại Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng. Sau khi cưới, vợ chồng ở với nhau được vỏn vẹn đúng một tuần, thì anh Bình quay về Canada để tiếp tục công chuyện làm ăn với lời hứa sẽ lo thủ tục bảo lãnh cô sang. Thời gian đầu, vợ chồng vẫn thường xuyên gọi điện cho nhau với những lời lẽ nồng nàn đầy yêu thương tha thiết, nhưng rồi sự xa cách đã làm phai nhạt tình cảm của hai trái tim ở cách nhau nửa vòng trái đất.
Bao yêu thương nồng ấm ngọt ngào ban đầu dành cho nhau qua những cuộc điện thoại ngày ngày đã bị cái quy luật “xa mặt cách lòng” dần dần làm xói mòn. Và đến lúc cả hai không vượt qua được những thử thách của thời gian cũng như điều kiện xa xôi cách trở. Rồi những cuộc điện thoại, lời nói âu yếm ngọt ngào cứ thưa dần trong nỗi nhớ.
Tuy chỉ qua những cuộc điện thoại, nhưng giữa họ đã bộc lộ nhiều bất đồng về quan điểm sống để rồi phát sinh mâu thuẫn. Sự chấm dứt của cuộc hôn nhân chóng vánh, bắt đầu bằng việc anh Bình gửi đơn đến Tòa án Nhân dân TP.Đà Nẵng xin ly hôn.
Ở nơi chị L sinh sống, việc lấy chồng Việt kiều khiến chị cảm thấy hãnh diện, và nó cho chị được quyền hy vọng có một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng lúc chồng chị đưa đơn ly hôn, thì đối với chị L nó như một dấu chấm hết cho biết bao ước vọng đến ngày bay qua trời Tây, cũng như khiến chính chị và gia đình phải mất mặt trước bà con, hàng xóm.
Dù biết khó cứu vãn nhưng còn nước còn tát, B.L và gia đình cố gắng hàn gắn níu kéo. Chị gọi điện cho chồng khóc lóc năn nỉ. Nhưng mối quan hệ của họ như dòng nước trôi tuột qua cầu. Không có một mối ràng buộc nào, con cái cũng không. Do vậy, dù chị L có bao cố gắng nhưng quan hệ của họ vẫn không cải thiện được. Cuối cùng, chị L đành phải chấp nhận chia tay vì chị biết rằng tình cảm của chồng đã không còn một chút gì dành cho mình nữa.
Cuộc hôn nhân kết thúc đắng cay đến mức, chị L muốn gặp mặt lần cuối để chia tay với chồng cũng không được. Chồng chị gởi đơn chấm dứt hôn nhân đến tòa nhưng lại vắng mặt trong phiên xử. B.L đến tòa một mình với nỗi buồn lặng lẽ. Khi nghe tòa tuyên bố chấp nhận ly hôn, chị L mới thảng thốt nhận ra rằng, mình đã quá mơ mộng hão huyền về chồng Việt kiều, quá vội vàng khi yêu và cưới.
Một cuộc hôn nhân mang mơ ước chồng Việt kiều cũng chỉ kéo dài được 7 ngày khác là trường hợp cô Ngô Thị M.T (SN 1982, ngụ phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Trong những ngày về thăm quê hương, chàng Việt kiều Mỹ Bùi Ngọc Tuấn và chị M.T đã phải lòng nhau. Tình yêu nhanh chóng quyện chặt “nghĩa trăm năm” giữa hai người với cuộc kết hôn theo phong tục truyền thống.
Sau 7 ngày chung sống tại nhà mẹ của M.T thì Tuấn phải quay trở lại Mỹ. Cái gì chóng đến thì cũng chóng đi. Những cuộc gọi tâm tình cứ thưa dần theo năm tháng và rồi Tuấn không thư từ, không quan tâm lo lắng gì đến cuộc sống lâu dài của hai vợ chồng. Gởi cánh thư đi, M.T trông đợi từng ngày nhưng chẳng thấy chồng hồi âm. Những cú điện thoại cũng chẳng nhận được tín hiệu đáp từ. Có lúc đầu dây bên kia trả lời thì chị M.T còn nghe chồng xẵng giọng với những lời không còn mặn nồng như thuở ban đầu hẹn ước.
Nhận thấy quan hệ vợ chồng không bền vững, mịt mờ tương lai nên chị M.T đã chủ động xin được ly hôn. Trong thư từ Mỹ gửi về, Tuấn cũng thống nhất như M.T trình bày và đồng ý kết thúc hôn nhân. Họ chưa có con chung, tài sản chung, Tuấn lại ở bên Mỹ nên khi ra tòa chỉ có M.T lủi thủi một mình. Sau phiên tòa, M.T đã là người tự do, có thể kiếm tìm hạnh phúc mới cho mình. Nhưng trái đắng đầu đời này cũng giúp cho M.T có cái nhìn, cách nghĩ chín chắn hơn.
Có thể nói cái mác Việt kiều luôn là sự hấp dẫn đối với các cô gái có mộng đổi đời, nhưng rất nhiều cô đã phải ôm hận vì trái tim đặt lầm chỗ. Trường hợp chị Đào Thị H.N (SN 1984, ngụ Phường Thanh Khê Tây, Quận Thanh Khê) là điển hình. H.N và anh Đồng Đăng Huy (SN 1982) Việt kiều Canada có cuộc sống vợ chồng được lâu hơn những trường hợp trên, nhưng cũng chỉ vẻn vẹn có… 30 ngày. Hai người kết hôn, lễ cưới được tổ chức linh đình theo phong tục Việt Nam.
Sau khi chung sống với nhau được một tháng thì Huy về Canada để tiếp tục công việc. Cũng như những cặp vợ Việt chồng Tây khác, thời gian đầu vợ chồng vẫn giữ tình cảm ngọt ngào tha thiết qua những cuộc điện thoại. Nhưng không hiểu sao chỉ một thời gian ngắn sau đó, Huy đã lạnh lùng cắt đứt liên lạc, 3 năm liên tiếp không gọi điện hay thư từ.
Tìm hiểu qua người chị họ đang định cư ở Canada, H.N đã tìm được địa chỉ mới của chồng và liên lạc nhưng Huy vẫn không trả lời. Lúc ấy chị N mới hiểu rằng lời hứa bảo lãnh cho chị sang Canada đoàn tụ của người chồng hờ là không bao giờ có thật.
Trong quá trình thụ lý giải quyết, Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng xét thấy cuộc hôn nhân này chỉ tồn tại về mặt pháp lý mà không có hạnh phúc thật sự. Theo vị Thẩm phán, giữa chị N và anh Huy mỗi người sống một nơi, không quan tâm chăm sóc nhau, không có tài sản chung hoặc con chung, mục đích hôn nhân không đạt được, trong khi bản thân chị N còn trẻ, cũng cần xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc cho riêng mình nên đã chấp nhận cho ly hôn. Nghe những lời phán quyết, N rời phiên tòa mà lòng trĩu nặng nỗi buồn.
(Kỳ II: Ngán ngẩm thói hoạn thư của rể ngoại)
Kim Thanh Nghị