(Con cái) Chồng tôi còn chưa lo nổi thân mình, thân còn đi ở nhờ nhà bố mẹ vợ vậy mà anh ta kiên quyết phải nuôi cha mẹ già bằng được.
Quê chồng tôi ở Thái Bình, anh là con trai út trong nhà. Bố mẹ chồng tôi mới ngoài 60 tuổi nhưng lúc nào chồng tôi cũng sợ bố mẹ ốm mà mình không ở bên chăm sóc nên anh chọn cách đưa bố mẹ ra Hà Nội ở cùng dù bản thân anh còn đi ở nhờ nhà bố mẹ vợ.
Tôi và chồng tôi kết hôn năm 2007. Dù anh là trai tỉnh lẻ nhưng bố mẹ tôi rất yêu quý anh coi anh như con trai trong nhà. Thậm chí, vợ chồng tôi không có nhà ở, mẹ tôi đã cho mượn hẳn một căn hộ để ở. Căn hộ này là của anh trai tôi mua nhưng vợ chồng anh định cư ở nước ngoài nên căn hộ chỉ để cho thuê. Thấy con gái đi ở nhà thuê, bố mẹ và anh chị tôi cho chúng tôi đến ở nhờ.
Vợ chồng tôi cũng có một khoản tiền tích cóp đặt mua một căn hộ chung cư khác nhưng kinh tế khó khăn nên đã hơn 2 năm trôi qua, căn hộ của chúng tôi mua vẫn ở trên giấy. Công việc của vợ chồng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì cả hai đứa cùng làm trong ngành tài chính.
Biết bao khó khăn chồng chất khó khăn, chồng tôi còn đèo bòng thêm khi anh tự ý về quê đưa bố mẹ lên thành phố ở với vợ chồng tôi. Ban đầu, chồng tôi nói chỉ đưa ông bà lên mùa rét vì ông bà đều bị cao huyết áp nên không yên tâm về sức khỏe của họ. Thế rồi, hết mùa rét tôi cũng không thấy chồng tôi đả động gì đến chuyện đưa bố mẹ về quê.
Bố mẹ đẻ tôi thì rất ủng hộ việc ông bà lên ở với con trai. Mẹ tôi nói rằng nhờ có ông bà nội mà tôi yên tâm đi làm từ sáng đến tối, hai đứa con nhỏ đã có ông bà lo. Nhưng tôi nói thật, tôi chẳng thấy tiện ở chỗ nào mà chỉ thấy hàng trăm cái bất tiện đè lên.
Chồng tôi muốn kéo bố mẹ ở rể cùng mình |
Căn hộ chúng tôi đang ở nhờ chỉ có hai phòng ngủ, phải nhường ông bà một phòng nên vợ chồng và hai đứa con chen chúc vào phòng ngủ 14 m2.
Lúc nào chồng tôi cũng sợ bố mẹ tôi buồn nên anh tìm đủ thứ trò vui mang về cho bố mẹ trong khi tôi mệt mỏi thì anh chẳng đoái hoài.
Tôi cảm thấy khó chịu vì chồng tôi được đằng chân lân đằng đầu. Anh cho rằng chăm sóc cha mẹ già là nghĩa vụ của con trai trong nhà. Hơn nữa, các anh của anh đều công tác xa nên trách nhiệm của anh càng lớn. Đôi lần, tôi thấy bố mẹ chồng tôi cũng có ý định về quê nhưng anh kiên quyết giữ lại. Anh nói "đằng nào con cũng mang tiếng ở rể rồi. Bố mẹ cứ ở đây với con, với cháu. Khi nào có nhà mới, cả nhà chuyển về nhà mới ở".
Nghe chồng tôi nói thế, tôi chỉ muốn hét lên rằng "anh muốn có hiếu với bố mẹ anh nên kéo họ đi ở rể cùng anh sao?" nhưng tôi đành nhịn cho êm cửa êm nhà. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ lắm chứ mỗi khi anh trai tôi gọi điện hỏi thăm tôi lại kèm theo câu hỏi "ông bà nội Tít về quê chưa?" Tôi nghĩ, anh chị tôi cũng đang cười tôi đi ở nhờ còn đèo bòng thêm bố mẹ chồng.
Nhiều lần, tôi nói với chồng rằng "ở đây nóng lắm, anh đưa ông bà về quê cho thoáng". Chồng tôi lại gạt đi "nắng nóng này mới nguy hiểm. Ở quê mất điện thường xuyên, ông bị tăng huyết áp và mỡ trong máu, sơ suất cái là nguy hiểm lắm. Bố mẹ ở đây anh mới yên tâm". Tôi hét lên rằng "anh không biết liêm sỉ sao? anh còn đi ở nhờ mà còn muốn cả bố mẹ cùng ở rể với mình, anh phải giữ cho em chút sĩ diện với nhà em, họ hàng em chứ".
Chồng tôi cho rằng vợ mình ích kỷ. Anh không muốn bố mẹ mình buồn nên anh nói với họ nhà chung cư chúng tôi đang ở là anh thuê chứ không phải ở không. Vậy mà, tôi lại cố tình bới nỗi buồn cho bố mẹ.
Tôi không hiểu, đâu cứ phải đưa bố mẹ lên phố, ở gần bố mẹ mới là có hiếu. Tôi sẵn sàng thuê một người giúp việc chăm sóc ông bà ở quê còn hơn phải sống chung với ông bà trên thành phố. Vậy mà, chồng tôi khăng khăng cho rằng phải tự tay chăm bố mẹ mới có tình. Đọc bài về chữ hiếu thời hiện đại, tôi thấy băn khoăn không biết mình đúng hay sai. Nhưng tôi nghĩ rằng không cần đưa bố mẹ lên phố ở cùng mới là có hiếu.
- Nguyễn Hoàng Anh (Mỹ Đình, Hà Nội)