Chữ hiếu thời hiện đại:Con đánh mẹ vì làm ăn thất bát

07:28, Thứ bảy 29/06/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) Thấy con trai mất nhiều tiền, bà Hiên xót của nên hay than vãn "con cứ nghĩ kiếm tiền dễ lắm, mất cả chì lẫn chài rồi". Nghe mẹ than vãn Ngữ hay quắc mắt lên quát "bà có im đi không, tôi đau đầu lắm rồi"

(Con cái) Không chịu được người mẹ nói nhiều và hay ca thán, Ngữ đã ra tay tát mẹ. Cái tát của đứa con dứt ruột đẻ ra khiến người mẹ già nghẹn đắng cổ muốn tìm đến cái chết.

Bán nhà cho con chơi chứng khoán

Đây là trường hợp của một khách xin tư vấn của trung tâm tâm lý An Việt Sơn, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn nhớ mãi câu chuyện về cặp vợ chồng già mới theo con tra từ quê ra thành phố ở. Sau một thời gian chán ngán với thành thị, ông bà muốn bỏ về quê cũng khó vì ruộng đất, nhà cửa không còn. Bí quá, hai ông bà muốn bỏ đi cũng không xong.

Vào một ngày trời hè nóng bức oi ả, ông Chất tiếp hai vợ chồng người khách già đến khắc khổ. Ngươi chồng tên là Liêm, người vợ tên Hiên. Hai ông bà tuổi đã gần 70, quê ở một huyện trung du Phú Thọ nhưng sống trước đó ở thành phố Việt Trì. Câu chuyện ông bà kể khiến người tư vấn lâu năm như ông Chất cũng ám ảnh. Hiểu tâm lý tuổi già nhưng ông cũng phải thở dài vì đúng là không cái dại nào bằng cái dại nào.

Ông Liêm và bà Hiên làm công nhân nhà máy đóng tàu sông Lô. Sau năm 1990, ông bà nghỉ hưu theo chế độ mất sức nên gia đình chỉ trông mong vào ruộng vườn. Từ đầu năm 1990, hoàn cảnh ông bà khó khăn nhưng được ba người con đứa nào cũng học giỏi. Người con trai lớn của ông bà học ngành cơ khí đóng tàu còn được cử đi học ở Nga. Sau đó về Hải Phòng công tác còn người con gái học sư phạm về làm giáo viên tại Vĩnh Phúc. Duy chỉ có cậu con trai út tên Ngữ sinh năm 1974 học khoa Địa chính trường ĐH Tự nhiên Hà Nội. Sau khi ra trường, Ngữ ở lại Hà Nội làm nhân viên phòng địa chính đo đạc ở một phường ven đô.

Công việc địa chính an nhàn mà bổng lộc nhiều nhưng Ngữ vẫn không thay đổi tính nết. Cậu vẫn được đánh giá là ngoan hiền và hiếu thảo. Ông bà Liêm ngày càng già yếu, nhất là căn bệnh thoái hóa cột sống của ông Liêm khiến thi thoảng ông lại cứng người ra không cử động được. Muốn báo ơn cha mẹ, Liêm về bàn với bố mẹ chuyển xuống Hà Nội ở với con cháu.

Thời gian đầu, ông bà không muốn xuống Hà Nội nhưng cả ba người con mỗi người một xứ nên đắn đo lắm, ông bà khóa cửa nhà xuống thủ đô với con cháu. Năm 2008, Ngữ và bạn mở chung công ty tư vấn và đo đạc địa chính. Thiếu vốn cổ phần, Ngữ khuyên bố mẹ già bán ruộng vườn ở quê để cậu lấy tiền kinh doanh. Ban đầu, ông Liêm phản đối vì cho rằng đất không phải của tổ tiên nhưng vẫn muốn giữ làm chốn đi về sau này. Ông lo, khi mình sang thế giới bên kia không có chỗ thờ cúng. Ở Hà Nội chẳng bền lâu, nay ở chỗ này, mai có thể cả nhà chuyển đi chỗ khác.

Tức mẹ hay than vãn, con trai hạ tay tát mẹ. Ảnh minh họa
Tức mẹ hay than vãn, con trai hạ tay tát mẹ. Ảnh minh họa


Thấy con lao đao vay tiền ngân hàng, ông bà xót ruột đành về quê bán ruộng, vườn, nhà cửa. Bán xong đất, ông Liêm cho người con cả một ít, cô con gái một phần còn lại ông bà bù phụ hết cho con út. Các cụ nói "giàu con út, khó con út". Gần 1 tỷ đồng bố mẹ già đưa cho, Ngữ đem nướng vào chứng khoán. Câu mê chứng khoán vì nghĩ nó có thể hái ra tiền nhưng không ngờ chưa đây 1 năm sau vốn đó không còn. Công ty ít khách cũng đành im lặng đóng cửa.

Hết tiền chê bố mẹ nhếch nhác

Mất tiền, Ngữ sinh ra cáu bẳn. Vợ Ngữ cũng chẳng hiền lành gì khi cứ mở miệng ra là nhắc Ngữ về khoản tiền cậu đã đốt vào chứng khoán. Thấy con trai mất nhiều tiền, bà Hiên xót của nên hay than vãn "con cứ nghĩ kiếm tiền dễ lắm, mất cả chì lẫn chài rồi". Nghe mẹ than vãn Ngữ hay quắc mắt lên quát "bà có im đi không, tôi đau đầu lắm rồi", bà Hiên đành quay đi.

Còn ông Liêm, chán cảnh con dâu và con trai hay to tiếng vì tiền, ông bỏ về Hải Phòng ở với con trưởng. Nhưng về với con trưởng cũng chẳng ở yên vì người con dâu cả hay bóng gió chuyện "ông bà bán đất cái gì cũng dồn cho chú út, giờ chú út sa cơ lại bỏ về với con cả, chạy mỏi chân rồi cái gì cũng vào tay thằng trưởng thôi". Ông chỉ còn biết cắn răng "mình già rồi còn sống được bao lâu mà đôi co với con cái chỉ thêm dại miệng".

Mình bà Hiên ở với con út, bà nhớ chồng, nhớ ngôi nhà ở quê có rau, có gà, có vịt. Mỗi buổi chiều ông lại hai tay hai xô nước xách từ giếng lên cho bà tưới rau. Bà thèm cuộc sống ấy biết bao. Một lần nhà có khách sang, bà Hiên không biết nên chỉ mặc bộ quần áo tuềnh toàng. Ngữ nhìn thấy mẹ mặc áo xấu cậu kéo bà vào trong "bà ngồi đây tôi nhờ, nhìn dáng bà ăn mặc thế này người ta khinh tôi đấy". Những tưởng, Ngữ chán mẹ nghèo nên bạo hành bà về tinh thần. Bà Hiên mất ngủ liên miên.

Một hôm, bà đòi Ngữ chở sang bến xe Gia Lâm để bà đi về nhà con cả chơi. Vợ chồng Ngữ đùn đẩy không ai muốn đưa mẹ đi. Ngữ ném vào mặt mẹ 100 nghìn bảo bà ra bắt xe ôm. Thấy con ném tiền, bà Hiên nóng mắt vì hết chịu nổi đứa con cưng của mình. Bà lớn tiếng mắng Ngữ "mẹ cho mày ăn học đàng hoàng để mày ném tiền vào mặt mẹ thế à. Bố mẹ bán hết nhà cửa vì mày, giờ chả còn chỗ mà nương thân phải đi ở nhà mày vẫn không thương bố mẹ sao?"

Nghe mẹ nói thế, vợ Ngữ đôi co tiền bán đất chia ba. Còn Ngữ xông tới xô bà Hiên với khẩu ngữ "bà im mồm đi". Tranh cãi mẹ con chưa dừng hẳn khi Ngữ thẳng tay tát mẹ chồng vì cái tội "nói lắm thế, làm tôi đau đầu".

Từ ngày lấy chồng, bà chưa một lần bị ai tát vậy mà đứa con bà thương yêu bao năm nay hạ tay tát mẹ. Bà Hiên không khóc mà chỉ lặng lẽ vào trong căn phòng. Chưa bao giờ căn phòng của bà lạnh lẽo đến vậy. Bà bị sốt, bà nằm nhịn đói hơn một ngày con trai cũng không hỏi han gì đến mẹ. Bà nghĩ lại cái lúc nó về quê thuyết phục bố mẹ lên thành phố với con sao mà ngọt ngào thế. Vậy mà, sa cơ con trai nỡ quay lưng lại với bố mẹ của mình.

Không chịu được con út, bà gói quần áo bỏ về nhà con gái ở Vĩnh Phúc. Nửa tháng sau, ông Liêm cũng về đó tìm bà. Hai ông bà bơ vơ không biết đi đâu bởi trời rộng mà không có mảnh đất cắm dùi. Ở cái tuổi ông bà cần có nhau để cùng chăm sóc thì lại không có mái nhà để ở chung. Bí bích, tâm sự với cô con gái. Người con gái làm giáo viên cũng không biết nên chia sẻ với bố mẹ của mình như thế nào. Cô đành tìm hiểu rồi đưa bố mẹ đến tìm nhà tâm lý để ông bà được thoải mái đầu óc và tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất lúc đó.

  • Nguyệt Thu

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc