Báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước về diễn biến thị trường tiền tệ tuần 21-25/4 cho thấy lãi suất liên ngân hàng qua đêm, tuần 1, tuần 2 giảm mạnh so với trước. Nhưng với động thái hút ròng 19.720 tỷ đồng trên thị trường mở của Ngân hàng nhà nước, giới phân tích cho rằng lãi suất ngắn hạn có thể tăng trở lại trong các phiên giao dịch tuần này.
Sáng ngày 29/4, NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng thêm 12 đồng, lên mức 23.960 đồng/USD. Tỷ giá mua – bán tại Sở giao dịch NHNN cũng được nâng nhẹ, lên mức 23.762 - 26.158 đồng/USD.
Đáng chú ý, trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND đã tiệm cận mốc 26.500 đồng/USD, tương đương mức tăng gần 4% chỉ trong tháng 4. Sự gia tăng mạnh này cho thấy áp lực tỷ giá đang hiện hữu, đặt ra nhiều thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Lựa chọn khó khăn giữa tỷ giá và lãi suất
Việc điều hành tỷ giá và lãi suất luôn là bài toán cần cân não đối với bất kỳ ngân hàng trung ương nào. Để kiểm soát tỷ giá, thường cần tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất cao lại tạo áp lực lên hoạt động sản xuất – kinh doanh và đặc biệt gây khó khăn cho thị trường bất động sản – vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng.
Dù vậy, đồng nội tệ yếu vẫn mang lại lợi thế xuất khẩu cho nền kinh tế. Trong thời gian qua, NHNN đã kiên định duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch và ổn định sản xuất.
Dự báo lãi suất tăng trở lại
Với những diễn biến gần đây của kinh tế thế giới, nổi bật nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành chính sách thuế đối ứng lên các quốc gia, tình hình kinh tế vĩ mô thế giới càng biến động khó lường, khiến cho những dự báo đều trở nên lỗi thời.
Bất ổn của kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng đến kinh tế trong nước là nhận định của ông Nguyễn Cảnh Anh, Chủ tịch HĐQT Eximbank. Trong lĩnh vực ngân hàng, bất ổn đó có thể dẫn đến lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cao, kể cả lãi suất trên thị trường quốc tế; rủi ro tỷ giá tăng khó lường, lạm phát cũng tăng lên.
Theo ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng MB, năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành khoảng 100-300 triệu USD trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế. Nhưng lãi suất USD đang cao hơn cả lãi suất VND nên MB phải lựa chọn thời điểm phù hợp.
“Vốn của MB là không thiếu, vốn trong nước đang rẻ nên chúng tôi đang tận dụng nguồn lực từ trong nước. Đến thời điểm phù hợp, chi phí phù hợp sẽ phát hành trái phiếu xanh”, ông Ánh cho hay.
Còn ông Jens Lotter, Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, nhận định, sức ép cạnh tranh giữa các NHTM ngày càng trở nên khốc liệt. Ngân hàng NHà nước kêu gọi các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, nên mặt bằng NIM - một chỉ báo về khả năng sinh lời và tăng trưởng của các ngân hàng sẽ có xu hướng đi xuống. Vietnamnet dẫn phát biểu của ông: “Techcombank sẽ phải tuân theo mặt bằng lãi suất chung, không thể đơn phương nâng lãi suất huy động cao hơn thị trường. Không chỉ giảm lãi suất cho vay, chúng tôi còn giảm lãi suất huy động để góp phần tạo động lực tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế”.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank, với áp lực về lãi suất huy động và cho vay khi cố gắng chia sẻ những khó khăn với khách hàng, ngân hàng vẫn xây dựng phương án bảo vệ NIM tiếp tục tăng trong năm nay.
Cạnh tranh lãi suất huy động trở lại
Thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã nỗ lực giữ ổn định hoặc hạ lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, áp lực huy động vốn trung – dài hạn vẫn rất lớn, khiến một số ngân hàng buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn.
Từ sau cuộc họp ngày 25/2 của NHNN với hệ thống ngân hàng, đã có 29 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1% đến 1,05%/năm. Tuy nhiên, sang tháng 4, xu hướng giảm chững lại khi chỉ còn 9 ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất, trong đó có VPBank, MB, Eximbank, Nam A Bank và Techcombank.
Ngược lại, một số ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn, như GPBank, Agribank, MB, Eximbank.