Chuyện anh hùng Vừu– người viết nên huyền thoại Tây Nguyên

14:00, Thứ ba 07/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Câu chuyện về anh hùng Vừu, về lòng kiên trung, quả cảm của ông tựa như suối nguồn bất diệt đi qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử vẫn dữ dội, cuộn trào chảy xiết trên mảnh đất quê hươnghellip;

Về làng Đăk Sơ Mei, bên chén trà nồng đượm, đặc sánh, nóng ran nghi ngút khói, lắng nghe người già ngâm nga trong từng âm sắc về trang sử hào hùng của Tây Nguyên, một người trẻ như tôi bừng lên những cảm xúc lạ lùng về những con người bình dị mà vĩ đại của thời kỳ “đất nước đứng lên” ấy. Câu chuyện về anh hùng Vừu, về lòng kiên trung, quả cảm của ông tựa như suối nguồn bất diệt đi qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử vẫn dữ dội, cuộn trào chảy xiết trên mảnh đất quê hương…
[links()]
Một dịp tới thăm phòng truyền thống của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, tôi sững sờ trước một bức tượng tạc một người đàn ông đóng khố, không có tai, đôi tay không lành lặn, nhưng đôi mắt rực lửa, ánh lên tia nhìn dữ dội, quyết liệt song tận cùng là ánh mắt hiền từ, độ lượng.

Cán bộ hướng dẫn xúc động giới thiệu đó là chân dung anh hùng Vừu – niềm tự hào của người dân Đăk Sơ Mei nói riêng và người Tây Nguyên nói chung.

Theo lời giới thiệu của anh, tôi tìm tới làng Tul Đoa, xã Đăk Sơ Mei, huyện Đăk Đoa, thăm ngôi nhà giản dị, bình yên của người anh hùng Vừu. Nơi đây chỉ còn hoài niệm về huyền thoại anh hùng Vừu qua kí ức những người còn sống.

Thực sự, tôi không thể tin người đàn ông có gương mặt sạm đen, gầy gò trước mặt tôi là con trai đầu của Anh hùng, liệt sĩ Vừu – ông Hnhak. Ông ngồi lặng yên trong ngôi nhà phủ đầy bụi thời gian, mái tóc bạc, làn da điểm đồi mồi, khoé mắt nứt chân chim, rồi cả tấm chăn mỏng trên giường, chiếc áo mỏng ông đang vận trên người, thậm chí cả tuổi của ông…đều chứa sức nặng của thời gian.

Bức tượng anh hùng Vừu tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai
Bức tượng anh hùng Vừu tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

Giọng ông trầm đục, ngai ngái đặc sánh sau hơi thuốc lá cuộn lọc xọc. Dòng hồi ức của ông ùa về, miên man ngược về kí ức, thi thoảng đứt quãng bởi tiếng ho húng hoắng. Câu chuyện về cha – tấm gương hi sinh quả cảm, biểu tượng lòng anh dũng, kiên cường của người con Bahnar nơi đại ngàn hùng vĩ.

Ông Vừu sinh năm 1950, tại xã Đăk Đoa, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ của Vừu nhọc nhằn, nghèo khó chứng kiến cảnh giặc ngoại xâm giày xéo lên nương, rẫy đồng bào.

Sống khốn khổ trong lòng địch, nhìn dân bản đói miếng ăn, thèm miếng nước, từ đó đã hun đúc trong Vừu lòng căm thù giặc sục sôi và ý chí yêu nước sắt son.

Năm 1939, làn sóng Cách mạng dâng khắp mảnh đất Tây Nguyên, Vừu là một trong số những người đầu tiên tham gia phong trào “đất nước đứng lên” chống bắt phu lính ở địa phương. Không những thế, Vừu còn vận động trai tráng ở làng cùng tham gia Cách mạng, đấu tranh chống thực dân Pháp tàn ác.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Vừu hăng hái tham gia xây dựng chính quyền, trở thành một nhân tố tiêu biểu trong phong trào chống giặc xâm lược của Đắk Đoa.

Khi giặc tăng cường hoạt động, tổ chức mạng lưới tề điệp dày đặc ở khắp các buôn làng, Vừu tìm mọi cách đến từng nhà, vạch rõ âm mưu của giặc cho đồng bào các dân tộc biết, cùng bà con trong làng phát nương, làm rẫy, làm thật nhiều hầm chông, cạm bẫy để bắt con heo rừng và bắt cả con “heo Tây”.

Việc vận động đồng bào các dân tộc tiếp tế nuôi 10 đồng chí trong đội vũ trang suốt 8 tháng liền và dẫn đường cho đội vũ trang phục kích tiêu diệt gọn đội tuần tiễu của địch gồm 14 tên, trong đó có tên Vít – tên tay sai đi theo giặc, phản bội buôn làng, có nhiều nợ máu với nhân dân, đã khoét sâu sự hận thù, tức tối của những kẻ xâm lược.

Vừa nằm trong danh sách đen cần phải theo dõi, tiễu trừ của chúng. “Thằng Tây treo giải ai bắt được ông sẽ thưởng nhiều muối ngon, nhiều vải tốt. Thời ấy, người đồng bào mình nghèo đói lắm, có được hạt muối chẳng khác gì có trong tay bảo bối” – ông Hnhak nhớ về thời kì nghèo khó, thiếu thốn ấy, khiến tôi bất giác nhớ tới một bộ phim cũ kể về người đồng bào dân tộc Tây Nguyên mình, thiếu và thèm hạt muối tới mức phải đốt từng nắm gianh (thường dùng lợp mái nhà) để chấm với cơm nắm cho có vị mằn mặn.

Ông Hnhak lim dim đôi mắt màu cỏ cháy mờ đục sau làn khói thuốc, tiếp tục câu chuyện: “Thời ấy, ai cũng nghe và tin cha tôi. Tức quá, bọn địch cho một tiểu đoàn vào làng đốt nhà cửa, bắt người già, trẻ con đi mất. Chúng làm thế, bà con càng căm thù chúng hơn và càng quyết tâm đi theo cha tôi hơn”.

Một lần, trong lúc đang đi tuyên truyền vận động nhân dân, Vừu bị địch ập vào bắt. Chúng đánh đập tàn nhẫn và giải ông về Đăk Đoa. Trước mọi hình thức tra tấn dã man của chúng, ông kiên quyết không khai báo và chửi thẳng mặt tên Thông – một tên phản cách mạng, đầu hàng địch, vạch rõ bộ mặt tráo trở, đớn hèn của hắn.

Không khai thác được gì, chúng đành giải ông lên Kon Tum nộp cho cấp trên. Nửa đường, nhân lúc chúng sơ hở, ông chạy vào rừng sâu trốn thoát. Vốn thông thạo địa hình rừng núi, cùng với hành động nhanh chóng, dứt khoát, mặc cho lũ địch điên cuồng xả súng xối xả, chúng đành ngậm ngùi để tuột mất Vừu.

Năm 1950, Vừu được bầu làm Chủ tịch xã, tuy sức khoẻ không được tốt, nhưng ông vẫn hăng hái hoạt động, xây dựng lực lượng dân quân du kích, phát triển chiến tranh du kích ở địa phương.

Một hôm, Vừu đi công tác, dọc đường bị mưa ướt, đói rét, vừa về đến nhà thì địch mai phục sẵn từ trước, ập vào nhà và vây bắt được ông. Chúng dùng báng súng giáng tới tấp vào người rồi lấy dao nhọn rạch nát thịt ông.

Chúng tra tấn hỏi ông về các địa điểm cất giấu cán bộ nhưng ông kiên quyết không khai báo. Chúng bắt ông đi theo lùng sục ở chiến khu để nhận mặt cán bộ, khi gần tới nơi, ông đã kêu to báo động để 6 cán bộ của ta nghe động và nhanh chóng trốn khỏi nơi địch đang cày xới. Nhân lúc địch lơ là tìm kiếm cán bộ, Vừu nhằm hướng rừng thẳm và lẩn trốn thành công.

Ông HNhak chậm rãi: “Cha bị bắt 3 lần, lần nào ông cũng dõng dạc nói một câu duy nhất: “Dân tao ai cũng là cán bộ. Tao không biết nói tên ai. Tao chỉ biết tên tao: Vừu!”.

Hai lần trước bị bắt, cha tôi đều trốn thoát, trở về cùng đồng bào cầm dao, cầm cuốc, thuổng đánh giặc, đến là thứ ba thì…”. Ông Hnhak bỏ lửng giữa câu, đôi mắt thêm phần mờ đục, giọng nói rơi tõm vào khoảng không bao la bất tận…

Đó là một ngày tháng 4/1952, nắng hanh hao tưởng như vắt kiệt da thịt người, trong một lần đi công tác, Vừu bị địch phục kích bắt được. Biết ông uống nước của suối, nói tiếng của núi, được Yang (trời) phú cho đôi chân to, khoẻ rắn rỏi, chạy nhanh hơn cả con sóc trong rừng, chúng trói chặt ông vào gốc cây, dùng những thủ đoạn tra tấn tàn ác nhất như đám mọi rợ đày đoạ thân thể ông.

Chúng cắt 2 tai, chặt 10 đầu ngón tay, xẻo mũi ông, đe doạ nếu ông không khai báo, chúng sẽ hành hạ từ từ cho tới chết. Trước đòn tra tấn dã man của chúng, ông đau đớn gật đầu đồng ý dẫn chúng tới chiến khu bí mật của ta.

Bọn địch hả hê đi theo ông, không hề hay biết rằng ông đã dùng mưu, dụ chúng chạy vào hầm chông mà trước đó ông và bộ đội cùng đào bẫy giặc. Hàng chục tên bị sập hầm chông chết trong đau đớn, hàng chục tên khác bị thương nặng.

Bị mắc mưu và hao tổn binh sĩ, chúng điên cuồng đánh đập ông, dùng dao khoét hai mắt ông, dùng lưỡi lê đâm ông, xả súng vào ông như mưa rừng rồi ném xác xuống suối. Đôi mắt rực cháy ánh lửa căm hờn, hiên ngang phừng phừng nhìn vào bè lũ cướp nước lớn tiếng khẳng định:

“Chúng mày có giết tao thì trăm ngàn người như tao sẽ giết chúng mày!” rồi vĩnh viễn hoá vào đất mẹ, vọng bốn bề núi rừng Tây Nguyên.

Đêm ấy, người dân làng Đăk Đoa đốt đuốc thâu đêm đi tìm và người ta tìm thấy xác của ông bên dòng suối nhỏ. Máu của ông hoà cùng dòng suối, chảy khắp Mang Yang, len lỏi khắp Tây Nguyên, róc rách kể chuyện người anh hùng vĩ đại của đại ngàn.

Ông HNhak kể cho tôi nghe về bà H’Nheo, bà Kít – những người em gái của ông và Kar – một người em yểu mệnh, cũng là những giọt máu của Anh hùng liệt sĩ Vừu trong đó có H’Nheo bị mù mấy năm nay, gầy gò, ốm yếu chẳng khác gì ngọn đèn leo lét trước gió.

Trong kí ức của ông, cha tham gia Cách mạng nhiệt tình lắm, ở nhà chỉ có một mình mẹ chăm sóc các con thôi. Gọi là chăm sóc, nhưng thời ấy thiếu thốn lắm, mấy anh em như cây dại, tự lớn khôn, trưởng thành, được cha truyền cho tình yêu nước, yêu buôn làng.

Cha khai với giặc là cha không có con, không nhà cửa nhưng chúng thừa biết gia cảnh của cha. Chúng dỡ nhà, mẹ thì chết, HNhak đi theo cách mạng, ở nhà còn mấy chị em nheo nhóc, cơm không có mà ăn, thi thoảng lại bị địch gọi lên tra khảo. Riết rồi cũng qua những năm tháng khốn cùng đó.

Từng chứng kiến cha bị đánh bê bết máu, 2 tay bị xích chặt, Hnhak căm giận hét lớn trước mặt bọn Tây: “Chúng mày muốn tìm Việt Minh à? Tất cả đồng bào tao đều là Việt Minh”, nhưng chúng lại tra khảo, đánh đập cha tàn nhẫn.

Giọng ông Hnhak nghèn nghẹn: “7/6/1956, cha được Quốc Hội Việt Nam dân chủ Cộng hoà truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mấy anh em đón nhận mà ôm nhau khóc, vì nhớ và thương cha quá.

Cha không còn, nhưng những câu chuyện về cha vẫn được người dân làng Đăk Sơ Mei truyền tai nhau từ đời này qua đời khác trong những câu chuyện hàng ngày, bên ché rượu cần, bên bờ suối, trên rẫy, trên nương…”.

Ông Hnhak trầm ngâm vân vê điếu thuốc cuộn, đôi mắt khắc khổ như màn sương mỏng buông nhẹ xế chiều nhìn vào xa xôi, tưởng nhớ người cha, vị anh hùng vĩ đại, lặng lẽ như thể tan vào mây gió.

Rời khỏi nhà ông Hnhak khi mặt trời đã chuẩn bị xuống núi, gió chiều lành lạnh đu đưa khắp các ngọn cây rừng. Thoảng nghe trong gió, câu chuyện về người anh Vừu – niềm tự hào của Đăk Sơ Mei, niềm kiêu hãnh của Tây Nguyên, khúc tráng ca bi hùng của dân tộc còn vang vọng khắp đó đây.

Nhè nhẹ đôi chân trên nền đất sỏi, tôi bâng khuâng đi giữa huyền thoại – nơi có người anh hùng viết nên huyền thoại: Anh hùng, liệt sĩ Vừu.

  • Du Mục
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc