Chuyện bỏ phần trình diễn áo tắm trong cuộc thi hoa hậu: "Dung" trong tứ đức của phụ nữ là gì?

( PHUNUTODAY ) - Phần thi áo tắm có vẻ như chỉ để thu hút người xem nhiều hơn, bởi tỷ lệ số đo cơ thể được đo đạc chuẩn xác từ các vòng ngoài rồi, và việc cơ thể có đẹp hay không cũng có thể đánh giá khi các cô gái mặc các trang phục khác.

 Bắt đầu từ năm 2019, cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America) sẽ chính thức loại bỏ phần thi áo tắm, khi “kỷ nguyên #Metoo” đã bắt đầu và đang gây tiếng vang lớn tại quốc gia này cũng như trên toàn thế giới. Trước đó, cũng đã có các quốc gia mạnh tay cấm các bộ áo tắm quá hở hang như bikini, nhưng tranh luận chưa bao giờ là chấm dứt về tiêu chí đánh giá cái đẹp của người phụ nữ.

Những người phản đối loại bỏ phần thi áo tắm cho rằng một cuộc thi nhan sắc thì yếu tố hình thể là không thể thiếu. Muốn đánh giá chính xác vẻ đẹp hình thể thì phải có phần thi trang phục áo tắm, ban giám khảo và người xem mới có thể có sự so sánh và kết luận chính xác.

Hay với lý lẽ rất tích cực khác, nhiều người cho rằng phần thi áo tắm đơn thuần là để cổ vũ cho phong cách sống lành mạnh bằng cách gợi cảm hứng từ những cân hình cân đối.

Điển hình là Kendall Morris, một thí sinh tham gia cuộc thi Miss America 2011 với vai trò là Hoa hậu bang Texas, cho biết phần thi áo tắm đã cho cô động lực để ăn uống điều độ và luyện tập thể hình cho cân đối. “Thực hiện chế độ ăn uống điều độ và luyện tập cơ thể không chỉ để cho 15 giây xuất hiện trên sân khấu mà cho cả đời. Nhờ màn thi này tôi đã áp dụng cho mình một chế độ ăn uống, uyện tập cả đời, vượt ra ngoài sân khấu Hoa hậu Mỹ” – Morris cho biết.

images

Theo Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Mâu Thủy, việc bỏ hay không bỏ thi áo tắm còn phụ thuộc vào tiêu chí từng cuộc thi. 

"Mỗi cuộc thi có những tiêu chí khác nhau, chẳng hạn Hoa hậu Việt Nam tôn vinh nét đẹp truyền thống, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam hướng đến vẻ đẹp hiện đại, nóng bỏng. Tôi nghĩ tùy từng cuộc thi mới nên quyết định bỏ hay giữ. Cá nhân tôi vẫn thích theo dõi một cuộc thi nhan sắc có vòng thi bikini hơn. 

Riêng Hoa hậu Hoàn vũ, tôi chắc chắn cần phải duy trì phần thi áo tắm. Nó không chỉ tôn vinh vẻ đẹp bề ngoài, mà còn thể hiện sự tự tin, nỗ lực tập luyện của một cô gái để có được vóc dáng đẹp", Mâu Thủy cho hay. 

Tuy nhiên yếu tố thuyết phục hơn của những người đồng ý bỏ phần thi áo tắm lại nằm ở việc nghĩ tới cảm nhận của chính các cô gái, bảo vệ người phụ nữ, ngăn chặn nạn kỳ thị hình thể và những tội ác tiềm ẩn từ việc “sở hữu thân thể người khác bằng ánh mắt”.

Hãy tôn trọng cơ thể người phụ nữ

“Chúng tôi đã nghe rất nhiều phụ nữ trẻ chia sẻ họ rất thích tham gia cuộc thi nhưng họ không muốn phải trình diễn áo tắm”, Gretchen Carlson – cựu Hoa hậu Mỹ và hiện là thành viên của Hội đồng quản trị cuộc thi Miss Ameraca cho biết.

Năm 1950, hoa hậu Mỹ Yolande Betbeze đã từng gây chú ý từ dư luận khi từ chối mặc trang phục áo tắm lúc đăng quang với lý do: “Tôi là sinh viên opera và không có chân đẹp”.

Bà Kate Shindle, cựu hoa hậu Mỹ năm 1998 và đang là thành viên ban lãnh đạo Tổ chức Hoa hậu Mỹ cũng chia sẻ quan điểm:

“Khi tôi dự thi 20 năm trước, tôi đã thấy phần thi áo tắm mang lại một cảm giác mạnh mẽ lạ lùng, vì một khi tôi đã có thể bước trên sân khấu với trang phục áo tắm hai mảnh và giày cao gót thì tôi có thể làm bất cứ thứ gì khác. Nhưng tôi không nghĩ mình đã hiểu hết mọi thứ vào thời điểm đó. Quả thật rất kỳ cục, nó cho phép những người lạ một dạng thức sở hữu với thân thể bạn mà bạn hoàn toàn không mong muốn”.

Việc phô bày hình thể của các cô gái để người khác chấm điểm vốn đã gây tranh cãi từ lâu, và mục đích ban đầu của nó trong giải thi hoa hậu Miss America đầu tiên là để kéo dài kỳ nghỉ hè. Thế nên màn thi áo tắm ngay từ đầu đã không phải là để đánh giá vẻ đẹp hình thể. Nếu có thì cũng chẳng thể đánh giá chính xác với những bộ áo tắm như thế này:

nhung-my-nhan-sang-gia-nhat-cho-chiec-vuong-mien-hoa-hau-the-gio-af3ba3

Hoa hậu Ngọc Hân cũng có ý kiến phân tích kỹ hơn về tiêu chí đánh giá vẻ đẹp hình thể này. Cô cho biết việc bỏ phần thi áo tắm không ảnh hưởng tới mục đích chọn ra người đẹp xứng đáng để đăng quang: “Kỹ thuật trình diễn trên sân khấu có thể giúp thí sinh che phủ khiếm khuyết hình thể. Để đánh giá vẻ đẹp ngoại hình của các thí sinh thì ống kính máy quay, những chỉ số đo đạc được bác sĩ thực hiện trong phòng kín là cách chính xác nhất. Nếu có cuộc bình chọn bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi hoa hậu, tôi sẽ ‘vote’ cho việc loại bỏ này”.

Phần thi áo tắm có vẻ như chỉ để thu hút người xem nhiều hơn, bởi tỷ lệ số đo cơ thể được đo đạc chuẩn xác từ các vòng ngoài rồi, và việc cơ thể có đẹp hay không cũng có thể đánh giá khi các cô gái mặc các trang phục khác. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta nhận biết, đánh giá những người phụ nữ có cơ thể cân đối, khỏe mạnh cũng đâu cần bởi cô ấy đang mặc một bộ bikini.

“Dung” trong Tứ Đức của người phụ nữ là gì?

Từ xưa tới nay, cái Dung của người phụ nữ được công nhận không phải bằng cách bắt cô gái phải gần như cởi sạch đồ trên cơ thể mới có thể đánh giá được. Mà Dung là ý chỉ người phụ nữ có dáng người hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân. Nó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng đề cao sự biết tự chăm sóc và rèn luyện bản thân để có dung mạo khỏe mạnh, cân đối của các cuộc thi hoa hậu ngày nay. Nhưng hoàn toàn không phải bằng việc phô bày thân thể.

Trong “Nữ giới”, trước tác thời Đông Hán có viết: “Phụ nữ có tứ hành, gọi là phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công. Nói về Đức của phụ nữ, không cần phải tài minh tuyệt dị; Về Ngôn, không cần phải biện khẩu lợi từ; Về Dung, không cần nhan sắc mỹ lệ; Về Công, không cần phải công xảo hơn người.

Trong đó để giải thích Dung không cần phải nhan sắc mỹ lệ, có ghi: “giặt sạch bụi bẩn, phục sức tinh tươm, tắm gội sạch sẽ, giữ thân không cấu uế, gọi là Dung của nữ nhân”.

Một cuộc thi thời trang có thể sẽ bớt hấp dẫn và thu hút được ít người xem hơn nếu thiếu phần thi áo tắm. Nhưng chắc chắn không vì thế mà ban giám khảo không thể đánh giá hết được nét đẹp của người phụ nữ khiến ảnh hưởng tới chất lượng cuộc thi. Và các chị em phụ nữ thân mến, các chị không cần một cô gái bụng thon, chân dài với tỷ lệ cơ thể hoàn hảo để nhắc nhở rằng các chị phải biết chăm sóc bản thân. Đó là việc phụ nữ đương nhiên phải làm nhưng phải phù hợp và mục đích chỉ nên là để tôn trọng người khác và thể hiện sự giáo dưỡng của mình.

Thiên nhiên phong phú và tuyệt đối cân bằng bởi vạn vật đều làm tốt nhất với những gì mình có và không làm mọi cách để được giống như những tạo phẩm khác của thiên nhiên. Chim không cần biết lặn, cá không cần biết bay và người phụ nữ đang cho con bú không thể giống như thiếu nữ 18 tuổi.

Thế thì còn lý lẽ nào thuyết phục hơn để giữ lại phần thi áo tắm không?

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn